Người tiêu dùng không nên dễ dãi khi lựa chọn, sử dụng thực phẩm

15-08-2018 16:35 | Thời sự
google news

SKĐS - Qua công tác thanh kiểm tra và hậu kiểm, cơ quan chức năng đã phát hiện vẫn còn nhiều cơ sở, nhiều cá nhân vì lợi nhuận mà cố tình gian dối trong sản xuất, tuồn ra thị trường những sản phẩm thực phẩm kém chất lượng, thậm chí là sản phẩm có hại, chứa chất cấm nguy hiểm tới sức khỏe con người...

Đã xử phạt hơn 35 tỷ đồng vi phạm về ATTP

Đầu tháng 2 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP) thay thế cho Nghị định 38, trong đó giảm 90% thủ tục hành chính liên quan đến ATTP để tạo thông thoáng cho

doanh nghiệp. Nghị định 15 cho phép doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố đó, thay vì gửi hồ sơ công bố tới các cơ quan Nhà nước để xác nhận, chỉ trừ một số sản phẩm phải công bố tại Bộ Y tế và Sở Y tế. Theo PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP-Bộ Y tế, với quy định này, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm như trước sang hậu kiểm.

Cục ATTP phối hợp với Sở Y tế Hà Nội kiểm tra ATTP.

Cục ATTP phối hợp với Sở Y tế Hà Nội kiểm tra ATTP.

“Chúng ta tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng điều đó không có nghĩa là buông lỏng quản lý. Cũng vì thế, thực hiện Nghị định 15, từ tháng 2/2018 đến nay, các cơ quan chức năng đang tập trung vào thanh tra, kiểm tra và tăng cường hậu kiểm ATTP trên cả nước. Số đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm ATTP của cả nước tăng lên nhiều hơn, số cơ sở được thanh, kiểm tra nhiều hơn và đương nhiên số cơ sở bị xử lý cũng nhiều hơn”, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong nói.

Theo thống kê, từ đầu năm, cả nước đã tiến hành thanh, kiểm tra được 351.128 cơ sở, phát hiện 68.362 cơ sở vi phạm ATTP, đã xử lý 15.707 cơ sở, trong đó phạt tiền 13.017 cơ sở với số tiền hơn 35 tỷ đồng. Ngoài các hình thức xử phạt chính, các đoàn kiểm tra còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như đình chỉ lưu hành sản phẩm 167 cơ sở; yêu cầu 330 cơ sở có nhãn phải khắc phục; tiêu hủy sản phẩm của 2.822 cơ sở; tiêu hủy 3.121 loại thực phẩm do không bảo đảm an toàn.

Các nội dung vi phạm chủ yếu được phát hiện trong quá trình thanh, kiểm tra là: Vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở, về trang thiết bị dụng cụ; về con người; về ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm, thực phẩm không bảo đảm chất lượng; sản xuất kinh doanh thực phẩm không công bố theo quy định...

Nhiều cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm vì ham lợi nhuận mà coi rẻ sức khỏe người tiêu dùng

Trước ý kiến với gần 70.000 cơ sở vi phạm về ATTP chỉ trong 6 tháng đầu năm cho thấy ATTP vẫn là vấn đề còn nhiều bất an, PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong cho hay, đúng là vẫn còn nhiều cơ sở, nhiều cá nhân vì lợi nhuận mà bất chấp pháp luật, bất chấp đạo lý, coi rẻ sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, cố tình gian dối trong sản xuất, tuồn ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí là sản phẩm có hại, chứa chất cấm nguy hiểm tới sức khỏe con người.

Đơn cử gần đây, thông qua chương trình giám sát chủ động, các cơ quan chức năng đã phát hiện một số sản phẩm giảm cân, chủ yếu là thực phẩm chức năng có chứa sibutramine - chất gây hại cho tim mạch. Thậm chí, sau khi thanh-kiểm tra, các cơ quan quản lý nhận thấy tần suất hoạt chất này có trong nhóm thực phẩm chức năng cao hơn so với những hoạt chất khác. Cục ATTP có công điện yêu cầu Giám đốc Sở Y tế, Trưởng ban Quản lý ATTP các tỉnh, thành phố chỉ đạo ở địa phương triển khai lấy mẫu trên diện rộng, ưu tiên giám sát chỉ tiêu sibutramine.

“Bước đầu đã phát hiện sản phẩm trà thảo mộc của 1 công ty có địa chỉ ở TP. Hồ Chí Minh có chứa sibutramine”, PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong cho biết.

Cảnh báo thực trạng thực phẩm chức năng vì sinh lời cao nên rất dễ dẫn đến làm giả và buôn lậu; rồi thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về chất lượng, hết hạn sử dụng... đang có nguy cơ tồn tại trên thị trường; hay tình trạng một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng không đăng ký bản công bố, bán hàng online quảng cáo, tư vấn lừa dối người tiêu dùng vẫn diễn biến phức tạp..., Cục trưởng Cục ATTP cho rằng, đôi khi người tiêu dùng rất cả tin vào các quảng cáo, vẫn còn dễ dãi trong lựa chọn, mua bán, sử dụng thực phẩm. Lấy ví dụ từ thực tiễn, gần đây xuất hiện tình trạng bán hàng online một số sản phẩm liên quan đến sức khỏe, mỹ phẩm, thuốc Đông y trên mạng xã hội, hầu hết loại hình kinh doanh này không đăng ký, không công bố với cơ quan quản lý Nhà nước, nói cách khác là lưu hành bất hợp pháp. Thế nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn sẵn sàng mua các sản phẩm liên quan tới sức khỏe qua kênh online như vậy mà không cần tìm hiểu nguồn gốc của sản phẩm...


Ngọc Mai
Ý kiến của bạn