Người thầy của ngành truyền nhiễm Việt Nam

25-03-2014 01:09 | Thời sự
google news

SKĐS - 41 năm làm nghề y, trong đó 37 năm cố GS.BS. Trịnh Ngọc Phan là người thầy, người đứng đầu, người sáng lập, tổ chức và lãnh đạo ngành truyền nhiễm Việt Nam trưởng thành và lớn mạnh.

41 năm làm nghề y, trong đó 37 năm cố  GS.BS. Trịnh Ngọc Phan là người thầy, người đứng đầu, người sáng lập, tổ chức và lãnh đạo ngành truyền nhiễm Việt Nam trưởng thành và lớn mạnh. Giáo sư đã dạy dỗ biết bao khóa bác sĩ đa khoa, chuyên khoa, nội trú và nghiên cứu sinh. Các học trò của thầy đã có mặt ở khắp mọi miền đất nước để chiến đấu chống chọi với đủ các loại bệnh tật hiểm nghèo và các dịch bệnh. Mỗi học trò của thầy đều nhớ mãi nhiều kỷ niệm và những ấn tượng đậm nét, với sự kính trọng và niềm cảm phục.

GS.BS. Trịnh Ngọc Phan là một tấm gương sáng đẹp của nghề thầy giáo và thầy thuốc cao quý.

GS.BS. Trịnh Ngọc Phan là một tấm gương sáng đẹp của nghề thầy giáo và thầy thuốc cao quý.

GS.BS. Trịnh Ngọc Phan sinh ngày 30/3/1914 tại vùng quê Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội trong một gia đình Nho học, đời nào cũng có người làm nghề thầy thuốc. Cụ tổ Trịnh Đình Ngoạn là quan Chưởng Viện Thái Y nổi tiếng, có công xây Y miếu ở Thăng Long (1773), thờ phụng hai vị danh y Việt Nam là Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Giáo sư từ trần ngày 31/5/1985, cách đây 29 năm.

Ông là học sinh học giỏi của Trường Chu Văn An, thi đỗ vào Trường đại học Y Dược khoa Đông dương và tốt nghiệp bác sĩ hạng ưu. Năm 1944, BS. Trịnh Ngọc Phan về làm việc tại Khoa Truyền nhiễm, nơi mà từ năm 1911 chính  quyền  Pháp đã xây dựng 7 dãy nhà riêng biệt, được người dân gọi tên là Nhà thương Lây Cống Vọng, khu nhà đầu tiên của Bệnh viện Bạch Mai. Nơi đây, BS. Trịnh Ngọc Phan đã gắn bó cả cuộc đời cho sự nghiệp chữa trị các bệnh lây, bệnh lao và các bệnh khác là các bệnh truyền nhiễm, bệnh dịch ở nước Việt Nam nhiệt đới, mà bệnh nhân hầu hết là người nghèo.

Người thầy thuốc chuẩn mực

GS.BS. Trịnh Ngọc Phan luôn chú trọng đến việc chẩn đoán bệnh  đúng và sớm, tránh cho bệnh nhân chuyển sang giai đoạn nặng, có nhiều biến chứng, khó điều trị, tốn kém tiền bạc, thời gian và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Giáo sư, bác sĩ luôn khẳng định, mỗi người bệnh có các triệu chứng riêng, không bao giờ giống hệt nhau. Người thầy thuốc cần khai thác các triệu chứng, tìm các dấu hiệu thực thể bằng: nhìn, sờ, gõ, nghe, rồi kết nối các điều lại để tìm được nguyên nhân, chẩn đoán được bệnh. Thời ông làm việc chỉ có các xét nghiệm thông thường, không có nhiều máy móc hiện đại và tốn kém như hiện nay, GS. Trịnh Ngọc Phan thường nhắc nhở học trò không nên làm các xét nghiệm tràn lan, làm khổ thêm bệnh nhân. Ông cho rằng người thầy thuốc phải biết chỉ định xét nghiệm để khẳng định hoặc bác bỏ hoặc để cho biết mức độ bệnh chứ không để các xét nghiệm sai khiến mình, điều mà các danh y người nước ngoài đã nói: “Trình độ của người thầy thuốc thể hiện qua các yêu cầu xét nghiệm”.

Thầy thuốc Trịnh Ngọc Phan còn bằng thái độ ân cần, bằng các câu nói, câu hỏi bệnh nhân thật dễ hiểu, giản dị để người bệnh nói đủ và đúng tiền sử bệnh tật. Trong quá trình theo dõi bệnh, ông luôn hỏi y tá, hộ lý để biết tình hình ăn ngủ, tình trạng đờm, nước tiểu, phân của người bệnh. Theo dõi bệnh nhân sốt kéo dài, ông nói y tá theo dõi nhiệt độ bệnh nhân thêm vài lần nữa trong ngày để có chẩn đoán chính xác.

Điều trị các bệnh truyền nhiễm phải dùng kháng sinh, GS.BS. Trịnh Ngọc Phan luôn nhắc nhở các đồng nghiệp và học trò chỉ dùng thuốc khi cần thiết, còn khi đã dùng thì phải chỉ định đủ liều và liều cao. Có lần y tá báo tin, một bệnh nhân bị bệnh thương hàn đã dùng thuốc đặc trị chloramphenicol mấy ngày không thấy giảm sốt. Ông nhắc kiểm tra xem bệnh nhân có chịu uống thuốc không? Đúng vậy, bệnh nhân là người dân tộc đã giấu thuốc dưới gối vì thuốc đắng.

Các thầy thuốc truyền nhiễm là các bác sĩ có trình độ về nội khoa và hồi sức; dấn thân vào nghề phải chịu nhiều thử thách, bản thân có thể bị phơi nhiễm hoặc mang bệnh lây về cho người thân trong gia đình. Bằng tình thương vô bờ với đồng nghiệp và những người giúp việc, ông luôn đề cao và nghiêm khắc trong việc phòng  tránh  lây chéo trong khoa, trong bệnh viện và có trách nhiệm phòng dịch cho địa phương.

Giáo sư là tấm gương về sự không ngừng học hỏi để làm tốt việc chữa bệnh cho bệnh nhân. Đó là những buổi trao đổi về một bệnh khó mới gặp với: GS. Đặng Văn Chung, GS. Võ Tấn, GS. Chu Văn Tường và BS. Nguyễn Ngọc Thắng thường xuyên vẫn đến thăm và trò chuyện với ông tại nhà vào các buổi chiều tối trong những năm Hà Nội chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Ông thường nhờ y tá Lê Văn Lượng là người giỏi ngoại ngữ trong khoa, sau này làm thủ thư Bệnh viện Bạch Mai tìm giúp các tài liệu chuyên môn từ nước ngoài gửi về bệnh viện.

GS. Hồ Đắc Di - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam (người ngồi đội mũ trắng) và các đồng nghiệp mừng thọ GS.BS. Trịnh Ngọc Phan 70 tuổi (1983).

GS. Hồ Đắc Di - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam (người ngồi đội mũ trắng) và các đồng nghiệp mừng thọ GS.BS. Trịnh Ngọc Phan 70 tuổi (1983).

Người thầy giáo uyên bác và tận tụy

Với trí thức uyên bác và kinh nghiệm tích luỹ được, với sự say mê yêu nghề,  GS.BS. Trịnh Ngọc Phan đã dành hết tâm huyết cho việc đào tạo thế hệ trẻ và lớp người kế tục. Các buổi lên lớp, mỗi bài giảng của ông là một dòng thác thông tin sáng sủa, mạch lạc, chặt chẽ và đôi khi dí dỏm, làm cho người nghe đầy hứng thú, nhớ lâu và ghi chép hết tốc lực, quên cả mệt mỏi. Sáng sáng, mỗi khi thầy đi buồng thăm bệnh nhân, đông đảo học trò tấp nập vây quanh thầy, háo hức đón chờ học hỏi, ghi chép bài học lâm sàng hay cũng như tận mắt thấy thầy có tình cảm thân thương, ân cần và tận tụy với mỗi bệnh nhân.

Chúng tôi còn nhớ trong những năm tháng ấy, rất đều và liên tục hàng tháng, hàng quý và hàng năm, các bộ môn của trường, các khoa của các bệnh viện Trung ương và địa phương, các đồng nghiệp trong giới y học đều nhận được các thông báo được in rô-nê-ô trên giấy Trúc Bạch hết sức bổ ích. Đó là Chương trình bồi dưỡng y học liên tục do BS. Chủ nhiệm khoa Trịnh Ngọc Phan chủ trì tại giảng đường Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai từ 9 giờ 15 phút đến 11 giờ 45 phút vào mỗi sáng thứ bảy hàng tuần với các chủ đề lý thuyết được thông báo  trước 3 tháng và có phần thực hành mỗi tuần (Trao đổi giữa các bác sĩ trên một trường hợp lâm sàng hoặc báo cáo nghiên cứu khoa học của cán bộ trẻ).

GS.BS. Trịnh Ngọc Phan đã biên soạn nhiều cuốn sách về chuyên ngành truyền nhiễm rất có giá trị cả về lý thuyết và thực tiễn là sách giáo khoa giảng dạy trong các trường đại học, trung cấp y tế và các cơ sở y tế trong cả nước, là cẩm nang quý của các thầy thuốc khắp cả nước.

Những công trình nghiên cứu  với gần 100 bản tổng kết lâm sàng và chuyên đề của  GS. Trịnh Ngọc Phan đã được báo cáo tại nhiều Hội nghị khoa học toàn quốc và công bố trên các tạp chí khoa học bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, được đánh giá cao về ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn. Với những đóng góp to lớn cho ngành truyền nhiễm, GS.BS. Trịnh Ngọc Phan đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ năm 2000.

Người thầy thuốc nhân văn

Năm 1951, khi đi chợ Hàng Da gần nhà, bà Trịnh Ngọc Phan gặp một phụ nữ gầy gò, ăn mặc rách rưới, ốm yếu, chân và tay lở loét. Bà hỏi, biết tên là Hồng, bị địch bắt tù ở trại tù của quân đội Pháp ở Liễu Giai, bị tra tấn dã man, mang bệnh. Thương cảm, bà đón về nhà để ông giúp chữa  bệnh. Ông dặn: Nếu có người hỏi, chị Hồng phải khai là người làm công cho gia đình, ông sẽ giúp chữa khỏi bệnh, khôi phục sức khỏe, còn ở lại nhà ông bao nhiêu ngày thì tùy. Mấy tháng sau, chị Hồng khỏi bệnh xin trở về quê nhà. Chị Hồng là nữ du kích, chồng là liệt sĩ. Năm 1969, chị trở lại thăm gia đình. Chị Hồng có tên thật là bà Phí Thị Song, thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tây. Được biết có chuyện cán bộ tổ chức cấp trên có định kiến BS. Trịnh Ngọc Phan đã từ kháng chiến trở về Hà Nội năm 1948, nên ông chịu nhiều thiệt thòi. Bà Song nói: “Tôi đã ở nhà ông Phan mấy tháng, chỉ thấy ông lo chữa bệnh cho người, không làm việc gì có hại cho cách mạng”. Bà Song đã giúp gia đình làm sáng tỏ việc này, các định kiến dần dần được loại bỏ.

Những năm trước 1960, vào các ngày Tết Trung thu, ông bà Trịnh Ngọc Phan mang bánh kẹo cho các cháu nhỏ. Tết Nguyên đán hàng năm ông bà có bánh chưng phát cho  người nghèo nằm điều trị trong khoa. Ông không lấy tiền mà còn cho thuốc những người bệnh nghèo khi họ đến khám tại phòng khám tư của ông.

Sống một cuộc đời giản dị và cần mẫn, quan hệ với mọi người chân thành, cởi mở, với đồng nghiệp và học trò thì độ lượng, bao dung, với bệnh nhân thì thương yêu, hết lòng cứu chữa, GS.BS. Trịnh Ngọc Phan được đồng nghiệp quý mến, tín nhiệm, được học trò kính trọng, tin cậy như người cha thân yêu trong gia đình, được bệnh nhân tin tưởng và ca ngợi.

Kế tục sự nghiệp vẻ vang và vinh quang của  GS.BS. Trịnh Ngọc Phan - người đã dành cả cuộc đời xây dựng, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ cho ngành, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai đã trưởng thành và phát triển thành Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới (1989). Năm 2004, Viện được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới do thành tích xuất sắc đạt được trong chống dịch SARS. Năm 2004, Viện có tên là Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia và năm 2009 trở thành Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trực thuộc Bộ Y tế. Theo gương GS.BS. Trịnh Ngọc Phan, người thầy của nhiều thế hệ thầy thuốc Việt Nam, các học trò của thầy, các  cán bộ và công chức Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nguyện đoàn kết phấn đấu công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước  giao cho, xứng đáng với sự tin cậy của người bệnh và nhân dân cả nước.      

GS.BS. TRỊNH NGỌC PHAN

Sinh ngày: 30/3/1914; Quê quán: Ðịnh Công, Hoàng Mai, Hà Nội; Tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1944

Từ 1948-1985: 37 năm - Chủ nhiệm  Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai; Chủ nhiệm Bộ môn Truyền nhiễm, Trường đại học Y Hà Nội; Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Giải thưởng Nhà nước về khoa học - công nghệ (2000).

GS. Hồ Đắc Di - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam (người ngồi đội mũ trắng) và các đồng nghiệp mừng thọ GS.BS. Trịnh Ngọc Phan 70 tuổi (1983).

PGS.TS. Nguyễn Văn Kính

(Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương)

 

 


Ý kiến của bạn