Phấn đấu không mệt mỏi trong khoa học và sáng tạo
Là sinh viên y khoa trong kháng chiến, vừa học đại học vừa phục vụ bộ đội chiến đấu, ông Nguyễn Văn Nhân là quân y sĩ chăm lo sức khỏe cho bộ đội nhiều chiến dịch. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông hoàn thành chương trình đại học rồi tốt nghiệp bác sĩ năm 1954. Năm 1955, ông được Nhà nước cử đi đào tạo tại Viện Chấn thương chỉnh hình Liên Xô. Là thực tập sinh rồi trở thành nghiên cứu sinh, ông rất tích cực học hỏi, tiếp thu kiến thức mới, đồng thời tích cực tìm tòi nghiên cứu. Năm 1960, ông đã chế tạo ra mẫu dụng cụ nâng xương mới có tác dụng vừa nâng xương vừa che chắn, bảo vệ phần mềm xung quanh xương để dùng cho phẫu thuật xương khớp. Mẫu dụng cụ được sản xuất thử và sử dụng cho bệnh nhân ngay tại Viện, nơi ông học tập. Ít tháng sau, mẫu dụng cụ đã được Hội đồng Xét duyệt sáng kiến của Chính phủ Liên Xô công nhận, cấp bằng sáng chế, trao giải thưởng, cho phép sản xuất hàng loạt để xuất khẩu. Ông đã hoàn thành khóa học bằng việc bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ năm 1959, rồi về làm Chủ nhiệm Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Theo năm tháng, những thành tích nghiên cứu và phục vụ của GS. Nguyễn Văn Nhân ngày một dày thêm với khoảng 60 đề tài sáng kiến cải tiến và 30 công trình nghiên cứu.
Thầy thuốc nhân dân, đại tá, GS.TSKH. Nguyễn Văn Nhân. |
Ngân hàng xương đồng loại được trữ ở độ lạnh sâu
Để đáp ứng nhu cầu ghép xương ngày càng lớn mà miếng ghép xương tự thân không thỏa mãn được, tại Quân y viện 108, TS. Nguyễn Văn Nhân đã nghiên cứu thực hiện phương pháp trữ xương đồng loại, được lấy từ các tử thi không có người nhận, bảo quản đông lạnh ở độ lạnh sâu -25 đến -30°C. Xương đồng loại được cơ thể bệnh nhân tiếp nhận tốt, ít gây biến chứng thải loại. Từ tháng 2/1962 - 10/1968 đã sử dụng 264 miếng ghép để thực hiện 167 ổ ghép cho 148 bệnh nhân đạt tỷ lệ tốt (87,42%). Ngân hàng xương đã cung cấp các miếng ghép cho Khoa chấn thương các Bệnh viện 108, BV Việt Đức, BV Việt Pháp... Ngày nay, ngành y tế đã xây dựng được những ngân hàng với trang thiết bị hiện đại như ngân hàng mô, ngân hàng máu, ngân hàng tế bào gốc, nhưng ở những năm 60 trong thời kỳ chiến tranh, chúng ta đã có ngân hàng xương, tuy thô sơ nhưng lại có ý nghĩa lớn và hoạt động hiệu quả.
Phẫu thuật tái tạo ngón tay cái bị cụt, đứt
Hai bàn tay là vàng, trong bàn tay, ngón cái là ngón quan trọng nhất. Mất ngón tay cái, người ta không thể dùng bàn tay làm được các lao động như cầm cuốc, cầm búa, nhặt que diêm, cái kim. Vì vậy tái tạo ngón tay cái bị cụt do tai nạn lao động hay trong luyện tập, chiến đấu của bộ đội, từ lâu vẫn được coi là vấn đề quan trọng trong chuyên ngành phẫu thuật bàn tay.
Kỹ thuật chuyển ngón của Hilgenfeld và của M Iselin là kỹ thuật sử dụng một ngón tay lành (một trong bốn ngón tay còn lại của bàn tay có ngón cái bị cụt) "chuyển chỗ" sang vị trí ngón tay cái với toàn bộ mạch máu và thần kinh "nuôi" ngón đó. Kỹ thuật này, nếu thành công, sẽ tạo được ngón mới rất hoàn hảo, có đầy đủ mạch máu, thần kinh, gân, cơ, xương khớp và móng tay.
Sau một thời gian nghiên cứu và làm thực nghiệm, tháng 4/1972, TS. Nguyễn Văn Nhân đã chuyển ngón thành công cho bệnh nhân đầu tiên Bùi Minh Điệp. Trong 6 năm, đến năm 1978 ông đã ghép thành công 55 ca. Số liệu 55 ca tái tạo ngón tay cái bị cụt đứt do chấn thương được thực hiện phẫu thuật theo kỹ thuật Hilgenfeldt có nhiều đóng góp cải tiến và sáng tạo của ông là số liệu lớn nhất trong y văn thế giới lúc đó, được các nhà y học thế giới đánh giá cao. Có dịp trở lại Liên Xô, ông đã tổng kết thành công trình luận án Tiến sĩ khoa học và đã bảo vệ thành công tại Leningrad năm 1990, lúc đó ông 67 tuổi.
GS. Nguyễn Văn Nhân cùng các đồng nghiệp đã sáng chế ra cọc ép ren ngược chiều (CERNC) với các chi tiết cấu tạo riêng không giống bất cứ dụng cụ khác có sẵn. Trong các năm 1971 - 1983 đã sử dụng điều trị cho hàng nghìn ca gãy xương và di chứng chiến tranh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến tranh biên giới.
Sau khi thống nhất đất nước, bộ dụng cụ CERNC đã được ứng dụng thành công trong điều trị những ca ngắn chi, các ca mổ xương sử dụng dụng cụ này tăng dần hàng năm. Đến năm 1960, có tới 394 ca mổ. Sau khi nghỉ hưu, trong hai năm 2001 - 2002, GS.TSKH. Nguyễn Văn Nhân đã tổ chức khám cho hàng nghìn bệnh nhân và phẫu thuật cho hàng trăm cháu nhỏ, người nghèo bị khuyết tật ở tay chân bằng bộ dụng cụ này. Bộ dụng cụ kết xương nén ép và căng giãn đã trở thành kỹ thuật truyền thống của ngành chấn thương chỉnh hình quân đội, đã có 10 luận án tiến sĩ của các học trò ông dùng bộ dụng cụ để điều trị cho bệnh nhân. Mẫu CERNC đã được xí nghiệp quân đội sản xuất hàng loạt cung cấp cho các nhu cầu trong quân dân y cả nước.
Khoa Phẫu thuật chỉnh hình ở BV 108, BV Quân đội 109 đã làm kỹ thuật kéo dài chi thẩm mỹ hoặc làm tăng chiều cao cơ thể con người. GS. Nguyễn Văn Nhân và nhiều học trò kế tiếp ông đã có nhiều thành công với hàng trăm bệnh nhân trong điều trị các các trường hợp mất đoạn lớn thân xương, các biến dạng bàn chân, đặc biệt bàn chân khoèo bẩm sinh ở trẻ lớn tuổi và người trưởng thành. Rất nhiều người tật nguyền được GS. Nguyễn Văn Nhân trả lại cuộc sống bình thường như bao người khác với niềm vui sướng khôn tả.
Thầy thuốc nhân dân hết lòng vì dân
Nhân dân ở các tỉnh miền Trung luôn nhớ mãi hình ảnh GS. Nguyễn Văn Nhân, vị giáo sư già từ Hà Nội vào với phong thái năng động của người lính, luôn điềm đạm, chính xác và kỹ tính đi đến từng thôn ngõ vắng, khám bệnh và tìm chọn bệnh nhân. Trong 2 năm 2001 - 2002, giáo sư và các học trò - đồng nghiệp trẻ, cùng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam làm công tác nhân đạo đã khám bệnh cho hàng ngàn người, mổ cho gần 500 bệnh nhân giúp cho những đứa trẻ nhiễm chất độc hóa học từ trong chiến tranh, con em những gia đình nghèo khó ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Thuận, Bình Phước và Đồng Tháp được "chỉnh sửa" những khuyết tật của cơ thể với các chi phí rất nhỏ.
Vị giáo sư hiểu hơn ai hết: Chữa được tật nguyền sẽ làm thay đổi số phận của cả một con người. Họ có cuộc sống mới, có hạnh phúc gia đình. Ông tâm sự: "Tôi quan tâm đến tất cả các bệnh nhân. Nhưng với bệnh nhân nữ tôi cũng có đôi chút ưu tiên, vì tôi hiểu, nam có tật một tí vẫn lấy được vợ. Nhưng nếu là nữ, một tật nguyền nhỏ là không có hạnh phúc gia đình. Nên trong điều trị cho các cháu có tật nguyền, ít nhiều tôi có ưu tiên cho các cháu nữ. Vì thế có cháu ở rất xa, tôi bỏ thời gian ra, công phu điều trị, vì thực tâm thương cháu là phận nữ".
GS. Nguyễn Văn Nhân và các con tại Lễ mừng đại thọ 90 tuổi, ngày 10/3/2013. |
Được chứng kiến, được nhận nhiều thư của bệnh nhân báo tin vui có cuộc sống mới, có hạnh phúc mới, ông tâm sự : "Đấy thực sự là phần thưởng trong công việc đối với tôi. Cuộc đời làm nghề y đã cho tôi gặp những bệnh nhân mà tôi không bao giờ quên. Đấy là những ca rất khó, đòi hỏi mình phải có sáng tạo. Với chuyên môn của mình, mình đã đổi đời được cho người ta, chính bệnh nhân nói với tôi như vậy. Chính những điều đó luôn thôi thúc tôi tìm tòi, gắn bó tôi với nghề. Chứ thực ra công việc rất vất vả!".
Người bệnh quý mến ông, tin tưởng ông. Trong những năm tháng nghỉ hưu, hàng ngày họ gửi thư đến cầu cứu ông rất nhiều. Nhiều đêm ông phải làm việc rất khuya để viết thư trả lời tỉ mỉ, chân tình. Ông luôn mong có nhiều thời gian để làm việc, để cống hiến, để làm được nhiều việc cho bệnh nhân, cho đội ngũ kế tiếp. Ông sẵn sàng đi bất cứ đâu khi những người bệnh hoặc những học trò của ông cần đến. Trong sự nghiệp của mình, ông luôn nhớ tới công lao của người bạn đời, bà Bùi Thị Bích Liên. Bà làm tất cả mọi việc trong gia đình để ông có thể toàn tâm toàn ý với công việc, với những người bệnh tật nguyền nghèo khó mà ông yêu thương như những người ruột thịt của mình. Bà kể lại: "Lương thì có hạn, thỉnh thoảng ông lại lấy tiền giúp cho bệnh nhân mua vé tàu xe ra Hà Nội kiểm tra rồi lại cho tiền để bệnh nhân về, có khi cho tiền để bệnh nhân mua đôi giày chỉnh hình... Nay ông ấy đi Phú Thọ, mai ông ấy đi Đồng Hới để chữa bệnh cho người ta. Ông ấy lôi học trò đi. Hai, ba người vào đấy có một tuần mà mổ năm sáu chục ca. Nghĩa là ngày mổ đến mấy ca. Thế mà lấy làm thích lắm! Ba lô cứ sẵn ở đầu giường, người ta cứ gọi là chạy đi luôn...".