Mặc cảm vì căn bệnh phong quái ác, Rơ Ô Nhai (người Jrai ở buôn Toát - xã Ia RSiêm - Krông Pa - Gia Lai) đã quyết vào rừng cho con cọp ăn. Thế nhưng 20 năm một mình lang thang giữa rừng thẳm mà cọp chẳng đoái hoài. Cuối cùng chỉ có bàn tay cộng đồng dang rộng giải thoát cho ông khỏi đớn đau...
20 năm làm người rừng
... Cho đến bây giờ, Rơ Ô Nhai vẫn còn giữ trong bụng cái cảm giác đớn đau lúc bỏ nhà ra đi... Nhìn bốn đứa con đang ngủ vô tư mà Rơ Ô Nhai thấy trong bụng như có bàn tay con gấu đang cào. Nhưng đầu đã quyết, Nhai cố cắn chặt môi đưa tay quệt dòng nước mắt...
Rơ Ô Nhai kẻ cho dân làng Plei Mark nghe chuyện những ngày ở rừng. |
Núi Byang hồi những năm 1980 rậm rạp, chỉ có những người đi săn mới đặt chân tới. Nhai cắt tranh dựng một cái lều bên suối dưới gốc cây to. Nhai tính như thế cho con cọp dễ thấy trước khi mình ăn hết số gạo mang theo...
Quả nhiên là Nhai không phải đợi lâu... Vào cái đêm thứ ba, lúc ấy con gà rừng mới eo óc gáy cử đầu, Nhai thức dậy vì thấy cái lạnh ở đâu cứ chờn vờn trên da thịt. Một con mắt nhắm một con mắt thức cho cái bếp ăn lại củi, thốt nhiên Nhai có cảm giác như ai liếc cái lưỡi dao sắc lẻm vào sống lưng: cái mùi gì như thịt để ống gác bếp quá ngày phả vào lều? Nhìn ra thì Yàng ơi, một con cọp đang ngồi trước sân lều. Hai con mắt như hai cục lửa của nó chiếu thẳng vào Nhai!
... Có lẽ nhờ bếp lửa, nhờ tiếng thét sợ hãi như xé ruột của Nhai mà nó không dám vồ? Cũng chẳng biết nữa! Chỉ biết rằng sau cái đêm kinh khủng ấy Nhai lại đâm ra thèm sống. Con người ta lạ thế, lúc gần cái chết nhất lại là lúc sợ chết nhất... Và Nhai đã quyết sống với một bản năng mãnh liệt không ngờ...
Nhai dời lều ra chỗ trống và bắt đầu hành trình kiếm sống với phương tiện duy nhất có trong tay là một con dao nhọn. Đầu tiên Nhai băng rừng ra rẫy cũ kiếm cây mì về cắm dày đặc quanh lều. Nhai không thể làm lúa vì tay Nhai bị cùi co quắp ngón lại không cuốc đất được. Trong khi chờ mì ra củ, Nhai đi đào củ mài. Chỉ với một cây le vạt nhọn, Nhai cần mẫn khoét đất. Được cái củ mài ở rừng không thiếu. Rồi còn các thứ lá, rau rừng... Của rừng mênh mông, con thú sống được thì con người phải sống được... Suốt ngày Nhai như con sóc láo liên tìm kiếm. Cứ trái gì có vị ngọt, cái lá nào không chua không chát thì ăn... Cái thay cơm không sợ, khó là miếng thịt. Làm cái ná thì tay không kéo được, Nhai nghĩ cách làm bẫy. Đêm đêm Nhai cứ loay hoay miết rồi cuối cùng cũng làm được cái bẫy nhỏ. Bẫy nhỏ chỉ có con chuột mắc phải. Chuột cũng tốt, cũng làm dịu đi nhiều cái bụng sôi réo suốt ngày vì phải chứa đủ thứ của Nhai...
Nhưng tất cả cái khổ ấy gộp lại cũng chưa là gì so với nỗi khổ không được ở với con người. Những lúc mất lửa, Nhai phải dùng hai thanh nứa khô cứa vào nhau, suốt cả buổi mới lấy được. Tóc dài, Nhai phải soi mặt xuống suối rồi dùng dao tự cắt; đau ốm thì nhai lá rừng hoặc cứ để thế rồi nó cũng tự khỏi. Không được ở với con người - nói cho phải thì cách vài ba con trăng vợ Nhai cũng vào thăm. Để gặp được Nhai, vợ phải đi từ lúc con gà gáy. Nhưng chỉ kịp bỏ lại cho Nhai túm muối, vài ba lon gạo là về ngay. Chưa bao giờ vợ dám ở lại với Nhai. Phải như vậy là vì vợ Nhai sợ làng biết chửi cho, sợ mình lây phải bệnh của chồng rồi người làng lại vác cây rượt đuổi cả mấy mẹ con vào rừng ở như nhiều nhà lúc xưa bị cùi thì khổ... Lo mình quên mất cái tiếng con người, Nhai cứ lẩm bẩm nói chuyện với mình suốt ngày. Cũng có lúc hiếm hoi, một đôi người vào chỗ rừng này săn bắn, thấy họ từ xa Nhai đã ới gọi cuống quýt. Biết Nhai rồi, người ta chỉ đứng tại chỗ nói với lại. Có thế nhưng với Nhai lúc ấy núi rừng cũng ấm lên, con người cũng ấm lên...
Giữa vòng tay cộng đồng
... Cái cột lớn trong lều Nhai đã khắc 20 nhát dao - thế có nghĩa là Nhai đã làm người rừng được 20 mùa rẫy. Đã quên hết mùi rượu, quên hết mùi cơm, chắc là cái ngày Nhai về với Mang lung (làng ma) không còn xa nữa...
Một buổi trưa, đang ngồi đứt từng khúc ruột với cái ý nghĩ ấy, bỗng nhiên Nhai thấy một đoàn người Kinh đi vào. Một chị nói tên mình là Khuyên ở Hội Chữ thập đỏ dẫn đoàn đi tìm Nhai để đưa về chữa bệnh... Chuyện hoá ra là nhờ đi điều tra bệnh phong, chị đã gặp vợ Nhai. Bấy giờ người Jrai buôn Toát mới chợt nhớ ra là buôn mình đã có một con người tên Rơ Ô Nhai...
Nhai được các bác sĩ ở Trung tâm phòng chống bệnh xã hội tỉnh Gia Lai đưa xuống Trại phong Quy Hòa (Bình Định) chữa bệnh. Lần đầu tiên trong đời, bây giờ Nhai mới nhìn thấy cái xe máy chạy trên đường; biết được cái hộp có hình người biết nói (tivi) !
Chưa hết năm, Nhai đã hết bệnh, khoẻ ra như lột xác. Đã đến lúc phải về. Lẽ ra thì phải mừng mới phải, vậy mà ngày nào Nhai cũng thấy ngắn. Cứ nghĩ phải trở về làng cũ là Nhai ớn lạnh sống lưng. Đã đành là mình lành bệnh rồi nhưng chưa chắc người ta đã tin. Nỗi sợ người cùi nó ăn sâu quá rồi. Thấy Nhai không muốn về làng cũ, bà Khuyên nói sẽ đưa Nhai về Plei Mak ở... Một cái làng chưa bao giờ nghe tên, Nhai sống làm sao giữa những con người xa lạ? Một ý nghĩ buông xuôi trong đầu Nhai: nếu họ không dung thì mình lại vào nơi cũ, tiếp tục làm con người rừng.
Làng cùi Plei Mak khi xưa đã đùm bọc, che giấu cán bộ cách mạng vì giặc Mỹ, ngụy cứ tưởng rằng Việt Cộng sợ người cùi mà không vào, nên chúng không bén mảng tới, thì giờ đây lại rộng vòng tay đón người cùi lạc rừng Rơ Ô Nhai. Cái ô tô đưa Nhai về thẳng Plei Mak. Cả làng ùa ra. Trưởng thôn Rơ Mah Doen đến bắt tay... Cứ như không phải cái tai của mình khi nghe trưởng thôn kể: Lúc Hội Chữ thập đỏ đặt vấn đề, trưởng thôn cho họp làng kể chuyện Nhai rồi hỏi ý kiến. Cứ ngỡ mọi người phản đối hoá ra ai cũng đồng ý. Thì ngày xưa Plei Mak cũng có người cùi nên biết nỗi khổ ấy. Không cần trưởng thôn nói nhiều, ông Ksor Rét xung phong hiến một miếng đất. Người khác ai có tôn góp tôn, ai có ván góp ván dựng cho Nhai một căn nhà... Chẳng những thế, người ta còn góp tiền mua chăn màn và các thứ vật dụng, không để Nhai thiếu gì...
Plei Mak nghèo, nắng gió bao đời đã vắt kiệt đất đai, kiếm được cái ăn chẳng dễ nhưng với Nhai, việc nuôi cơm được làng coi là chuyện hiển nhiên. Con người đã 78 mùa rẫy thì còn làm gì nổi nữa. Tháng tháng, người trong buôn không cần ai cắt cử, cứ tự mang gạo đến cho Nhai. Ai có miếng thịt, con cá là cứ tự nghĩ đến Nhai như người trong nhà mình...
... Từ ngày Nhai về Plei Mak đến nay vừa tròn 3 năm, người buôn Toát có biết nhưng chẳng thấy ai ghé. Vợ Nhai thì chỉ đến thăm có một lần. Còn các con, chúng coi Nhai như đã chết rồi... Người ruột thịt mà thấy xấu hổ không bằng người dưng. Nhưng mà con người ta, sự xấu tốt đâu có được Yàng chia đều... Cứ nghĩ đến điều đó là Nhai lại quên chuyện cũ, lại thấy lòng mình ấm áp...
Bài và ảnh: Sông Lam - Ngọc Vương