PGS.TS. Nguyễn Thanh Hiệp truyền cho mọi người niềm tin vào hiệu quả của nguyên lý y học gia đình, tin vào trái tim của những người thầy thuốc và  tin rằng đâu đó vẫn có những con người đang lặng thầm mở lối vì sự phát triển của y tế nước nhà, thổi ngọn lửa yêu nghề vào lớp lớp thế hệ y bác sĩ trẻ.

Chưa một lần được gặp mặt, qua những bài báo về những công trình nghiên cứu, công việc anh đang làm, mọi người đã kể với tôi về anh - một bác sĩ giỏi, nhiệt huyết, chưa từng có phút giây nào chùn bước trước khó khăn, thử thách để đi theo tiếng gọi của trái tim. BS. Nguyễn Thanh Hiệp là người Việt Nam trẻ nhất nhận bằng Tiến sĩ y khoa tại Pháp khi mới 29 tuổi. Năm 2015, anh cũng trở thành Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Anh nói: “Càng đi sâu nghiên cứu, tôi càng quyết tâm đưa những điều mới mẻ, hữu ích tới với người dân của  mình”. Chúng tôi đã mở đầu câu chuyện về cuộc đời, về nghề y như thế!

PGS.TS. Nguyễn Thanh Hiệp.

Ấn tượng từ ca suy thận xin về chờ chết

Hồi tưởng lại quãng đời sinh viên cách đây khoảng hai chục năm, PGS.TS. Nguyễn Thanh Hiệp kể câu chuyện mà một chàng sinh viên Y5 “ám ảnh” suốt cuộc đời. Đó không phải là hình ảnh của những cơn bạo bệnh, những cảnh máu me kinh hoàng từ những tai nạn khủng khiếp... mà là ca bệnh của một chàng trai còn rất trẻ - mới ngoài 30 tuổi.

Vào một phiên trực, ở phòng bệnh, chàng sinh viên y khoa Nguyễn Thanh Hiệp tiếp nhận một bệnh nhân mắc suy thận  giai đoạn cuối. Điều đặc biệt là bệnh nhân không hề biết mình bị bệnh suy thận mạn. Cách duy nhất để kéo dài sự sống là bệnh nhân phải chạy thận 3 lần mỗi tuần, trong khi đó, 1 ca chạy thận rất tốn kém, ngoài khả năng chi trả của gia đình và bệnh nhân lại không có bảo hiểm. BS. Hiệp ra sức thuyết phục bệnh nhân và gia đình ở lại chạy thận nhưng gia đình nhất quyết đưa bệnh nhân về nhà.

PGS. Hiệp không giấu nổi xúc động nói: “Lúc đó, tôi cảm thấy rất sốc. Tôi tự hỏi, tại sao lại đưa bệnh nhân về trong khi bệnh nhân vẫn có thể kéo dài cuộc sống bằng chạy thận.  Điều đó cứ đeo đẳng, hối thúc tôi phải làm một điều gì đó”.

Nghĩ là làm, chàng sinh viên y khoa Nguyễn Thanh Hiệp đã chọn đề tài “Phân tích chi phí điều trị bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối tại Bệnh viện Nhân dân 115” làm luận văn tốt nghiệp đại học. Đề tài của anh được bảo vệ bằng tiếng Pháp và được Hội đồng khoa học Việt Pháp lúc bấy giờ đánh giá rất xuất sắc, đạt điểm thủ khoa. Sau thành công của đề tài tốt nghiệp, cơ hội mới lại đến khi BS. Hiệp nhận được học bổng du học Pháp. Anh tiếp tục học tập và nghiên cứu về chuyên ngành suy thận mạn tại Đại học Y Bordeaux, Pháp.

Trong suốt quá trình học tập bên Pháp, kết quả học tập của BS. Hiệp đã khiến các giáo sư người Pháp rất ngưỡng mộ về một sinh viên người Việt Nam có thực tài. GS. Christian Combe định hướng cho anh làm đề tài tiến sĩ về lĩnh vực suy thận mạn. Không phụ lòng tin của các thầy, anh đã xuất sắc bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Đây là kết quả một công trình nghiên cứu đồ sộ của BS. Nguyễn Thanh Hiệp trên 1.600 bệnh nhân suy thận mạn. Dựa trên đề tài này, anh cũng viết một số bài báo đăng tải trên các tạp chí y khoa của Mỹ. Hội đồng giám khảo khi đó đã đánh giá “luận án tiến sĩ của BS. Nguyễn Thanh Hiệp  không còn mức cao hơn để cho điểm”...

Khi còn là sinh viên, Nguyễn Thanh Hiệp đã bất ngờ nhận được học bổng 2 tháng ở Pháp. Vỏn vẹn 2 tháng trời du học nhưng đã thắp lên trong tâm trí chàng thanh niên ấy một khát khao đến cháy bỏng là phải quay lại đây để tiếp tục theo đuổi giấc mơ y khoa. BS. Hiệp kể, hồi đó anh đã đứng dưới chân tháp Eiffel tự hứa với lòng rằng mình phải quay lại đây...

PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp từng bước xây dựng và phát triển lĩnh vực y học gia đình

Vượt qua khó khăn...

Được sinh ra trong một gia đình nghèo, bố là công chức, mẹ là dược sĩ của một cơ quan nhà nước, BS. Hiệp nhớ mãi hình ảnh gia đình lếch thếch cả người cả lợn cùng đống đồ đạc ngồi trên một chiếc xe thùng chuyển nhà xuống Hóc Môn. Hàng ngày, ngoài việc học, cậu học trò nhỏ phải đi thái chuối nuôi lợn, tối ngủ mà vẫn nhìn thấy lợn ủn ỉn ngay cạnh giường.

BS. Hiệp nhận thức được gia cảnh khó khăn của gia đình từ rất sớm nên không để ba mẹ phải lo lắng nhiều, anh chỉ biết lao đầu vào học và học rất giỏi, nhiều lần anh là thủ khoa đầu vào và đầu ra các cấp.  Sau này, nhờ có nhà thuốc của mẹ, cuộc sống của gia đình anh cũng khấm khá hơn. Nhưng chàng trai trẻ ấy quyết tâm không là gánh nặng của ba mẹ, mỗi lần ấp ủ dự định đi ra nước ngoài, BS. Hiệp đều phải chuẩn bị rất chu đáo để xin được các suất học bổng. Sau khi tốt nghiệp đại học, nhờ luận văn tốt nghiệp xuất sắc, BS. Hiệp có cơ hội sang Pháp. Cũng như bất cứ một du học sinh nào khác, cuộc sống du học khá khó khăn. Học từ thạc sĩ lên tiến sĩ, anh đều “tự vận động” để có được các suất học bổng dành cho những người xuất sắc. Do thời gian làm luận án tiến sĩ kéo dài thêm 2 tháng, trong lúc không nhận được thêm sự hỗ trợ nào khác, anh đã quyết định nhận công việc bán thời gian hái nho với thù lao 30 euro/ngày để trang trải cuộc sống.

Ngã rẽ

Anh Hiệp kể, cầm tấm bằng tiến sĩ trên tay, dù các giáo sư thuyết phục anh ở lại Pháp làm việc trong điều kiện cơ sở vật chất tuyệt vời nhưng anh lại có một suy nghĩ khác. “Tôi không muốn làm những gì đã có sẵn, lúc nào tôi cũng có ý nghĩ cần phải thử thách bản thân, xem khả năng của mình đến đâu”, TS. Hiệp nói. Nên anh đã quyết định trở về quê hương, công tác tại Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và làm bác sĩ điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115.

Quyết định đến với lĩnh vực bác sĩ gia đình cũng là một cái duyên. BS. Hiệp kể, mỗi lần khám ở bệnh viện, anh đều cảm thấy bất lực khi không làm “tròn vai” của một người bác sĩ. Bệnh nhân quá đông, bác sĩ y tá làm việc liên tục mà không xuể.

Trong một lần tình cờ, anh được tham dự một hội thảo về nguyên lý y học gia đình của BS. Didier Giet - Trưởng khoa Bác sĩ Gia đình của Đại học Liège, Vương quốc Bỉ, anh như người đang trong bóng đêm phát hiện ra tia sáng. “Đây chính là điều sẽ giúp ích cho nhiều người bệnh, nhất là cách giúp các bệnh viện giảm tình trạng quá tải”, BS. Hiệp nói. Và không cần suy nghĩ quá lâu, anh quyết tâm nghiên cứu lĩnh vực bác sĩ gia đình.

Từ đó, anh lao đầu vào nghiên cứu sách vở, có khoảng thời gian anh đọc và nghiên cứu rất nhiều,  mỗi ngày chỉ ngủ khoảng 2 giờ đồng hồ. Sau đó, anh quyết tâm tiếp tục xin học bổng đi học tiến sĩ về lĩnh vực này. Kể về những ngày trăn trở với dự định mới của mình, BS. Hiệp cho biết, rất nhiều người ngăn cản, ngay cả người trong gia đình cũng  bảo rằng mình bị “điên”. Khi đi xin học bổng, các thầy khuyên nên quay về với lĩnh vực nghiên cứu trước kia của mình. Nhưng càng ngăn cản, anh càng có quyết tâm thực hiện cho bằng được, anh nói với các giáo sư: “Xin cho em học, dù không cấp bằng cũng được nhưng hãy cho em nghiên cứu về lĩnh vực này”. Và rồi quyết tâm của anh cũng được đền đáp bằng một suất học bổng nghiên cứu về y học gia đình.

Một trong những điều làm anh day dứt nhất là sự ra đi của cha anh khi ông mới 60 tuổi. BS. Hiệp trầm ngâm nhìn về xa xăm, kể lại: “Cả cuộc đời ba tôi luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho các con. Ông không bao giờ lo gì cho bản thân mình, lúc nào cũng chỉ suy nghĩ vun vén cho gia đình”. BS. Hiệp tâm sự, ông rất ngại phiền mọi người, kể cả con cái, chỉ đến khi ông đau quá không chịu được mới bảo các con đưa đi khám, lúc đó thì ông đã bị ung thư giai đoạn cuối. Đây là quãng thời gian rất khó khăn với BS. Hiệp.

Là một bác sĩ mà anh không thể làm gì nhiều để cứu ba, cảm giác bất lực ngập tràn trong lòng thời điểm đó. Anh chia sẻ, sự ra đi của ba anh là động lực thôi thúc anh hiện thực hóa mô hình bác sĩ gia đình bởi nếu lúc đó có bác sĩ gia đình, chắc chắn ba anh có thể được phát hiện bệnh, được theo dõi và điều trị sớm.

Bác sĩ của những sáng kiến

Nói về thời gian đầu tiên triển khai mô hình bác sĩ gia đình, BS. Hiệp bảo, đó là khoảng thời gian khó khăn nhất, một mình anh phải đi “gõ cửa” từng địa phương, gặp gỡ chính quyền, thuyết phục các bệnh viện, cơ sở tham gia đào tạo triển khai mô hình bác sĩ gia đình tại địa phương. BS. Hiệp nói: “Lúc đó, nhiều người nói tôi đang làm một việc “bao đồng”, kể cả thầy giáo, gia đình, bạn bè... Nhưng tính tôi vậy, càng khó tôi lại càng thích”. Không phụ công BS. Hiệp, Chương trình cấp Quốc gia đào tạo về chăm sóc sức khỏe theo nguyên lý y học gia đình cho các bác sĩ công tác tại trạm y tế xã đã được đánh giá cao, là giải pháp có giá trị đặc biệt, được ứng dụng trong công tác triển khai mạng lưới bác sĩ gia đình trên toàn quốc, được Bộ Y tế tặng bằng khen.

Với vai trò là Trưởng Bộ môn Y học gia đình, là giảng viên của Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, PGS.TS. Nguyễn Thanh Hiệp còn có nhiều giải pháp sáng tạo, cải tiến chương trình đào tạo,  góp phần nâng cao chất lượng đầu ra của trường, nhất là trong việc phát triển bộ môn y học gia đình, đảm bảo chương trình giảng dạy cho các đối tượng, các lớp sau đại học chuyên ngành y học gia đình như  đào tạo online bác sĩ gia đình, từ đó xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn đào tạo online. Ứng dụng mô hình đào tạo trực tuyến tại Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho phép học viên phát triển kỹ năng tự học trực tuyến; đồng thời là kênh liên hệ của sinh viên - học viên và nhà trường. Đây là công cụ đào tạo trực tuyến trong y khoa đầu tiên tại Việt Nam. Sáng kiến này đã được triển khai cho hơn 500 bác sĩ tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành trong cả nước. Phương thức đào tạo này đã được Bộ Y tế đánh giá cao và “đặt hàng” triển khai tại 15  tỉnh.

PGS Nguyễn Thanh Hiệp tham gia giảng dạy nhiều khóa học cho các y bác sĩ

Nhận thấy hệ thống bác sĩ gia đình chính là xu thế, là tương lai phát triển, với nhiệm vụ vừa dự phòng và điều trị, vừa giúp người dân phòng tránh bệnh tật, giải quyết ban đầu tình trạng bệnh tật, giúp điều phối giữa các chuyên khoa trong điều trị và là cầu nối giữa người bệnh với bệnh viện khi cần điều trị nội trú, giảm quá tải bệnh viện, BS. Hiệp quyết tâm thực hiện nhiều đề án,  giải pháp nâng cao năng lực trong xây dựng các phòng khám bác sĩ gia đình tại TP. Hồ Chí Minh để giải quyết khâu thiếu cơ sở giảng dạy, thực hành, khám chữa bệnh theo mô hình bác sĩ gia đình. Hơn 900 sinh viên đại học và 200 bác sĩ sau đại học tại TP. Hồ Chí Minh đã có nơi thực hành khám chữa bệnh theo mô hình bác sĩ gia đình, trong đó hàng trăm lượt bệnh nhân đã được khám chữa bệnh.

PGS. Hiệp tâm sự: “Trong thực tế, chúng ta có đội ngũ bác sĩ giỏi, không thua kém các nước phát triển, tại sao chất lượng điều trị không được như bên nước ngoài, đó là do hệ thống phòng thủ bước 1 của chúng ta còn quá yếu. Đó là y tế gia đình, y tế cơ sở của chúng ta còn chưa tốt”.

Nhờ những đóng góp của BS. Hiệp với bệnh viện nơi anh công tác, với  Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh và Bộ Y tế,  PGS.TS. Nguyễn Thanh Hiệp nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được nhận nhiều bằng khen của UBND TP. Hồ Chí Minh, Sở Y tế và Bộ Y tế.

Ước nguyện lớn nhất và cũng là mong ước của BS. Hiệp,  mỗi ngày một chút gây dựng lên, đó là phát triển y tế cơ sở, là xây dựng viện - trường đại học theo đúng nghĩa của nó.

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nói: “Nếu bạn đi đúng con đường và luôn luôn sẵn sàng bước tiếp, sớm muộn gì bạn cũng đạt được thành công”. Con đường mà chàng PGS trẻ tuổi Nguyễn Thanh Hiệp đang đi chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước nhưng với sự kiên định và niềm tin của mình, anh  đã, đang và sẽ là “người thổi lửa” của chuyên ngành y học gia đình, là người truyền cho các thế hệ những y, bác sĩ tương lai một niềm tin vào sự phát triển của y tế nước nhà...

Ý kiến của bạn