Người tiên phong trong hiện đại hóa dược học cổ truyền

05-12-2014 15:36 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nghề gia truyền Đông dược chuyên chẩn trị, bắt mạch bốc thuốc cứu người với hiệu thuốc mang tên Đồng Nhân (Hải Phòng)

Chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nghề gia truyền Đông dược chuyên chẩn trị, bắt mạch bốc thuốc cứu người với hiệu thuốc mang tên Đồng Nhân (Hải Phòng). Những bài thuốc Đông y gia truyền gồm những cây thuốc, con thuốc, vị thuốc đã ăn sâu vào con người ThS.DS. Vũ Thị Thuận để đến ngày nay, nhắc đến thương hiệu nổi tiếng Traphaco không thể không nhắc tới chị - người đã chèo lái con thuyền Traphaco đến bến bờ thành công.

Quê gốc của chị ở Nam Định, nhưng chị sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng, trong một gia đình có truyền thống Đông y. Ngay từ nhỏ, Vũ Thị Thuận đã là một cô bé thông minh, nhanh nhẹn, ham học và luôn có ý thức nuôi chí thành tài. Với những ước mơ và hoài bão sau này lớn lên sẽ tiếp nối nghề gia truyền của bố mẹ, kế thừa và phát huy truyền thống gia đình, tinh hoa y học cổ truyền dân tộc kết hợp với những tiến bộ của nền y học hiện đại để đưa Đông dược Việt Nam phát triển hơn nữa. Từ một học sinh giỏi hóa khi còn học phổ thông, chị trở thành sinh viên của Trường đại học Dược Hà Nội với số điểm tuyệt đối.

ThS.DS. Vũ Thị Thuận

Ngày nhập trường, cô nữ sinh Vũ Thị Thuận được bầu làm cán bộ lớp. Ở cương vị này, chị luôn gương mẫu trong học tập, tích cực tham gia các hoạt động của lớp, của trường nên không lâu sau được bầu vào ủy viên ban chấp hành đoàn trường và làm Hội trưởng Hội sinh viên đầu tiên của Trường đại học Dược Hà Nội.

Năm 1978, ngay sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Dược, với tấm bằng cử nhân loại giỏi, chị được phân công về làm cán bộ kỹ thuật của Xưởng sản xuất thuốc Đường sắt. Với tố chất thông minh, nhanh nhẹn, khả năng vận dụng kiến thức linh hoạt từ trường học và những kiến thức gia truyền, chị được cấp trên tin tưởng giao giữ nhiều vị trí quan trọng. Từ Tổ trưởng sản xuất, Quản đốc phân xưởng, chị được phân công làm Phó Giám đốc Công ty Dược thiết bị y tế giao thông vận tải kiêm Chủ tịch công đoàn; năm 2000, công ty cổ phần hóa trở thành Công ty CP Traphaco và chị là Giám đốc đầu tiên, Bí thư Đảng ủy. Từ năm 2011 đến nay, chị là Chủ tịch hội đồng quản trị.

Từ những bước đi đầu...

Traphaco trước kia là một xưởng sản xuất có nhiệm vụ chủ yếu pha chế thuốc theo đơn, sản xuất huyết thanh, dịch truyền, nước cất phục vụ cho Bệnh viện Giao thông vận tải, trong hoàn cảnh không nhà xưởng, mặt bằng chật hẹp, máy móc trang thiết bị thô sơ, lạc hậu. Trải qua một thời gian dài hoạt động trong cơ chế bao cấp nên mọi hoạt động hầu như đều trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Khi bước sang nền kinh tế thị trường, Traphaco gặp rất nhiều khó khăn như sản xuất ngưng trệ, đình đốn... Trước những khó khăn này, chị Thuận (lúc đó là Phó Giám đốc) đã bàn bạc với ban giám đốc và cán bộ, công nhân viên để đi đến thống nhất tiến hành cổ phần hóa công ty càng sớm, càng tốt với mong muốn làm sao cho công ty phát triển tốt nhất, đời sống cán bộ, công nhân viên được cải thiện và cũng theo tinh thần chủ trương đổi mới, cải cách doanh nghiệp của Nhà nước để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

ThS.DS. Vũ Thị Thuận tích cực tham gia công tác xã hội từ thiện.

Ngay sau khi có Quyết định cổ phần hóa thành Công ty CP Dược và thiết bị y tế vật tư giao thông vận tải, chị bắt đầu nhận nhiệm vụ, chèo lái một công ty cổ phần trong giai đoạn khó khăn nhất (Luật Doanh nghiệp mới dự thảo chưa được ban hành chính thức). Sau giờ làm việc, chị Thuận đã cùng các thành viên trong hội đồng quản trị đi học thạc sĩ Dược để nâng cao kiến thức.

Chị đã chủ động tháo gỡ khó khăn bằng cách tăng cường cập nhật những kiến thức hiện đại về quản lý sản xuất, quản lý nhân sự, tổ chức hành chính, đầu tư maketing để theo kịp cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế.  Quá trình tự làm mới mình của Traphaco cho thấy tầm nhìn, sự quyết đoán, đi trước thời đại, cổ phần hóa là một hướng đi đúng mang đậm dấu ấn cá nhân của ThS. Vũ Thị Thuận, biết nắm bắt những thay đổi của thời cuộc, xu hướng phát triển mới ở trong và ngoài nước mà xây dựng lên.

Trên cương vị là một người lãnh đạo, chị luôn quan tâm đến đời sống cán bộ, công nhân viên. Tạo điều kiện cho cán bộ công nhân viên của mình thực hiện ước mơ, hăng say học tập, làm việc nghiên cứu khoa học để sản xuất ra những sản phẩm thuốc tốt nhất cống hiến cho nhân dân những thành quả giá trị sản phẩm và cũng để tăng thêm thu nhập nâng cao đời sống vật chất tinh thần.

Ngoài công việc, chị còn tham gia công tác xã hội, giải quyết các vấn đề khó khăn như thiên tai bão lụt…, đến bệnh viện tặng cơm cho bệnh nhân hiểm nghèo, người ta biết chị qua các chương trình vì người nghèo, đóng góp các hoạt động xã hội từ thiện và có lẽ cũng ít có một doanh nghiệp nào tham gia được 10 năm liên tục các chương trình “mùa xuân cho em” hay chương trình “trái tim thế giới”, “chìa khóa thành công”, thăm hỏi động viên các gia đình liệt sĩ, các cháu bị nhiễm chất độc màu da cam cũng được chị quan tâm. Việc chia sẻ với cộng đồng trong lúc khó khăn hoạn nạn đã tạo nét văn hóa trong doanh nghiệp.

Chị đã dành thời gian tham gia hội đồng tư vấn với vai trò phát triển của phụ nữ, phát huy hết mọi nội lực của doanh nghiệp, của người làm chủ giao cho người lao động để phát triển. Chị đã cùng với bà con dân tộc tham gia trồng cây dược liệu góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào tại vùng sâu vùng xa, điều đó đã minh chứng cho sự tận tụy, một con người hết lòng vì tập thể và công việc.

Đi đến thành công...

Sau 15 năm cổ phần hóa, Traphaco đi từ xuất phát điểm số không lên đứng hàng số 1 doanh nghiệp Việt Nam. Những sản phẩm hiện đại, giàu giá trị truyền thống được sản xuất từ nguồn dược liệu sẵn có trong nước cống hiến cho nhân dân những sản phẩm thuốc tốt nhất. Từ một công ty đã trở thành một Tổng công ty và 6 công ty con, phân phối và hoạt động khắp các tỉnh thành trong cả nước với 40 vạn khách hàng bán lẻ, chị luôn coi nhân lực không chỉ là số lượng mà là chất lượng được đào tạo trong cán bộ công nhân viên được đãi ngộ cả về vật chất và tinh thần. Ngày hôm nay, ngồi ngẫm lại, chị thấy chiến lược đó càng đúng đắn về “hiện đại hóa y học cổ truyền”. Chị đã cùng cán bộ công nhân viên xây dựng chuỗi giá trị rất lớn cho doanh nghiệp, nhà máy (GMP - WHO đông dược, nhà máy Hoàng Liệt - Hoàng Mai) trước lộ trình của Cục Quản lý Dược Việt Nam - Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, áp dụng công nghệ thông tin trong hệ thống quản lý và phân phối - duy trì các tiêu chuẩn GPS của Who (GMP, GSP, GLP, GDP, GPP) và ISO (9001-2000 và 9001-14000). Áp dụng chương trình “nâng cao năng suất 5S” của Nhật Bản, nghiên cứu phát triển vùng trồng dược liệu sạch… Thương hiệu Traphaco ngày nay gắn với con đường sức khỏe xanh “nguyên liệu xanh, sản phẩm xanh, dịch vụ xanh” gắn với ba tiêu chí của nền công nghiệp xanh, bảo vệ môi trường.

Nhìn lại chặng đường phát triển của Traphaco từ khi chị bước chân vào làm cho đến nay, từ cương vị nhỏ đến lớn ở giai đoạn khó khăn nhất là cổ phần hóa mới thấy được sự đóng góp lớn của chị đối với xã hội. Chị đã là người tiên phong trong hiện đại hóa y học cổ truyền. Có lẽ khi biết tận dụng lợi thế và tri thức nhân loại với sự lãnh đạo có tâm, có tầm, có trí tuệ và đứng trước số phận những cán bộ công nhân viên của một xưởng sản xuất, chị đã cố gắng trụ lại vì cuộc sống của họ. Khi trò chuyện với chị, tôi thấy ở chị toát lên một tấm lòng, một bầu tâm huyết vẫn đầy ắp như ngày nào và chị đã thành công trong việc lựa chọn con đường nhiều chông gai ngay từ bước đầu. Là công ty duy nhất có vùng trồng dược liệu từ vùng xa, tạo công ăn việc làm cho nhiều gia đình phát triển kinh tế góp phần phục vụ cho công tác xóa đói giảm nghèo.

Sau 32 năm cống hiến cho Traphaco, khi đến tuổi nghỉ hưu, chị đã chuyển giao “vô lăng” cho thế hệ trẻ và họ đã tiếp nối một cách vững vàng. Chị luôn ý thức được rằng, để phát triển doanh nghiệp thì việc phát hiện, đào tạo nhân viên cũng như bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo kế cận là một nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, chị đã có những bước chuẩn bị nguồn lực cho giai đoạn chuyển giao ngay từ nhiệm kỳ thứ hai của mình. Những người được lựa chọn quy hoạch vào đội ngũ lãnh đạo kế cận đều là những cá nhân xuất sắc, đã có thời gian làm việc lâu năm, nắm rõ tình hình hoạt động của công ty và đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau nên đến khi chuyển giao, mọi việc đều diễn ra suôn sẻ.

Và hôm nay, khi mọi người hỏi chị về sự đóng góp của Traphaco, cái gì quan trọng nhất, chị vui vẻ cho biết: “Đó là giá trị văn hóa - hợp tác - chia sẻ - cam kết và thực hiện cam kết”, điều này đã gắn bó trong đại gia đình Traphaco mà các giá trị khác chỉ phát triển trong nền văn hóa doanh nghiệp.

Và những phần thưởng cao quý...

Với bản lĩnh, tài năng và sự quyết đoán của người lãnh đạo, ThS. Vũ Thị Thuận đã đưa Traphaco trở thành thương hiệu dược phẩm hàng đầu Việt Nam với nhiều giải thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Giải thưởng chất lượng Quốc tế châu Á Thái Bình Dương, Top 10 Sao vàng đất Việt, Top 10 DN tiêu biểu trách nghiệm xã hội; Doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia Vietnam value, Cúp Bông Hồng vàng, Giải thưởng Sao vàng đất Việt, Cúp Thánh Gióng, Top 100, Thương hiệu Vàng Thăng Long và mới đây, Traphaco được bình chọn là một trong 10 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam năm 2014…

Chỉ có văn hóa mới lưu giữ được giá trị phát triển và xây dựng lên giá trị trường tồn. Với những đóng góp đó, chị được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng có giá trị: Huân chương Lao động hạng Ba, 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Thầy thuốc ưu tú, 10 năm liền là Chiến sĩ thi đua ngành Giao thông vận tải, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Huy chương Vì thế hệ trẻ, vì sự tiến bộ phụ nữ, Danh hiệu Giám đốc kinh doanh giỏi, Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, Nữ doanh nhân trí thức, thành đạt năm 2013… Cúp Bông Hồng vàng, Cúp Thánh Gióng, Doanh nhân văn hoá, Doanh nhân nhân ái, người đứng đầu Giải thưởng quốc tế Kovalevkaia…

Traphaco có được những thành công như ngày hôm nay là có sự đóng góp lớn lao của cô nữ sinh Trường Dược ngày nào - ThS.DS. Vũ Thị Thuận. Cuộc đời đã gắn bó chị với những viên thuốc, những cây thuốc loại dược liệu quý hiếm của nền y học cổ truyền, điều đó đã minh chứng cho ước mơ theo nghề thuốc gia truyền trong cô bé Vũ Thị Thuận ngày nào. Nhiệt huyết của chị, tấm lòng của một lương y như từ mẫu, một nhà quản lý giỏi, tâm huyết đang được các cán bộ của công ty, trong đó có cô con gái út của chị ngày đêm tiếp nối và dâng cho đời thêm nhiều ý nghĩa.   

Bài, ảnh: Bùi Nguyệt

 

 


Ý kiến của bạn