GS. Nguyễn Trinh Cơ đã để lại cho các thế hệ bác sĩ những ấn tượng tốt đẹp nhất ở lòng tin vào khoa học, ý chí chiến thắng bệnh tật, đem kiến thức, trái tim phục vụ con người, đối tượng cao nhất mà suốt đời thầy phục vụ, dìu dắt học trò nhiều thế hệ noi theo.
GS.BS. Nguyễn Trinh Cơ.
Từ Thanh Hóa, ông Nguyễn Trinh Cơ ra Bắc học Trường Bưởi (nay là Trường Chu Văn An). Sau khi đỗ tú tài, ông học Trường Y Dược khoa Đông Dương. Năm 1943 tốt nghiệp bác sĩ nội trú bệnh viện (BV). Nội trú là bác sĩ ở trong BV, có khi tới nhiều tháng không bước chân ra khỏi BV. Nhiều lúc ông chuẩn bị quần áo chỉnh tề đi dự lễ hội, có bệnh nhân tới, y tá gọi... lại tháo giầy, bỏ caravat, bắt tay vào công việc. Thức trắng đêm là chuyện thường. Cả một BV lớn, chỉ có một nội trú và vài ba ngoại trú. Mọi công việc từ nhỏ tới lớn đều đến tay. Với cách sinh hoạt và làm việc như thế, tất nhiên sẽ trở thành bác sĩ giỏi.
Ông được bổ nhiệm về làm việc tại BV Nam Định. Tại đây, BS. Cơ đã thực hiện tốt nhiều ca mổ lớn như dạ dày, sọ não, mổ đẻ... gây được uy tín trong nhân dân. Đồng bào nói: “Tỉnh ta đã có người giỏi như Roy De Barres (một bác sĩ ngoại khoa Pháp, có thời là Hiệu trưởng Trường đại học Y Dược khoa Đông Dương). Cách mạng Tháng tám thành công, BS. Nguyễn Trinh Cơ trở thành Giám đốc BV. Tổ chức mời ông tham gia Ủy viên Ủy ban Hành chính thành phố và đảm đương chức vụ Chủ tịch Ủy ban Liên Việt tỉnh. Với uy tín của một bác sĩ giỏi, ông được nhân dân rất tín nhiệm và được ủng hộ làm nhiều việc có ích giúp cách mạng.
Năm 1946, giặc Pháp trở lại xâm lược nước ta, BS. Nguyễn Trinh Cơ đã nhanh chóng huy động toàn thể cán bộ nhân viên và trang thiết bị của BV hình thành các mạng lưới cấp cứu chiến thương và điều trị thương bệnh binh ngay trong những ngày đầu kháng chiến, phục vụ nhiều chiến dịch. Bác sĩ là một trong số những người đầu tiên xây dựng nền Quân y cách mạng Việt Nam. Trong hoàn cảnh khó khăn của những ngày đầu kháng chiến, ông đã kịp thời biên soạn cuốn sách: Những điều cần biết về phẫu thuật trong thời kỳ chiến tranh. Cuốn sách đã trở thành cẩm nang luôn có trong hành trang của các phẫu thuật viên đi khắp các chiến dịch. Ông được kết nạp Đảng thời kỳ này. Đồng chí Đỗ Mười là người giới thiệu ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam (1946).
Từ năm 1951-1954, BS. Nguyễn Trinh Cơ được cử đi thực tập sinh tại Liên Xô. Ông là một trong số các trí thức nhiều ngành được Bác Hồ và Chính phủ cử đi học tập để tiếp thu nền giáo dục, y tế XHCN, tương lai phục vụ nước Việt Nam khi kháng chiến thắng lợi. Đến năm 1958, là Trung tá quân đội, ông về công tác tại Trường đại học Y Dược Hà Nội, rồi đảm đương các nhiệm vụ: Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại bệnh lý, Phó Hiệu trưởng, Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy nhà trường.
Người thầy mẫu mực
Giáo sư thường nói với các bác sĩ trẻ: “Càng học, càng thấy mình dốt”. Chính vì vậy mà thầy học liên tục, học ngày học đêm. Không một buổi sáng nào, thầy không thông báo cho các học trò những thông tin, những kết luận khoa học đăng trong các tạp chí y dược học nước ngoài. Đọc nhiều, thầy ghi chép nhiều, ghi trên cả các trang giấy chỉ còn được viết một mặt, thời mà giấy viết cũng hiếm.
GS.BS. Nguyễn Trinh Cơ làm việc cùng đồng nghiệp tại Bệnh viện Việt Đức.
Không những học ngoại khoa, thầy Cơ còn học nhiều chuyên ngành khác trong y học và ngoài y học như lịch sử, văn học, xã hội... Thầy rất giỏi lịch sử, các sử tích cổ xưa. Mọi người hiểu đó là đào tạo y khoa liên tục.
GS. Nguyễn Trinh Cơ là người có tâm hồn văn học. Từ những xúc cảm trước những gương hy sinh, phấn đấu của anh Bộ đội Cụ Hồ, của chú bé liên lạc dũng cảm, của những người dân thường kiên trung, ông đã viết được 5 truyện ngắn ngay trong những năm đầu kháng chiến, trong đó có truyện được đưa vào Tuyển tập văn học Việt Nam hay trong sách giáo khoa phổ thông.
Thầy dạy trọn chương trình ngoại cơ sở. Đến năm thứ tư, thầy trở lại trong những bài giảng về bệnh lý ngoại khoa. Nội dung các bài giảng vừa kinh điển vừa cập nhật, vừa lý luận vừa thực tiễn. Các bài giảng súc tích, được trình bày rõ ràng, mạch lạc và thu hút. Mỗi bài giảng thầy đem lại cho sinh viên rất nhiều thông tin và những gợi ý, đã để lại nhiều ấn tượng cho học trò.
Hồi đi tu nghiệp ở Liên Xô, thầy học ở bệnh khoa của Giáo sư Viện sĩ Yudin. Khi giảng bài, khi trò chuyện, thầy kể nhiều về nhà phẫu thuật đầu đàn ở Liên Xô này. Thầy kể: “Trong một bữa ăn, Yudin thấy mẹ mình không hào hứng. Mất vẻ hào hứng khi ăn là triệu chứng sớm của bệnh ung thư dạ dày. Ngay sau đó bà cụ được chụp Xquang dạ dày. Trên phim có hình ảnh của ung thư thể teo đét. Cuộc mổ được tiến hành sớm. Bà cụ sống thêm được 13 năm. Từ đấy, khi khám bệnh, ai cũng nhớ: chán ăn, ăn không ngon miệng là triệu chứng sớm của ung thư dạ dày.
Ở BV Việt Đức, tất cả các buổi sáng đều có giao ban cấp cứu. Hầu như không một bác sĩ nào, một sinh viên nào vắng mặt ở buổi giao ban. Có mặt không phải vì qui định, vì kỷ luật mà vì thích thú. Nhiều chẩn đoán, nhiều cách thức xử trí chưa biết phân định ra sao thì trong giao ban, các thầy làm sáng tỏ. Tất cả mọi người thống nhất nhận định: Các bác sĩ trưởng thành, làm được việc, chính là qua nhiều năm dự giao ban ở BV Việt Đức, nơi có thầy Tùng, thầy Cơ và nhiều bậc đàn anh khác.
Thầy Cơ, khi nhận thấy học trò còn mơ hồ trong kiến thức, lúng túng trong thái độ, thường dành ít phút giải thích cặn kẽ và nêu lên những điều cần làm, gợi ý những công việc phải làm tiếp. Trải qua nhiều năm lăn lộn với chức năng nội trú ở một trung tâm ngoại khoa lớn nhất, với những kinh nghiệm của những năm ở chiến trường, thầy truyền cho học trò những kiến thức rất cơ bản và nhiều kinh nghiệm thực tiễn.
Mỗi tuần thầy Cơ mổ 3 buổi, thứ hai, thứ ba, thứ năm. Sáng thứ tư, thứ sáu đi contre visite (đi khám từng bệnh nhân tại giường). Mỗi buổi khám bệnh như vậy kéo dài khoảng hai giờ. Thật là thú vị khi theo thầy đi khám cho bệnh nhân tại giường. Bao nhiêu vướng mắc được giải đáp, được tiếp thu nhiều kiến thức mới. Thầy không quên kết hợp khám bệnh với truyền đạt phương pháp làm việc và chỉnh trang cách tiếp xúc bệnh nhân. Chính vì lợi ích của những buổi contre visite này mà sinh viên rồng rắn theo thầy, học trò thân cận đứng gần, học trò lớp trên đứng xa, sinh viên lớp dưới qua cửa sổ nhìn vào. Mọi người nói: được học như thế này mà làm việc không ra gì là tại mình. Nhiều thầy thuốc ưu tú trưởng thành từ đây, coi những năm được trực tiếp học và làm việc với thầy Tùng, thầy Cơ là điều may mắn, sung sướng trong sự nghiệp dạy học và mổ xẻ của mình.
Nhà quản lý giỏi
Là người lãnh đạo, Giáo sư luôn chăm lo chương trình và chất lượng đào tạo của Trường đại học Y. Là Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại bệnh lý, thầy chỉ đạo viết sách giáo khoa tiếng Việt. Thầy giao cho các cán bộ trẻ cùng tham gia biên soạn các bài phải đảm bảo 3 yêu cầu: kinh điển, hiện đại, thực tế Việt Nam. Năm 1964, quyển Bệnh học ngoại khoa hai tập đến tay sinh viên năm thứ tư. Rồi các sách ngoại cơ sở, chấn thương chỉnh hình, gây mê hồi sức...
Giáo sư Nguyễn Trinh Cơ đã tổ chức nhiều buổi thảo luận để đề ra được mục tiêu đào tạo của nhà trường với mô hình đào tạo bác sĩ đa khoa phục vụ tuyến huyện. Trường đại học Y khoa Hà Nội là trường đại học đầu tiên có yêu cầu mục tiêu đào tạo rõ ràng. Từ đó, hàng loạt chương trình giảng dạy được cải cách. Các phương châm giáo dục như: nhà trường gắn với xã hội, cán bộ và sinh viên đi lao động thực tế tại nông thôn, hầm mỏ, trên nhiều địa bàn tuyến huyện và phục vụ chiến trường. Giáo sư là người gương mẫu đi tới các địa phương và vùng khói lửa Khu IV để kiểm tra xem mô hình đào tạo của nhà trường có phục vụ nhân dân được tốt không? Các bác sĩ của nhà trường sau khi tốt nghiệp, về các đơn vị công tác trên khắp mọi miền của đất nước đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Giáo sư đã đề xướng phải đào tạo chuyên khoa sau đại học. Thầy làm việc với Bộ Y tế nhiều lần. Thầy chủ trương đào tạo đặc cách chuyên khoa 2 trước để có giảng viên dạy chuyên khoa cấp 1 ngay tại địa phương. Loại hình đào tạo chuyên khoa cấp 1, cấp 2 chỉ có ở ngành y tế.
Thầy Cơ là người có công đầu xây dựng phân hiệu của Trường đại học Y Hà Nội tại Hải Phòng và nay đã trở thành Trường đại học Y Hải Phòng.
Về phát triển khoa học, nhu cầu ghép thận của nước ta rất lớn. Thấy được điều này, thầy say sưa vạch kế hoạch xây dựng. 7 bác sĩ giảng viên của Trường Y Hà Nội lần lượt đi tu nghiệp về ghép thận ở nước ngoài. Những chuyên gia được đào tạo bài bản này, về sau đã đóng góp nhiều cho việc ghép thận ở nước ta.
GS. Nguyễn Trinh Cơ là một trí thức tiêu biểu của thời đại Hồ Chí Minh vừa hồng vừa chuyên, đã cống hiến cả cuộc đời vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân.
GS. BS Nguyễn Trinh Cơ sinh ngày 13/5/1915
Quê quán: Huyện Nông Cống,
tỉnh Thanh Hóa.
Là Giáo sư y học năm 1980,
chuyên ngành ngoại khoa.
Giáo sư từ trần ngày 24/3/1985.
Ðược Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (2000).
Trần Giữu
(Theo lời kể của GS.TS. Nguyễn Đình Hối)