Gần 20 năm qua, thương binh, bác sĩ Lê Thành Đô đã miệt mài nghiên cứu và chế tạo hàng ngàn tay, chân giả để tặng cho đồng đội cũng như người khuyết tật (NKT) có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.
"Hạnh phúc tuổi già của tôi là nỗ lực lao động, chế tạo thật nhiều tay chân giả để hỗ trợ cho người khuyết tật", bác sĩ, thương binh Lê Thành Đô 79 tuổi ở ngõ Gốc Đề, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ.
Đến thăm Trung tâm Tư vấn - trợ giúp dụng cụ chỉnh hình cho người khuyết tật của bác sĩ Lê Thành Đô vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, tôi vẫn thấy người thương binh già cặm cụi đổ bột, bào bột chế tạo chân giả. Với ông, công việc chẳng mấy khi có ngày nghỉ vì những người khuyết tật hằng ngày vẫn tìm đến ông để trợ giúp .
Chàng trai Lê Thành Đô sinh ra tại một làng quê nghèo ở tỉnh Thanh Hoá và mô côi cha mẹ từ sớm. Năm học lớp 10, ông Đô viết đơn tình nguyện nhập ngũ và được biên chế về Sư đoàn 304 trực tiếp tham gia rà phá bom mìn.
Năm 1968 trong lúc đang làm nhiệm vụ ở cầu Hàm Rồng, ông bị thương ở vùng mặt và cánh tay, đơn vị phải đưa ông về tuyến sau. Sang năm 1969 ông xuất ngũ với thương tật 2/4.
Sau đó ông được cử đi học tại Trường ĐH Y Hà Nội, ngành Y khoa. 6 năm miệt mài đèn sách, ông về công tác tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. 10 năm gắn bó với những đồng đội bị mất một phần cơ thể ở chiến trường, ông Đô hiểu hơn ai hết sự mất mát và nguyện vọng của thương binh, đó cũng chính là động lực chính để ông nghiên cứu và mở trung tâm chế tạo tay chân giả sau này.
Sau đó ông tiếp tục được chuyển về công tác tại Viện Chỉnh hình thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Tại đây, bác sĩ Đô tham gia dự án sản xuất tay chân giả cho thương binh, người khuyết tật do Hoa Kỳ tài trợ và dự án Kỹ thuật chỉnh hình do Đức tài trợ.
Bao nhiêu năm công tác trong lĩnh vực chỉnh hình, bác sĩ Đô luôn ấp ủ sẽ mở một "bệnh viện thu nhỏ" ngay tại nhà sau khi nghỉ hưu để trợ giúp cho thương binh, người khuyết tật có những bước đi bình thường, thậm chí đối với một số người khuyết tật là những bước đi đầu đời của họ, mở ra một cánh cửa tương lai tươi sáng, giúp họ hòa nhập với cộng đồng.
Và dự định đó được ông thực hiện ngay khi chưa nghỉ hưu. Năm 2004, được sự giúp sức của một số tổ chức nhân đạo, sự động viên của đồng nghiệp và sự ủng hộ của gia đình, ông Đô đã thành lập Trung tâm Tư vấn - trợ giúp dụng cụ chỉnh hình cho người khuyết tật. Qua năm tháng, ông dùng tiền lương hưu, trợ cấp thương binh để mua sắm trang thiết bị y tế, và may mắn được một số đồng nghiệp đồng hành.
Ông Lê Văn Thà, từng công tác cùng bác sĩ Đô, nay đang làm việc tại Trung tâm chia sẻ: "Thấy bác sĩ Đô tận tình chế tạo tay chân giả tặng người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, tôi rất xúc động và ngưỡng mộ nên đã tình nguyện tham gia dự án của bác sĩ Đô. Tôi mong rằng, những chiếc tay chân giả sẽ giúp đỡ người khuyết tật đi lại, lao động tốt hơn, cải thiện chất lượng cuộc sống và tự tin hoà nhập với cộng đồng".
Thật bất ngờ khi gian phòng khách của gia đình bác sĩ Đô lại treo đầy ảnh ...người lạ, đó đều là những người khuyết tật từng được bác sĩ Đô tặng tay, chân giả. Với chân giả được thiết kế phù hợp, họ đã có thể đi lại, sinh hoạt và lao động, không trở thành gánh nặng cho gia đình.
"Ngoài sự hỗ trợ của tay chân giả thì nghị lực vươn lên của họ mới là yếu tố quyết định. Tôi tự hào về họ, mỗi khi nhìn thấy họ tôi cảm thấy rất hạnh phúc nên treo ảnh họ khắp nhà, cũng là sự khích lệ đối với những người khuyết tật bắt đầu làm quen với chân giả", bác sĩ Đô chia sẻ.
Thương binh Bùi Trọng Định (Hà Nội) chia sẻ: Tôi nhập ngũ năm 1972 và vào miền Nam chiến đấu. Năm 1975 tôi bị thương trong một trận chiến ở Phú Vang (Thừa Thiên Huế) và mất 1/3 cẳng chân trái. Sau khi ra quân trở về địa phương, tôi được dự án của Hoa Kỳ mà bác sĩ Đô tham gia hỗ trợ một chiếc chân giả đi lại, sinh hoạt hằng ngày thuận tiện hơn rất nhiều.
Đang ngồi trò chuyện, bác sĩ Đô nhận được cuộc gọi video của ông Vũ Đình Chi, một NKT ở xã Khánh Vân (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình). Ông Chi khoe rằng, từ khi được bác sĩ Đô tặng chân giả ông đi lại rất dễ dàng. Hôm đến trung tâm có gần 30 NKT thăm khám nhưng bác sĩ Đô đều trực tiếp tư vấn tận tình, lên phương án làm chân giả phù hợp cho từng người mà không ai phải trả bất cứ khoản lệ phí nào. Tôi rất cảm ơn bác sĩ Đô cùng các cộng sự tại trung tâm.
Những cuộc gọi video như vậy ông Đô nhận được thường xuyên, đó chính là món quà tuổi già quý báu mà những NKT trả ơn cho ông. Đặc biệt đối với những em nhỏ khuyết tật, ông chủ động tìm đến và can thiệp sớm. Nếu được lắp chân giả sớm trẻ sẽ không bị lệch khung xương, không bị co rút cơ và khả năng đi lại bằng chân giả tốt hơn, giúp các em hoà nhập và ít bị mặc cảm. Được biết, những năm trước, bác sĩ Đô đều hỗ trợ lắp chân tay giả, máng nẹp cho 15 – 20 em nhỏ tại Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thuỵ An (Ba Vì).
Mỗi bệnh nhân tìm đến bác sĩ Đô lại mang theo một câu chuyện, một nỗi niềm khác nhau. Có người khuyết tật bẩm sinh, có người do tai nạn. Điểm chung của họ là đều có hoàn cảnh khó khăn, gia đình không tự trang bị được tay chân giả phù hợp vì chi phí cao hoặc những trường hợp khó, các trung tâm dịch vụ không đáp ứng được yêu cầu.
Chị Nguyễn Thị Nhung, xã Trung Tú (huyện Ứng Hoà, TP Hà Nội) bị mất một chân do tai nạn giao thông bày tỏ sự vui mừng khi biết tin sắp được nhận chân giả tại trung tâm của bác sĩ Đô.
Chị cho biết: "Biết em đi lại bất tiện, bác xuống tận nhà em để tìm hiểu chi tiết tình trạng mất chân của em và tìm nguồn hỗ trợ kinh phí. Rồi ít tuần sau, bác hẹn em ra Hà Nội để thử chân, mấy ngày trời nôn nao, hồi hộp mong được đi lại bằng chiếc chân mới mà bác Đô tặng. Bác bảo trường hợp của Nhung là trường hợp đặc biệt, vì chân còn quá ngắn rất khó làm. Bác đã tìm mọi cách để tạo ra chiếc chân tốt nhất cho em, em rất biết ơn bác".
Không chỉ là bác sĩ hết lòng vì NKT, bác sĩ Đô còn là một nhà khoa học thực thụ. Ông làm việc từ sáng sớm cho tới khuya, bất kể ngay thường hay ngày nghỉ lễ. Suốt 50 qua, ông luôn tìm tòi, nâng cao kiến thức, tổng kết kinh nghiệm để áp dụng các công nghệ làm chân tay giả hiện đại và phù hợp với từng NKT.
Bác sĩ Đô còn tư vấn cho NKT cách tập luyện để phục hồi khả năng đi lại với chân giả. Hễ bệnh nhân nào cần tư vấn đều có thể nhấc máy điện thoại gọi bác sĩ Đô bất kể lúc nào, tính đến nay bác sĩ Đô đã tặng gần 1.000 chân, tay giả cho NKT, thương binh trên cả nước.
Ngoài công việc tại trung tâm, bác sĩ Đô còn làm tốt vai trò của một cán bộ Hội Người cao tuổi Việt Nam chuyên chăm sóc sức khoẻ cho hội viên, vận động kinh phí xoá nhà dột nát cho người cao tuổi neo đơn. Tổ chức thăm khám miễn phí, tham gia phẫu thuật khắc phục biến dạng cho các em nhỏ bại liệt, bại não… sau đó ông làm dụng cụ chỉnh hình phù hợp với từng cháu trong những năm qua.
Bác sĩ Đô còn kết nối với một doanh nghiệp may mặc để nhận NKT vào làm thợ may, tạo sinh kế lâu dài cho họ. Từ đầu năm 2023, bác sĩ Đô đã gửi công văn cho một số Hội NKT tỉnh thành để họ vận động NKT đến lắp tay chân giả.
Hiện bác sĩ Đô đang tham gia Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, tích cực triển khai các dự án bảo vệ sức khỏe cộng đồng cho dù đã sắp bước sang tuổi 80.
Chị Trần Thu Nguyệt, từng công tác cùng bác sĩ Đô tại Bộ LĐ – TB&XH đã đồng hành cùng bác sĩ Đô từ ngày mới thành lập trung tâm chia sẻ: "Khi làm việc với chú Đô, tôi cảm nhận được sự tâm huyết, tận tình của chú với bệnh nhân. Tuy tuổi đã cao nhưng chú luôn miệt mài lao động, chủ động đi kết nối với các tổ chức nhân đạo xin tài trợ mà chưa bao giờ nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già".
Ông Nguyễn Văn Bảo, Bí thư chi bộ địa bàn dân cư số 9, phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhận xét: Trong những năm qua, đồng chí Đô đã tặng hàng ngàn chiếc tay, chân giả cho NKT có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước. Ngoài ra, đồng chí Đô đã tích cực đóng góp kinh phí từ thiện, tham gia công tác trật tự an ninh tại khu dân cư, tấm gương của đồng chí Đô được chi bộ đánh giá rất cao.
Rất nhiều mảnh đời khuyết tật đã có những bước đi đầu tiên trong đời sau khi rời căn nhà ấm cúng của bác sĩ Lê Thành Đô, với họ bác sĩ Đô không khác nào người đã sinh ra cho họ cánh tay, cẳng chân để viết tiếp ước mơ cuộc đời.
Chia tay người bác sĩ, thương bình già, tôi thấy ông lại đi ngay vào xưởng để làm việc, trong buổi trò chuyện ông không hề nhắc đến khó khăn của bản thân hay than vãn điều gì, ông chỉ mong sao được các tổ chức nhân đạo tài trợ kinh phí để ông tiếp tục sản xuất chân giả tặng NKT có hoàn cảnh khó khăn. Niềm vui của ông chính là trao đi những bước chân vẽ nên một tương lai tươi sáng cho NKT.