Thầy thuốc của những người nghèo
Vừa bước chân tới cổng làng, nghe chúng tôi hỏi nhà ông Dương Văn Được (86 tuổi, ngụ tại Phổ Ninh, Đức Phổ, Quảng Ngãi) chữa bệnh cho dân nghèo, một người gần đó nhanh miệng: "Để tôi dẫn anh tới cha Được!". Cứ tưởng đó là con ông, ai ngờ sau này mới biết ở đây ai cũng gọi ông bằng cha. Trước căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa những lũy tre mát rượi là hàng chục bệnh nhân đang chờ ông cắt thuốc. Đến chiều tối, khi không còn bệnh nhân, chúng tôi mới có dịp bắt chuyện với ông.
Ông Dương Văn Được trong ngôi nhà của mình. |
Ông Dương Văn Được sinh ra tại một vùng nông thôn nghèo, luôn bị ảnh hưởng thiên tai, hết hạn hán lại đến bão lụt. Vì thế, ông luôn tâm nguyện cố gắng học giỏi để mai sau có thể góp sức làm vơi bớt những nỗi nhọc nhằn của bà con quê mình. Nhưng giữa loạn lạc của chiến tranh, năm 1950, ông tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, bị thương ở tay và đầu. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, ở tỉnh Thái Bình và được chuyển ngành sang công tác tại Sở Y tế tỉnh Thái Bình, sau đổi tên thành Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Bungari Thái Bình. Ông tham gia học lớp Y12B ở Thái Bình. Sau khi học xong, do bị thương nên được xem xét không đi Nam mà ở lại công tác tại Khoa Chấn thương - Bỏng, Bệnh viện Thái Bình đến năm 1975. Năm 1978, ông được chuyển công tác về tỉnh Nghĩa Bình (nay là Bình Định và Quảng Ngãi), công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện Đức Phổ, làm Trưởng phòng Y vụ - kiêm Khoa ngoại sản. Năm 1985, ông về nghỉ hưu. Ông Được không thích nói về mình nhiều, chỉ kể với tôi sơ sơ những giai đoạn trong cuộc đời. Mặc dù đã về nghỉ hưu nhưng hàng ngày ông vẫn miệt mài đi đến những vùng quê xa xôi trong tỉnh, ngoài tỉnh để chữa bệnh cho dân nghèo. Mấy chục năm trời lặn lội với những hy sinh thầm lặng vì bệnh nhân, ông được mọi người trong vùng yêu quý và gọi với cái tên thật giản dị "người thầy thuốc của người nghèo".
Ngày ấy, cuộc sống của người dân vẫn còn vô cùng khó khăn, một phần vì cái nghề mình đã được học, một phần lúc đó cuộc sống người dân còn quá khổ cực, bệnh viện xa, đi lại khó khăn, ai bị bỏng thì chỉ biết nhờ trời chứ không biết nhờ cậy ai, nên ông được đã nhiều lần phải cuốc bộ hàng chục cây số, vượt qua những con đường gồ ghề, những đồi cát cao ngút để đến với bà con vạn chài, hay lặn lội lên những vùng núi cao của tỉnh để điều trị cho bà con. Có nhiều lần, đêm hôm mưa to gió rét hay lũ lụt, nghe tiếng người bệnh gõ cửa, ông lại vùng dậy, đạp xe vượt đường xa đến những xã xa xôi điều trị cho họ. "Có lần tôi phải đạp xe lên tận xã Ba Cung (Ba Tơ, Quảng Ngãi) điều trị vết thương bỏng cho vợ chồng anh Đinh Văn Cang, người dân tộc H’rê. Tính cả đi lẫn về tôi phải đạp xe gần 120 cây số. Tuy mất gần cả ngày trời tìm đến nhà bệnh nhân, nhưng trong trái tim tôi dường như có một sức mạnh phi thường thúc giục, chữa bệnh đưa lại niềm vui cho họ là điều mà tôi cảm thấy hạnh phúc nhất. Đến giờ, hai vợ chồng đã có con cái lớn khôn và tôi ước sao một lần đến thăm họ để ôn lại câu chuyện năm xưa. Lần khác, tôi cũng phải đạp xe lên tận TP. Quảng Ngãi để điều trị bệnh đái tháo đường cho bà Phạm Thị Hoàng. Nói thật, điều trị cho hai bệnh nhân trên tôi cũng chẳng lấy đồng tiền thuốc, tiền công nào. Vì hồi đó, gia đình họ quá éo le. Đến giờ tôi cũng không biết điều trị bệnh cho bao trường hợp như thế. Có người kinh tế khá giả, điều trị bệnh cho họ tôi lấy tiền, có trường hợp chỉ lấy tiền thuốc, tiền công thôi. Nhưng có trường hợp thì mình phải bỏ tiền ra để mua thuốc, mua sữa cho họ nữa!" - Ông Được ngậm ngùi kể lại những chuyến đi xa cứu bệnh nhân của mình. Trường hợp anh Huỳnh Văn Bảo (37 tuổi, trú tại Ngô Mây, TP. Quy Nhơn, Bình Định) chia sẻ: "Nếu mà nói về người bị bỏng, chắc chẳng ai bị nặng như em đâu. Em bị điện giật, bỏng toàn thân, lớp da bên ngoài cháy đen, nhiễm trùng. Gia đình em đưa đi khắp các BV từ địa phương tới Trung ương nhưng cũng không chữa được. Lúc bệnh viện trả về để gia đình lo hậu sự, tình cờ được một người mách mời thầy Được đến chữa bệnh. Sau 2 tháng điều trị, vết bỏng đã dần mất đi và bắt đầu mọc da non. Giờ em đi làm việc bình thường rồi!".
Có lẽ trong mấy chục năm trời lặn lội, lam lũ và dấn thân vào nghiệp thầy thuốc, ông cũng không nhớ nổi mình đã đi đến những vùng quê nào, điều trị cho bao nhiêu mảnh đời bất hạnh tìm lại niềm vui hạnh phúc trong cuộc sống. Có nhiều người không có tiền chi phí điều trị, ông phải bỏ tiền túi hoặc cho họ nợ đến khi nào mùa màng về lại đem trả. Với bản chất của người bộ đội, với tấm lòng hết mình vì bệnh nhân và phong thái vô cùng giản dị, dễ gần như một người nông dân, ông được mọi người quý mến. Ông thường nói: "Điều hạnh phúc nhất của tôi là hơn 50 năm qua, chưa một ai mang thương tích bởi đôi tay của tôi. Điều đó quả thật là một liều thuốc kích thích tôi tiếp tục con đường làm thuốc dù đầy chông gai, nhưng cũng rất vinh quang này!".
Tấm lòng của một vị lương y
Trong lúc chuyện trò, tôi có ướm hỏi ông về bài thuốc đặc biệt của mình. Ông bảo, cũng chẳng có gì là bí mật, đó chỉ đơn giản là những cây thuốc, các loại cây dễ kiếm quanh vùng và chi phí rất rẻ. Nhưng để có được bài thuốc đặc biệt của mình, nhiều đêm ròng ông đã thức trắng đọc những cuốn sách Đông y nói về phương pháp chữa bỏng để từ đó tìm ra bài thuốc của riêng mình. Ông đã chắt lọc, tổng hợp từ 12 bài thuốc quý của nhiều bậc danh y, kết hợp với bài thuốc gia truyền làm nên bài thuốc độc đáo của riêng mình, nhưng công dụng chữa bệnh thì vô cùng hiệu quả. Ông Được cho biết, bài thuốc của ông áp dụng hiệu quả với các loại bỏng điện, bỏng nước, bỏng xăng... Đặc biệt và độc đáo của bài thuốc là không dùng bất cứ một loại thuốc kháng sinh nào. Bởi bệnh nhân bỏng có đặc điểm là sốt cao, thời gian sốt dài, vì vậy các bác sĩ thường hay dùng kháng sinh nhưng cách làm đó lại ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân, nên ông tránh dùng cách đó. Kết quả cuối cùng đã nói lên tất cả, với tỷ lệ thành công cao, rất nhiều bệnh nhân đã được ông chữa lành bệnh.
Ngồi với tôi trong căn nhà nhỏ cấp bốn mà ông dành dụm cả đời mới làm được để tránh mưa nắng, ông bảo: "Nếu có lòng tham, trục lợi trên nỗi đau của người khác thì bây giờ tôi đã giàu to. Nhưng tôi lại không làm vậy, bởi tôi làm việc y theo trái tim mình mách bảo - Lương y phải như từ mẫu!". Từ khi về nghỉ, ngoài việc đồng áng, ông luôn chú tâm nghiên cứu những phương thuốc từ rừng núi, cây cỏ quanh nhà. "Hơn 25 năm tìm hiểu, giờ đây tôi đã chế được các loại thuốc chữa bỏng rất hay, ít hoặc không để lại sẹo cho người bệnh và hầu như chưa có một bệnh nhân nào tôi nhận lời chữa mà không thành công!", ông tự hào nói.
Những bằng khen, huân huy chương mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng ông. |
Làm được nhiều điều như thế, nhưng gần 30 năm từ khi về nghỉ đến nay, ông chưa bao giờ nhận một đồng của người dân đến chữa bệnh. "Họ thường trả nghĩa cho tôi với những món quà như con gà, con vịt, trồng một cái cây trong vườn để làm kỷ niệm!", ông Được nói. Rồi ông kể, có một lần ông được mời vào Nha Trang để chữa bỏng cho một trường hợp bị rất nặng, chữa xong ông về lại Quảng Ngãi. Sau đó, người nhà của bệnh nhân đã đem 20 triệu đồng đến để cảm ơn nhưng ông đã từ chối. Người nhà nạn nhân bảo, nếu ông nếu ông không lấy, họ quyết ở đây cho đến lúc nào ông nhận thì họ mới về. Ông liền gọi họ lại và nói: "Tôi làm là vì cái tâm. Chữa được cho một người đó là niềm hạnh phúc của những người làm thầy thuốc chứ không phải vì tiền!". Nghe ông giải thích, cuối cùng thì gia đình kia cũng chấp nhận đi về, nhưng hôm khác họ lại quay lại, lần này vì tấm lòng của gia đình nên ông đã nhận 200.000 đồng gọi là cái lễ.
Thời gian trôi qua, nhiều người ở khắp miền Trung, Tây Nguyên tìm đến ông nhờ chữa bệnh. Từ đó tới nay chưa có một bệnh nhân nào bị mang di chứng gì. "Khi họ mang bệnh nhân đến, tôi sẽ trả lời cho họ biết, nếu chữa được thì tôi sẽ cố hết sức, còn nếu khám mà thấy không chữa được thì tôi không nhận! Làm thầy thuốc trước tiên là phải có cái tâm. Người ta đau ốm, bệnh tật mới tìm đến mình nên mình phải cứu giúp họ, đối xử với họ như người nhà. Tiền bạc bao nhiêu rồi cũng hết, hãy để niềm vui của người thầy thuốc là mỗi lúc mở mắt thấy mình đã cứu được một người chứ đừng mong phú quý. Vì thế mà suốt cuộc đời mình, tôi luôn cố gắng còn sống ngày nào thì còn giúp người dân chữa bệnh, xem đó là niềm vui ở đời!", ông Được tâm sự.
Vì những thành tích và cả sự cống hiến của mình, ông đã được ghi nhận với nhiều huân, huy chương như Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất 1983, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì năm 1996, Bộ trưởng Y tế tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân năm 2009...
Bài và ảnh: Hữu Cường