Người thổi hồn cho “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”

20-09-2008 06:28 | Văn hóa – Giải trí
google news

Gặp ông nếu không hỏi tuổi bạn không thể hình dung người đang đối diện với mình đã ở tuổi 75. Sắc sảo và hóm hỉnh là khả năng như một người còn trẻ.

Gặp ông nếu không hỏi tuổi bạn không thể hình dung người đang đối diện với mình đã ở tuổi 75. Sắc sảo và hóm hỉnh là khả năng như một người còn trẻ. Không những thế nhạc sĩ Doãn Nho vẫn còn đi xe máy, vẫn đến dự các cuộc họp chuyên môn và khi bàn thảo việc gì ông vẫn là người đưa ra ý kiến xác đáng. Song, căn bản hơn ông vừa có một sự nghiệp đáng kể trong thời đại của mình, vừa vẫn bắt kịp với thời đại mới và có một thẩm mỹ của tuổi trẻ hôm nay.

Vẫn say sưa đi đây đi đó tìm cảm hứng cho sáng tạo, vẫn làm việc đều đặn mỗi ngày. Với sức vóc ấy, cái nhìn tươi trẻ và công minh ấy, nên ông thường được ban tổ chức các cuộc thi sáng tác âm nhạc mời đi sáng tác hoặc tham gia ban giám khảo.

Nhạc sĩ Doãn Nho.
 
Những bài ca đi cùng năm tháng

Những người thuộc tên ông không chỉ là bộ đội mà tất cả mọi người chúng ta. Nếu là bộ đội không ai là không một lần hát trong hàng ngũ Tiến bước dưới quân kỳ hay Năm anh em trên một chiếc xe tăng, nhưng là người dân bình thường cũng vô cùng xúc động khi nhìn đoàn quân của mình hùng dũng đi dưới lá quân kỳ và hát vang bài ca: “Vừng đông đã hửng sáng, núi non xanh ngàn trùng xa, Tổ quốc bao la hiền hòa, tươi thắm bóng cờ, vờn bay trên cao, muôn trái tim này hòa nhịp cùng lời ca trong sóng lúa”...

Bạn có thấy đó là một khúc quân hành rất hào sảng mà lời ca xanh tươi hồn núi sông, dào dạt tình người không? Tâm hồn người nhạc sĩ yêu quê hương đất nước bật ra khúc hát dưới quân kỳ như thế từ năm 1956, khi Doãn Nho mới 23 tuổi.

Doãn Nho là tác giả của nhiều ca khúc quen thuộc như: Chiếc khăn piêu, Tây Nguyên chiến thắng, Người con gái sông La... nhưng như người ta vẫn nói, trong âm nhạc viết ca khúc mới là một nửa của tài năng, nửa kia quan trọng hơn đó là khí nhạc. Cũng không chỉ viết khí nhạc, Doãn Nho còn đồng thời là nhạc sĩ nghiên cứu lý luận.

Sinh ra ở làng Cót, Từ Liêm, Hà Nội trong một gia đình trọng tiết nghĩa, cha mẹ ông định hướng một đời sống văn hóa thẩm mỹ cho các con, ngay từ khi anh chị em Doãn Nho còn nhỏ cũng đã có piano, violon và được học nhạc. Mới 12 tuổi Doãn Nho đã tham gia Đội thiếu niên cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh, dạy hát các bài ca cách mạng, tham gia Đội tuyên truyền lưu động Bắc Giang, đội Tuyên truyền xung phong Vĩnh Yên và sau đó nhập ngũ Trường Lục quân VN... Từ năm 1954 ông đã công tác ở đoàn văn công Tổng cục chính trị...

Khi ông mới ngoài hai mươi tuổi, hợp xướng Sóng Cửa Tùng đã ra đời, tác phẩm lập tức ghi ấn tượng mạnh trong lòng người ở cả hai miền Nam Bắc (giai đoạn nước ta chưa thống nhất). Cùng với Tiến bước dưới quân kỳ, Sóng Cửa Tùng đã làm nên tên tuổi, phong cách Doãn Nho ngay từ những ngày còn rất trẻ đó. Định hình một phong cách nhưng luôn tươi mới trong các hình thức thể hiện cho đến bây giờ. Ông kể “Mình hay đọc lắm, ngay cả thời bom đạn việc đọc mình cũng không sao nhãng. Một lần đọc bài Năm anh em trên một chiếc xe tăng thấy ý tứ của nó hay quá, hợp lòng mình quá thế là mình đặt bút ngay, hy vọng thêm cho nó một sức phổ biến nữa ngoài ngôn ngữ thơ. Lúc đó tác giả bài thơ đâu đã ký tên Hữu Thỉnh. Sau này, bài hát vang tới tai nhà thơ trẻ lính tăng ấy, và mãi rồi mình và Hữu Thỉnh mới gặp nhau... Không chỉ trong chiến trận, trong cuộc sống, sự đồng lòng đồng chí là rất quan trọng, rất thú vị, thơ Hữu Thỉnh đã nói lên điều đó. Bạn hát đi, sẽ thấy một triết lý sống đáng trân trọng, sẽ thấy các từ năm và một (chung/ riêng. Cá nhân/ tập thể...) được nhắc đi nhắc lại hết sức có duyên và đầy cảm động...”.

Năm anh em trên một chiếc xe tăng, như năm bông hoa nở cùng một cội. Như năm ngón tay trên một bàn tay... đã lên xe cả năm người như một... Năm quả tim đập cùng một nhịp... Năm anh em mỗi đứa một quê nhưng đã lên xe là cùng một hướng...

Thơ hay, và nhận ra thơ hay đã là việc không dễ. Đưa âm nhạc vào thơ hoặc đưa thơ vào âm nhạc và làm cho cái hay cái đẹp thăng hoa lên một tầm mới, mở ra một hướng tiếp cận mới cho đông đảo người nghe là một việc càng khó. Doãn Nho đã làm được việc đó. Nhiều bài hát của ông nhờ vậy mà sẽ đi mãi cùng năm tháng .

 
Cũng như Năm anh em trên một chiếc xe tăng, Người con gái sông La cũng là bài hát mãi mãi in dấu trong lòng người. Viết về người sông La, ông đưa âm hưởng dân ca vùng đó vào tác phẩm làm chất dẫn thấm nhưng phát triển tới độ hàn lâm để nó có tính phổ quát hơn. Đấy cũng là phong cách và tài năng của Doãn Nho.

Không chỉ viết ca khúc, ông còn viết các hình thức của âm nhạc như thanh xướng kịch, hợp xướng và các tác phẩm khí nhạc cho dàn nhạc giao hưởng. Nhờ hay đọc và khả năng phát hiện giá trị trong các hình thức của văn học và nghệ thuật nên Doãn Nho phát triển tốt trong cả 3 mảng sáng tạo (thanh nhạc, khí nhạc và nghiên cứu lý luận).

Từng học ở Nhạc viện nổi tiếng Ukraina mang học vị Tiến sĩ nghệ thuật học, từng nhận nhiều huân huy chương và Giải thưởng cao quý Huân chương độc lập nhưng người ta thấy nhạc sĩ Doãn Nho xuất hiện cách giản dị. Giản dị như Sóng Cửa Tùng một tác phẩm biểu diễn ở hình thức nào (hợp xướng có dàn nhạc, acabenla...) cũng “hợp lý”, cũng đem lại ấn tượng sâu sắc cho người có khả năng thưởng thức âm nhạc.

Trần Thị Trường


Ý kiến của bạn
Tags: