Người “thổi tù và” nơi ngõ hẹp

20-10-2016 21:46 | Xã hội

SKĐS - Dừng xe bên lề ngõ Hòa Bình 7, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, mấy thanh niên ghé vào quán nước tự giới thiệu là nhà báo rồi hỏi thăm nhà Tổ trưởng dân phố số 24b...

Dừng xe bên lề ngõ Hòa Bình 7, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, mấy thanh niên ghé vào quán nước tự giới thiệu là nhà báo rồi hỏi thăm nhà Tổ trưởng dân phố số 24b... Chủ  quán nhanh nhảu:

- Bà Ngoãn hả? Nhích lên 100m, ngoặt phải cũng chừng ấy, số 8, ngách 46 là nhà bà Ngoãn!

Người hỏi ngập ngừng:

- Dạ. Là chúng cháu hỏi thăm nhà Tổ trưởng dân phố số 24b, cụm 10, quyết liệt chống gây ô nhiễm môi trường sinh sống ấy ạ!

- Thì đấy. Tổ 24b, c, a gì gì chúng tôi đâu có nhớ. Chỉ biết bà Ngoãn làm tổ trưởng dân phố tôi mười mấy năm nay nên cứ tên mà gọi!... Đến lượt tôi cũng ớ ra: Ừ nhỉ, mình nhập cư về đây hơn 20 năm, nhưng quên bẵng tên tổ dân phố, bởi ai cũng câu cửa miệng: Nhà mình thuộc tổ bà Ngoãn!...

Bà Nguyễn Thị Ngoãn.

Bắt chuyện, tôi cùng các đồng nghiệp trẻ nhanh chóng nhập cuộc, tìm cho ra nhẽ sự quyết liệt chống ô nhiễm môi trường do Nhà máy Bia Đông Nam Á gây ra suốt mấy chục năm nay mà bà Nguyễn Thị Ngoãn là tấm gương tiêu biểu. Vẻ bức bối về sự xả khói bụi quá đáng của Công ty Thuận Phát (có trụ sở ở Sài Gòn) vẫn đằm trên đôi mắt của người phụ nữ tuổi Canh Dần. Nghe tiếng nổ phành phạch, rung lắc bần bật của lò đốt mùn, rác cấp hơi cho nhà máy bia sản xuất; giọng sầm sập, bà Ngoãn nói như phân bua:

- Các nhà báo tính, cứ thế này thì chúng tôi làm sao sống nổi. Mà đâu chỉ hôm nay. Dân chúng tôi phải đối mặt với đủ loại ô nhiễm do nhà máy này gây ra!

Bà kể: Từ 1993 đến hết năm 2013 họ mở lò đốt than đá giữa lòng khu dân cư để cấp hơi cho nhà máy sản xuất bia. Mỗi ngày đêm họ đốt cả tấn than đá. Khói bụi, khí độc, tiếng ồn quật quã của lò đốt mỗi khi khởi động trùm lên đầu lên cổ cả ngàn hộ gia đình, cả vạn dân ở cụm 3, 4 và 10. Đêm đêm người già bị cắt giấc, trẻ con hoảng loạn, khóc thét... Dân bức bối điện thoại cho Bí thư Chi bộ; đập cổng gọi Tổ trưởng dân phố... Bất kể nửa đêm, gà gáy, mưa rét... dân thúc là phải đi, phải đến... phải sục vào nơi họ gây ô nhiễm, ồn ã mà nhắc nhở. Lắm khi phải lăn xả vào can ngăn những người quá bức bối định ném đá, ném gạch vào lò đốt hơi, hoặc định kéo nhau ra ngõ Hòa Bình 7 để chặn xe ra vào nhà máy... Bất quá, chúng tôi phải đâm đơn kiến nghị ra phường, kêu cứu lên quận, lên thành phố... May mắn, ngay từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, báo chí Trung ương và các tổ chức đoàn thể, xã hội cùng vào cuộc phê phán quyết liệt nhà máy gây ô nhiễm, thải khí độc ra khu dân cư, nên việc đốt than đá được thành phố quyết định tạm ngừng vào cuối năm 2013!... Bà Ngoãn hạ giọng: Nói là phố nhưng khu dân cư chúng tôi cũng chỉ hơn làng một chút ở chỗ đông đúc, chật chội, bụi bặm; trộm cắp, ma túy, chèn lấn, bon chen, thậm chí nhỏ nhen đến không tưởng... nên việc cốt nhất của chúng tôi là phối kết hợp chặt chẽ với Ban Công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, dân chủ bàn bạc gây dựng cho được phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Ngõ, hẻm nào có tệ nạn là phải tìm đến. Đâu có hiềm khích, lấn đất, chèn tường, chen lối là phải gặp gỡ phân giải sao cho lý tình trọn vẹn... Ngắt đoạn, bà cười như vừa vỡ giọng: - Ấy là “nhiệm vụ”. Còn “quyền” thì “rơm” lắm. Mà “vạ” thì trên cả “đá tảng”!... Bà kể tiếp: Lương vợ chồng công nhân, hưu trí từ hồi xửa hồi xưa; ông ấy lại bệnh trọng, chữa chạy cả chục năm nay nên “lép lắp”. May con cái đỡ đần nên còn có đồng ra đồng vào. Tiền phụ cấp tổ trưởng cũng chỉ góp thêm để thăm hỏi khi có người trong khu đau yếu với lại photo văn bản, tài liệu, làm ảnh, đơn thư... gửi lên phường; khẩn thiết kêu gọi cấp quận, cấp thành xem xét, quyết định trả lại môi trường sống trong lành cho dân. Nhiều người nghĩ phụ cấp của tôi lớn lắm nên mới miệt mài, năng nổ với công việc, mới cậy nhờ được tiếng nói, hình ảnh, chữ viết của đủ loại hình báo chí... May là họ cũng sớm nhận thấy báo chí luôn vì lẽ phải và sự công bằng, chịu gian nan, sẻ chia, đồng hành cùng dân phố chống gây ô nhiễm môi trường!... Tiếp nối, lời như cắt nhát: - Mệt. Gối mỏi. Chân chồn. Bệnh tật đã thấm sâu vào tận xương tận tủy. Muốn nghỉ cũng không xuôi!... Lời thế ấy, khiến tôi nhớ lại đêm họp dân phố cách đây bốn năm để bầu lại lãnh đạo tổ. Bà Ngoãn trình bày đủ lý lẽ để được nghỉ. Phía cuối phòng họp, cụ Khương tuổi chừng  80 - 81, đứng phắt dậy: - Không được. Không được. Ai chứ bà Ngoãn thì chúng tôi chưa cho nghỉ. Phải tiếp tục. Khi nào nhà máy bia dời ra ngoại đô, ra khỏi khu dân ta thì mới được nghỉ! Tiếng vỗ tay ran ran xen lẫn tiếng hô: - Nhất trí. Nhất trí. Bà Ngoãn chưa được nghỉ. Phải tiếp tục! Tiếp tục thêm nữa ạ!

Cứ ngỡ ngừng đốt than là thoát nạn ô nhiễm. Ai ngờ “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”. Nhà máy ẩn mình, cho Công ty Thuận Phát thuê đất lắp đặt công nghệ đốt rác và mùn cưa rồi bán hơi cho nhà máy. Ô nhiễm tiếng ồn tệ hại hơn. Khói đen mù trời. Bụi bẩn phun tứ tung. Đêm ngày xe khủng len trong ngõ hẹp vận chuyển nguyên, nhiên vật liệu cho lò đốt hơi, cho sản xuất bia, cho việc tiêu thụ thành phẩm... gây nên bức bối, nhất là những tháng hè như nung như nấu trong năm 2014. Nhiều gia đình có người già và trẻ em phải tìm cách cậy nhờ người thân để đến “lánh nạn”. Các cụm dân phố, các chi bộ đảng, các tổ dân cư, lại cùng bà Ngoãn phối hợp với báo chí quyết liệt đấu tranh, kêu cứu... nên Công ty Thuận Phát bị thành phố phạt tiền và quyết định ngừng đốt lò!...

Khói bụi ô nhiễm (Ảnh bà Ngoãn chụp).

Cũng chẳng ai lường tới; sau đấy Thuận Phát lại chuyển nhượng cho Công ty Hà Tân. Công ty này lại đổi công nghệ, chạy thử, lại thả khói đen, bụi bẩn mà báo chí gọi là “Lại gây bẩn giữa lòng Thủ đô”!... Vẫn mạch kể, bà bảo: - Cũng lạ. Tôi chỉ là kẻ “thổi tù và” trong ngõ hẹp, ấy vậy mà từ Nhà máy đến Công ty Thuận Phát, rồi Công ty Hà Tân... khi gây ô nhiễm cũng như khi thử đốt lò... thì họ đều cho cán bộ kỹ thuật tới để “thưa dạ”... kèm “túi quà” và “phong bao” mong đỡ lời. Lần nào cũng vậy, tôi đều “thuyết phục” được họ phải tự giãi bày, rằng: “Là người được thuê, mướn nên chúng cháu phải tuân theo hợp đồng. Nhưng, bằng lương tâm cháu tự thấy không thể xả bụi bẩn, độc hại vào giữa lòng dân cư chật chội như thế này được”! Theo đó, túi quà và “phong bao” ngay lập tức được trở lại với chính chủ của nó. Lời vột lên từ tâm can, bà thổ lộ: - Họ gây bẩn. Cán bộ lại “ăn bẩn” thì làm sao dám há miệng đấu tranh đòi trả lại môi trường trong sạch cho dân! Nói rồi bà đưa ra cả xấp ảnh chụp cảnh gây ô nhiễm môi trường của nhà máy, rồi dẫn  chúng tôi lên tầng cao quan sát, chụp khung cảnh lò đốt mùn rác đang chuẩn bị vận hành!... Chiều ấy, công ty đốt thử. Khói đen mù trời; khí độc sặc sụa bung ra... Đúng như lời bà đã cảnh báo trước, công ty này phải ký vào biên bản do công an phường lập: Ngừng đốt (kể cả đốt thử), trừ khi được phép bằng văn bản của cơ quan môi trường!... Thêm lần quyết liệt. Thêm lần thành công. Dân vui năm, vui bảy; bà tổ trưởng vui mười! Cho dù tất cả sẽ qua đi. Sẽ rơi vào quên lãng.

Gặp lại các nhà báo, bà Ngoãn rền rĩ: - Chết thật. Dễ đâu lường hết chữ ngờ. Giọng bơi bơi của người trong cuộc, bà kể: Họ lại bán xới cho nhau cả rồi. Bia Đông Nam Á nay thế chân (Chi nhánh Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam tại Hà Nội) gây ô nhiễm kinh hoàng hơn trước. Bây giờ người ta mở rộng sản xuất kiếm lời cao. Người ta thay đốt than, đốt rác bằng đốt gas, dầu DO... để cấp hơi. Người ta sử dụng tới 9-10 loại hóa chất trong sản xuất, kể cả hóa chất nguy hại nhập từ Đức. Mỗi ngày đêm họ còn lấy tới ngàn khối nước từ lòng đất lên cho sản xuất. Bể thải cao ngất ngưởng lộ thiên không khử mùi; xe khủng quá khổ quá tải vào ra đêm ngày; bụi bẩn, khí thải độc hại, hôi thối, tiếng ồn rít réo khiến dân cư ngộp thở, bức bối...Vậy là 22 năm liên tục đấu tranh đòi được sống trong môi trường trong lành... lại trở về số mo! Khuôn mặt cương trực, ngay thẳng xịu xuống, đôi mắt xa xăm; nhưng chốc lát lại bừng lên ở phía ngày mai... Giọng quyết liệt: - Không thể chùn bước. Phải tiếp tục gắn bó với báo chí. Phải chuyển cho được lời của cử tri, của dân phố tới với Hội đồng nhân dân quận, tới thành phố, tới Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của dân, của nước. Bởi môi trường sạch là quyền sống của dân!

Bước đi đã xô lệch vì bệnh tật níu kéo. Cùng mấy người dân phố, bà Ngoãn tìm về viếng Tổ Mẫu Âu Cơ ở xã Hiền Lương và cậy nhờ “Thầy lang y xứ núi” ở xã Quân Khê, Hạ Hòa, Phú Thọ. Trong lời thỉnh cầu may mắn, hạnh phúc cho gia đình, dòng tộc... tôi thóp được lời bà da diết: - Con cầu xin Tổ Mẫu dạy bảo, dẫn đường, chỉ lối cho chúng con đi đường ngay, lẽ phải. Phù hộ cho tổ dân phố nơi con sinh sống vạn sự tốt lành, ấm êm, hạnh phúc!... Tự dưng, ý nghĩ cỏn con bùng lên trong tôi: Mong sao thôn xóm, làng quê, phố phường đâu đâu cũng có những người “thổi tù và nơi ngõ hẹp” như bà Nguyễn Thị Ngoãn!

Cuối thu 2016


Nguyễn Uyển
Ý kiến của bạn