Người “tìm vàng” cho thể hình Việt Nam

02-09-2015 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Giữ kỷ lục về thâm niên làm HLV trưởng một ĐTQG với 19 năm liên tục, ông thầy U70 của những lực sĩ vô địch thế giới - châu Á Lý Đức, Văn Mách, Kim Loan,

Giữ kỷ lục về thâm niên làm HLV trưởng một ĐTQG với 19 năm liên tục, ông thầy U70 của những lực sĩ vô địch thế giới - châu Á Lý Đức, Văn Mách, Kim Loan, đã tạo nên một giấc mơ có thật của mình, gắn chặt với những cột mốc lịch sử của đất nước. Từ một chàng trai trẻ dạy thuê kiếm sống tại các phòng thể hình, ông đã trở thành một HLV hàng đầu thế giới.

Ngã rẽ thay đổi cuộc đời

Sinh năm 1952 tại Long An, sớm lên Sài thành lập nghiệp, như một định mệnh, ông Huỳnh Anh đã mê đắm, gắn bó trọn vẹn với thể hình, chỉ từ vài lần đến phòng tập chủ yếu vì hiếu kỳ của tuổi trẻ. Những năm 1970, cả thành phố có vài phòng tập và cái “món” nâng cơ luyện bắp còn vô cùng mới nên cũng đặc biệt hấp dẫn. Một phần có tố chất, phần nữa lại chịu mày mò nghiên cứu nên Huỳnh Anh sớm nổi danh như một chuyên gia. Ông được rất nhiều cơ sở săn đón, để rồi bước vào cái nghề mưu sinh chưa có trong từ điển lúc ấy, làm hướng dẫn viên thể hình.

“Thuyền trưởng” Huỳnh Anh đã đào tạo các học trò  gặt hái nhiều thành công.

Sau ngày đất nước thống nhất, ngay từ đầu, ông đã tích cực tham gia vào sứ mệnh gây dựng một nền thể thao mới với nhiệm vụ thúc đẩy phong trào ở quận 1. Nhờ sự nhạy bén của lãnh đạo ngành, bản thân cũng rất chủ động, ông Huỳnh Anh đã có sự chuẩn bị bài bản cho sự hình thành của một môn theo hướng thành tích cao. Với ông, đó là một cột mốc của cuộc đời, từ chỗ chỉ làm hướng dẫn viên bấp bênh, thành một cán bộ và HLV thể thao.

Khai phá “mỏ Vàng” quốc tế

Thập kỷ 90 của thế kỷ trước, TP.HCM chính là địa phương đầu tiên khởi phát môn thể hình với vai trò hạt nhân của ông Huỳnh Anh,  không chỉ phát triển như một loại hình rèn tập rộng khắp, mà bắt đầu có tuyển chọn, đào tạo, thi đấu nâng cao. Các giải thể hình toàn thành phố luôn thành công vang dội, giống như một lễ hội văn hóa thể thao.

Chính từ đây, Tổng cục Thể dục Thể thao đã quyết định đưa thể hình vào hệ thống thành tích cao để đầu tư, sẵn sàng đón đầu xu hướng hội nhập quốc tế.

Ông vẫn còn nhớ như in lần dẫn quân dự giải vô địch Đông Nam Á 1995 tại Singapore, cuộc đấu quốc tế đầu tiên của thể hình Việt Nam. Sang đến nơi, cả ông lẫn 6 học trò đều ngơ ngác vì thấy mình... chẳng giống ai. VĐV ai cũng tóc tai để dài, ngoài thể hình tự nhiên, chẳng có kỹ năng trình diễn. Ấy thế mà, họ vẫn bất ngờ lập kỳ tích với tấm HCB ngoài dự kiến của “sao mai” Lý Đức. Chính tấm huy chương lịch sử khiến cả đội ôm nhau khóc, cùng vô khối điều “vỡ” ra đã giúp ông thầy kể từ đó khai phá ra cả một “mỏ Vàng” quốc tế hàng đầu cho thể thao Việt Nam.

Một tay “tạo”  hàng chục nhà vô địch thế giới và châu Á

Kể từ cuộc đột phá vào năm 1995, ĐTQG thể hình mà trọng trách luôn được giao phó cho Huỳnh Anh đã liên tục gặt hái những thành quả ngoạn mục trên mọi đấu trường. Năm 1996, Lý Đức bước lên ngôi cao nhất Đông Nam Á, rồi chỉ sau đó đăng quang châu Á. Đến năm 2001, Văn Mách mang về tấm HCV thế giới đầu tiên. Qua 18 năm, ông trực tiếp đào tạo, dẫn dắt hàng chục nhà vô địch thế giới, châu Á, trong đó có những “tượng đài” vang danh trên đỉnh quốc tế như Lý Đức (7 lần liền vô địch châu Á), Văn Mách (9 lần vô địch châu Á, 3 lần vô địch thế giới), hay Mỹ Linh (vô địch thế giới và châu Á trong cùng 1 năm ở tuổi 39)... Thể hình cũng là môn có bộ sưu tập huy chương quốc tế “khủng” bậc nhất của thể thao Việt Nam, mà chỉ tính riêng số HCV đã lên tới trên 300.

Điều mà Huỳnh Anh cùng thể hình Việt Nam khiến các đối thủ kinh ngạc và nể phục là vẫn có thể chinh phục đủ các đỉnh cao trong điều kiện đầy gian khó. Các lực sĩ tập luyện và thi đấu lúc nào cũng trong tình trạng thiếu thuốc chuyên dụng, thực phẩm đặc thù. Thậm chí vì kinh phí hạn chế, họ phải đi mua gom lòng trắng trứng gà, hay chấp nhận dùng thịt bò, ức gà giá rẻ để dùng. Cái sự phi thường, có phần quyết định nhờ vào tâm huyết và đẳng cấp hàng đầu thế giới của ông thầy lão luyện Huỳnh Anh, với phương pháp tuyển chọn, huấn luyện, chỉ đạo tranh tài đầy khác biệt. Không phải ngẫu nhiên, đồng nghiệp các nước đều đã đánh giá có một “trường phái thể hình” rất riêng của ông, đến giờ vẫn là một bí quyết khó lý giải.

Xuyến Chi

 

 

 


Ý kiến của bạn