Hà Nội

Người thầy tâm huyết với Cầu mây Việt Nam

19-03-2009 16:50 | Văn hóa – Giải trí
google news

Nhân đây, xin được kể về một trong những người thầy tài năng của TTVN những năm gần đây, đó là ông Hà Khả Luân - Phó Chủ tịch Liên đoàn Cầu mây thế giới; Phó giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội, nguyên HLV trưởng đội tuyển Cầu mây quốc gia.

Tổng Cục trưởng TC TDTT Trung Quốc Lưu Bằng trong chuyến thăm Ủy ban TDTT Việt Nam cách đây vài năm đã từng tâm sự với Thứ trưởng Thường trực Bộ VH,TT&DL Nguyễn Danh Thái (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban TDTT) rằng: công việc chính của những người làm thể thao đỉnh cao, các HLV chuyên nghiệp... chính là phải luôn biết cách thấu hiểu, để chia sẻ và động viên kịp thời các học trò, VĐV của mình. Tìm cách để giúp họ có được ý chí, sự nỗ lực cần thiết, để vượt qua muôn vàn khó khăn, áp lực, qua đó, mới mong gặt hái được những thành tích, kỷ lục mới.

Cầu mây Việt Nam gắn liền với tên tuổi ông Hà Khả Luân. 

Nhân đây, xin được kể về một trong những người thầy tài năng của TTVN những năm gần đây, đó là ông Hà Khả Luân - Phó Chủ tịch Liên đoàn Cầu mây thế giới; Phó giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội, nguyên HLV trưởng đội tuyển Cầu mây quốc gia. Trên toàn quốc thì cũng mới chỉ có Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vốn là 2 Trung tâm thể thao mạnh nhất, tập trung hầu hết các VĐV ưu tú. Sở TDTT Hà Nội hồi ấy với chiến thuật "đi tắt, đón đầu" - sản phẩm nổi tiếng, mang thương hiệu độc quyền của vị giám đốc đầy tài năng, nay là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Olympic Quốc gia Hoàng Vĩnh Giang, đã chủ yếu hướng sự đầu tư cho các môn mũi nhọn, vốn phù hợp với thể trạng người Việt Nam như: Wushu, Silat, Cầu mây... qua đó, đã nhanh chóng có được những thành tích đáng kể cả trên đấu trường khu vực và thế giới. Cầu mây du nhập vào nước ta sau ASIAD năm 1990, tổ chức tại Bắc Kinh. Nhắc tới Cầu mây, chúng ta đều không thể quên được 2 tấm HCV còn "quý hơn Vàng" mà đội tuyển Cầu mây nữ đã giành được tại ASIAD lần thứ 14 tổ chức tại Doha, Qata và nhiều thành tích xuất sắc khác nữa... Nhưng mỗi khi nói đến Cầu mây thì cũng phải nhắc tên để cảm ơn ông Hà Khả Luân, người đầu tiên (cùng với ông Hoàng Vĩnh Giang) mang Cầu mây về Việt Nam. Dày công xây dựng ngay từ những ngày đầu, tâm huyết của ông Luân đã được đền đáp không chỉ ở thành tích của các đội tuyển, mà quan trọng hơn chính là sự phát triển sâu rộng của phong trào tập luyện Cầu mây trên phạm vi cả nước. Khó khăn, thiếu thốn là thế, nhưng ông Luân và các học trò vẫn không nản, bên cạnh việc tập luyện chăm chỉ, đội Cầu mây Hà Nội khi ấy còn rất năng động, tìm cách đi thi đấu biểu diễn ở nhiều nơi như: Đại học TDTT I (nay là Trường đại học TDTT Bắc Ninh), thi đấu giao hữu với đội TP. Hồ Chí Minh (vừa thành lập với nòng cốt là các VĐV Cầu chinh) với mục đích quảng bá và nhân rộng phong trào tập luyện môn thể thao này. Đến đầu năm 1992, lịch sử Cầu mây Việt Nam đã bước sang một trang mới với việc tổ chức thành công giải Vô địch quốc gia lần thứ 1, đồng nghĩa với việc chính thức ghi tên mình lên trên bản đồ Thể thao quốc gia và nhận được sự quan tâm, đầu tư của Ủy ban TDTT. Không chỉ tích cực tìm kiếm tài năng như đã nói ở trên, ông Hà Khả Luân còn chịu khó tìm tòi, trao đổi với các chuyên gia, bạn nghề khác để tìm ra hướng đi riêng cho Cầu mây Việt Nam.

Giờ đây, ngoài vị thế chắc chắn đã khẳng định được trong làng Cầu mây thế giới, Cầu mây Việt Nam cũng như cá nhân ông Hà Khả Luân còn có được sự ảnh hưởng nhất định, góp công lớn trong việc vận động Liên đoàn Cầu mây thế giới đưa các nội dung Cầu mây nữ vào hệ thống thi đấu chung của Liên đoàn Cầu mây thế giới nhờ trình độ và thành tích thuyết phục của đội tuyển Cầu mây nữ Việt Nam, từ khi thành lập đến nay vẫn luôn giữ vị thế là một trong những đội tuyển hàng đầu Thế giới. Tích cực đào tạo, bồi dưỡng lực lượng HLV, trọng tài Cầu mây cả số lượng và chất lượng, đề cao tính hệ thống, chuyên nghiệp hóa cao trong quá trình phát triển phong trào tập luyện Cầu mây trên toàn quốc. Đội tuyển Cầu mây Việt Nam luôn đứng trong top các đội tuyển, tập thể có thành tích tốt của đoàn TTVN tại các kỳ thi đấu lớn... Nhìn nhận, đánh giá chặng đường hình thành và phát triển của Cầu mây Việt Nam trong 20 năm qua thật đáng ngưỡng mộ. Bởi từ xuất phát điểm gần như bằng không, ông Luân vẫn biết đến là một nhà thể thao chuyên nghiệp, đã rất nổi tiếng trong làng Điền kinh và TTVN nói chung nhờ thành tích có được khi còn là một VĐV Nhảy cao, nhưng việc chọn và gắn bó với Cầu mây, môn thể thao đồng đội - chiến thuật, vốn mang những đặc điểm tập luyện và thi đấu hoàn toàn khác cũng là một cách chấp nhận thử thách thật sự rất đáng nể, ngay cả với những người trong nghề. Với những thành tích và cống hiến như vậy, Cầu mây Việt Nam nói chung và cá nhân ông Luân đã nhận được nhiều Huân, Huy chương, Bằng khen các loại do lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao tặng. HLV kỳ cựu Hà Khả Luân năm nay cũng đã bước sang tuổi 60. Rất mong, bằng tâm huyết, kinh nghiệm và tài năng của mình, HLV Hà Khả Luân - một trong những người thầy tài năng của TTVN - vẫn sẽ cùng với các thế hệ đàn em, học trò của mình chăm lo, vun đắp, để Cầu mây Việt Nam sẽ có những bước tiến nhanh, mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

           Quang Huy (TCTDTT)


Ý kiến của bạn