Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2015), đoàn nhà văn chúng tôi được đi thực tế ở Trại giam số 6, Tổng cục VIII, Bộ Công an. Đây là trại giam thuộc diện lâu đời nhất, đóng trên địa bàn xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, miền Tây Nghệ An. Xe dừng trước một cổng xây đồ sộ tựa như cổng thành kiên cố thời xưa, một “biểu trưng” cho sự ngăn cách giữa nơi giam giữ phạm nhân với đời thường.
Trong suy nghĩ của không ít nhà văn, thì hai từ “trại giam” gắn liền với “tù nhân”, với những tường cao, rào kín, âm u, xiềng xích, cơm cân, áo số... Nhưng khi cổng mở, hiện ra trước mắt chúng tôi lại là một vùng hoàn toàn “dân sự”, gợi nhớ đến những khu du lịch, nghỉ dưỡng, có biệt thự giữa hồ, bên sườn núi, cầu uốn cong, tượng đài, cây cảnh, đường xá đi lại rộng rãi, phẳng phiu rợp bóng cây...
Đại tá Nguyễn Viết Hoàn đến thăm nơi giam phạm nhân nữ.
Chủ, khách gặp gỡ nhau trên hội trường. Giám thị, Đại tá Nguyễn Viết Hoàn dáng to cao, da đỏ au, mái tóc đen đã điểm một số sợi bạc rẽ đường ngôi, nom rất phong độ so với cái tuổi ngót 60. Ông thân tình trao đổi nhiều chuyện với các nhà văn. Đến khi ông cùng cả đoàn ra sân chụp ảnh kỷ niệm, thấy ông đi lại khá khó khăn, có phần lệch người tôi mới biết ông là một thương binh nặng. Cách đây hơn 30 năm, khi ông còn là chiến sĩ của P64, C12 (Bộ Công an), khi đang làm nhiệm vụ trong đêm ở biên giới phía Bắc, ông đã bị tai nạn xe đổ xuống vực. Bị thương nặng, phải mổ đi mổ lại vùng đầu, xương chậu và chân trái, ông phải nằm điều trị gần 3 năm trời. Nhưng nhờ nghị lực, sự kiên trì tập luyện cộng với chút may mắn, ông đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần, nhưng vĩnh viễn mất trên 60% sức khỏe. Sau lần ấy, ông thôi đời lính chiến, chống nạng đi học tại Trường Hậu cần Công an nhân dân, năm 1988 tốt nghiệp, được điều về Công an Nghệ An và năm 1992 công tác tại Trại số 6 với chức danh kế toán trưởng. Từ đó, trên mặt trận mới, ngẫu nhiên đưa ông từ người sĩ quan hậu cần trở thành một giám thị từng trải, có 5 năm phó giám thị, 15 năm giám thị. Về sau chúng tôi được biết, với gần 40 trại giam trong toàn quốc, ông là một trong số những giám thị lâu đời nhất và có nhiều thành công nhất trong việc cảm hóa những mảnh đời lầm lỡ.
Trại có 4 phân trại nằm trên một vùng rộng lớn thưa thớt dân cư. Chúng tôi được tạo điều kiện đến thăm nơi giam phạm nhân, nơi sản xuất, nhà bếp, trạm xá, ở đâu cũng thấy toát lên sự kỷ cương, nề nếp. Được biết, từ nhiều năm nay ở đây không có phạm nhân trốn trại, không có nạn “đại bàng”, “đầu gấu”. Trong số hơn 4.000 phạm nhân ở đây, quá nửa liên quan đến án ma túy, vậy mà nhiều năm nay không có trường hợp nào tuồn ma túy vào trại. Một con số đáng chú ý: Trong 5 năm gần đây, tỷ lệ phạm nhân ý thức kỷ luật kém ở các trại khác thường là 7-8%, còn ở đây, năm 2014 phạm nhân xếp loại yếu, kém có 3,6% và bình quân 5 năm qua chỉ từ 4,9-5%.
Đến thăm các buồng giam, chúng tôi thấy vẻ bề ngoài đều giống nhau: tường sơn mới, nền lát gạch men, vệ sinh tự hoại, có bồn hoa cây cảnh. Ngoài sân có dãy nhà vòm bằng mái tôn uốn cong với những dãy bàn ghế được ghép bằng gạch men trắng trang nhã, thông thoáng để cho phạm nhân ăn cơm, uống nước, chơi cờ, chơi đàn giải trí vào những ngày nghỉ, giờ nghỉ. Dẫn đoàn là thượng tá Võ Thành Vinh, Phó Giám thị phụ trách giáo dục, ông cho biết: Ở đây có các hoạt động văn hóa văn nghệ do chính các phạm nhân tham gia. Hàng trăm buổi biểu diễn văn nghệ mỗi năm do đội văn nghệ “Tiếng hát tình đời” của phạm nhân lập ra. Ngoài giờ làm việc, ngày nghỉ, ngày lễ, Trại tổ chức cho phạm nhân vui chơi thể thao, giao lưu giữa các đội, phân trại như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông. Mỗi buồng giam đều có tivi và hai số báo Nhân Dân; Pháp luật, có thư viện ở các phân trại để phạm nhân đọc với trên 2.000 đầu sách. Từ năm 2001 đến nay, Trại đã tổ chức giáo dục cá biệt cho 28.000 lượt phạm nhân, dạy các nghề mới cho 15.000 lượt phạm nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho họ khi chấp hành xong án phạt tù trở về có việc làm, hòa nhập cộng đồng và tránh tái phạm. Có một số phạm nhân chưa biết chữ, Trại đã phối hợp với Phòng Giáo dục huyện Thanh Chương tổ chức xóa mù thành công cho hàng trăm người. Đấy là về mặt tinh thần. Về vật chất, ngoài việc bảo đảm chế độ do Nhà nước quy định, Trại còn cấp thêm từ 3-9kg gạo mỗi tháng cho phạm nhân lao động vất vả, chi ăn thêm từ 1.000-5.000 đồng/ngày cho bệnh nhân đi viện. Từ năm 2001 đến nay tổng số tiền chi ăn thêm cho phạm nhân là trên 2,3 tỷ đồng...
Trong 2 ngày thực tế ở Trại, chúng tôi được gặp nhiều cán bộ, chiến sĩ và một số phạm nhân, càng thấy vai trò nổi bật của người đứng đầu đơn vị là giám thị, thương binh đó. Lâu nay ông được tôn sùng như “vua” xứ này. Song ông không lợi dụng chức quyền, không gia trưởng, độc đoán, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung công khai dân chủ, minh bạch trong mọi công việc và luôn làm đúng tinh thần, trách nhiệm của người chỉ huy. Bởi vậy nhiều năm nay, đơn vị là một tập thể đoàn kết, không có đơn thư kiện cáo và liên tục đạt những danh hiệu thi đua cao quý.
Giám thị, Đại tá Nguyễn Viết Hoàn chia sẻ niềm vui với những phạm nhân trong đợt đặc xá, năm 2014.
Khi ông đi kiểm tra là phải “tai nghe, mắt thấy, tay rờ” như việc ông đến từng nhà vệ sinh, buồng giam, buồng kỷ luật; nếm từng nồi canh xem mặn nhạt, từng nồi cơm xem sống, chín. Những nơi xuất hiện “điểm nóng, bức xúc” là có giám thị đến ngồi hàng giờ để nghe và giải thích kịp thời, thấu tình, đạt lý cho đến khi phạm nhân phải tâm phục, khẩu phục. Vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, ông còn đi đầu trong phong trào trích một phần lương của mình và động viên toàn thể cán bộ, chiến sĩ cũng như phạm nhân có điều kiện để đóng góp vào Quỹ Tấm lòng vàng, Lá lành đùm lá rách sắm quà tặng cho những phạm nhân không có gia đình đến thăm trong năm; những phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn... Hành động tưởng chừng rất nhỏ trong cuộc sống hàng ngày của ông như việc tham gia các hoạt động thể dục thể thao rèn luyện thân thể, không kể nắng mưa, bệnh tật, tuổi tác; tự tay nhặt các vỏ kẹo, đót thuốc rơi vãi bỏ vào thùng rác, tắt những bóng điện không cần thiết... đã làm cho mọi người phải tự giác học tập và nâng cao nhận thức của mình. Lao động là biện pháp hữu hiệu nhất để cải tạo phạm nhân, song lao động đó phải có hiệu quả thiết thực và tránh nhàm chán cho họ. Điều này ông thấu hiểu bằng việc thường xuyên đi liên hệ nhiều nơi để có thêm nghề mới, như: khâu bóng, đan lát, làm lông mi giả, may mặc, sửa chữa các loại phương tiện ôtô, xe máy... Mới đây, Trại có thêm hai công trình xây dựng đậm nét văn hóa mỹ thuật, đó là tượng đài và sa bàn đều do phạm nhân tình nguyện thực hiện. Tổ hợp tượng đài “Vì an ninh Tổ quốc” trên sân chào cờ trung tâm được chép theo mẫu ở khu truyền thống lực lượng công an nhân dân trên đất Lũng Cú, Tuyên Quang. Phạm nhân Nguyễn Phi Hải, tốt nghiệp Khoa Điêu khắc Đại học Mỹ thuật Hà Nội, ngày ấy anh ta vừa ra trường, trong một lần tranh cãi với bạn, không kiềm chế được bản thân, đã dùng mũ cối đánh vào đầu bạn, không may người bạn có tiền sử về bệnh thần kinh nên dẫn đến tử vong. Quá trình chấp hành án anh ta rất ăn năn hối lỗi, đã dùng “hoa tay” của mình để tạ tội. Ở phòng truyền thống có một sa bàn khá lớn trong khung kính đặt ở chính giữa, hình ảnh thu nhỏ của hơn 400 héc-ta cơ ngơi của Trại. Một phạm nhân vốn là kiến trúc sư, sau khi mãn hạn tù, đã tình nguyện ở lại thêm một thời gian miệt mài làm việc để có món quà thể hiện lòng biết ơn của anh ta với cán bộ chiến sĩ đơn vị.
Chúng tôi còn được nghe kể về sự “đắc nhân tâm” của người giám thị, thương binh này, đặc biệt là với những kẻ mắc trọng tội, khó cải huấn. Chẳng hạn như trường hợp Nguyễn Văn Minh, tức Minh te, sinh 1970, phạm các tội giết người, cướp của, án phạt 30 năm tù giam. Liên tiếp chống đối ở 6 trại giam khác nhau, khi về đây Minh te được ông gặp gỡ khuyên nhủ, đưa dần vào nề nếp, kỷ cương, kết quả là anh ta đã 2 lần được giảm án, hôm nghe đọc quyết định đã vui mừng thốt lên: “Đó là điều tôi không hề nghĩ tới!”. Trong thư gửi Trại đề ngày 4/9/2014, phạm nhân Minh có viết: “...Ngày trước đến đâu tôi cũng bị thành kiến và phân biệt khiến tôi vi phạm nội quy hết trại này đến trại khác. Kể từ 31/8/2009 tôi ra Trại giam số 6, ở đây tôi đã được hội đồng cán bộ gặp gỡ, chỉ bảo, động viên cho tôi thấy con đường chấp hành cải tạo. Ông giám thị đã quan tâm, chỉ bảo những lúc tư tưởng tôi chưa ổn định. Tôi ốm bệnh, ông xuống thăm, ngày lễ, Tết ông cũng có quà. Tôi được sống trọn vẹn đúng nghĩa của hai chữ con người”. Phạm Hùng Dũng, sinh 1960, tội giết người, án 30 năm, viết: “Tôi cũng từng đi nhiều trại, nhưng chưa thấy trại nào được như Trại 6. Quá trong sạch và lành mạnh dành cho những người muốn hoàn lương, mau chóng trở về xã hội làm người lương thiện. Có được như vậy là nhờ tập thể cán bộ Trại, cụ thể là ông giám thị...”.
Những năm qua giám thị, Đại tá Nguyễn Viết Hoàn luôn nhận được tín nhiệm cao của cán bộ chiến sĩ. 10 năm liền là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 2 năm Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng, được Chủ tịch nước tặng 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì, Ba và Huân chương Bảo vệ Tổ quốc. Ông thực sự là đầu tàu gương mẫu, đã dẫn dắt cán bộ chiến sĩ Trại giam số 6 đạt được nhiều thành tích nổi bật: 15 năm liền đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng; Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu.
Bài và ảnh: Phạm Quang Đẩu