Trên sàn diễn, trước ống kính, diễn viên – NSƯT Tiến Đạt là một danh hài nổi tiếng xứ Bắc. Người chuyên trị vai phản diện, “đểu lỗi lạc” như cách khán giả vẫn trìu mến bảo. Bước ra khỏi ánh hào quang nghệ thuật, anh lại cổ đeo thước dây, thoăn thoắt tay phấn tay kéo, sắm trọn vai “ông thợ may nổi tiếng” tiếp quản, gìn giữ và phát triển thương hiệu một đời chuyên “may đo complet cho các chính khách” của cha anh - nghệ nhân Tiến Thành.
Yêu nghề, nghề không phụ
Ẩn sau câu chuyện đời chuyện nghiệp của hai cha con người thợ cao cấp – nghệ nhân Tiến Thành và nghệ sĩ Tiến Đạt luôn phảng phất nét hào hoa “dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Trong nết mặc, và trong cả nết người đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Mà họ là chứng nhân, cũng là người may mắn đồng hành và cùng chung tay tạo dựng.
Sinh năm 1920, nghệ nhân may Tiến Thành nay đã ở tuổi ngoại cửu tuần. Cây kéo sắc như nước, chỗ tay cầm bóng loáng vì in dấu mồ hôi của hơn sáu chục năm trời gắn bó với đời thợ vẫn được ông nâng niu gìn giữ, như một vật gia bảo. “Đây là tài sản vô giá mà cả đời tôi có được. Tôi đã dùng nó để cắt những bộ complet hoàn hảo khiến các VIP vô cùng hài lòng. Bí quyết ư, nghề gì cũng vậy, muốn thành công phải lấy chữ tâm làm đầu. Các cụ xưa đã dạy, nhất nghệ tinh nhất thân vinh. Nghề may đã giúp nuôi sống cả gia đình tôi. Cũng chính nghề mang lại cho tôi danh hiệu nghệ nhân may Việt Nam đầu tiên, được Nhà nước công nhận từ cuối thập kỷ 60. Và là ông thợ may hiếm hoi được hưởng chế độ khám chữa tại Bệnh viện Hữu Nghị. Nó cũng giúp tôi trở thành người Việt Nam duy nhất thuộc nằm lòng số đo của rất nhiều bậc chính khách”.
Người Hà thành sành ăn mặc không còn xa lạ với địa chỉ 48 Lê Thái Tổ, nơi biển hiệu Nhà may complet Tiến Thành khiêm nhường đứng đó suốt bao năm. Cho dù người nghệ nhân già đã “rửa tay, gác kiếm” từ 15 năm về trước, khi ông đã vào tuổi 75. Cho dù thương hiệu đó giờ chỉ còn sống trong hoài niệm đẹp của một thế hệ, khi ngôi nhà giờ đã biến thành quán kem Fanny tấp nập khách vào ra.
Ông chủ Tiến Thành đã lui về ẩn dật nơi con phố Phùng Hưng. Cụ đã yếu nhiều, vòng quay thời gian khắc nghiệt đâu có chừa ai. Và chuyện may, chuyện cắt, chuyện mặc, chuyện chơi của người dân Hà thành vốn nổi tiếng cầu kỳ, thanh lịch xưa và nay, tôi có thể mường tượng rất rõ, qua lời kể của người con duy nhất chọn nối nghiệp cha. Khi anh đang cẩn thận đưa từng nhát kéo lướt trên mặt vải, trong ngôi nhà khiêm tốn có tấm biển nhỏ ghi tên Nhà may Tiến Đạt ở số 8 phố Hàng Dầu.
Trong câu chuyện anh kể luôn có những hồi ức đẹp về cha. Khi ông chỉ mất có tám năm để đi từ vị trí cậu bé 13 tuổi học việc đến ông chủ tiệm tại thành phố Lạng Sơn, tròn 21 tuổi và gia tài là một chiếc máy khâu Singer cũ mèm chắt chiu mãi mới tậu được. Khi cửa hiệu đầu tiên mở tại Hà Nội năm 1946, tại số 56 phố Nhà thương Khách (nay là Hòe Nhai) đã trở thành địa chỉ tin cậy của giới công chức Pháp.
Và nhà may tọa lạc ở 48 Lê Thái Tổ đã có được danh sách đáng mơ ước những vị khách quen rất đặc biệt trong đó có các nhà ngoại giao thuộc các đại sứ quán đóng trên địa bàn Hà Nội. “Cây kéo vàng” Tiến Thành đã trở thành lựa chọn số một của các VIP, khi cần có một bộ trang phục, không chỉ đẹp cho mình mà còn thể hiện được cả “phương diện quốc gia”.
Nghệ nhân may Tiến Thành. |
Cha truyền, con nối
“Với tôi, may là nghề, diễn là nghiệp. Và tôi chưa bao giờ phân định, rằng đâu là tay trái, đâu là tay phải. Cây kéo, viên phấn đã giúp tôi vượt qua những ngày khốn khó, khi đồng lương cùng thù lao vai diễn không đủ trang trải một cuộc sống đạm bạc cho cả gia đình. Và chút máu nghệ sĩ thổi vào từng đường cắt giúp cho phom quần, dáng áo của ông thợ may Tiến Đạt bay bổng hơn, mang dấu ấn hào hoa hơn. Đấy là lời nhận xét mà ông cụ dành cho tôi đấy”.
Tiến Đạt kể, anh theo nghiệp cha có lẽ vì cái duyên Trời cho. Vì tính tình anh điềm đạm, nhẫn nại, tỉ mỉ và chi tiết giống hệt ông. Ngày nghệ nhân Tiến Thành quyết định buông kéo, ông đã khuyên con trai tiếp bước hành trình làm thợ đầy vất vả của mình. Bởi “nghệ sĩ là một nghề cao quý nhưng có thể cũng bạc bẽo. Con cố học lấy cái nghề của cha ông, để lỡ sau này giữa đường đứt gánh, hết duyên với nghiệp diễn, con vẫn giữ được nồi cơm cho cả gia đình nhỏ của mình”.
Tony Nguyễn của Chạy án tâm sự, rằng anh chỉ là một trong sáu học trò được cụ Tiến Thành hết lòng truyền dạy ngày đó. Mọi bí quyết, kinh nghiệm đúc kết một đời, cụ chỉ bảo hết cho lớp hậu sinh, không hề phân biệt con cái ruột thịt hay người ngoài. Không những đưa ra công thức cụ thể, cụ còn giải thích tường tận lý do hình thành “bí kíp” ấy. Vai rộng hay hẹp, thẳng thắn hay xệch xẹo, người lùn hay cao, lưng thẳng hay gù, dáng còng hay ưỡn… Hình thể chẳng ai mười phân vẹn mười, làm thế nào để họ đẹp hơn, tự tin hơn, phong thái đàng hoàng hơn khi khoác trên người bộ trang phục do mình may là cả một nghệ thuật. Mỗi chiếc áo, tấm quần luôn in đậm cái tâm cùng dấu ấn mà người thợ gửi gắm. Vì thế, mỗi sản phẩm cũng giống như một tác phẩm nghệ thuật vậy.
Cha anh luôn bảo, “bí quyết làm nên thương hiệu Tiến Thành chính là tình yêu và lòng say nghề. Có mê say, người thợ mới có động lực học hỏi, luôn động não, tìm tòi. Có mê say, họ mới ngày đêm kiên nhẫn, chỉnh chu từng đường phấn, nhát kéo, từng đường kim, mũi chỉ để mang đến những sản phẩm làm đẹp cho đời”. May mắn, Tiến Đạt có niềm say mê đó.
Anh khoe, “nhiều vị khách nước ngoài đến thử áo đã huýt sáo đầy phấn khích khi bắt gặp hình ảnh của mình trong gương. Và cũng đã có khá nhiều chính khách đặt lòng tin vào ông thợ may Tiến Đạt. Để bằng được cha thì quãng đường đi còn dài. Nhưng tôi tự tin mình đã có được thành công mơ ước từ ngày mới chập chững vào nghề”.
Nghệ sĩ Tiến Đạt. |
Complet, dấu ấn thanh lịch người Tràng An
Lời dạy của nghệ nhân Tiến Thành luôn văng vẳng trong tâm trí người con trai, rằng “may đồ lớn để những người khách bình thường hài lòng không quá khó. Nhưng để những người Hà Nội gốc vừa ý, thợ may phải ở đẳng cấp rất cao”.
Người xưa có câu, “y phục xứng kỳ đức”. Điều đó đặc biệt đúng với nết ăn mặc của người Tràng An. Với Tiến Đạt, anh được chứng kiến nét phong lưu, lịch lãm ngày xưa qua hình ảnh bố mình, qua bạn bè và cả số đông khách hàng đặt niềm tin vào đôi bàn tay vàng của ông.
Anh kể, “còn nhỏ mà tôi đã được biết đến những quy chuẩn nghiêm ngặt để nhìn nhận một người nào đó thông qua trang phục, đặc biệt chính xác khi khoác trên mình bộ complet. Cách phối màu veston cùng áo chemise, cravat cho hài hòa. Cách chọn kiểu cách màu sắc đôi giầy tây, bít tất sao cho hợp nhãn. Người Hà thành vốn đặt nặng chữ sĩ, ra đường là phải chỉnh chu, lịch lãm. Quần áo phải thật phẳng phiu, giày phải bóng lộn, cách phối kiểu – phối màu phải ton sur ton. Rồi đi kèm theo đó là phong thái ứng xử, cung cách nói năng, tất tật đều phải hòa hợp tạo nên một chỉnh thể thống nhất. Dân gốc Tràng An có tiếng hào hoa, lịch lãm, kỹ lưỡng chăm chút từ bề ngoài đến nét đẹp cốt cách bên trong cũng là vì thế”.
Complet vốn là trang phục cao cấp, chỉ mặc trong những dịp lễ lạt, trịnh trọng. Và người đến với nhà may Tiến Thành khi đó đều phải có cuộc sống tương đối phong lưu. Từ người mà trong tủ quần áo có cả chục bộ (mà màu sắc, chất liệu, kiểu dáng phù hợp với từng mùa trong năm) như cụ Tiến Thành đến người vì điều kiện chiến tranh khó khăn, chỉ tích cóp may nổi một bộ duy nhất để sử dụng trong cả chục năm, yêu cầu đòi hỏi rất cao về độ tinh tế, tính thẩm mỹ của trang phục complet không hề khác nhau.
Tiến Đạt không quên những ngày còn nhỏ, khi phải cùng anh chị em trong nhà kỳ công học từng khâu nho nhỏ, trong từng công đoạn rất nhỏ. Và thật khó khăn để nhận được cái gật đầu hài lòng từ cha. Đính cúc nhỏ thì chân chỉ phải nằm sát mặt vải. Khuy lớn, chân chỉ phải cao cỡ 2-3 ly, một khoảng cách vừa đủ để đựng cả vạt dưới vạt trên, để chiếc khuy được cài thật êm vào khuyết, không lỏng không kích. Rồi thùa cái khuyết phải đảm bảo đầu mút phải tròn, đường chỉ lượn phải uyển chuyển. Rồi mỗi công đoạn phải chọn kim số bao nhiêu, cỡ chỉ thế nào để đường khâu thật êm, không bị xoắn. Đó là còn chưa kể công đoạn khó nhất là tập tay kim, khâu đường chỉ lược để cài canh tóc. Vải và canh đặt cố định trên bàn, mũi kim hất lên đâm xuống nhịp nhàng mà hai lớp ấy không được phép xê dịch một ly….
Anh bảo, người sành mặc chỉ cài mấy cái khuy chính, nhìn chiều dài tay áo, đường cong tự nhiên mềm mại của cánh tay và khoảng cách giữa hai đầu vai là đủ để đánh giá ông thợ may của mình xếp ở đẳng cấp nào. Vì thế, dù khách hàng ngày càng đông, số lượng trang phục đặt may ngày càng lớn nhưng chưa bao giờ anh dám giao khâu cắt vải vào tay người khác. Anh cười, “Nhàn nhã nhìn thấy ngay, nhưng chất lượng sản phẩm và uy tín bao năm dày công tạo dựng sẽ bị thả nổi. Vả lại tính tôi nghệ sĩ lắm, không làm ăn lớn được. Cha con tôi thừa sức mở rộng công việc kinh doanh, tay nghề vững, thương hiệu mạnh. Những người cùng thời với bố tôi, giờ đều trở thành những doanh nghiệp may rất lớn. Nhưng có lẽ cả hai bố con đều có chút tính cách không ham hố, biết thế nào là đủ của người Hà Nội. Và vì vậy, giữa một người thợ giỏi và một ông chủ kinh doanh tồi, chúng tôi luôn chọn vế thứ nhất”.
Với cái vế thứ nhất giản dị ấy, họ đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục thổi cái hồn thanh lịch cho những bộ complet Hà thành, để nét đẹp hào hoa ấy trường tồn cùng ngàn năm hào hoa Hà Nội.
Huyền Nga