Khi chăm sóc thân nhân chữa bệnh ở Bệnh viện đa khoa Vân Đình, Hà Nội, tôi cảm nhận được đội ngũ cán bộ y bác sĩ ở đây nói chung, khoa cấp cứu, hồi sức tích cực - chống độc nói riêng là những người thầy thuốc luôn tận tụy với công việc, hết lòng vì sức khỏe của bệnh nhân.
Bố tôi, bị u phổi trái đã đi điều trị ở một vài bệnh viện tuyến trên. Nhưng do tuổi già, sức yếu cộng với hoàn cảnh gia đình neo đơn, chúng tôi công tác xa. nên bố tôi và gia đình quyết định về khám và điều trị tại Bệnh viện đa khoa Vân Đình - một bệnh viện của huyện nhà. Khi bố tôi đến bệnh viện này với trạng thái sức khỏe đã yếu, không ổn định, tâm trạng lo lắng vì điều trị ở các bệnh viện khác chưa khỏi. Do vậy, bệnh viện sắp xếp ông điều trị tại khoa cấp cứu, hồi sức chống độc.
Là con, khi bố đau ốm nhưng không được ở gần, tôi không khỏi lo lắng về tình trạng sức khỏe và việc chăm sóc chữa trị cho bố tôi. Có dịp về thăm bố đang nằm viện điều trị, được chứng kiến lòng nhiệt tình với công việc, sự tận tụy với bệnh nhân của các y bác sĩ ở đây không chỉ với bố tôi mà còn với nhiều bệnh nhân khác, tôi thật sự cảm thấy yên tâm hơn.
Trong số những thầy thuốc đó phải kể đến BS. Nghiêm Xuân Khương và điều dưỡng Vân Anh, những người tiêu biểu cho sự nhiệt tình với bệnh nhân và tâm huyết với công việc. Tôi còn nhớ những lần BS. Khương thăm khám cho các bệnh nhân trong đó có bố tôi, anh luôn có thái độ vui vẻ, ân cần, thận trọng, chu đáo trong công việc chuyên môn, sẵn sàng trả lời giải thích vấn những vấn đề người bệnh hoặc thân nhân băn khoăn, lo lắng và không quên kèm theo những lời động viên để bệnh nhân vui hơn, tích cực hơn trong việc hỗ trợ như: “Cháu giúp bác chữa bệnh, nhưng bác phải cố gắng ăn để giúp chúng cháu”!; hay: “Khi nào cần, bác bảo người gọi chúng cháu”!
Chị Vân Anh luôn có cử chỉ khéo léo, nhẹ nhàng đặc biệt trong những lần lấy ven truyền dịch, vừa thực hiện những động tác chuyên môn. Đồng thời, chị luôn quan sát những biểu hiện của người bệnh kịp thời động viên bằng những câu rất gần gũi như: “Cháu cố gắng làm nhẹ nhàng, nếu thấy đau bác bảo cháu nhé”!
Tấm lòng của y bác sĩ ở đây là vậy, nhưng họ cũng có những niềm vui, nỗi buồn nghề nghiệp mang lại. Niềm vui, nỗi buồn của họ đa phần phụ thuộc vào sức khỏe của bệnh nhân, bên cạnh đó là sự đồng cảm, chia sẻ của thân nhân người bệnh.
Có lần BS. Khương tâm sự: “Bà con đến đây, ai chúng tôi cũng tận tình chăm sóc, cứu chữa, nhưng rất buồn khi họ nghĩ phải có quà cho chúng tôi, chúng tôi mới nhiệt tình!”. Với tôi, qua thời gian trong nom bố tại Bệnh viện đa khoa Vân Đình, tôi cảm nhận được tấm lòng của đội ngũ y bác sĩ ở đây, sự tận tình, chu đáo của họ không chỉ khám, chữa, chăm sóc giúp cho những bệnh nhân có sức khỏe tốt hơn, điều đó còn làm cho chúng tôi những người không có điều kiện gần gũi chăm sóc người thân yên tâm làm việc, công tác, chiến đấu, là động lực để chúng tôi cố gắng hoàn thành tốt bổn phận, trách nhiệm của mình đối với gia đình và xã hội.
Trong điều kiện hiện nay, nhiều cơ sở y tế không đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân do số lượng bệnh nhân đông vượt quá quy mô, cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị y tế thiếu, lạc hậu, đội ngũ bác sĩ mỏng, trình độ chuyên môn, điều kiện học tập nâng cao trình độ, giao lưu, trao đổi đúc rút kinh nghiệm còn nhiều hạn chế… Do vậy, để làm tốt công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân thì các cơ sở y tế còn gặp nhiều khó khăn. Bệnh viện đa khoa Vân Đình cũng không nằm ngoài những khó khăn đó. Để khắc phục khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được tốt, đòi hỏi đội ngũ y bác sĩ cần có lòng nhiệt tình, tận tâm, tận tụy với công việc, vì sức khỏe bệnh nhân. Điều đó thể hiện rõ ở đội ngũ, y bác sĩ Bệnh viện đa khoa Vân Đình.
TẠ VĂN LƯƠNG