Người thầy mẫu mực, nhà khoa học tài hoa

20-05-2012 07:27 | Xã hội
google news

Một kỷ niệm của riêng tôi với thầy Tôn Thất Tùng mà suốt cuộc đời tôi không thể nào quên được, nó như một cú hích định mệnh cho định hướng nghề nghiệp của tôi.

(SKDS) - Một kỷ niệm của riêng tôi với thầy Tôn Thất Tùng mà suốt cuộc đời tôi không thể nào quên được, nó như một cú hích định mệnh cho định hướng nghề nghiệp của tôi. Đó là những ngày đầu khi tôi được Học viện Y Huế gửi ra Trường đại học Y khoa Hà Nội để học ngoại khoa, nhưng không biết vì sao tôi và anh Lộc (lúc đó mới là sinh viên năm 6) bị chuyển sang học gây mê hồi sức. Theo học được vài tháng, tôi được phân công thực tập gây mê tại Phòng mổ A (còn gọi là phòng mổ thầy Tùng) do thầy Tôn Đức Lang phụ trách gây mê cùng với cô Hồ (vợ thầy Tùng).

 
Một hôm, do một bác sĩ phụ mổ của thầy bị ốm nên tôi được gọi vào phụ mổ ca mổ cắt gan do thầy Tùng thực hiện. Ngày hôm sau, thầy Tùng cho gọi tôi và Lộc vào phòng làm việc của thầy. Một cảm giác vừa mừng vừa lo, vẫn biết rằng thầy rất thương yêu học trò, đặc biệt là những cậu học trò từ trong Huế - quê hương của thầy - ra học ở Hà Nội. Trong lúc nói chuyện, thầy thầm quan sát từ dáng đi, giọng nói cho đến những cử chỉ nhỏ nhất của tôi.
 
Đoạn, thầy bảo tôi xòe tay ra cho thầy xem, một hồi lâu, cuối cùng thầy bảo một câu thật gọn ghẽ mà dứt khoát - đúng như phong cách của thầy: Em nên đi theo chuyên ngành ngoại khoa! Tôi nghe lời thầy, bản thân từ ngày học đại học đã rất mê chuyện mổ xẻ, thần tượng các phẫu thuật viên, nên quyết tâm theo học chương trình nội trú ngoại khoa nhờ vào sự can thiệp của thầy với Trường đại học Y Hà Nội. Từ kỷ niệm ban đầu ấy, đến nay đã hơn 30 năm dấn thân vào sự nghiệp phẫu thuật cứu người, bao nhiêu bệnh nhân đã rời khỏi bàn mổ để trở lại với cuộc sống bình thường qua đôi bàn tay tôi, đôi bàn tay mà ngày nào thầy Tùng đã chọn với biết bao trìu mến yêu thương và trao gửi.
 Giáo sư Tôn Thất Tùng.

Một người thầy mẫu mực

GS. Tôn Thất Tùng là người đầu tiên đặt nền móng xây dựng ngành ngoại khoa Việt Nam. Dưới sự dạy dỗ, dìu dắt của thầy, một thế hệ đầu đàn của các chuyên ngành ngoại khoa đã trưởng thành: tiêu hóa gan mật có GS. Nguyễn Văn Vân, GS. Nguyễn Đình Hối, GS. Đỗ Kim Sơn, GS. Đỗ Đức Vân; tim mạch - lồng ngực có GS. Đặng Hanh Đệ, GS. Tôn Thất Bách; thần kinh có GS. Nguyễn Thường Xuân; chấn thương có GS. Đặng Kim Châu, GS. Đoàn Lê Dân, GS. Nguyễn Quang Long; tiết niệu có GS. Nguyễn Bửu Triều...

Nhận định đầu tiên về thầy là một người hết sức mô phạm, mẫu mực trong ứng dụng kỹ thuật. Quan điểm của thầy là phải khởi đi từ thực nghiệm, thảo luận rốt ráo, trao đổi kỹ lưỡng với chuyên gia và sau đó mới có thể ứng dụng phẫu thuật trên người.
 
Trong cuốn hồi ký Nhớ về những năm tháng đã qua, GS. Đặng Hanh Đệ kể lại hành trình mổ tim thực nghiệm trên chó với máy tim phổi dạng Kay-Cross do Trung Quốc tặng: Thầy Tùng đề ra nguyên tắc là khi mổ thực nghiệm phải làm sao chó sống qua đêm ít nhất là 5 con thì mới có thể mổ trên người. Có nhiều chuyện cần khắc phục thì mới mổ thực nghiệm được. Cuối cùng, “hết tuần này đến tuần khác, rút kinh nghiệm thì sau khoảng 20 con đã bắt đầu có chó sống. Chúng tôi rất vui vì nghĩ đến ngày có thể mổ trên người được rồi…”.
 
Trong những ngày mổ thực nghiệm ấy, thầy Tùng luôn có mặt và theo dõi sát sao toàn bộ êkíp và quy trình: “Khi mổ, thầy Tùng thường đứng bên cạnh quan sát xem chúng tôi làm ăn ra sao, nhất là khi bắt đầu cho máy chạy, mọi người vừa làm vừa nói chuyện rất vui, có cảm giác như trong một gia đình”. Đó chính là phong cách làm việc của thầy: chuyên nghiệp, khoa học, mô phạm, hết sức cẩn trọng trước bất kỳ một công việc nào. Đó còn là tấm gương mẫu mực trong truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng của một người thầy đối với các thế hệ học trò.

Trong cuộc mổ, thầy rất chú ý đến từng động tác của các học trò: từ cách buộc một mũi chỉ cho đến cầm kéo cắt chỉ, thầy thường uốn nắn ngay hoặc bắt làm lại. Đôi khi có những tổn thương trong cuộc mổ không tương xứng với chẩn đoán trước đó, thầy vẫn dạy chúng tôi, vấn đề là khả năng nhận định tổn thương, đề ra những kế hoạch cụ thể “xếp thành ô trong đầu” các phương án giải quyết, tự mình phải tính trước những biến chứng có thể xảy ra để luôn luôn chủ động trong mọi tình huống.

Đối với thầy, một nhà ngoại khoa, một phẫu thuật viên không chỉ có đôi bàn tay mổ xẻ hàng loạt... mà còn cần phải có kiến thức sâu rộng về các chuyên ngành khác. Việc bồi dưỡng nâng cao kiến thức phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, suốt cuộc đời chứ không chỉ ngày một ngày hai. Chẳng hạn, một nhà ngoại khoa cần có những kiến thức cơ bản về chuyên ngành giải phẫu bệnh để có thể nắm chắc bản chất bệnh lý của tổn thương, từ đó có những kỹ thuật xử trí phù hợp.
 
Bản thân chúng tôi trước khi “học mổ” đều phải trải qua nhiều tháng học chuyên ngành giải phẫu bệnh. Không chỉ có thế, đối với một phẫu thuật viên, việc nắm chắc kiến thức cơ bản của các chuyên ngành khác rất quan trọng, chúng có tác dụng hỗ tương, phối hợp để làm bộc lộ rõ chân xác vòng tròn bệnh lý. Tôi có một kỷ niệm về một buổi giao ban điều trị tại Bệnh viện Việt Đức, hôm đó, tôi phải báo cáo tình hình phiên trực đêm trước, trong đó có một ca chấn thương sọ não.
 
Thầy Tùng truy tôi nguyên nhân của bệnh đến câu thứ ba thì tôi ấm ớ không trả lời được, rõ ràng là không nắm rõ nguyên nhân - một phần cũng do bệnh nhân vào quá đông chúng tôi không kịp hỏi kỹ. Đây là một bài học mà thầy Tùng dành cho chúng tôi: trước một ca chấn thương sọ não, cần phải tìm hiểu nguyên nhân chấn thương, nó giúp người phẫu thuật viên đánh giá được vị trí, mức độ của thương tổn để có hướng xử trí thích hợp.
 
Việc tìm hiểu kỹ nguyên nhân chấn thương còn là một kênh quan trọng trong hỗ trợ công tác pháp y nếu cần thiết, hay thậm chí làm cơ sở cho việc phòng ngừa trong tương lai. Hóa ra công việc của một nhà ngoại khoa không chỉ là “cứ việc mổ, mổ và mổ”! Những bài học sinh động ấy của thầy Tùng thấm vào chúng tôi lúc nào không hay, thật nhẹ nhàng mà sâu sắc và cứ ngày một đầy thêm.
 
Với riêng tôi, buổi giao ban hôm ấy còn cho tôi bài học “nhớ đời” về sự trung thực của một người làm trong ngành y, trung thực ngay trong một lời báo cáo, đặc biệt đối với những ai mới chập chững vào nghề. Nhân câu chuyện về buổi giao ban, tôi cho rằng tất cả các thế hệ bác sĩ ngoại khoa từng học tập ở Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội không ai có thể quên được những buổi giao ban mà thầy Tôn Thất Tùng chủ trì.
 
Mỗi buổi giao ban đều mang sức nặng của những giá trị mà chỉ có thể có ở những góc giảng đường - thánh đường: sự đồ sộ của kiến thức, của kinh nghiệm, những “cây cao bóng cả” trong chuyên môn cũng như trong tình cảm thầy trò, là nơi cho tất cả mọi người - cả thầy và trò - có cơ hội được thể hiện mình. Bản thân thầy là người có nghệ thuật thuyết phục người khác, ưa đổi mới, nâng tầm, quyết không lặp lại chính mình... đã cuốn hút và kích thích chúng tôi. Mỗi buổi giao ban của thầy thực sự là một món quà tinh thần vô giá cho tất cả các thế hệ học trò.
 
Một di sản vô cùng quan trọng của thầy Tôn Thất Tùng chính là tư duy nghiên cứu khoa học. Tư duy ấy là gì? Đó chính là sáng tạo khoa học phải dựa trên nền tảng thực tế, lấy thực tế làm thước đo cho lý luận. Và thành quả sáng tạo có được không chỉ từ trí tuệ và tư duy mà còn nhờ vào sự lao động chuyên cần, không mệt mỏi.
 
Chắc hẳn mọi người đều biết thành tựu “phẫu thuật cắt gan khô” hay “phương pháp Tôn Thất Tùng” được thế giới khoa học công nhận và nể phục. Để có được thành tựu ấy, thầy đã thực hành phẫu tích qua hơn 200 lá gan tử thi, bộc lộ được hệ thống mạch máu trong gan, đối chiếu, vẽ sơ đồ... từ đó đưa ra phương pháp cắt vùng gan tổn thương sau khi đã xác định và thắt các mạch máu đến nuôi.
 
 GS. Tôn Thất Tùng biểu diễn phương pháp mổ gan khô do ông sáng tạo tại Pháp.  Ảnh: TL
Tư duy nghiên cứu khoa học dựa trên thực tiễn ấy được thầy ghi lại rõ ràng trong cuốn hồi ký Đường vào khoa học của tôi: “Nghiên cứu khoa học là một vấn đề lao động bằng mười ngón tay liên tục trong hàng năm, rồi sau đó vào vỏ não mới có thể nhận định ra một cái gì mới. Cái khó là mỗi lần lao động như thế, phải suy nghĩ ngay, rút kinh nghiệm ngay, để luyện tập các tế bào não… Nghiên cứu khoa học tuyệt đối không phải chỉ là một vấn đề đọc sách trong một căn phòng ấm cúng và tĩnh mịch”. 

Tính nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học của thầy còn thể hiện ở chỗ: bên cạnh thầy luôn có các chuyên gia toán học hỗ trợ nhằm bảo đảm tính chuẩn xác và trung thực trong xử lý số liệu. Cùng với phương pháp “cắt gan khô” nổi tiếng, thầy còn có hơn 120 công trình nghiên cứu khoa học khác được đăng tải và xuất bản, tất cả đều xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, thực tiễn bệnh tật của nhân dân. Nếu trí thức là người luôn quan tâm và nghiên cứu sâu sắc những vấn đề cốt tử của khoa học và xã hội, thì thầy, chính là một trong những nhà trí thức hàng đầu của đất nước.

Một tâm hồn khoáng đạt yêu thương

Nhận định của nhiều người rằng thầy Tôn Thất Tùng là “một nhà khoa học mang trái tim thi sĩ”, quả thật không quá lời. Một con người xuất thân hoàng tộc, nhưng ngay từ thời trai trẻ đầy nhiệt huyết, thầy đã rời bỏ gấm hoa, quyết dấn thân vào con đường chữa bệnh cứu người, nhất là trong hoàn cảnh ngày ấy khi đất nước còn chịu ách cai trị thực dân, cuộc sống nhân dân lầm than, nghèo khó... đó không phải là cái mà chúng ta vẫn thường gọi là “lãng mạn cách mạng” hay sao? Trái tim yêu thương con người, trái tim hướng về những thân phận hèn mọn, khổ đau và bệnh tật... còn gì khác hơn là một trái tim thi sĩ? Thầy có đầy đủ tố chất của một người nghệ sĩ.
 
Thầy am hiểu lịch sử, yêu hội họa, thường vẽ nhiều tranh phong cảnh, thích làm thơ.
Thầy thường viết thơ bằng tiếng Pháp, những câu thơ thể hiện cảm xúc hồn nhiên, chân thành, ngôn ngữ mộc mạc không trau chuốt, như chỉ để kịp ghi lại những khoảnh khắc chân thật của đời sống và của tâm hồn. Bởi mang tố chất của một nghệ sĩ, một thi sĩ nên ngay cả những bài giảng khoa học của thầy cũng đầy thi vị. “Khoa học với ông là một vấn đề của tình cảm”! Nhà thơ Vũ Quần Phương đã có một nhận định rất chính xác như vậy khi đọc thơ của thầy.
 Lễ khánh thành tượng GS. Tôn Thất Tùng tại Bệnh viện TW Huế.
Thầy Tôn Thất Tùng còn là một con người Huế. Một phong cách sống lịch lãm, tài hoa. Tâm hồn thầy là một tâm hồn Huế đặc trưng: đầy cá tính, dấn thân quyết liệt nhưng gần gũi, chan hòa yêu thương; luôn ưu tư những vấn đề lớn lao nhưng không bỏ qua những điều nhỏ nhặt. Là một người Huế xa quê, thầy dành tất cả tình yêu thương cho những đứa học trò Huế chúng tôi.
 
Một tháng ngay sau ngày đất nước thống nhất, thầy đã tranh thủ về Huế, đặc biệt quan tâm đến đội ngũ y bác sĩ và sự phát triển của ngành y của Huế. Sau chuyến công tác của thầy, một loạt các bác sĩ và sinh viên năm cuối của Đại học Y Huế được ra Hà Nội thực tập, lứa đầu có bác sĩ Hỷ, bác sĩ Tuệ, bác sĩ Tâm..., lứa tiếp theo gồm tôi, bác sĩ Lộc, bác sĩ Lượng, bác sĩ Thái...
 
Mặc dù cuộc sống hồi đó hết sức khó khăn nhưng chúng tôi luôn được tạo những điều kiện tốt nhất có thể để học tập. Đi trực đêm, mặc dù không có tiêu chuẩn nhưng thầy vẫn báo bệnh viện đặt thêm những suất cơm trực cho cánh học trò Huế. Cử chỉ ân cần yêu thương đó của thầy mãi mãi làm sao chúng tôi có thể quên? Không chỉ trực tiếp giảng dạy, thầy còn phân công những học trò giỏi nhất của thầy kèm cặp hướng dẫn chúng tôi. Nhờ sự định hướng của thầy, tôi đã quyết tâm thi đỗ bác sĩ nội trú các bệnh viện ở Pháp để học mổ tim.
 
Có thể nói, chính từ những ngày đầu gian khó ấy và cũng chính nhờ sự quan tâm ưu ái đặc biệt của thầy, tôi đã nung nấu quyết tâm trở về xây dựng ngành ngoại khoa nói chung và ngành phẫu thuật lồng ngực tim mạch nói riêng của Huế. Những thành công vượt bậc của ngành phẫu thuật tim mạch của Huế hôm nay có được từ một người Huế đáng tôn kính, chính là thầy! GS. Tôn Thất Tùng mãi mãi là một đỉnh cao không chỉ của ngành y tế mà còn của trí tuệ và nhân cách Việt Nam.

GS.TS. BÙI ĐỨC PHÚ (Giám đốc BV TW Huế)


Ý kiến của bạn