Hà Nội

Người tiêu dùng đang bị “móc túi” một cách hợp pháp?

26-12-2013 17:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo số liệu của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam, trung bình trên thị trường, cứ 2 sản phẩm đóng gói sẽ có 1 sản phẩm (chiếm 50%) không đảm bảo về khối lượng như ghi trên bao bì.

Theo số liệu của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam, trung bình trên thị trường, cứ 2 sản phẩm đóng gói sẽ có 1 sản phẩm (chiếm 50%) không đảm bảo về khối lượng như ghi trên bao bì. Lo ngại tình trạng “cân điêu”, “buôn gian, bán lận”, nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn sản phẩm đóng gói để đảm bảo về trọng lượng. Tuy nhiên, nhằm trục lợi, một số nhà sản xuất đã lợi dụng tình trạng nhập nhèm về khối lượng sản phẩm đóng gói để “móc túi” người tiêu dùng.

Đủ chiêu “cân điêu” sản phẩm đóng gói

Thực tế, thời gian qua tình trạng thực phẩm tươi sống bán tại các chợ tại Hà Nội và một số địa phương liên tục có thông tin không đảm bảo an toàn khiến người tiêu dùng lo ngại chuyển sang sử dụng thực phẩm đóng gói, thực phẩm đông lạnh. Với tâm lý yên tâm khi sản phẩm đã được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm trước khi đóng gói, khối lượng được công bố đầy đủ trên bao bì, tuy nhiên người tiêu dùng không hề hay biết, các nhà sản xuất đã có những mánh khóe “cân điêu” rất tinh vi về chỉ tiêu đo lường để trục lợi. Khảo sát tại một số siêu thị trên địa bàn quận Hà Đông, Đống Đa (Hà Nội), các loại thực phẩm tươi sống được bày bán rất phong phú. Qua quan sát, các sản phẩm đều được mạ băng theo quy định bảo quản của mặt hàng đông lạnh. Định lượng hàng hóa được ghi thông số đầy đủ bên ngoài bao bì sản phẩm đều là khối lượng tịnh khi chưa rã đông. Khi kiểm tra bằng cân điện tử tại siêu thị, hầu hết các sản phẩm đều có khối lượng chuẩn như đã ghi trên bao bì. Tuy nhiên, sau khi mua và tiến hành thử rã đông đối với một sản phẩm cá trứng, khối lượng đã bị hụt đi so với ban đầu khoảng 20 - 30g. Đặc biệt, các nhà sản xuất còn tinh vi hơn khi nhanh chóng đưa sản phẩm vào mạ băng ngay khi thực phẩm còn tươi. Với cách làm này, nhà sản xuất vừa được tiếng là cung cấp hàng ngon, đảm bảo, nhưng bên cạnh đó, sản phẩm chưa kịp ráo nước sẽ nặng cân hơn, từ đó các nhà sản xuất sẽ thu lời được nhiều hơn... Qua tham khảo ý kiến của các chuyên gia, về loại thực phẩm tươi sống, hiện nay chưa có quy chuẩn nào cho mức mạ băng sản phẩm. Chính kẽ hở này dễ dẫn đến tình trạng nhiều cơ sở sản xuất mạ băng các sản phẩm thực phẩm một cách vô tội vạ nhằm kiếm lời.


	Người tiêu dùng cần xem kỹ sản phẩm trước khi mua hàng.

Người tiêu dùng cần xem kỹ sản phẩm trước khi mua hàng.

Đối với các mặt hàng như bánh kẹo, đồ uống... thì chiêu trò “cân điêu” không nằm ở chỉ tiêu đo lường mà sẽ được các nhà sản xuất cắt giảm tinh vi ở những thành phần trong đó. Đơn cử như một gói bim bim trước đây có trọng lượng 280g nhưng giờ chỉ còn 270g hay một chai nước ngọt trước có thành phần đường là 25% thì giờ được rút xuống 22%. Các thành phần khác trong chai nước ngọt cũng bị cắt giảm 1 - 3%. Trong khi giá không hề có sự thay đổi nhưng rõ ràng về chất lượng đã không còn được như ban đầu. Tương tự, với những loại nước mắm, nước tương, dầu ăn, đồ hộp có nước... là những mặt hàng thường thiếu trọng lượng nhiều nhất. Do các sản phẩm này đều được đóng trong những vỏ hộp bằng nhựa, sắt... nên khá nặng cân trong khi đó, một số nhà sản xuất đã cố tình lờ việc trừ trọng lượng bao bì.

Lợi nhuận khổng lồ

Một thực tế cho thấy, do sản phẩm có khối lượng nhỏ nên phần lớn người tiêu dùng vì nhiều lý do không có sự kiểm tra và nghĩ là không đáng kể (chênh lệch từ 5 - 10% khối lượng). Tuy nhiên, chỉ bằng một phép tính đơn giản có thể thấy lợi nhuận khổng lồ của nhà sản xuất có được chính từ những khối lượng mà người tiêu dùng cho rằng không đáng kể đó. Lấy ví dụ về mặt hàng nước mắm, một chai nước mắm 500ml có giá 20 ngàn đồng, hao hụt 5% nghĩa là người tiêu dùng mất không 1 ngàn đồng. Với trung bình một năm doanh nghiệp sản xuất 3 triệu lít nước mắm như vậy có thể tính ra người dân đã “giúp” cho doanh nghiệp có được 3 tỷ đồng lợi nhuận.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, ở đây có thể thấy lỗi thuộc cả về người cung cấp và người trực tiếp bán hàng. Đối với các siêu thị thì trách nhiệm thuộc về bộ phận kiểm soát khi không tạo ra những sức ép cần thiết để người cung cấp hàng phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn chất lượng như đã ghi trên bao bì. Có thể thấy rằng, với những mức phạt chỉ mang tính chất nhỏ, tượng trưng khiến nhà sản xuất xuất hiện tư tưởng dù có bị phạt vẫn có lời nên liên tục ăn gian. Để khắc phục tình trạng này, các cửa hàng buộc phải có những dụng cụ để người tiêu dùng có thể kiểm tra lại những sản phẩm họ đã mua. Cùng đó, các cơ quan chức năng cần định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra chất lượng của những dụng cụ đo lường trong siêu thị, nếu sai cần xử lý và phạt thật nặng. Người tiêu dùng nên lựa chọn các cửa hàng mua quen, được đầu tư cơ sở bán hàng cẩn thận để có được sự đảm bảo cả về khối lượng, chất lượng và từ đó đảm bảo sự ngang giá giữa đồng tiền bỏ ra với sản phẩm mình mua được.       

La Phong

 


Ý kiến của bạn