Người thầy thuốc giúp bệnh nhân xóa “án” f20

03-06-2016 15:17 | Y tế
google news

SKĐS - Duyên tôi được biết bác sĩ Nguyễn Gia Khanh đến theo hướng người xưa nói “trong họa có phúc”.

Duyên tôi được biết bác sĩ Nguyễn Gia Khanh đến theo hướng người xưa nói “trong họa có phúc”.

Khúc quanh cuộc đời tôi gặp họa to cách đấy hơn mười năm, khi đang cố gắng hoàn thành chương trình trung học bổ túc tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Giá Rai (nay đã là thị xã). Áp lực bài vở, cộng với những ẩn khuất trong lớp học và cuộc sống dồn ép, tôi rơi vào khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng, mất ngủ, nói nhảm và bỏ lớp học khi kỳ thi tốt nghiệp gần kề. Một người bạn công tác ở bệnh viện huyện đưa tôi đến Đội Phòng chống các bệnh xã hội thuộc Trung tâm Y tế và tại đây người ta áp một mã bệnh chết người cho tôi sau khi nhìn lướt qua: f.20 - tâm thần phân liệt, một cánh cửa không hề sáng sủa mở ra trước mặt tôi, sự tối đen của nó khiến người bị sang chấn nặng vẫn nhận thức được.

Mẹ tôi đưa tôi vào tá túc trong một ngôi miếu cách nhà chừng mười mấy cây số, ở ngoại ô thành phố Cà Mau thường được gọi “Chùa Ông Bổn Tắc Vân” hay “Phước Đức Cổ Miếu” và tôi sống ở đấy đúng 10 năm (2003-2013).

Bác sĩ Nguyễn Gia Khanh.

Công việc và nhịp sống cứ diễn ra nhịp nhàng đơn điệu: trông coi ngôi miếu, vệ sinh, chăm tưới cây cảnh và tiếp khách hành hương... Nói vậy chứ việc cũng nhiều vì ngôi miếu có đủ chánh điện, Đông - Tây lang và hậu liêu, sân trước và ao to phía sau, cộng đi cộng lại diện tích chừng hơn 3 công đất. Khuya đã thức mở chánh điện kiểm tra, và phận sự ông từ bắt đầu cho ngày mới... Tối tối, trước khi ngủ, uống đều đặn 6 viên aminazine được cấp. Để hình dung lượng thuốc mà tôi uống hãy nhân lên con số gần 10 năm! Đấy là chỉ định cho chứng tâm thần phân liệt nặng và liều ấy được cho là rất cao. Người ta cho biết phải uống suốt đời!

Thế là tôi lao vào tìm hiểu về chứng bệnh mình bị mang cũng như bệnh tâm thần nói chung, qua sách báo, bất cứ tài liệu nào có được qua nhiều kênh, khi có mạng internet thì thông tin nhiều hơn. Thậm chí trong tay tôi còn có quyển giáo trình tâm thần học của một trường đại học y hàng đầu. Tất nhiên, với căn bản văn hóa thấp và không có hướng dẫn, việc thấu hiểu vấn đề chuyên môn khó như thế không hề đơn giản song nói không hiểu gì cũng không đúng. Tôi có những hiểu biết nhất định về tâm thần học và f.20 nói riêng. Ý nghĩ về chẩn đoán và hệ lụy của nó tồn tại suốt trong tôi, tôi rất băn khoăn vì nhận thấy rằng bản thân sinh hoạt và lao động tốt, viết một số bài báo, có quan hệ giao tiếp bình thường, gia đình họ hàng không có người tâm thần, trong khi định nghĩa rất rõ về f. 20: “tan rã nhân cách, mất năng lực hành vi dân sự...” rất ghê gớm.

Chính lúc đó xuất hiện bài viết rất thấm thía của bác sĩ Nguyễn Gia Khanh, Trưởng khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Tâm thần Trung ương II - Biên Hòa, Đồng Nai về một ca bệnh cụ thể nội trú ở bệnh viện lâu năm. Một số ý chuyên môn được nói đến song chính yếu vẫn là cái tâm của thầy thuốc thấu hiểu cảnh trạng của bệnh nhân và sự khổ sở cùng cực của những người bệnh tâm thần nói chung. Trực giác báo cho tôi biết đây là người thầy thuốc rất có tâm và có thể giúp mình giải tỏa những ám ảnh lâu dài về sự chẩn đoán điều trị chưa chuẩn. Thế là ngay lập tức, tôi ngồi viết một cánh thư dài, nói hết những phiền não mà mình mang khi bị gán cho f.20, những khúc quanh cuộc sống dẫn tới bi kịch và đời sống hiện tại của tôi với những hoạt động sống bình thường... Sáng hôm sau, tôi phô-tô những phiếu đo điện não, sổ khám bệnh, đơn thuốc... và thuê người ta đánh máy thư cho bác sĩ dễ đọc, gửi chuyển phát nhanh lên Biên Hòa theo địa chỉ có ghi dưới bài báo. Không lâu sau, có cuộc gọi đến máy cố định trong miếu, một giọng nói ấm áp: “Tôi là Nguyễn Gia Khanh, công việc cuối năm nhiều, nhưng tôi sẽ sắp xếp để tìm hiểu kỹ và trả lời cho em, yên tâm C. nhé!”. Tôi cầm ống nghe mà xúc động vô cùng, một tấm lòng đã mở ra, những quan liêu vô cảm ở nhiều bệnh viện mà mình lui tới, những cánh cửa khép kín trước “người có tâm thần phân liệt” ngay của người thân, nhòa đi, lòng ấm áp lạ...

Rồi tôi nhận được cánh thư chuyển phát nhanh của bác sĩ Gia Khanh gửi từ Biên Hòa với dấu nhật ấn rất rõ, cánh thư thân ái đầm ấm mà tôi còn giữ đến giờ và dài lâu sau. Nét chữ viết tay mềm mại chân phương nhẹ nhàng phân tích tình trạng của tôi qua những mô tả và hồ sơ bệnh tôi gửi, nhất là các phiếu đo điện não. Với kinh nghiệm phong phú của người thầy thuốc chuyên khoa lâu năm và trực giác của người làm nghề, bác sĩ Gia Khanh khẳng định: Em không bị f.20, tôi cam đoan như thế. “Cảm xúc như một sợi dây có độ đàn hồi cao, sợi dây cảm xúc của em bị kéo giãn song may mắn không đứt, và em phục hồi được như đã thấy”, bác sĩ viết và khuyên: “Em ngừng ngay việc uống aminazine là phù hợp, tôi sẽ cho đơn thuốc khác với em”. “Án” f.20 vĩnh viễn đã bị xóa như thế, tôi ngay lập tức ngừng uống aminazine, trút một gánh nặng. Và một cầu nối thân ái giữa người có bệnh ở Cà Mau với vị bác sĩ ở Đồng Nai đã được thiết lập qua sóng điện thoại di động và sau này, qua những email ấm áp tình người.

Là thầy thuốc phụ trách khâu cuối trong quá trình điều trị bệnh nhân tâm thần, phục hồi chức năng, bác sĩ Khanh đã triệt để tận dụng mọi cơ hội để áp dụng tâm lý liệu pháp giúp giải quyết sang chấn tâm lý mà tôi đã gặp phải trong cuộc sống. Đó là những câu chuyện thực về chính cuộc đời bác sĩ, về gia đình, bạn bè và đồng nghiệp... Nhiều hơn, thầy thuốc khả kính này còn nói xa đến triết lý sống, nhân sinh quan thế giới quan, tình người... Bằng nhiều cách, bác sĩ Nguyễn Gia Khanh đã làm được công việc hồi phục tâm lý cho tôi thay cho những viên aminazine tai hại.

Hàng ngày tiếp xúc với khách hành hương đến miếu, tôi thường kể về câu chuyện của mình với mọi người và không ít người đã đồng cảm. Bác sĩ Hồng, phu nhân của bác sĩ Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Cà Mau, đã lắng nghe chăm chú và dắt cháu gái (cô Diễm) đến miếu. Diễm có những biểu hiện thái quá về cảm xúc cho dù vẫn học tập tương đối bình thường. Tôi làm cầu nối cho bác sĩ Khanh nói chuyện với em và người mẹ đang rất khổ tâm. Bác sĩ Khanh nhận ra vấn đề: Em đấy bị chứng hưng - trầm cảm lưỡng cực. Một chuyến đi Biên Hòa được tiến hành cho ba người, có tôi - người đang mong mỏi gặp ân nhân. Chiếc KIA màu trắng nhỏ xinh hoàn thành một chặng đường dài, đến Biên Hòa, lòng vòng tìm nhà bác sĩ trong một con hẻm nho nhỏ thuộc phường Tân Phong. Tay bắt mặt mừng, bưởi Biên Hòa và muối ớt được mang ra...

Diễm được cho toa thuốc và thăm khám, tinh thần dần dà tốt hơn, tôi mừng còn hơn em. Nay cô ấy đã có gia đình với một kỹ sư ngành dầu khí, câu chuyện thật có hậu.

Cô Trang ở quê tôi vướng một mã bệnh tương đối phức tạp hơn cô Diễm. Bác sĩ Nguyễn Gia Khanh đã kiên trì trò chuyện, thăm hỏi, kê đơn thuốc cho em uống thời gian dài và sự hồi phục khó khăn hơn, nhưng rồi cũng ổn, Trang đã hồng hào, trẻ trung, hòa nhập tốt với cuộc sống. Hiện Trang vẫn ở chợ Giá Rai, phường 1, trên đường Trần Hưng Đạo.

Vị thầy thuốc khả kính và tài hoa, Nguyễn Gia Khanh, hiện đã về hưu nhưng vẫn làm nghề tại một phòng khám tư gần nhà. Tôi vẫn giữ lệ gọi điện chuyện trò với ân nhân mỗi khi có thể. Năm ngoái, bác sĩ Khanh bị tai nạn, chân phải can thiệp phẫu thuật và mang nạng! Thế là tôi đóng vai trò ngược lại, an ủi, động viên người ơn của mình. Bác sĩ cũng sống trong cõi phàm, đủ hỉ nộ ái ố như ai mà đôi khi người bệnh không hiểu, cứ ngỡ...

Nếu không có người thầy thuốc từ tâm ấy đến giờ tôi vẫn mang “án” f.20 cho dù đã đi qua bao nhiêu phòng khám. Thay vì nằm im chịu trận, nhờ sự động viên và “nắn chỉnh” của bác sĩ Khanh, tôi đã vươn lên.


Bài, ảnh: Thành công
Ý kiến của bạn