Người trông “mắt biển” Trường Sa

14-02-2014 23:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Hải đăng Trường Sa Lớn cùng với 8 ngọn hải đăng khác trên quần đảo Trường Sa ngoài nhiệm vụ dẫn lối cho tàu thuyền qua lại an toàn còn là cột mốc đánh dấu hải giới và các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1994.

Hải đăng Trường Sa Lớn cùng với 8 ngọn hải đăng khác trên quần đảo Trường Sa ngoài nhiệm vụ dẫn lối cho tàu thuyền qua lại an toàn còn là cột mốc đánh dấu hải giới và các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1994.

Chén rượu nhập môn...

Câu chuyện về các anh, những cán bộ nhà đèn trong quần đảo Trường Sa, tôi đã được nghe rất nhiều. Đầu tiên là tên gọi, từ các biệt danh mỹ miều nhất như “thần đèn” cho đến những cách gọi dân dã nhất mà người ta đặt cho các anh: thợ gác đèn, những người lính không quân hàm, những chiến sĩ thầm lặng... Rồi cả đến những khó khăn vất vả mà các anh phải đương đầu với sóng gió ở những nơi đặc thù xa xôi, cách trở như quần đảo Trường Sa. Nghe là vậy nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi được trực tiếp gặp các anh. Và cũng thật bất ngờ, thật đặc biệt bởi hình ảnh khiến tôi ấn tượng nhất trong lần gặp đầu tiên này không phải là bản lĩnh, sự rắn rỏi hay chịu đựng gian khổ của những anh thợ đèn “cưỡi sóng, đạp gió” Trường Sa mà lại là hình ảnh yêu đời, vui tươi đến mức khiến người khác phải ghen tỵ khi các anh vừa nấu ăn vừa huýt sáo mà chúng tôi tình cờ được nhìn thấy khi vào thăm Trạm Hải đăng Trường Sa Lớn.

Hải đăng Trường Sa Lớn có kiến trúc hình bát giác, sơn màu vàng chanh và hướng ra Biển Đông. Ảnh: Việt Cường

Hải đăng Trường Sa Lớn có kiến trúc hình bát giác, sơn màu vàng chanh và hướng ra Biển Đông. Ảnh: Việt Cường

Chúng tôi đến Trạm Hải đăng Trường Sa Lớn vào đúng lúc các cán bộ trong trạm đang chuẩn bị bữa cơm trưa. Mùi thơm phức của món cá rán đã dẫn dụ chúng tôi vào khu bếp của trạm. Đứng ở cửa, chúng tôi chưa hết ngạc nhiên về căn bếp nhỏ xíu chỉ hơn chục mét vuông thôi nhưng được sắp xếp rất gọn gàng, ngăn nắp thành từng khu nấu ăn, khu để thực phẩm và cả khu ăn cơm thì đã bị ấn tượng bởi không khí nấu ăn của những đầu bếp vui vẻ của Trạm Hải đăng. Người thì huýt sáo, người thì nghêu ngao hát... khiến chúng tôi cũng không thể đứng ngoài cuộc được. Tôi vội ngồi xuống nhặt rau cùng Tuấn Anh, một chiến sĩ của Trạm Rada 11 và là người hàng xóm thân thiết của Trạm Hải đăng. Tuấn Anh vừa thoăn thoắt nhặt rau vừa hào hứng khoe với tôi về rổ rau (chiến lợi phẩm khó kiếm nhất ở trên đảo) mà anh hái được sáng nay. Bởi đó đa phần đều là rau dại mọc trên đảo: đay dại, mầm cải, rau đồng đội, rau húng lá mơ, lá tra, cải mầm...

Tuấn Anh lần lượt chỉ tay giới thiệu cho tôi các cán bộ trong trạm. Thoạt nhìn tôi thấy các anh đều có một đặc điểm chung, đó là nước da đen sạm mang đặc trưng của cái nắng Trường Sa, lông mày rậm và giọng nói thì rất to... khiến những người lần đầu tiên tiếp xúc với các anh chắc chắn sẽ đều có một chút dè dặt.

Dường như Tuấn Anh tinh ý nhận ra ngay cảm giác của tôi, anh liền tiếp lời: “Nhìn vậy thôi chứ các anh ở đây đều thân thiết và dễ mến lắm. Cô nhà báo cứ thử ăn cơm ở đây một bữa là lần sau lại cứ muốn đến đây nói chuyện với các anh cho mà xem...”. Tuấn Anh vừa dứt lời thì anh Nguyên, cán bộ Trạm Hải đăng nói: “Bao nhiêu năm ở biển nên vậy đấy, chứ bọn anh hiền khô à, cô nhà báo có vào đây xào chuối giúp anh không...”. Tiếp lời anh Vũ Sỹ Lưu, Trưởng trạm Hải Đăng, người mà thoạt nhìn có vẻ khó tính nhất trạm, với giọng nói gắt gỏng, hơi khô khan và cặp lông mày rậm nói vui: “Bọn anh quen sống với biển cả, với thiên nhiên rồi có khi nói chuyện với cái nắng, cái gió của Trường Sa thì được chứ không quen nói chuyện với người đất liền, không nói khéo được đâu”. Câu nói đùa vui của các anh khiến tôi và người đồng nghiệp đi cùng dường như xua tan đi mọi cảm giác e ngại ban đầu.

Nói vui là vậy nhưng kỳ thực các anh quen và hiểu được cả cái nắng, cái gió của Trường Sa còn hơn quen nói chuyện với người đất liền. Bởi cái nắng, cái gió Trường Sa thì là cuộc sống hàng ngày nhưng những chuyến tàu từ đất liền ra thăm các anh thì một năm có được mấy chuyến...

Thực phẩm cho bữa ăn tuy đơn sơ nhưng dưới bàn tay tháo vát, đảm đang của những “ông nội trợ” trong trạm, chúng tôi đã có một bữa cơm với đầy đủ các món rán, xào, kho đều từ nguyên liệu duy nhất là cá. Và với những dịp có khách từ đất liền ra như thế này thì không thể thiếu rượu được. Bởi rượu của các anh cất giữ cả năm cũng chỉ đợi khách đến để dùng. Uống cạn chén rượu mà như Tuấn Anh nói vui là “chén rượu nhập môn”, dường như mọi dè dặt ban đầu đều bị xua tan hết, lúc này mới thực sự là lúc chúng tôi được nhập cuộc, bởi chúng tôi đã được coi như một người bạn của Trạm Hải đăng.

Anh Lưu là một trong những người đầu tiên đi Trường Sa (từ năm 1993). Tính đến nay, anh đã có mặt ở vùng biển đảo xa xôi này của Tổ quốc tròn 20 năm. Bởi vậy, như câu nói vui của anh với tôi: “Anh là người may mắn nhất khi được ra Trường Sa từ những ngày sơ khai. Ngày đó đèn hải đăng còn dùng bằng ắc quy, bởi vậy ánh sáng có lúc lập lòe như điếu thuốc lá. Cho đến bây giờ, anh cũng được tận mắt chứng kiến Trường Sa đổi khác, đầy đủ và phát triển hơn rất nhiều. Đặc biệt hải đăng bây giờ được trang bị hiện đại với hệ thống đèn, thiết bị chiếu sáng đều sử dụng bằng điện”. Tôi được biết, sau một vài lần vào bờ nghỉ phép, anh cũng đã chuyển ngành công tác nhưng cuối cùng anh vẫn ra Trường Sa. Có lẽ cái nghiệp của anh đã được định. Đó là “nghiệp” với Trường Sa, với nhà đèn.

Vai trò của hải đăng Trường Sa vô cùng quan trọng. Bởi mỗi ngọn hải đăng được dựng lên trên biển tương ứng với một cột mốc được dựng lên trên đất liền. Khi đó, Việt Nam sẽ có căn cứ thông báo với quốc tế và có tên trên hải đồ thế giới. Theo đó, mỗi cây đèn khi xây dựng đều có một đặc thù, màu sắc, hình khối khác nhau để họ phân biệt được lãnh thổ quốc gia. Nhờ có nó mà trong giao thương quốc tế, tàu thuyền đi qua sẽ biết đây là lãnh hải của nước nào. “Và có đèn thì quốc tế sẽ hợp pháp hóa để đưa mình vào nguồn hàng hải chính trong giao thương quốc tế, như thế mình cũng sẽ có thu nhập của nguồn hàng hải chính này”, anh Lưu nhấn mạnh.

Tôi hỏi anh Lưu về những vất vả, đặc thù công việc hàng ngày của các anh, anh chỉ vẻn vẹn nói với tôi: “Trạm có tất cả 6 cán bộ biên chế và hiện đang có 5 cán bộ trên đảo. Công việc hàng ngày của trạm là báo hiệu luồng hàng hải cho tàu bè đi qua khu vực này để xác định hướng trên biển. Chỉ có vậy thôi cô nhà báo ạ”.

Sự khiêm tốn của anh Lưu khiến chúng tôi càng quý mến các anh hơn. Bởi tôi biết môi trường của các anh vô cùng khắc nghiệt. Các anh phải làm việc ngày đêm trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với ắc quy, axít và thiết bị máy móc, những vật dẫn điện. Bất kể nắng hay mưa, mùa biển lặng hay bão tố, các anh đều phải đảm bảo cho ngọn hải đăng không bao giờ được tắt. Đó không chỉ là nguyên tắc mà còn là mệnh lệnh chiến đấu. Do nhiễm nước biển mặn, những ngọn hải đăng thường xuyên bị gỉ sét, nếu không bảo quản thường xuyên đèn dễ chập, cháy. Bởi vậy, bên cạnh việc huấn luyện phương án sẵn sàng chiến đấu bảo vệ nhà đèn, các anh thường xuyên phải lau chùi bảo quản, bảo dưỡng trong điều kiện khí hậu hết sức khắc nghiệt “nắng cháy da, gió rát mặt”...

Anh Vũ Sỹ Lưu - Trạm trưởng Hải đăng Trường Sa Lớn đang lau chùi, bảo dưỡng đèn để đảm bảo chiếu sáng phục vụ an toàn hàng hải trên vùng biển Trường Sa.

Kỷ niệm của những ngày đầu tiên

Trong câu chuyện với anh và các cán bộ khác trong trạm, các anh đều không mảy may nói đến sự vất vả của mình. Thế nhưng khi nói về những cảm xúc, kỷ niệm với mảnh đất Trường Sa, với “nghiệp gác đèn” thì các anh lại rôm rả vô cùng.

Anh Lưu chia sẻ: “Giờ Trường Sa thay đổi nhiều quá. Trước anh ra đảo chưa có gì cả: rau chưa có, lợn chưa tăng gia, không thông tin, không sóng điện thoại... Tất cả mọi thông tin bọn anh chỉ được nghe bập bõm từ radio Hải Phòng, radio TP. Hồ Chí Minh... Bởi vậy, khi về nghỉ phép trong đất liền thì như ngố ngày vậy”.

Anh nhớ kỷ niệm vui trước khi anh quyết định ra đảo công tác: “Mọi người trong bờ dọa là ra đây cẩn thận cá mập ăn thịt, con ốc này ốc kia nó ngậm chân, rồi nếu gặp con bạch tuộc nó dìm mình xuống biển. Bởi vậy khi đi trên tàu chỉ nhìn xuống biển thôi là cũng đã sợ run hết cả người rồi...”. Tiếp đến là lá thư của vợ gửi ra mà nửa năm mới nhận được. Trong thư vợ hỏi: “Lúa ngoài Trường Sa có tốt không anh?”... anh Lưu vừa kể với tôi vừa không nhịn được cười.

Ngày đó, do công tác tuyên truyền chưa được tốt nên mọi người gần như chưa biết gì về Trường Sa. “Ở nhà vợ vẫn cứ nghĩ ngoài này cũng giống như bất kể nơi nào trong đất liền vậy”, anh Lưu tiếp lời. Bởi vậy, có người hỏi vui anh: “Ở ngoài đảo, anh có ước mơ gì lớn nhất?”. Anh Lưu cười trả lời: “Tôi chỉ mong sao vợ tôi có đôi cánh bay ra biển để tôi được ôm vợ tôi một cái. Rồi cho vợ đi ngắm cảnh biển, ngắm đảo để xem lúa trên đảo như thế nào...”.

Anh Nguyên - cán bộ Trạm Hải đăng, người gốc Hải Phòng cũng ở trên đảo được tròn 17 năm. Bắt đầu từ năm 1996, anh ở đảo An Bang được 14 tháng. Về nghỉ phép, sau đó anh lại tiếp tục đi Song Tử Tây 3 lần liên tiếp, sau đó đi đảo Tiên Nữ, rồi lại quay lại An Bang... “Cứ như thế ròng rã trong 17 năm trời, anh đi từ lúc cậu con trai anh được 1 tháng tuổi rưỡi. Giờ cu cậu được 17 tuổi rồi”, anh Nguyên chia sẻ. Mắt anh bỗng sáng ngời, nói với tôi: “Các con anh ngoan và quý bố lắm mặc dù bố không ở nhà nhiều...”.

Tôi hỏi anh, trong từng đó năm ngoài đảo, có lúc nào các anh cảm thấy chùn chân, không chịu nổi không, anh Nguyên trả lời tôi: “Không chịu cũng phải chịu nhà báo ạ. Lúc đầu còn bỡ ngỡ, chứ giờ quen quá rồi. Có khi cho anh về đất liền anh không thích nghi nhanh bằng sống ở đây đâu... Ở đây nhìn mây, nhìn trời là bọn anh biết được mưa, nắng, biết được con nước, thủy triều...”.

Rồi anh Nguyên quay sang giới thiệu với tôi về 3 “đứa con” là 3 chú chó mà anh nuôi trên đảo. Anh Nguyên coi chúng như con của mình vậy. Anh biết tường tận tính cách cho đến sở thích của chúng. “Con Keo khôn và ngoan lắm, lại còn rất biết điều nữa. Có những hôm anh đi câu ngồi 3 tiếng đồng hồ giữa buổi trưa nắng chang chang, vậy mà cả 3 đứa đều ngồi cùng anh đến lúc đi về...”, anh Nguyên vừa xoa đầu con Keo vừa nói.

Anh Nguyên còn khoe với tôi: “Giờ anh khâu áo còn đẹp hơn cả vợ anh nữa, mũi nhỏ xíu, thẳng tắp...”. 17 năm sống xa gia đình, xa vợ con nên anh thạo hết cả việc mà đáng lẽ ra là của vợ làm. Nhìn bề ngoài, với dáng người thấp đậm, làn da đen sạm cùng giọng nói to sang sảng, anh Nguyên cũng có cảm giác khó gần. Thế nhưng đúng là khi tiếp xúc, những ông “lính nhà đèn” này đều khiến người ta thấy dễ mến và thân thiện vô cùng...

Anh Lưu cười và nói với tôi: “Cuộc đời anh chỉ quanh quẩn với cây đèn thôi em ạ”. Câu nói vui của anh nhưng ẩn sau đó là cả một ý nghĩa sâu sa. Và đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in từng giọng cười, từng ánh mắt tràn đầy niềm tin và hy vọng của những con người canh giữ “mắt biển” Trường Sa. Tuy các anh không nói ra, nhưng tôi hiểu trong lòng các anh đã thầm xác định gắn bó cả cuộc đời mình với nghiệp gác đèn Trường Sa. Sự hy sinh thầm lặng của các anh cùng tinh thần, bản lĩnh, ý chí kiên cường không ngại gian khổ đó đã giúp hàng triệu ngư dân Việt Nam cùng đội tàu 130 nghìn chiếc vẫn ngày đêm ngang dọc vững tin đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của Tổ quốc.     

Vi Thảo

 


Ý kiến của bạn