Hà Nội

Người Thụy Điển nghĩ gì?

03-02-2020 13:43 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Kỳ II ( tiếp theo và hết)

Nhiều người nước ngoài cho tính tình người Thụy Điển u buồn, không vui. Điều này không hợp với nhiều người Thụy Điển tự đánh giá mình là vui vẻ, sung sướng. Quan niệm vui và hạnh phúc có thể khác ở Thụy Điển, một nước đặt tính chất hợp lý và phúc lợi vật chất lên trên tính nhạy cảm và các giá trị phi vật chất (tôn giáo, nghệ thuật, tiếp xúc cá nhân). Mặt khác, tính “u buồn” của người Thụy Điển (nếu có) thường được giải thích bằng hai yếu tố: khí hậu Bắc Âu và khuynh hướng đạo Tin lành Luther: có tính “thanh giáo”, hạn chế thú vui, tiện nghi vật chất. Mặc dù Thụy Điển đã là nước mà chính trị tách rời khỏi tôn giáo khá triệt để, những hạn chế này vẫn khá mạnh trong những giá trị văn hóa vẫn có tính tôn giáo làm nền.

Còn người Thụy Điển tự nhận thấy mình thế nào? Học sinh (tuổi 15-16) thấy chủ yếu người Thụy Điển sống căng thẳng, có tính thể thao, ăn mặc đẹp, hiện đại. Những đại diện nhân dân có tính chất chung (16-74 tuổi) nêu lên đặc tính: ghen tị, cứng nhắc, cần cù, yêu thiên nhiên. Một số người kinh doanh nêu mấy điểm: tổ chức tốt, đáng tin cậy, hợp lý, có hiệu quả.

Đất nước Thụy Điển xinh đẹp.

Đất nước Thụy Điển xinh đẹp.

Sau khi nêu lên một số đặc điểm dân tộc Thụy Điển, Ake Daun tìm nguồn gốc giải thích. Ông nói ngay là cho đến nay, chưa có phương pháp nào đáng tin cậy gỡ ra những đầu mối thật chính xác trong mớ bòng bong lịch sử. Dù sao, cũng có một số suy diễn có lý như sau:

Có nhiều nhà nghiên cứu tìm thấy lý do là người Thụy Điển phải thích nghi tâm lý trong cuộc đấu tranh qua nhiều thế kỷ, chống một thiên nhiên ác nghiệt của một miền rộng lớn, nhiều sông, ngòi, hồ, biển, dân cư thưa thớt, tản mạn. Do đó, nảy sinh đầu óc thực tế để sinh tồn. Mặt khác, cuộc sống ở nông thôn vất vả quá nên ít có thời giờ nghỉ ngơi, giải trí, chuyện trò thoải mái, thể hiện tình cảm dồi dào, tuy rằng đời sống nông dân Bắc Âu không phải chỉ xoay quanh công việc đồi áng.

Ở làng xóm Thụy Điển không có quán (pub) như ở Anh, quán nhậu như ở miền Nam châu Âu. Những cuộc vui chung có tính chất xã hội đều tổ chức nhân những dịp các lễ tôn giáo. Cuối thế kỷ 19, những phong trào quần chúng (một số nhà thờ Tin lành ly khai, chống nghiện rượu, phong trào công nhân) đều là những dịp hoạt động xã hội (diễn thuyết, âm nhạc, lễ hội,...) nhưng cũng chỉ là yếu tố phụ. Cuối thế kỷ 19, những con người chịu giáo dục nghiệt ngã của đạo Tin lành Luther ấy kéo ra thành thị ào ạt, nhất là sau Đại chiến II. Quá trình công nghiệp hóa và thành thị hóa đến chậm, nhưng từ những năm 50 (thế kỷ 20) thì như vũ bão. Quần chúng đi ra tỉnh từ nửa thế kỷ nay, gồm những người ít nói năng, hướng về thực tế, tìm cái gì được việc để ứng xử.

Cần tìm thêm trong lịch sử những lý do giải thích tính dè dặt, yên lặng, nghiêm nghị... Tuy ngày nay, số người Thụy Điển xa “tính cách nông thôn” ngày càng nhiều, nét điển hình ấy vẫn còn khá đậm.

Tổ chức hành chính Thụy Điển từ thế kỷ 16-17 đã là của một quốc gia trung ương tập quyền, nên do đó, về tổ chức đã đi vào kỹ thuật cao hơn nhiều nước; cuộc sống hiện đại lại càng đẩy nhanh khuynh hướng ấy. Hệ thống chặt chẽ này đòi hỏi các công dân phải ngang nhau: xếp hàng, điền vào chỗ trống ở một tờ khai, tiếp xúc bằng thư hay điện thoại với bộ máy chính quyền. Vì vậy, tiếp xúc xã hội giảm đi nhiều. Gặp nhau vì công việc bớt đi. Một người Thụy Điển dè dặt, ngại ngùng tiếp xúc xã hội không bị lép vế như người dân ở Pháp chẳng hạn. Ở Thụy Điển, những yếu tố bè bạn, quen biết, có tài hấp dẫn, tài lập luận bị hạn chế tối đa bởi tổ chức.

Hệ thống xã hội Thụy Điển ngăn cách cái chung và cái riêng. Nhiều người nhập cư có quan hệ rất tốt với người Thụy Điển ở nơi làm việc, tưởng có thể phát triển quan hệ giao du ngoài công việc nhưng không phải thế. Có nhà nghiên cứu giải thích nét đặc trưng này bằng những cải cách ruộng đất rộng rãi vào thế kỷ 18-19; những mảnh đất nhỏ của cá thể được tăng cường thành ruộng đồng lớn, và những công trình xây dựng của trang trại trước kia ở sát nhau trong phạm vi làng được chuyển đến ruộng đồng của cá thể. Trước kia, công việc đồng áng cần phải phối hợp với nhau thì sau đó thôi không cần nữa. Trung tâm tập thể chuyển sang hộ gia đình.

Đa số nông dân sống độc lập. Mặc dù có những biến chuyển xã hội lớn (dân số tăng trong thế kỷ 19, công nghiệp hóa tăng nhịp độ ở cuối thế kỷ ấy), những quan hệ xã hội dưới góc độ này chịu ảnh hưởng rất hạn chế qua nhiều thế hệ. Không có chiến tranh và cách mạng, không bị chiếm đóng quân sự của nước ngoài, đó là những điều kiện có ảnh hưởng đến tâm tính Thụy Điển. Ngoài ra, cũng phải kể đến sự phát triển của Nhà nước, đặt trọng tâm vào phúc lợi nhân dân và bảo hiểm xã hội.

“Khí hậu tinh thần” này có thể giải thích tại sao ít có va chạm cá nhân trong đời sống hàng ngày. Người Thụy Điển tương đối không thành thạo khi phải tranh luận hùng hổ hay chống lại một sự tấn công. Khi gặp một việc hỗn láo, họ phản ứng chậm, có phần vì tiếng Thụy Điển ít từ chửi rủa. Họ tránh những cuộc đụng độ công khai, muốn tìm những biện pháp thương lượng.

Xã hội Thụy Điển luôn biến chuyển, do đó, tâm tính cũng biến chuyển. Người nhập cư nhiều từ sau Đại chiến II đã làm nổi bật một số biến chuyển. Trước kia, người Thụy Điển hình thức, cứng nhắc và dè dặt hơn; ngày nay, họ thoải mái trong ứng xử hơn. Đời sống công cộng, giải trí và công việc mang màu sắc quốc tế hóa cao. Xu hướng ấy, với tác động của hơn 10% dân số là người nhập cư, ảnh hưởng thế nào đến tâm tính Thụy Điển: đó là vấn đề cần nghiên cứu tiếp.


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn