Người mắc bệnh cơ xương khớp ngày càng tăng và trẻ hoá
Tại hội thảo "Cập nhật những ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và robot trong phục hồi chức năng" diễn ra hôm nay - 16/5, PGS.TS Lê Mạnh Cường, Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Học Viện Y Dược cổ truyền Việt Nam) cho biết, bệnh về xương khớp không chỉ xảy ra ở người già, mà đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa.
Nhiều bạn trẻ đã phải đi viện khám, phục hồi chức năng vì đau vai gáy, đau cột sống, xương khớp...
"Hội thảo là dịp để các bác sĩ cập nhật ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và robot trong điều trị bệnh cơ xương khớp và phục hồi chức năng"- PGS.TS Lê Mạnh Cường nói. Thống kê của ngành y tế cho thấy, tỉ lệ người mắc bệnh cơ xương khớp ở mức cao, với hơn 30% người trên 35 tuổi và 60% người trên 65 tuổi.
Những bệnh liên quan đến cơ xương khớp khá phổ biến như: Bệnh liên quan đến bàn tay, bàn chân, đau vai gáy, đau cột sống, thoát vị đĩa đệm, liệt nửa người do hậu quả của bệnh lý mạch máu não, đột quỵ…Bệnh cơ xương khớp là bệnh mạn tính, phức tạp, có biểu hiện mang tính hệ thống.
Người cao tuổi hay mắc các bệnh do lão hóa như thoái hóa, loãng xương và đặc biệt là bệnh khớp với các triệu chứng đi kèm: đường ruột, tiêu hóa, hô hấp, tim mạch…
Còn với người trẻ, đang trong độ tuổi lao động, chuyên gia cho rằng riêng với giới văn phòng, công sở nhiều triệu chứng bệnh cơ xương khớp diễn ra âm thầm hoặc chỉ là những cơn đau, mỏi ngắn.
"Công việc văn phòng thường tất bật nên ít người chú ý đến các triệu chứng, có tâm lí bỏ qua. Chính sự chủ quan này đã khiến không ít trường hợp bệnh nặng nề hơn và làm cho quá trình điều trị trở nên khó khăn"- PGS.TS Lê Mạnh Cường cảnh báo.
Thực tế cho thấy khi ngồi một vị trí và sử dụng máy tính thời gian dài, một tư thế sẽ dẫn đến đau mỏi vai gáy, đau cổ. Tác động của của bệnh lý cơ xương khớp đến mỗi người có thể thay đổi với các triệu chứng nhẹ đến các rối loạn chức năng nghiêm trọng, thậm chí là di chứng tàn tật.
"Điều này gián tiếp làm giảm chất lượng cuộc sống, giảm năng suất lao động, gây mất ngày công lao động và đẩy chi phí y tế tăng lên.
Do dó thay vì ngồi làm việc liên tục 3-4 tiếng, dù công việc bận rộn đến mấy, sau 30 phút - 1 tiếng, mỗi người nên đứng dậy vận động tại chỗ 5-10 phút giúp cơ xương khớp linh hoạt. Sự thay đổi tư thế này không chỉ tốt cho xương khớp, mà còn cho mắt nghỉ ngơi, cơ thể được thư giãn" - PGS.TS Cường khuyến cáo.
Ứng dụng AI và robot trong y tế: Người bệnh hưởng lợi
Chia sẻ với báo chí tại hội thảo, PGS.TS Lê Mạnh Cường cho hay, thời gian qua, việc cập nhật kỹ thuật y học hiện đại, đặc biệt là chuyển đổi số y tế, các cơ sở khám chữa bệnh đã đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo Al, robot trong phẫu thuật, điều trị cho bệnh nhân.
Tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh cũng đang cập nhật Al, robot trong điều trị các bệnh cơ xương khớp, phục hồi chức năng, kết hợp với giải pháp y học cổ truyền.
Chuyên gia này cho biết, trong điều trị các bệnh lý cơ xương khớp, phục hồi chức năng rất quan trọng. Với sự phát triển của y học, AI và robot đang được ứng dụng trong điều trị bệnh cơ xương khớp nói riêng, phục hồi chức năng nói chung khá rộng, từ những chức năng nhỏ như bàn chân, bàn tay, đau vai gáy, cột sống, thoát vị đĩa đệm, các vấn đề sau đột quỵ như liệt nửa người, yếu chi…
Dựa trên các kết quả nghiên cứu của thế giới ứng dụng trí tuệ nhân tạo và robot trong điều trị bệnh cơ xương khớp và phục hồi chức năng đem lại hiệu quả cao, tăng độ chính xác, giúp nhanh chóng phục hồi chức năng của cơ thể.
Theo đó, robot giúp phục hồi chức năng có khả năng thu thập các tín hiệu điện cơ tự nhiên từ cơ bắp của bệnh nhân và phân tích chúng. Điều này giúp xác định hoạt động và biểu hiện cảm xúc của cơ bắp, từ đó tăng khả năng chẩn đoán và điều chỉnh trong quá trình phục hồi.
Bên cạnh đó, robot cũng tạo ra tín hiệu phản hồi âm thanh, hình ảnh và rung cơ bắp để hướng dẫn và khích lệ bệnh nhân trong quá trình tập luyện. Tín hiệu phản hồi này giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về hoạt động cơ bắp và thực hiện các động tác một cách chính xác.
"Đối với Việt Nam, mặc dù đã có những kết quả tốt khi điều trị trên các bệnh nhân, nhưng chúng ta vẫn cần có những nghiên cứu lâm sàng cụ thể, để có thể ứng dụng rộng rãi trong công tác điều trị các bệnh lý cơ xương khớp, phục hồi chức năng một cách tối ưu nhất cho người bệnh" - PGS Lê Mạnh Cường nhấn mạnh.
Ngoài việc điều trị cơ xương khớp nguyên phát, phục hồi chức năng các trường hợp sau đột quỵ như liệt nửa người, yếu chi, hay các bệnh lý phổ biến như đau cột sống, thoát vị đĩa đệm là rất cần thiết...
Các y bác sĩ, kỹ thuật viên hướng dẫn phục hồi chức năng và thực hiện vật lý trị liệu cho người bệnh tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh.
ThS.BS Nguyễn Vinh Nam - Khoa Phục hồi chức năng và vật lý trị liệu (Bệnh viện Tuệ Tĩnh) cho hay, tại khoa thường xuyên đông bệnh nhân đến điều trị các bệnh lý về cơ xương khớp, liệt vận động, đột quỵ.
Trung bình mỗi ngày khoảng trên 30 bệnh nhân, tuy nhiên vào những lúc giao mùa, nắng nóng hay lạnh liên tục, bệnh nhân tăng, khoảng trên 50 trường hợp đến thăm khám, điều trị vật lý trị liệu, phục hồi chức năng...