Theo BSCKI. Hoàng Thị Huyền, chuyên khoa Nội, Phó Giám đốc Bệnh viện Quang Bình (Hà Giang), rượu là chất gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, khiến hoạt động của não bị chậm lại. Việc uống rượu có thể ảnh hưởng đến thời lượng và chất lượng giấc ngủ.
Uống rượu có thể tác động tiêu cực đến hoạt động của dopamine - một chất dẫn truyền thần kinh và hormone cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ. Những người bị rối loạn sử dụng rượu thường gặp các triệu chứng mất ngủ.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc sử dụng rượu có thể gây ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn, làm trầm trọng thêm các triệu chứng của chứng ngừng thở khi ngủ, gây mệt mỏi, khó tập trung và nhiều nguy cơ sức khỏe khác...
Những vấn đề sức khỏe có thể xảy ra nếu bạn uống rượu trước khi ngủ
1. Uống rượu làm gián đoạn giấc ngủ
Thời gian bắt đầu giấc ngủ đối với những người uống rượu thường ngắn hơn và một số người đi vào giấc ngủ sâu khá nhanh. Tuy nhiên, sau khi ngủ vài giờ, ảnh hưởng rượu sau đó gây ra một loạt các gián đoạn trong suốt nửa sau của đêm.
Sau khi một người uống rượu, chất này sẽ được hấp thụ vào máu từ dạ dày và ruột non. Các enzym trong gan cuối cùng sẽ chuyển hóa rượu. Nhưng vì đây là một quá trình diễn ra khá chậm, nên lượng cồn dư thừa sẽ tiếp tục lưu thông khắp cơ thể.
Khi men gan chuyển hóa chất cồn trong đêm và nồng độ cồn trong máu giảm dẫn đến khả năng bị gián đoạn giấc ngủ và giảm chất lượng giấc ngủ.
2. Uống rượu gây mất ngủ
Vì rượu có thể làm giảm giấc ngủ và gây gián đoạn giấc ngủ, những người uống rượu trước khi đi ngủ thường gặp các triệu chứng mất ngủ và cảm thấy buồn ngủ quá mức vào ngày hôm sau.
Điều này có thể dẫn họ vào một vòng luẩn quẩn bao gồm: việc tự uống rượu để đi vào giấc ngủ; uống caffeine và các chất kích thích khác vào ban ngày để tỉnh táo; sau đó sử dụng rượu như một loại thuốc an thần để ngủ được.
Các nhà nghiên cứu đã ghi nhận mối liên hệ giữa việc lạm dụng rượu trong thời gian dài và các vấn đề về giấc ngủ mạn tính. Khả năng dung nạp rượu của mọi người có thể phát triển khá nhanh, dẫn đến việc họ uống rượu nhiều hơn trước khi đi ngủ để bắt đầu giấc ngủ. Trên thực tế, những người đã được chẩn đoán mắc chứng rối loạn sử dụng rượu thường xuyên có triệu chứng mất ngủ.
3. Rượu cản trở khả năng hô hấp
Rượu có thể cản trở hô hấp, đặc biệt liên quan đến nguy cơ ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn cao hơn.
Ngừng thở khi ngủ là một rối loạn đặc trưng bởi hơi thở bất thường và mất thở tạm thời trong khi ngủ. Do đó, những nhịp thở chậm này có thể gây gián đoạn giấc ngủ và làm giảm chất lượng giấc ngủ.
Hội chứng ngừng thở khi ngủ có thể gây nhiều hậu quả nguy hiểm đối với sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh. Biến chứng nguy hiểm nhất mà người bệnh phải đối mặt là khi lượng oxy trong máu giảm đột ngột, gây tăng áp cho hệ tuần hoàn và tim gây biến đột quỵ, suy tim, nhồi máu cơ tim…
Đặc biệt, hội chứng này rất hay gặp ở những người béo phì, cổ ngắn, người có tiền sử nghiện rượu, bia…
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng rượu góp phần gây ra chứng ngưng thở khi ngủ vì nó khiến cơ cổ họng giãn ra, từ đó tạo ra nhiều lực cản hơn trong quá trình thở. Điều này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh và dẫn đến các đợt thở gián đoạn, cũng như ngáy nặng hơn.
Đặc biệt, nếu uống rượu khi đang dùng thuốc ngủ hoặc một loại thuốc an thần khác có thể có những tác động nguy hiểm đến khả năng kiểm soát nhịp thở của não bộ.
4. Gây mệt mỏi và nhiều vấn đề sức khỏe khác
Sự gián đoạn giấc ngủ có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch, chức năng nhận thức và sự trao đổi chất của cơ thể. Ảnh hưởng rõ nhất sau một đêm có giấc ngủ rời rạc là bạn sẽ mệt mỏi, mất tập trung vào ngày hôm sau.
Mất ngủ khiến bạn dễ bị ốm hơn vì hệ thống miễn dịch không hoạt động ở mức cao nhất và là nguyên nhân làm trầm trọng thêm hầu hết các rối loạn sức khỏe tâm thần, đặc biệt là hoang tưởng và ảo giác…