Trong số những người góp công đưa Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, nhà sư Vạn Hạnh và Thái sư Á vương Đào Cam Mộc được xếp ở vị trí đệ nhất khai quốc công thần. Đào Cam Mộc vừa là người tôn phù Lý Công Uẩn lên ngôi, vừa có công lớn giúp nhà Lý dựng nghiệp, giữ nước.
Đào Cam Mộc quê ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Đến nay người trong vùng vẫn lưu truyền câu chuyện ông sinh ra gắn liền với một trái bầu kỳ lạ.
Ngay từ bé Cam Mộc đã có sức vóc cường tráng, to khỏe hơn người. Một lần thuyền vua Lê Đại Hành tuần du trên sông Mã mắc cạn, quân lính dùng mọi cách mà thuyền vẫn không nhúc nhích. Thấy vậy Cam Mộc vội lội xuống sông, dùng mưu mẹo và sức khỏe của mình đẩy thuyền đi băng băng. Vua Lê cảm phục chàng trai thông minh, có sức lực hơn người bèn vời vào kinh đô tin dùng, dưới thời vua Lê Long Đĩnh (1006-1009), được phong chức Chi hậu.
Văn chỉ đền Đô (phường Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) nơi đặt tượng thờ Đào Cam Mộc
Sau khi vua Lê Đại Hành mất, bên ngoài giặc Tống lợi dụng thời cơ mang quân sang xâm lược nước ta. Trước thế giặc lăm le ngoài bờ cõi, lòng người phân tâm, trong dân gian truyền nhau tin đồn trên cây cổ thụ bị sét đánh ở châu Cổ Pháp quê hương Lý Công Uẩn (nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) hiện lên dòng chữ (Dân gian coi là “Bùa sấm”): “Gốc cây thăm thẳm. Ngọn cây xanh xanh. Cây hòa đao rụng. Mười tám hạt thành. Cành đông xuống đất. Cây khác lại sinh. Đông mặt trời mọc. Tây sao náu hình. Khoảng sáu bảy năm. Thiên hạ thái bình”.
Bấy giờ, uy tín của quan Thân vệ Lý Công Uẩn ngày càng cao cả trong và ngoài triều. Biết được tin đồn về mấy dòng chữ trên, nhà sư Vạn Hạnh có lần nói với Lý Công Uẩn: “Mới rồi tôi thấy chữ bùa sấm kỳ lạ, biết họ Lý cường thịnh, tất dấy lên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai bằng Thân vệ là người khoan thứ nhân từ được lòng dân lại đang nắm binh quyền trong tay, đứng đầu muôn dân, chẳng phải Thân vệ thì ai đương nổi nữa”.
Tháng 7, ngày Tân Hợi, năm Kỷ Dậu (1009), vua Lê Ngọa Triều (Lê Long Đĩnh) băng hà, vua nối ngôi còn bé, Công Uẩn cùng với Hữu điện tiền chỉ huy sứ là Nguyễn Đê mỗi người được đem 500 quân tùy long (quân hầu của vua) vào làm túc vệ. Đào Cam Mộc biết Công Uẩn có ý muốn nhận việc truyền ngôi, nhân lúc vắng người, Đào Cam Mộc gợi hỏi: “Mới rồi chúa thượng ngu tối bạo ngược, làm nhiều việc bất nghĩa, trời chán ghét nên không cho hết thọ, con nối thơ ấu, không kham nổi nhiều khó khăn. Mọi việc phiền nhiễu thần linh không ưa, dân chúng nháo nhác, mong tìm chân chúa. Sao Thân vệ không nhân lúc này nghĩ ra mưu cao, quyết đoán sáng suốt, xa xem dấu cũ của Thang Vũ, gần xem việc làm của Đinh Lê, trên thuận lòng trời, dưới theo ý dân, mà cứ khư khư giữ tiểu tiết làm gì!”. Lý Công Uẩn sợ Đào Cam Mộc có mưu khác nên dọa bắt nạp cho bá quan. Đào Cam Mộc không sợ mà nói tiếp: “Tôi thấy việc trời và người như thế cho nên mới dám nói ra. Nay ông muốn tố cáo tôi thì tôi cũng xin thưa rằng tôi đâu sợ chết!”. Lý Công Uẩn nói: “Tôi đâu nỡ tố cáo ông, chẳng qua vì sợ lời nói của ông mà tiết lộ ra thì chúng ta đều phải chết nên mới răn như thế đó thôi”.
Ngoài công lớn trong việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, Đào Cam Mộc còn có công giúp Lý Công Uẩn xây dựng cơ nghiệp nhà Lý buổi ban đầu. Vì vậy, ông đã được Lý Thái Tổ phong tước là Nghĩa Tín hầu, sau này thăng đến chức Thái sư và gả công chúa đầu là An Quốc cho ông. Khi triều chính tạm ổn định, mùa xuân năm 1010, Lý Thái Tổ, có phò mã Đào Cam Mộc hầu giá về quê Kinh Bắc thăm tổ đường và khảo sát lần cuối cùng chuẩn bị cho công cuộc dời đô. Quyết định rời đô về Thăng Long của Lý Thái Tổ cũng có một phần đóng góp ý tưởng và công sức của Đào Cam Mộc. Tháng 6/1010, Lý Thái Tổ phong Đào Cam Mộc chức Thiên Đô tiên phong tướng quân chỉ huy cuộc dời đô, tại chùa Đông Hải (nay là đền Vệ, xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) triều đình làm Lễ tế cáo trời đất, xuất quân nên từ đó đổi tên là chùa Thiên Đô.
Tương truyền, khi được vua Lý Thái Tổ trao trọng trách dời đô, Đào Cam Mộc chuẩn bị hai đoàn thuyền gồm 300 chiếc, một ngả đi đường biển tiến về thành Đại La; một ngả nơi sông Nhị cũng lên thành Đại La. Khi thuyền đến chân thành, thấy có hai con rồng vàng hiện ra chào đón, nhà vua mới gọi là kinh thành Thăng Long.
Năm Ất Mão (Thuận Thiên thứ 6)1015, sau 6 năm phò Lý Thái Tổ ổn định triều chính, Thái sư Đào Cam Mộc đã tạ thế tại tư dinh. Để ghi tạc công lao vị khai quốc công thần, Lý Thái Tổ đã truy phong cho ông chức vị cao nhất là Á Vương, cho xây đền thờ Thái sư Á Vương Đào Cam Mộc ngay tại tư dinh (ở ngõ Thị Thôn, Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội) và ban tặng câu đối: “Lý triều định đô vương tứ phúc/ Đào trạng văn quan Quốc ân thân”(*).
Hiện nay, tại huyện Yên Định, quê hương Thái sư Á Vương Đào Cam Mộc có 3 di tích, đó là đền thờ ngài ở quê nội Tràng Làng, Định Tiến, đền thờ ở quê ngoại làng Nam Thạch, Yên Trung và đền thờ ở làng Bùi Hạ, xã Yên Phú.
Các triều đại sau này đều đánh giá cao Đào Cam Mộc, phong ông Thượng đẳng tối linh phúc thần (thể hiện qua sắc phong còn lưu tại xã Yên Trung).
Trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tỉnh Thanh Hóa được sự hỗ trợ của thành phố Hà Nội đã đầu tư 46,5 tỷ đồng khôi phục lại khu di tích lịch sử Thái sư Á vương Đào Cam Mộc tại xã Yên Trung, huyện Yên Định. Tháng 9/ 2010, văn bia đầu tiên trong dự án đặt văn bia ghi rõ công lao những danh nhân có công với nước thuộc dòng họ Đào tại Hà Nội, được đặt tại miếu Đào Xá (Hoàng Long, Phú Xuyên), nơi Đào Cam Mộc có công khai hoang, đào sông, mở đường, lập làng. Năm nào ở đây cũng tổ chức hội làng và giỗ Đào Cam Mộc. Tại thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội đã đặt tên đường Đào Cam Mộc.
-------------
(*)Tứ phúc: ban, phát, cho, tặng.