Cuối năm, tình cờ gặp lại PGS.TS.BS. Nguyễn Tấn Cường, người thầy thuốc đã đem đến nhiều dấu ấn “đầu tiên” cho thành tựu y khoa nước nhà và mở ra cánh cửa sự sống cho rất nhiều bệnh nhân khắc khoải ngày đêm đánh vật với các căn bệnh hiểm nghèo. Ông được xem là bậc thầy trong lĩnh vực phẫu thuật nội soi nhưng lại luôn luôn trân quý và biết ơn bệnh nhân, xem họ như những người thầy của mình.
NHIỀU LẦN “ĐẦU TIÊN” MỞ RA SỰ SỐNG CHO NGƯỜI BỆNH
Vào tháng 10/2012, trên các trang thông tin báo chí và cộng đồng đặc biệt chú ý đến sự kiện: ca ghép gan đầu tiên cho người lớn tại các tỉnh phía Nam. PGS.TS.BS. Nguyễn Tấn Cường là người đã cùng êkíp ghép gan Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TP.HCM phối hợp với các bác sĩ (BS) BV. ASan - Hàn Quốc thực hiện thành công ca phẫu thuật đi vào lịch sử ngành Y tế Việt Nam và được trao giải thưởng Sao vàng đất Việt cho công trình này. Ca ghép gan này đã đánh dấu bước ngoặt của ngành ghép tạng trong nước, mở ra hy vọng mới cho những bệnh nhân (BN) suy tạng, đồng thời khẳng định tay nghề của đội ngũ y - BS nước nhà.
Sau đó cũng tại BV Chợ Rẫy, thêm hai trường hợp ghép gan do suy gan đã lần lượt được tiến hành vào tháng 8/2013 và tháng 5/2014 trên hai BN nam 50 và 40 tuổi. Cả hai BN và người hiến gan đều phục hồi tốt sau mổ.
PGS. Nguyễn Tấn Cường luôn tâm niệm: tận tâm, tận lực làm mọi thứ có thể cho người bệnh
Được biết, ghép gan là một trong những kỹ thuật cực khó. Hiện nay, nhu cầu cần ghép gan nói riêng và ghép tạng nói chung rất lớn. Thành công của cuộc “đại phẫu” này như mở toang cánh cửa sự sống cho những BN khắc khoải ngày đêm đánh vật với căn bệnh viêm gan giai đoạn cuối.
Còn nhớ vào năm 1992, PGS.TS.BS.Nguyễn Tấn Cường chính là người đầu tiên tại Việt Nam cắt túi mật nội soi thành công. Những năm sau đó, ông cũng chính là vị bác sĩ tiên phong trong nhiều loại phẫu thuật nội soi như: cắt đại tràng, cắt gan, cắt lách, cắt tụy, lấy sỏi ống mật chủ qua nội soi, phẫu thuật nội soi trong cấp cứu chấn thương bụng, nội soi lồng ngực cắt thần kinh tạng để giảm đau, cắt thần kinh giao cảm ngực trị tăng tiết mồ hôi…
BẬC THẦY TRONG MỔ NỘI SOI
Để có được những lần đầu tiên đậm dấu ấn đó cho ngành y học nước nhà, ông đã phải ngày đêm tìm tòi, học hỏi, trả giá bằng nhiều mồ hôi và nước mắt, thậm chí như ông nói là “cả bằng máu và mạng sống của người bệnh”, đúng như câu nói của một phẫu thuật viên người Pháp mà ông tâm đắc là: “Tài năng của phẫu thuật viên được trả giá bằng một nghĩa địa”. Vì vậy, PGS.TS.BS. Nguyễn Tấn Cường vô cùng trân quý và biết ơn những người “thầy bệnh nhân”.
Ông luôn tâm niệm phải tận tâm, tận lực làm mọi thứ có thể cho người bệnh (“Tận nhân lực, tri thiên mạng”). Chính vì vậy, ông luôn là người thầy thuốc gây nhiều ấn tượng cho BN. Đặc biệt trong đó có một BN sống tại Đắc Lắc. Cuộc điện thoại của anh BN này xen giữa câu chuyện của chúng tôi đã khiến PGS.Cường nhớ lại hơn 20 năm trước. Khi đó, BN này còn là chàng thanh niên khoảng 20 tuổi, bị tai nạn nghiêm trọng trong khi lái máy cày khiến anh bị bể ruột, dập tụy, bể lách… BN được mổ tại BV tỉnh 2 lần, sau đó chuyển xuống BV. Chợ Rẫy vì biến chứng nặng. Dù đã được mổ đi mổ lại rất nhiều lần nhưng tình trạng viêm phúc mạc, thủng ruột, xì phân vẫn không thuyên giảm. Trong khi đồng nghiệp đều “ê ẩm” với trường hợp này thì BS. Cường lại xung phong xin được tiếp tục mổ vì nhìn thấy trong đôi mắt sáng ngời của BN nỗi khao khát sống mãnh liệt. Lần thứ 8, 9, 10…, cứ mỗi lần hy vọng rồi lại thất vọng. BS.Cường làm cả cái việc là “đi xin từng chai đạm truyền cho BN” để cải thiện phần nào tình trạng suy kiệt. Lúc đó, dịch truyền có nhũ dịch béo còn là hàng hiếm, BS. Cường đã liên lạc với một công ty dược để họ đồng ý tặng cho số lượng dịch đạm và nhũ dịch béo hỗ trợ dinh dưỡng cho BN truyền liên tục trong 2 tuần trước khi bước vào cuộc mổ... lần thứ 11. Bằng sự sẻ chia và tấm lòng của người thầy thuốc, cuối cùng, BN cũng “chia tay” với giường bệnh, trở về quê và lập gia đình sau một năm ròng rã nằm liệt giường liệt chiếu. Mới đây, BN xuống TP.HCM và vẫn nhớ như in người BS ngày ấy khi được gặp lại. Không những vậy, anh còn mạnh dạn “cầu cứu” vị BS nhiệt tâm giúp anh về trường hợp đứa con thứ 3 mới chào đời có vấn đề bẩm sinh về phổi. Được sự tư vấn của PGS. Cường, BN đã liên lạc được với một BS chuyên về nhi sơ sinh của BV. Nhi Đồng 1 và vị BS này đã lên ngay Buôn Ma Thuột cùng với 14 liều thuốc cứu sinh. Đứa con thứ 3 và là con trai duy nhất của gia đình cuối cùng đã được cứu sống trong nỗi mừng vui khôn xiết của cả gia đình. Vậy là sau hơn 20 năm, PGS. Cường tiếp tục mang thêm một “sự sống mới” đến với gia đình anh BN may mắn này.
PGS. Cường còn nhớ 12 năm sau khi tốt nghiệp Đại học Y Dược TP.HCM, được giữ lại Trường làm cán bộ giảng và tham gia làm BS điều trị lâm sàng tại BV. Chợ Rẫy, vào năm 1991, nhờ giỏi ngoại ngữ, và được cố Giáo sư Trương Công Trung đặt trọn niềm tin, ông đã giành được suất học bổng qua BV St. Vincent, Indiana, Hoa Kỳ, để tu nghiệp. Sau 9 tháng miệt mài, hành trang ông mang về là cả một kho kiến thức và lỉnh kỉnh nào máy móc, thiết bị… của dàn máy mổ nội soi, chuẩn bị cho sự thay đổi diện mạo trong lĩnh vực phẫu thuật. Rồi những vất vả trong thực hành mổ với thiết bị nội soi trên động vật; đến chật vật “chạy rạc người” tìm kiếm thợ sửa các trục trặc một số thiết bị nội soi do vận chuyển từ Mỹ về… Lúc đó, nhiều lời bàn tán cũng nói ra nói vào và nhiều cái chặc lưỡi lo lắng “chắc kiểu mổ nội soi này không thành công quá”. Nhưng trước sự hăng hái và lòng nhiệt tâm của người bác sĩ trẻ, không ai nỡ cản bước.
Sau 6 tháng trời ròng rã, ngày 23/9/1992, ca phẫu thuật nội soi cắt túi mật lần đầu tiên tại Việt Nam diễn ra tại BV. Chợ Rẫy với một BN nữ 63 tuổi. PGS. Cường nhớ lại: “Lúc đó, tôi cũng run lắm do BN không thể gây mê được nhưng vẫn ráng nằm lại BV chờ BS nghĩ cách khác. Cuối cùng, ca phẫu thuật nội soi đầu tiên này thực hiện bằng gây tê ngoài màng cứng. BN cố gắng chịu đau và không quên động viên ngược lại tôi rằng cứ yên tâm phẫu thuật khiến tôi như được tiếp thêm sức mạnh”.
Ca phẫu thuật nội soi đầu tiên đã thành công hơn mong đợi chỉ trong 2 giờ đồng hồ so với dự kiến trước đó là từ 4 - 6 tiếng. Và mỗi năm sau đó, trung bình có khoảng 200 - 300 ca được phẫu thuật nội soi, chủ yếu là cắt túi mật.
Từ những ca phẫu thuật nội soi cắt túi mật, nhiều năm sau khi kinh nghiệm ngày càng dày dạn hơn, nội soi đã được mở rộng áp dụng trong mổ ruột thừa, u nang buồng trứng, cắt lách và từng bước nâng lên những phẫu thuật “cao cấp” hơn như: lấy sỏi ống mật chủ, cắt dạ dày, đại tràng, thậm chí là cắt, ghép gan, tụy… qua nội soi.
Với bề dày 34 năm công tác tại Đại học Y Dược TP.HCM (nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại) và BV. Chợ Rẫy trên cương vị Trưởng khoa Ngoại Gan-Mật-Tụy (từ năm 2005 - 2013), và hiện là Giám Đốc y khoa - BV. quốc tế Thành Đô, TP.HCM; ông luôn cố gắng nghiên cứu tìm tòi và chia sẻ truyền nghề cho thế hệ sau. Được biết, PGS. Cường đã mở nhiều lớp phẫu thuật nội soi căn bản và nâng cao tại BV. Chợ Rẫy. Ngoài ra, ông còn tham gia giảng dạy cho lớp phẫu thuật nội soi tại Trung tâm Phẫu thuật nội soi tại BV. Đại học Y Dược TP.HCM để chuyển giao công nghệ cho các BS trong và ngoài nước.
Giờ đây, nội soi được xem là phẫu thuật chủ đạo của những năm cuối thế kỷ 20. Theo PGS. Cường, “trong 20 năm, mổ nội soi đã làm được tất cả những gì mà mổ mở đã làm được suốt 2.000 năm. Chưa có một thay đổi nào về kỹ thuật y khoa lại ảnh hưởng sâu sắc, làm biến đổi hoàn toàn diện mạo ngành phẫu thuật như phẫu thuật nội soi. Phẫu thuật nội soi nhẹ nhàng hơn nhiều và cũng an toàn như là phẫu thuật mở. Ngoài ra nó còn có ưu điểm là có thể tiếp cận và xử lý thương tổn ở sâu với phẫu trường nhỏ hẹp mà với mổ mở khó với tới. Vết mổ nội soi nhỏ, BN ít đau, vận động sớm, phục hồi sức khỏe nhanh, thời gian nằm viện ngắn, góp phần giảm quá tải cho BV”.
Trong thời gian giảng dạy và công tác, PGS. Nguyễn Tấn Cường cũng viết nhiều giáo trình đào tạo BS y khoa và có gần 70 đề tài khoa học, trong đó có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được đánh giá cao và được báo cáo tại các hội nghị khoa học trong nước và nước ngoài.
Minh Thư