Người thương binh giàu nghị lực

27-07-2017 15:49 | Xã hội
google news

SKĐS - Chiến tranh đã lùi xa nhưng hệ lụy mà nó mang lại vẫn còn dai dẳng với người thương binh 2/4 Ngô Văn Đó vì tỷ lệ thương tật 61%, đôi mắt bị mù, tai không còn nghe thấy gì, mất một bên chân. Nhưng trong ông niềm tin và sự tự hào về những năm tháng hào hùng dành hết sức mình cho Tổ quốc chưa bao giờ nguội tắt.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng hệ lụy mà nó mang lại vẫn còn dai dẳng với người thương binh 2/4 Ngô Văn Đó vì tỷ lệ thương tật 61%, đôi mắt bị mù, tai không còn nghe thấy gì, mất một bên chân. Nhưng trong ông niềm tin và sự tự hào về những năm tháng hào hùng dành hết sức mình cho Tổ quốc chưa bao giờ nguội tắt.

Chiến dịch Tết mậu thân 1968 đã cướp đi gần cả cuộc đời bác

Trong căn nhà nhỏ tại thành phố Kon Tum, người thương binh Ngô Văn Đó lặng lẽ ngắm nhìn những bằng khen, kỷ niệm chương đã ố vàng – những chứng tích cho một thời oanh liệt trên chiến trường. Sinh năm 1940, người thanh niên Ngô Văn Đó lên đường nhập ngũ vào ngày 28/4/1965 – giai đoạn chiến tranh miền Nam đang diễn ra ác liệt nhất. Trên chiến trường, anh luôn là người tiên phong, không quản mưa bom bão đạn, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Vinh dự đi liền với trọng trách khi người lính Ngô Văn Đó trở thành Đại đội phó – Đại đội 2 trực cơ động thuộc Trung đoàn 230. Trong một lần đưa quân ra đầu mối kho K/110 (Quảng Tín, Quảng Nam) duới mưa bom B52 của quân đội Mỹ, cả kho đạn đổ ập, những người đồng đội ngã xuống, anh Ngô Văn Đó bị thương nặng, đồng đội đưa về cấp cứu tại bệnh viện K7 Trung đoàn quân khu. Đó là những ngày tháng đau đớn vô cùng, khắp người chỗ nào cũng bị thương, ngất lên ngất xuống bởi những trận co giật, sốt mê man nhiều ngày, rồi trang thiết bị y tế sơ sài, anh cắn răng chịu đựng vượt qua cơn đau. Khi vết thương tạm ổn định, với đôi chân khập khiễng, anh về lại Trung đoàn công tác và tiếp tục băng đèo, lội suối đưa quân chiến đấu khắp chiến trường miền Nam. Nhớ về Chiến dịch Mậu Thân 1968, ông Đó không khỏi nghẹn ngào: “Chúng tôi đã chiến đấu hết mình, không một phút giây xao lãng, chỉ mong chiến tranh mau kết thúc để quê hương được bình yên. Trước tình hình địch phản công dữ dội, tổn thất ngày một lớn nhưng chúng tôi vẫn giữ quyết tâm thà hi sinh chứ không để rơi vào tay địch”.

Người thương binh Ngô Văn Đó vẫn chăm sóc mộ các liệt sỹ tại Nhà Tưởng niệm 81 Trương Quang Trọng

Niềm tin và sự hào sảng luôn sáng ngời trong tâm hồn bác thương binh già

Sau giải phóng, anh thương binh Ngô Văn Đó lập gia đình quyết định chọn Kon Tum là quê hương thứ hai, công tác tại Ban Công trường 150, Phụ trách Đại đội phó - Đại đội 2 Ban Giao vận Gia Lai - Kon Tum. Di chứng chiến tranh vẫn hành hạ người thương binh, vết thương tái phát trở lại và nặng hơn nên bắt buộc cưa một chân, thêm chứng tai điếc, hai mắt đã mù dần nhưng người thương binh ấy vẫn lạc quan trong đời sống. Ông luôn thầm biết ơn người vợ hiền thảo đã chăm sóc, nâng đỡ, động viên cùng vượt qua mọi khó khăn. Cả tuổi thanh xuân rực rỡ nhất, người lính Ngô Văn Đó đã ở chiến trường ác liệt, đến khi lập gia đình, hạ sinh cô con gái đầu lòng, niềm vui chưa được bao lâu thì biết được con gái bị chứng mất trí nhớ do nhiễm chất độc Da cam, rồi đứa cháu ngọai ông hết lòng yêu thương cũng bị nhiễm độc, liệt mất một cánh tay. Bằng tất cả yêu thương, ông vẫn quan tâm, chăm sóc cho cô cháu gái bé bỏng, nuôi nấng và cho theo học tại Trường THPT Duy Tân (Tp Kon Tum). Đau đớn là thế, mất mát là thế nhưng khi hồi tưởng về quá khứ người thương binh Ngô Văn Đó vẫn rạng ngời hạnh phúc, sẵn sàng kể lại một cách rành mạch, chi tiết và còn cười sảng khoái khi nhớ về những năm tháng hào hùng. Như thể trong tâm trí ông đã chứa sẵn một kho kí ức, một chuỗi sự việc và cả một niềm hãnh diện to lớn muốn thổ lộ cho cả dân tộc cùng nghe. Với người thương binh Ngô Văn Đó, thời khắc được cống hiến tuổi xuân, sức lực cho hòa bình của quê hương, đất nước chính là thời khắc vinh dự, tự hào nhất.

Căn nhà nhỏ treo rất nhiều bằng khen của người thương binh Ngô Văn Đó


Hiện nay ông đang cư ngụ tại số nhà số nhà 994/30 Phan Đình Phùng (TP Kon Tum), tiếp tục điều trị bệnh và đảm nhiệm phụ trách trông coi, bảo vệ Nhà Tưởng niệm 81, tại đường Trương Quang Trọng - TP Kon Tum. Những người đồng đội đã ở lại mảnh đất này, tâm nguyện của người thương binh Ngô Văn Đó là được ở bên cạnh, chăm sóc, bảo vệ phần mộ những người đồng đội.

Giờ đây, Khi ai hỏi về quá khứ, bác chỉ mỉm cười trả lời rằng bởi chiến tranh là sự sát sanh, nó không giễu cợt hay bông đùa một ai và hòa bình cũng thế, không phải hết gầm vang của súng đạn là đã kết thúc. Không phải! Bởi dư âm luôn theo mãi trong kí ức của những người lính. Đó chưa hẳn là sự bi lụy và xen lẫn trong đó là niềm hào sảng, khí phách của đời trai và đó là bi hùng.


Cao Thanh Nhàn
Ý kiến của bạn