Người thầy dạy nghề đầu tiên...

23-11-2018 19:22 | Y tế
google news

SKĐS - Học xong Trường Y rồi chuyển sang học nghề mắt, bao nhiêu người thầy đã rèn giũa để tôi trưởng thành? Không thể nhớ hết, không thể đếm hết.

Hơn 60 môn học suốt 6 năm tại Trường đại học Y Hà Nội, mỗi môn học đều do nhiều thầy cô dạy rồi các thầy hướng dẫn thực tập, trợ giảng... Các thầy dạy nghề thì dễ nhớ hơn vì cùng hoạt động trong một lĩnh vực y học, làm cùng một bệnh viện. Mỗi lần đi hội thảo, hội nghị, lễ kỷ niệm cũng lại có cơ may gặp lại. Một chữ cũng là thầy, lễ nghĩa của dân tộc ta là vậy... nên tôi có biết bao nhiêu là thầy.

Thời gian trôi đi vun vút, các thầy cũng khuất dần. Biết là lẽ tự nhiên nhưng ai có thể làm chậm cái chu trình nghiệt ngã này được... Chỉ có thể là tưởng nhớ, là hình bóng họ trong trái tim những người đang sống sẽ khiến cho các thầy sẽ sống lâu hơn, thọ hơn là cái tuổi thật trên bia mộ? Chỉ có thể là vậy!

Người thầy thuốc luôn đặt sức khoẻ của người bệnh lên trên hết.

Người thầy thuốc luôn đặt sức khoẻ của người bệnh lên trên hết.

Người thầy dạy nghề đầu tiên phải là bố tôi. Tôi vừa ghét, vừa sợ cái tính cẩn thận và chậm chạp của ông. Sau này tôi mới thấy ông đã rất đúng (ít ra là trong đa số trường hợp). Cái tôi và mọi người chê cười ông lại giúp cho ông hành nghề y một cách kiên cường, vững chắc và ít sai lầm nhất. Ông luôn nói với tôi “y giả, ý dã” nghĩa là làm ngành y phải cẩn thận, tinh tế, phát hiện ra cái thay đổi nhỏ nhất nếu có thể. Cái đó làm chúng ta khác với robot, là phẩm chất của người thầy thuốc tốt.  Lòng tốt, tình yêu con người vẫn chưa đủ mà phải có ích đối với người bệnh, nghĩa là phải trau dồi y thuật, rèn luyện sự tinh tế, phát hiện ra được cái bất thường - cái bệnh lý... Tôi thầm cảm ơn ông hay bao nhiêu người thầy khác đã dạy cho tôi sự quý giá của cẩn thận và tinh tế trong ngành y. Nó đã cứu tôi rất nhiều lần khỏi sai sót, tường trình, kiểm điểm hay nhiều thứ kinh khủng khác mà bác sĩ nào cũng kinh sợ. Cái chậm chạp của ông cũng giống rất nhiều thầy nội khoa cùng trang lứa, thầy Sang chậm rãi hút thuốc, thầy Khuê trầm mặc giảng bài, thầy Ý rảo bước trên những hành lang của Bệnh viện Bạch Mai. Không phải họ vô tâm hay không muốn khẩn trương để cứu giúp bệnh nhân mà đó là chậm rãi của khổ tâm, suy nghĩ, cúi mình trước mạng sống trước khi ra quyết định.

Các bậc thầy hành nghề y như hành đạo. Họ bỏ qua tiếng bom rung lắc bệnh viện, đói rét, mất điện, vợ con nheo nhóc đi sơ tán khắp nơi... để làm lương y tốt. Cái chậm chạp và cẩn thận của các thầy cao quý là vậy. Một phần nữa giờ tôi mới ngẫm ra là thời đó thiếu máy móc, xét nghiệm, phương tiện chẩn đoán, thuốc men biết bao. Nếu không lao tâm, khổ tứ, không dùng hết tâm lực và giác quan để hành nghề thì họa sẽ đến với bệnh nhân nhiều hơn là phúc. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ lời răn của bố tôi: Trước bệnh nhân, vào phòng mổ hãy để những lo lắng bộn bề của cuộc sống, những hỉ - nộ - ái - ố của con người ở ngoài. Không làm được như thế ta sẽ hại bệnh nhân rồi sau đó là hại mình. Đừng phân tâm, đừng rối trí, chỉ có ta và bệnh tật. Thật chí lý quá!?

Tình yêu nghề, đạo đức, tâm hồn trong trẻo, bản tính ngay thẳng cũng là điều nổi bật ở bố tôi. Bao nhiêu năm tuổi thơ tôi cứ thắc mắc ông làm những gì linh tinh mà không chịu ngủ sớm cùng 4 đứa con lớn lên đều đều như củ khoai. Khi thì đọc sách bên đèn dầu, khi thì đun nấu thuốc Nam gì đấy với chai lọ lủng củng, lúc lại cao hứng kéo đàn violon trong khi cả xóm đã đi ngủ. Sau này đã lớn, cùng là bác sĩ mắt, tôi mới biết ông rất chịu học tiếng Latinh, tiếng Anh, tiếng Pháp. Có chuyên gia nước ngoài đến viện, mượn được ai cuốn sách nào ông đều ghi chép lại cẩn thận lưu lại cho mình rồi truyền lại cho tôi.

Ở cơ quan, bố tôi mặc chiếc blouse màu cháo lòng, nhầu nhĩ làm việc cần mẫn. Buổi trưa, ông cười tươi đón chiếc cặp lồng cơm tôi mang đến viện chứa toàn lạc, rau, dưa. Chiều về, chúng tôi ngồi ngay ngắn bên mâm cơm xanh ngắt toàn những rau chờ ông về rồi mới ăn. Mẹ tôi ốm đau triền miên. Nghèo túng nhưng sạch sẽ, chúng tôi lớn lên ăn học tử tế nhờ sự đảm đang của người mẹ, sự kèm cặp và nắn chỉnh nghiêm khắc của người cha.

Ông yêu lao động và không ngần ngại lao động chân tay, sẵn sàng quét sân, moi cống cùng mọi người trong tập thể mỗi dịp vệ sinh cuối tuần. Câu cửa miệng ông dạy mấy anh em chúng tôi: Lao động chân tay sẽ giúp các con có miếng ăn, có trí óc sẽ giúp ta kiếm ăn dễ dàng hơn, hãy chịu khó lao động. Chút tâm hồn sẽ làm cho cuộc sống đỡ mệt nhọc... Thời cuộc thay đổi nhanh, cuộc sống khá lên từng ngày nhưng bố tôi thì vẫn vậy cho đến ngày về hưu. Ông không than trách ai, không căm ghét ai. Ông khen ngợi nhiều người nhưng chắc không nịnh hót hay tâng bốc ai, ông tuân thủ kỷ luật nhưng không sợ áp lực hay quyền lực. Ông nhỏ bé nhưng gan góc. Cái chết là đáng sợ nhất nhưng ai cũng phải chết..., còn lại thì đều không đáng sợ. Vậy hãy sống cho đàng hoàng! Ông đã sống như vậy và tôi sẽ nguyện làm theo. Trong căn nhà màu xanh, có cây khế màu xanh, bên con chó hiền khô hàng ngày vẫn có ông: nhỏ bé, hay kể chuyện ngày xưa, lúc cao hứng hát ư ử, thương tất cả những ai mất trên mục tin buồn của tivi, nằm bẹp trên chiếc giường y tế mong con cháu đi học, đi làm về sau mỗi buổi chiều...

Bố tôi, các thầy như những dao dũa gọt, mài đục nên cốt cách của tôi. Vô tình hay hữu ý, vô hình hay hiển hiện thì cũng nên thốt từ tận đáy lòng: Con cảm ơn cha và các thầy nhiều lắm!


BS. Hoàng Cương
Ý kiến của bạn