Hết lòng vì người bệnh
Năm 2005, sau khi được điều chuyển công tác từ tỉnh Quảng Trị đến Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thừa Thiên Huế (thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Huế hiện nay), bác sĩ Lê Hữu Sơn được phân công tác theo dõi bệnh nhân HIV/AIDS, đồng thời phụ trách công tác kế hoạch, tài chính của đơn vị.
Ngay từ những ngày đầu vào khoa phòng, chống HIV/AIDS, bác sĩ Sơn lập một chương trình theo dõi và quản lý từng bệnh nhân, từ ngày nhiễm HIV cho đến khi mất.
Bác sĩ Sơn cho biết, đối với căn bệnh thế kỷ này, nếu phát hiện kịp thời và điều trị sớm, cộng thêm các điều kiện cơ sở vật chất, thuốc điều trị được đảm bảo bệnh nhân sẽ nhanh hồi phục hơn.

Bác sĩ Lê Hữu Sơn, tư vấn điều trị dự phòng lây nhiễm HIV.
"Có một vài trường hợp, bệnh nhân vì quá mặc cảm nên từ chối được tư vấn và điều trị. Số khác, gia đình xem việc nhiễm HIV là một bệnh nan y, không thể chữa khỏi, cùng với suy nghĩ tiêu cực nên không dám đưa người nhà đến chữa trị, dẫn đến việc dù phát hiện sớm nhưng vẫn tử vong", bác sĩ Sơn chia sẻ.
Theo bác sĩ Sơn, trước năm 2008, những người nhiễm HIV chỉ được khám và điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế, nhận thấy sự khó khăn phải đợi chờ của người nhiễm trong mỗi lần thăm khám, tại đơn vị mới, ông bắt tay vào hoạt động mở phòng khám của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS dành cho người nhiễm HIV.
"Ở giai đoạn này, các bệnh nhân được phát hiện khi đến phòng khám thường ở giai đoạn muộn với nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội phức tạp nhưng được khám, tư vấn điều trị tận tình, được tôn trọng và được bảo mật danh tính.
Người bệnh tuân thủ điều trị, khỏe mạnh, có thể lập gia đình, sinh con không bị nhiễm và tiếp tục làm việc và đóng góp hữu ích cho xã hội đó chính là niềm vui rất lớn của người bác sĩ phòng, chống HIV/AIDS", bác sĩ Sơn tâm sự.
Sau hơn 17 năm thành lập, hiện phòng khám ngoại trú HIV đang quản lý khám chữa bệnh ngoại trú, duy trì cấp phát thuốc ARV cho hơn 550 người nhiễm HIV và điều trị chuyên sâu các nhiễm trùng cơ hội cho người HIV/AIDS.
Chính sự tận tâm của những thầy thuốc nơi đây là tiền đề quan trọng để Huế trở thành một trong những địa bàn có tình hình dịch HIV thấp, hoạt động điều trị ARV đạt hiệu quả cao, trên 95% bệnh nhân có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế.
Luôn trăn trở về căn bệnh thế kỷ
Năm 2019, nhận thấy, tốc độ nhiễm HIV tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới tại thành phố Huế, bác sĩ Sơn luôn trăn trở làm sao để giảm tốc độ lây nhiễm HIV trong cộng đồng, đặc biệt trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.
Bác sĩ Sơn chia sẻ, hơn 5 năm can thiệp cho nhóm bằng các giải pháp truyền thống như tiếp cận cộng đồng để tư vấn dự phòng lây nhiễm, cấp phát các vật dụng hỗ trợ như bao cao su, chất bôi trơn tuy nhiên vẫn không ngăn chặn được tốc độ lây nhiễm HIV.

Bác sĩ Lê Hữu Sơn trong các buổi tuyên truyền phòng chống HIV.
Đến năm 2024, Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS chọn Huế là một trong các địa phương được tham gia giai đoạn 2024 - 2026. Việc tham gia Dự án giai đoạn mới đem lại cho địa phương nhiều lợi ích, đặc biệt trong hoạt động can thiệp giảm tác hại trên đối tượng nguy cơ cao.
Một trong những hoạt động nổi trội mà Dự án hỗ trợ chính là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), góp phần lớn trong việc thu hút các đối tượng nguy cơ cao tham gia điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Qua đó làm giảm số lượng mắc mới ở nhóm nguy cơ cao, góp phần giảm nguy cơ lây lan HIV ở cộng đồng.
"Ngay khi được dự án hỗ trợ, chúng tôi bắt tay vào việc chuẩn bị các hồ sơ thủ tục để mở phòng khám điều trị PrEP miễn phí, và chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, phòng khám triển khai tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên. Đến nay có gần 100 đối tượng tham gia điều trị. Chúng tôi vẫn thường nói vui với các bác sĩ của Trung tâm rằng, mọi sự cố gắng đều không vô ích", bác sĩ Sơn nói.
Chính nhờ những cán bộ tâm huyết như bác sĩ Sơn, các dịch vụ xét nghiệm và can thiệp giảm tác hại HIV tại TP Huế dần trở nên đa dạng và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, công tác điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS bằng thuốc ARV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc PrEP cũng đạt hiệu quả cao.
Ngoài hoạt động khám, chữa bệnh HIV, bác sĩ Sơn là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kế hoạch, tài chính. Trong suốt thời gian làm việc tại phòng kế hoạch tài chính chưa bao giờ xảy ra hiện tượng thiếu hụt thuốc hoặc vật tư, cũng như để hàng hóa quá hạn sử dụng phải hủy bỏ.
Bên cạnh đó, bác sĩ Sơn còn tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về HIV/AIDS cấp cơ sở được Hội đồng Khoa học Kỹ thuật ngành Y tế TP Huế nghiệm thu, đóng góp thông tin dữ liệu khoa học để xây dựng các chiến lược, kế hoạch, mục tiêu hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn.
Bác sĩ Lý Văn Sơn, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Huế) cho biết, sự nhiệt tình, trách nhiệm và hết lòng phục vụ bệnh nhân của bác sĩ Lê Hữu Sơn truyền cảm hứng và động lực cho các cán bộ trong khoa gắn bó với công việc nhiều năm qua.
Bác sĩ Nguyễn Lê Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Huế cho biết, sự cần mẫn, năng động, nhiệt huyết vì công việc của bác sĩ Lê Hữu Sơn giúp Trung tâm luôn hoàn thành xuất sắc các mục tiêu của chương trình phòng, chống HIV/AIDS.
"Bác sĩ Sơn là tấm gương sáng để cho các cán bộ trẻ trong Khoa Phòng, chống HIV/AIDS nói riêng và của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật nói chung học tập để thực hiện tốt hơn công tác dự phòng, bảo vệ sức khỏe nhân dân", bác sĩ Nguyễn Lê Tâm chia sẻ.
Gần 20 năm gắn bó với công tác phòng, chống HIV/AIDS, ThS.BS Lê Hữu Sơn nhận được nhiều bằng khen của Bộ Y tế và UBND TP Huế vì có những đóng góp tích cực trong công tác phòng chống HIV/AIDS tại Huế trong những năm công tác. Bác sĩ Lê Hữu Sơn cũng được trao tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú.