Người tiêu dùng đưa thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân sẽ phải bồi thường

15-02-2023 10:43 | Thời sự
google news

SKĐS - Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã bổ sung trường hợp người tiêu dùng đưa thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến uy tín, lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật về dân sự hoặc pháp luật có liên quan.

Đánh giá, đưa thông tin sai sự thật về sản phẩm sẽ bị xử lý

Tiếp tục Phiên họp thứ 20, sáng 15/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Người tiêu dùng đưa thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân sẽ phải bồi thường - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp, cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và cho biết, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung một khoản quy định về nghĩa vụ theo hướng người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình đưa ra. Người tiêu dùng có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.

Ông Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng ý kiến ĐBQH là xác đáng. Trên thực tế, một số trường hợp người tiêu dùng lạm dụng quyền của mình trong việc phản hồi, đánh giá và đưa thông tin sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, gây ảnh hưởng đến uy tín, lợi ích hợp pháp của cá nhân, của tổ chức kinh doanh.

Người tiêu dùng đưa thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân sẽ phải bồi thường - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Vì vậy, việc bổ sung quy định này là cơ sở để phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và giúp người tiêu dùng thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với hoạt động mua, bán và sử dụng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung trường hợp người tiêu dùng đưa thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến uy tín, lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật về dân sự hoặc pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong trường hợp cung cấp dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng. Việc bảo vệ người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ không bảo đảm chất lượng trong các lĩnh vực như viễn thông, tài chính, bảo hiểm… đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng một cách đầy đủ và đồng bộ, thống nhất với các luật chuyên ngành, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 35 về trách nhiệm đối với dịch vụ cung cấp không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, giao kết. Trong đó, khoản 4 đã quy định về yêu cầu bồi thường thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.

Quy định "bán hàng đa cấp là một hình thức bán hàng trực tiếp" có phù hợp?

Một số ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn nội dung và giải pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các bên tham gia, giữa người bán và người mua.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị xem xét lại quy định bán hàng đa cấp là một hình thức bán hàng trực tiếp. Bởi lẽ hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, có thể được thực hiện trực tiếp hoặc trên không gian mạng hoặc là qua phương tiện viễn thông từ xa. Trên thực tế, hoạt động bán hàng đa cấp có thể thông qua nhiều phương thức khác nhau như trực tiếp, qua điện thoại, các phần mềm ứng dụng trên thiết bị di động…

Người tiêu dùng đưa thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân sẽ phải bồi thường - Ảnh 3.

Đại biểu tham dự Phiên họp thứ 20 của UBTVQH sáng 15/2.

Vì vậy, từ kinh nghiệm quốc tế, pháp luật hiện hành và thực tiễn Việt Nam, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng việc quy định bán hàng đa cấp là một hình thức bán hàng trực tiếp là phù hợp.

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề cập tới vấn đề thu thập thông tin người tiêu dùng. Bởi hiện nay, nếu quy định như trong dự thảo luật sẽ không phù hợp với các giao dịch điện tử trực tuyến.

Khi thực hiện giao dịch thương mại trên nền tảng trực tuyến, thông tin người tiêu dùng là một trong những nội dung bắt buộc để có thể thực hiện giao dịch và thường là các thông tin về họ tên, địa chỉ, số điện thoại, thẻ ngân hàng hoặc tài khoản cho phép thanh toán.

Ngoài ra, trong quy định của dự thảo luật có ghi bằng hình thức phù hợp thì cũng mang tính định tính, khó đảm bảo được tính khả thi, quy phạm do khó xác định được thế nào là phù hợp. Do đó, ông Cường cho rằng vấn đề này cần xem xét để chỉnh lý cho phù hợp với thực tiễn và chặt chẽ. Bởi khi tiến hành giao dịch thì những thông tin cần thiết rõ ràng phải được điền vào các thông số để thực hiện giao dịch.

Mua ô tô kiểu ‘bia kèm lạc’ bị nghiêm cấm trong dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi)Mua ô tô kiểu ‘bia kèm lạc’ bị nghiêm cấm trong dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi)

SKĐS - Tờ trình dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nêu rõ, các tổ chức kinh doanh yêu cầu phải mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác như là điều kiện tiên quyết để giao kết hợp đồng với người tiêu dùng sẽ bị nghiêm cấm.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn