Tổng Hội Y học Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội nghị khoa học quốc tế dành cho chuyên gia y tế Việt Nam tại TPHCM. Hội nghị thu hút hơn 150 chuyên gia y tế hàng đầu trong các lĩnh vực tim mạch, nội tiết, cơ xương khớp, lão khoa, truyền nhiễm, y học dự phòng và bác sĩ đa khoa tổng quát từ Đông Nam Á và các nước lân cận.
Tại sự kiện, các chuyên gia đầu ngành đã cùng thảo luận về các dữ liệu khoa học, gánh nặng bệnh tật, các thực hành lâm sàng trên thế giới và các giải pháp để phòng ngừa bệnh tật ở người lớn.
Càng lớn tuổi, chức năng của hệ thống miễn dịch suy giảm, đây được gọi là quá trình lão hóa miễn dịch, bao gồm cả yếu tố liên quan đến di truyền và môi trường.
Tiến sĩ Anita Sharma - Giảng viên y khoa, Học viện Y khoa Hoàng gia Úc, Đại học Queensland - Giám đốc phòng khám Trung tâm Y tế Plantinum tại Brisbane, Úc - cho biết: "Khi hệ miễn dịch yếu đi, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm và các biến chứng phức tạp cũng tăng lên. Tuổi tác là yếu tố nguy cơ hàng đầu liên quan đến zona.
Theo số liệu được ghi nhận ở các khu vực khác nhau như Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Á cũng như ở các quốc gia như Úc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Nhật, Anh… tỉ lệ mắc zona tăng mạnh sau 50 tuổi".
Theo đó, cứ 3 người lớn sẽ có 1 người bị zona. Các biến chứng bệnh zona có nguy cơ trở thành mối đe dọa gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Biến chứng thường gặp nhất của zona là đau thần kinh sau zona. Biến chứng này có thể kéo dài hơn 3 tháng sau khi bùng phát bệnh. Ngoài ra, bệnh zona cũng gây ra các biến chứng hiếm gặp khác như mất thị lực và mất thính lực sau zona. Các nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên quan giữa zona và các biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim và đột quỵ đau.
Theo TS.BS Thân Hà Ngọc Thể - nguyên Trưởng bộ môn Lão khoa và chăm sóc giảm nhẹ của Trường Đại học Y Dược, TPHCM: "Nguy cơ mắc bệnh zona cao hơn nhiều ở những bệnh nhân trên 50 tuổi có các bệnh như tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh thận. Những đối tượng này nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng của bệnh cũng tăng cao, thậm chí người bệnh có thể tử vong".
Đối với các bệnh nhân mắc đái tháo đường sẽ có nguy cơ đau dây thần kinh sau zona kéo dài (≥6 tháng) so với bệnh nhân không mắc đái tháo đường. Đồng thời, zona có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc kiểm soát đường huyết khi 24% ở bệnh nhân đã được kiểm soát tốt trước đó có HbA1c tăng sau zona. Đáng chú ý, đái tháo đường làm tăng 63% nguy cơ nhập viện liên quan đến zona.
Bên cạnh đó, bệnh zona cũng có thể làm tăng nguy cơ các biến cố tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)….
Hiện nay, nhiều quốc gia khuyến nghị thực hành chủng ngừa với vaccine cho người lớn từ 50 tuổi trở lên để dự phòng bệnh zona cũng như bao gồm các hướng dẫn cụ thể cho những người có bệnh nền. Các quốc gia như Mỹ, Đức, Canada, Tây Ban Nha, Ý… đã đưa hướng dẫn dự phòng zona bằng vaccine đối với các bệnh nhân đái tháo đường, hen và COPD.
Theo uớc tính, hàng năm, chủng ngừa có thể cứu 4 - 5 triệu người trên toàn cầu, bảo vệ hơn 500 triệu ca bệnh.