Hà Nội

Người thầy thuốc hơn nửa thế kỷ làm theo lời Bác

07-05-2016 10:02 | Y tế
google news

SKĐS - Ông Nguyễn Sanh Dân (tên gọi thân mật Năm Dân) sinh năm 1931 tại Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp. Năm 17 tuổi nhập ngũ làm chiến sĩ bảo vệ cơ quan quân sự Nam Bộ.

Ông Nguyễn Sanh Dân (tên gọi thân mật Năm Dân) sinh năm 1931 tại Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp. Năm 17 tuổi nhập ngũ làm chiến sĩ bảo vệ cơ quan quân sự Nam Bộ. Do công việc chọn người nên ông Năm Dân trở thành chiến sĩ cứu thương từ năm 1948. Từ đây, suốt cuộc đời ông gắn bó mật thiết với thiên phận cao quý, sự nghiệp cứu người và bảo vệ sức khỏe con người. Cũng từ thời khắc này là chuỗi ngày dài người thầy thuốc Năm Dân liên tục rèn luyện cống hiến cho dân cho nước, nay tuổi đã cao vẫn không ngơi nghỉ.

Năm 1950 là y tá, sau khi được kết nạp vào Đảng (tháng 10/1950), ông được bầu chọn là Chiến sĩ thi đua Lực lượng vũ trang liên phân khu Tây Nam Bộ, được cử ra Việt Bắc học lớp đào tạo Quân y khóa 4 tại tỉnh Thái Nguyên. Ra trường quân y sĩ, Năm Dân phục vụ Đội điều trị 2, Cục Hậu cần, QĐND Việt Nam. Tại đây ông phấn đấu lại được bầu là Chiến sĩ thi đua cấp Cục - Cục Hậu cần. Năm 1960, ông được cử đi học lớp đào tạo bác sĩ khóa YC tại Viện Nghiên cứu Y học quân sự (nay là Học viện Quân y). Bốn năm sau ra trường, bác sĩ Nguyễn Sanh Dân xung phong vào chiến trường miền Nam. Tháng 1/1965 tại miền Đông Nam Bộ, bác sĩ Năm Dân được cử làm Viện trưởng Bệnh viện Quân y mật danh K71B đóng tại Đồng Rùm, tỉnh Tây Ninh. Đây là một trong những bệnh viện lớn của Đông Nam Bộ lúc bấy giờ với nhiệm vụ thu nạp chữa trị cho toàn bộ thương binh bệnh binh (TBBB) mặt trận hướng Tây Bắc Sài Gòn; các sư đoàn bộ binh chủ lực Miền; các đơn vị thuộc T4 (còn gọi là Y4 tức Sài Gòn - Gia Định) và TBBB của tỉnh Long An. Thời gian gần 5 năm (từ 1966 đến tháng 2/1970), với sự chỉ đạo về chuyên môn của Viện trưởng - bác sĩ Nguyễn Sanh Dân, Bệnh viện K71B đã cứu chữa được trên 42.000 TBBB. Miền Đông Nam Bộ vốn là chiến trường đạn bom ác liệt nhất nhì khắp miền Nam vì trong đó có cơ quan đầu não của chế độ cũ tại Sài Gòn. Bệnh viện K71B thường xuyên phải đối mặt với các trận càn quét lớn của địch như Áttơn bơrơ, Gianxơn City, nhất là phản ứng của địch sau sự kiện Mậu Thân 1968. Vì vậy, bệnh viện đã tổ chức các đơn vị tự vệ chiến đấu mạnh nhằm đối phó mọi tình huống. Dưới sự chỉ huy trực tiếp dũng cảm mưu trí của Viện trưởng Nguyễn Sanh Dân và đồng nghiệp khác, bệnh viện đã đánh địch 28 trận lớn nhỏ, phá tan thế bao vây của địch với bệnh viện, bảo vệ hàng ngàn TBBB, tiêu diệt 375 tên Mỹ, ngụy (trong đó có 113 lính Mỹ thuộc Lữ đoàn 1 kỵ binh bay) thu và phá hủy nhiều đạn dược, vũ khí, bắn rơi 1 máy bay L19 tại khuôn viên bệnh viện. Ngày 5/6/1969, Bộ Chỉ huy Miền tặng thưởng tập thể Bệnh viện K71B Cờ bệnh viện khá nhất và Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất. Viện trưởng - bác sĩ Nguyễn Sanh Dân được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì, được bầu là Chiến sĩ thi đua Cục Hậu cần Miền năm 1969.

Trong cuộc đời học tập và phục vụ của thầy thuốc Năm Dân, rất vinh dự được 2 lần gặp Bác Hồ, đó là lần khi mới ra miền Bắc tập kết và lần trước khi vào chiến trường miền Nam. Có thể nói dường như trong tổng số 32.000 con em, chiến sĩ, đồng bào miền Nam ra Bắc tập kết không ai là không được gặp Bác từ 1 lần trở lên trong đó có ông Nguyễn Sanh Dân. Nhưng với ông ấn tượng để đời nhất là lần gặp Bác trước khi Đoàn QS707 của ông vào chiến trường, tháng 4/1965. Bác ân cần căn dặn là thầy thuốc phải có tình thương yêu con người “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”. Lời dặn của Người thực sự làm thay đổi đời ông, trước mắt quyết vượt Trường Sơn muôn vàn gian khó vào chiến trường...

Thầy thuốc Nguyễn Sanh Dân hướng dẫn dùng thuốc chữa bệnh tim cho cha con người dân tộc Khơ me ở xã Tân Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, với thành tích xuất sắc 10 năm kháng chiến chống giặc Mỹ xâm lược, bác sĩ Nguyễn Sanh Dân được Bộ Quốc phòng cử đi học lớp sau đại học tại Học viện Quân sự danh tiếng Kurop (Liên Xô) chuyên ngành Chỉ huy quân y. Ra trường, về nước, ông Năm Dân được giao nhiệm vụ Phó Chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm Quân y Quân khu 7. Với sức làm việc phi thường, bền bỉ, ông bảo vệ thành công Luận án Phó Tiến sĩ (nay là tiến sĩ) y khoa tại Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng với đề tài: “Nghiên cứu một số hình thức tổ chức cứu chữa, vận chuyển TBBB ở chiến trường Campuchia”. Ai cũng biết, ngay sau chiến thắng 30/4/1975 lịch sử, một cuộc chiến tranh khác nổ ra ở biên giới Tây Nam của Tổ quốc do bọn phản động Khơ-me đội lốt cộng sản và CNXH chủ động châm ngòi. Thực chất lịch sử đã chứng minh rằng, với nhân dân Việt Nam đây là “cuộc chiến tranh bắt buộc”. Nhưng với truyền thống “Kẻ thù nào cũng đánh thắng”, quân dân ta đã chiến đấu kiên cường và chiến thắng vẻ vang, giúp nhân dân Campuchia thoát nạn diệt chủng khủng khiếp cuối thế kỷ 20 (Trước đó chỉ trong 3 năm, 8 tháng, 20 ngày, bọn phản động Pon Pốt, Iengsari, Khiêusamphon đã giết hại hơn 3.300.000 dân vô tội). Đọc sách “Mặt trận 479 trên đất nước Angkor” càng hiểu rõ ý nghĩa khoa học nhân văn lớn lao đề tài luận án phó tiến sĩ của ông Nguyễn Sanh Dân. Sau đó một loạt các đề tài nghiên cứu khác xuất hiện, ông xứng đáng được nhận giải thưởng cấp Nhà nước do Chủ tịch nước tặng và Bằng khen của Bộ Quốc phòng. Với tài năng, đức độ và công lao cống hiến phục vụ hết mình sự nghiệp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm 2008, ông Nguyễn Sanh Dân vinh dự được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng danh hiệu cao quý “Thầy thuốc Nhân dân”.

Khi ông Năm Dân về nghỉ theo chế độ chính sách tuổi đã ngoài 65, tuy sức khỏe và đầu óc vẫn sáng suốt minh mẫn nhưng vẫn là thứ bậc thầy thuốc già. Mà thầy thuốc già thì như câu ca: “Thầy già con hát trẻ”, càng đúng với câu “Gừng càng già càng cay” do tích hợp kinh nghiệm cứu người qua các cuộc chiến sinh tử, lại là người có học vị cao trong ngành được đào tạo bài bản trong và ngoài nước. Không ít bệnh viện tư nhân và bác sĩ Việt kiều đến mời ông chỉ cần đứng tên giám đốc bệnh viện với mức lương khá hậu, cao hơn lương hưu của ông. Tên tuổi ông; năng lực một thầy thuốc lão luyện; rồi hàng loạt bài báo khoa học của ông đăng tải trên tạp chí chuyên ngành gây ấn tượng... tất cả người ta đều biết. Thế nhưng có một điều họ chưa biết được đó là tận tâm khảm của ông suốt mấy chục năm qua luôn in đậm lời dạy bảo của Bác Hồ “Thầy thuốc phải như mẹ hiền” và lời thề Hippocrates. Ông nói: “Câu nói hay truyền miệng “Có tiền có tất cả”. Nhưng tôi lại nghĩ khác, nghĩ đến cuộc đời và sự nghiệp của mình đã 49 năm phục vụ quân đội, từ một chiến sĩ rất trẻ (17 tuổi) vào quân đội không có nghề nghiệp gì, nay có được những chức danh nghề nghiệp như bác sĩ, tiến sĩ y khoa, Thầy thuốc Nhân dân, thật đáng quý trọng đến công ơn to lớn của Đảng, Bác Hồ, quân đội và ngành y đã đào tạo cho mình. Tại sao không nghĩ đến điều gì để tri ân, đáp nghĩa mà lại đi làm tư kiếm tiền. Tiền thì ai cũng cần. Nhưng với tôi tiền không phải là mối quan tâm số 1”. Ông quả quyết: “Là Thầy thuốc Nhân dân phải phục vụ nhân dân”. Vậy là những chuyến đi thầm lặng của thầy thuốc Nguyễn Sanh Dân và đồng nghiệp lại thêm duyên nợ với dân với nước kể từ đây vẫn tiếp tục không mệt mỏi.

Với khả năng chuyên môn, đức độ của mình, lại có uy tín với đồng nghiệp, thầy thuốc Nguyễn Sanh Dân đã quy tụ được các bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ tên tuổi thuở nào trong quân ngũ, phần lớn cấp hàm Đại tá và Thượng tá, thành lập Ban Liên lạc truyền thống Quân y (LLTTQY) miền Đông Nam Bộ. Đây là một trong hơn 200 ban LLTT trực thuộc Hội Cựu Chiến binh TP.HCM, hoạt động theo Điều lệ Hội Cựu chiến binh Việt Nam, chuyên vận động và tổ chức các cuộc đi khám chữa bệnh, phát thuốc và tặng quà miễn phí cho bà con nghèo, gia đình cựu chiến binh khó khăn, tri ân, đáp nghĩa nhân dân vùng sâu vùng xa, biên giới, nơi xưa kia là căn cứ cách mạng. Nguyên tắc tối thượng ngay từ khi thành lập Ban LLTT (tháng 12/1996) là “Phục vụ đúng địa phương, đúng đối tượng, an toàn tuyệt đối cho người bệnh và cả đoàn đi phục vụ”. Đến nay (tháng 4/2016) đoàn thầy thuốc cựu chiến binh quân y do thầy thuốc Nguyễn Sanh Dân dẫn đầu đã có 27 chuyến đi khám chữa bệnh phát thuốc tặng quà miễn phí cho gần 10.000 suất quà với hơn 12.000 người bệnh tại 25 địa phương miền Đông Nam Bộ và 2 tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt. Gần 20 năm qua (tháng 12/1996 - 4/2016) những chuyến đi từ thiện mang theo đầy ắp nghĩa tình của đoàn thầy thuốc hưu trí đến các địa phương đều được cấp ủy, chính quyền, bà con đón tiếp niềm nở cảm động và gây ấn tượng sâu sắc.

Căn nhà giản dị trong hẻm đường Trần Huy Liệu quận Phú Nhuận TP.HCM của gia đình ông Năm Dân từ lâu đã sớm trở thành trụ sở thường trực Ban LLTTQY miền Đông Nam Bộ. Đây còn là nơi ông tiếp đón và chỉ dẫn ân cần gia đình thân nhân các liệt sĩ từ 3 miền đất nước đến hỏi tin tức về con em mình hy sinh thời chiến tranh, kể cả đôi lần tiếp đoàn MIA của Mỹ, nhất là sau khi Đại tá, PGS, bác sĩ Phạm Văn Hựu chủ quản trang website của ngành Quân Dân y (www.quandany.com). Cũng chính từ căn nhà này, có đêm khuya khoắt, người hàng xóm đến tìm ông bà đi cứu chữa người nhà đau yếu cấp cứu, ông bà sốt sắng đáp ứng ngay. Nhiều năm liền, đảng viên Nguyễn Sanh Dân được bình chọn là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vừa qua, Đảng ủy phường nơi ông cư trú lại yêu cầu ông báo cáo về thành tích hoạt động của bản thân ông năm 2015. Trong bằng khen ông Năm Dân của Chủ tịch UBND TP.HCM năm vừa qua có ghi “Đã có nhiều thành tích trong công tác, được bình chọn trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Cùng với việc đi khám chữa bệnh từ thiện đền ơn đáp nghĩa người đang sống tại các vùng miền, ông Năm Dân nhiều đêm vẫn đau đáu trằn trọc nỗi niềm khôn nguôi. Đó là tình thương nỗi nhớ, xót xa vẫn còn hàng ngàn đồng chí đồng đội hy sinh nay chưa tìm thấy mộ chí hài cốt. Dẫu biết rằng vì sự nghiệp vĩ đại của dân tộc mà các đồng chí hy sinh giữa tuổi thanh xuân, nay nằm sâu trong lòng đất mẹ, năm tháng qua đi thành những cổ vật biết nói mà âm thầm, mà lặng lẽ lấp lánh như những lớp trầm tích tinh hoa của Tổ quốc. Theo thống kê chưa thật đầy đủ của ngành chức năng, riêng địa bàn miền Đông Nam Bộ còn đến hơn 9.000 liệt sĩ quân dân y chưa có cách nào tìm được. Thầy thuốc Nguyễn Sanh Dân đành đề xuất ý tưởng xây dựng “Nhà tưởng niệm” thờ cúng chung các vong linh còn đang phiêu bạt nơi thâm sơn cùng cốc. Ngày tháng qua đi, “Nhà tưởng niệm” được hoàn thành khá kiên cố hoành tráng bằng tấm lòng vàng thiện nguyện của hơn 500 đơn vị, cá nhân và sự đóng góp nhiệt tình của toàn bộ các thành viên Ban liên lạc do ông Nguyễn Sanh Dân phụ trách, xây dựng tại căn cứ cách mạng xưa, nay là xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Do ý nghĩa, tính chất và vị trí quan trọng trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc, đầu năm 2014, cơ quan chức năng của Nhà nước trao Bằng chứng nhận là di tích cấp quốc gia Khu căn cứ Cục Hậu cần trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong đó có “Nhà tưởng niệm”.

Hơn 50 năm làm theo lời Bác dặn “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”, ông Nguyễn Sanh Dân từ một bác sĩ bình thường trở thành Đại tá, tiến sĩ y khoa, Thầy thuốc Nhân dân, với 85 tuổi đời, 66 năm tuổi Đảng, là một trong những điển hình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của ngành quân y Quân đội Nhân dân Việt Nam nay tròn 70 năm (16/4/1946 - 16/4/2016).


Bài và ảnh: Nguyễn Thế Kỷ
Ý kiến của bạn