Người thích uống bia cần biết những 'tối kỵ' để tránh gây hại cho cơ thể

01-06-2023 14:04 | Dinh dưỡng

SKĐS - Nhiều người uống bia để giải nhiệt trong mùa hè. Tuy nhiên, bia rượu vẫn là thức uống có hại cho sức khỏe. Mùa hè nắng nóng, những người thích uống bia cần lưu ý để tránh gây hại cho cơ thể.

Những người thích uống bia thường quan niệm rằng lượng cồn trong bia rất thấp nên uống bia ít hại cho sức khỏe hơn so với uống rượu. Tuy nhiên, theo PGS.TS. Phạm Việt Cường - Giám đốc trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Trường ĐH Y tế Công cộng, mặc dù rượu và bia là hai loại đồ uống khác nhau về cách sản xuất, nguyên liệu, mùi vị, nồng độ… nhưng chúng có điểm giống nhau là đều chứa cồn dù rượu thường có nồng độ cồn cao hơn bia. Khi uống vào, lượng cồn đó đều có tác động đến cơ thể con người.

1. Thông tin về các chất có trong bia

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, một lon bia thông thường 12 ounce ( khoảng 355 ml) chứa:

  • Calo: 153
  • Đạm: 2g
  • Tổng chất béo: 0 g
  • Carbohydrate: 13 g
  • Chất xơ: 0 g
  • Đường: 0 g
  • Cồn (ethanol): 14g
  • Niacin: 2 mg
  • Riboflavin: <1 mg
  • Cholin: 36 mg
  • Folate: 21 mcg
  • Magiê : 21 mg
  • Phốt pho : 50 mg
  • Selen : 2 mcg
  • Vitamin B12 : <1 mcg

2. Những lưu ý khi uống bia

5 điều cần lưu ý khi uống bia để tránh gây hại cho cơ thể - Ảnh 2.

Bia khiến cơ thể đổ mồ hôi nhiều hơn.

Không uống bia khi tham gia giao thông

Nhiều người có thói quen uống một vài cốc bia giải khát cơn nóng mùa hè vào cuối ngày trước khi trở về nhà nhưng các loại bia như bia chai, bia hơi, bia tươi... vẫn chứa nồng độ cồn do đó không nên uống nếu bạn có điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Cố tình uống khi lái xe là vi phạm Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.  Nguy hiểm hơn cả là tăng nguy cơ tai nạn giao thông khi điều khiển phương tiện.

Uống bia không có tác dụng giải khát

Người ta thường uống bia để giải khát và hạ nhiệt. Tuy nhiên, bia thực sự khiến mọi người cảm thấy khát hơn và đổ mồ hôi nhiều hơn. Theo các chuyên gia, mọi người có thể cảm thấy mát hơn sau khi uống bia, nhưng sau khi bia ngấm vào cơ thể, nó thực sự sẽ kích thích tiết adrenalin, làm tim đập nhanh hơn, giãn nở mạch máu và tăng nhiệt lượng thoát ra khỏi cơ thể thông qua quá trình bốc hơi nước. khiến bạn trở nên khát nước hơn. Do đó, sau khi uống bia, mọi người nên uống thêm nước đun sôi để nguội hoặc trà nhạt để giữ nước.

Không uống bia và ăn thịt nướng

Nhiều người thích uống bia khi ăn thịt nướng. Sự kết hợp phổ biến này nếu kéo dài thường xuyên dễ dẫn đến bệnh gout thậm chí là ung thư. Những thực phẩm nướng phổ biến như hải sản, gan và thịt đều là những thực phẩm có hàm lượng purin cao, bia cũng vậy. Hàm lượng purin cao gây ra bệnh gout, do đó ăn đồ nướng khi uống bia sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout.

Nướng thịt cũng tạo ra benzopyrene - là một trong những loại chất gây ung thư đã được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm chất gây ung thư số 1. Và khi đồ uống có cồn làm cho các mạch máu mở rộng và hòa tan chất nhầy trên bề mặt niêm mạc đường tiêu hóa, chất độc hại sau đó có thể dễ dàng được cơ thể hấp thụ, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Không uống bia với đá lạnh

Bia có thể tạo cảm giác mát dịu cơ thể khi đang nóng bức, khát nước nhưng uống bia với nhiều đá lạnh (nhất là các vùng miền có khí hậu nóng nực) dễ gây viêm họng, ảnh hưởng đến tiêu hóa do đường tiêu hóa bị hạ nhiệt độ quá nhanh, làm giảm lưu lượng máu trong hệ tiêu hóa, thậm chí gây tiêu chảy.

5 điều cần lưu ý khi uống bia để tránh gây hại cho cơ thể - Ảnh 4.

Uống bia chừng mực để không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Uống quá nhiều bia

Mặc dù bia có nồng độ cồn thấp nhưng uống nhiều bia vẫn có hại cho sức khỏe. Hàm lượng nước trong bia sẽ được đào thải nhanh chóng sau khi uống, trong khi hàm lượng cồn sẽ được cơ thể hấp thụ. Uống quá nhiều bia sẽ làm tăng gánh nặng cho gan, thận và tim, đồng thời làm suy yếu các cơ quan quan trọng khác.

Kimberly Gomer, ThS Dinh dưỡng Y tế Công cộng, Đại học Case Western Reserve, thành viên Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ cho biết: Cồn trong bia có thể dẫn đến mất nước. Thận chịu trách nhiệm điều chỉnh chất lỏng và chất điện giải, uống nhiều bia có thể phá vỡ các hormone ảnh hưởng đến chức năng thận, có thể ảnh hưởng đến thận và khả năng điều chỉnh chất lỏng và chất điện giải của cơ thể.

Ngoài ra, uống nhiều bia cũng có thể gây ra sự hình thành sỏi (sự tích tụ muối khoáng trong thận, tuyến tụy hoặc ruột thừa) và gây ra sự tích tụ chất béo. Các chuyên gia khuyên mọi người không nên uống quá nhiều dẫn đến say, lâu dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe não bộ.

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Bay, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM:

- Chỉ nên uống bia sau khi đã "lót bụng", tránh tình trạng để bụng rỗng.

- Uống lượng nhỏ và từ từ (không uống vì thách thức).

- Không uống rượu bia loại không đảm bảo chất lượng.

- Hãy lắng nghe cơ thể để biết dừng đúng lúc. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo mỗi ngày chỉ nên uống 330 ml bia (tương đương với một lon hoặc chai).

- Không nên uống bia chung với bất kỳ một thứ rượu nào khác để tránh cồn rượu hấp thu vào cơ thể nhanh hơn.

Những lầm tưởng về mẹo giảm nồng độ cồn sau khi uống rượu, biaNhững lầm tưởng về mẹo giảm nồng độ cồn sau khi uống rượu, bia

SKĐS - Một số “chiến thuật huyền thoại" thường được dân nhậu rỉ tai nhau khẳng định sẽ giúp bạn tỉnh táo, giảm nồng độ cồn trong máu để bạn có thể lái xe về nhà an toàn. Nhưng hãy tìm hiểu xem vì sao chúng không hiệu quả như bạn nghĩ.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Uống rượu bia sau bao lâu cơ thể mới hết nồng độ cồn?

Hoàng Nam
Ý kiến của bạn