Người tiêu dùng không sử dụng các thực phẩm chức năng “thổi phồng” công dụng

23-09-2019 09:31 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh, hoàn toàn không được quảng cáo, ghi nhãn công dụng là điều trị, thay thế thuốc chữa bệnh, không được dùng hình ảnh, uy tín, danh nghĩa của cán bộ y tế, của cơ sở y tế để quảng cáo.

Do vậy, khi người tiêu dùng thấy các sản phẩm đang quảng cáo có những nội dung quảng cáo nêu trên là không nên mua, không tin, không sử dụng các sản phẩm như vậy...

PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong cho biết, thực phẩm chức năng là những sản phẩm hỗ trợ chức năng, các bộ phận cơ thể của con người có thể có nguồn gốc từ động vật, thực vật, khoáng vật và các hoạt chất sinh học khác có tác dụng nâng cao sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh. Thực phẩm chức năng là những sản phẩm giao thoa giữa thực phẩm truyền thống và thuốc. Thực phẩm chức năng bắt đầu phát triển ở Nhật Bản từ những năm 80 của thế kỷ trước. Sau đó phát triển sang những nước như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, Canada...

Thanh tra Bộ Y tế kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh buôn bán thực phẩm chức năng.

Thanh tra Bộ Y tế kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh buôn bán thực phẩm chức năng.

Thực phẩm chức năng vào Việt Nam bắt đầu từ khoảng năm 2000, lúc đầu chủ yếu là một số sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam chúng ta có lợi thế rất lớn, đó là kinh nghiệm sử dụng thuốc Đông y, sử dụng dược liệu để hỗ trợ điều trị hoặc nâng cao sức đề kháng. Chúng ta có nguồn dược liệu phong phú làm nguyên liệu để sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Ông cha ta có rất nhiều kinh nghiệm dùng các cây, con để nâng cao sức khỏe, hỗ trợ điều trị bệnh. Ngày nay, cùng với nền y học cổ truyền và y học hiện đại, nhiều kỹ thuật tách chiết, chưng cất để lấy những tinh chất của nguyên liệu đã được áp dụng. Từ đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã đầu tư những nhà máy hiện đại để cho ra đời những sản phẩm thực phẩm chức năng chất lượng cao, công dụng tốt, nhiều doanh nghiệp đã có những sản phẩm sản xuất trong nước xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, thực phẩm chức năng là sản phẩm mới không những ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Là sản phẩm giao thoa giữa thuốc và thực phẩm, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận nên cố tình đưa ra thị trường những sản phẩm không như đăng ký với cơ quan quản lý, quảng cáo sai sự thật... dẫn đến tình trạng người tiêu dùng hoài nghi về công dụng thực phẩm chức năng.

Để giải quyết tình trạng trên, PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong cho biết, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15, theo đó tất cả cơ sở sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu đều phải sản xuất ở nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP. Đây là quy định rất chặt chẽ đảm bảo chất lượng sản phẩm từ ngay nhà máy. Đồng thời, cũng phối hợp với các cơ quan liên quan để dần quản lý chặt chẽ hơn nội dung quảng cáo, tiến tới ngăn chặn tình trạng quảng cáo sai sự thật, hỗ trợ cho thị trường thực phẩm chức năng phát triển đúng hướng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo quy định pháp luật vi phạm về quảng cáo thì xử lý theo Luật xử phạt vi phạm hành chính. Vừa qua, Bộ Y tế phối hợp với các bộ ngành đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 115 NĐCP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thay cho Nghị định 178 trước đây. Theo đó, mức phạt, hình thức xử phạt đã tăng lên rất nhiều. Ngoài phạt tiền còn áp dụng các hình phạt bổ sung như rút giấy phép, thu hồi sản phẩm vi phạm và đặc biệt là công bố công khai các vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo thêm, khi phát hiện ra sản phẩm thực phẩm chức năng mình đã mua bị làm giả thì người dân cần báo ngay cho các cơ quan chức năng sau đây: Thanh tra y tế; Thanh tra an toàn thực phẩm; Quản lý thị trường; Công an kinh tế; Cục An toàn thực phẩm/Chi cục An toàn thực phẩm. Và rất nhiều các cơ quan được giao chức năng xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm.

DS. Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cũng cho rằng, trước khi mua sản phẩm thực phẩm chức năng, người tiêu dùng nên tìm hiểu thông tin trên các cơ quan chính thống (Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm), xem thương hiệu sản phẩm đó của công ty nào có uy tín trên thị trường hay không, nhà sản xuất có đạt tiêu chuẩn GMP không. Sau đó hỏi thông tin từ các bác sĩ, dược sĩ hoặc tìm hiểu thông tin từ những người đã từng sử dụng tương tự như mình... Sau khi kiểm chứng thì người tiêu dùng mới tiến hành mua. Người tiêu dùng không nên mua quá nhiều và dùng thử xem có phù hợp với cơ địa của mình hay không, có bị dị ứng hay không,... khi thấy thích hợp thì bạn mới mua nhiều. Trong quá trình sử dụng, người tiêu dùng cũng nên liên hệ với nhà sản xuất để cập nhật tình trạng của mình để nhà sản xuất có thể tư vấn liều dùng phù hợp.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn