Người thầy của công nghiệp dược phẩm Việt Nam

14-12-2012 10:35 | Xã hội

GS. Lê Quang Toàn là người có công đầu trong đào tạo đại học (ÐH) và sau ÐH về công nghiệp dược, chuyên gia đầu ngành về tổng hợp hóa dược của Việt Nam đã từ trần ngày 5/12/2012 thọ 85 tuổi.

(SKDS) - GS. Lê Quang Toàn là người có công đầu trong đào tạo đại học (ÐH) và sau ÐH về công nghiệp dược, chuyên gia đầu ngành về tổng hợp hóa dược của Việt Nam đã từ trần ngày 5/12/2012 thọ 85 tuổi. Tang lễ tiễn đưa ông đã cử hành ngày 11/12/2012.

S. Lê Quang Toàn sinh năm 1928, quê ở Hải An, Hải Phòng, là cán bộ đã tham gia công tác Việt Minh và Vệ quốc đoàn từ tháng 7/1945. Năm 1949 là sinh viên Quân Dược thuộc Cục Quân y Bộ Quốc phòng.

Thanh niên kiểu mẫu được Hồ Chủ tịch khen

Năm 1951, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Cục Quân y Bộ Quốc phòng cần có thuốc gây mê chloroform thay cho ête mê là chất dễ bắt cháy khi thực hiện các phẫu thuật trong hầm mổ, phải thắp sáng bằng đèn dầu hỏa. Sinh viên quân dược năm thứ hai Lê Quang Toàn được giao nhiệm vụ tìm cách sản xuất thuốc gây mê này. Anh cùng 4 nhân viên với bản chép tay lý thuyết nói về điện phân NaCl và điều chế chloroform trong sách Hóa dược của tác giả Lebeau Courtois, hành trình đi bộ từ Việt Bắc, qua Thanh Hóa đến Nghệ An.
 
Được công nhân nơi có máy phát điện một chiều và nhân dân địa phương giúp đỡ, anh và các cộng sự đã làm các bể điện phân để chế tạo khí clo. Clo thu được vôi hấp phụ tạo ra hypoclorid Ca và cuối cùng là clo hóa cồn trong môi trường kiềm để làm ra được chloroform (CHCl3) với một quy trình sản xuất thủ công hoàn chỉnh. Thuốc gây mê chloroform đóng trong ống thủy tinh, hàn kín, bọc giấy bản đặt trong các ống nứa để tránh ánh sáng, được chuyển đi các trạm quân y tiền phương.
 
Lãnh đạo Cục Quân y và các bác sĩ rất đỗi ngạc nhiên và hài lòng vì có chloroform mê dùng trong các ca phẫu thuật. Sinh viên Lê Quang Toàn được bầu là Chiến sĩ thi đua, được Bác Hồ khen là một thanh niên kiểu mẫu trong thư Người gửi thanh niên năm 1951, hai lần được Bác Hồ thưởng huy hiệu của Người, được thưởng Huân chương Chiến công, là Chiến sĩ thi đua dự Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất năm 1952 tại Việt Bắc.

Sinh viên Lê Quang Toàn vừa học tập vừa công tác tại các xưởng quân dược, và là Trưởng ban sản xuất thuốc phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ với quân hàm đại úy.

Người thầy của công nghiệp dược phẩm Việt Nam 1
 GS. Lê Quang Toàn trong thực nghiệm tổng hợp Phosgen.

Người thầy của công nghiệp dược

Năm 1954, hòa bình lập lại, Lê Quang Toàn về trường hoàn thành chương trình ĐH dược và tốt nghiệp xuất sắc dược sĩ ĐH năm 1955, trở thành giảng viên Bộ môn Hóa dược Trường ĐH Y Dược, đồng thời là Chủ tịch Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam và nhiều chức vụ công tác thanh niên. Ông được cử đi thực tập sinh tại Rumani (1960 - 1962) về tổng hợp hóa dược.

Ngày 23/1/1965, Bộ môn Công nghiệp Dược, Trường ĐH Dược thành lập, DS. Lê Quang Toàn là phụ trách bộ môn. Từ tháng 9/1965, ông tổ chức đào tạo khoá I và liên tục 18 năm sau, chuyên khoa công nghiệp dược được tổ chức cho tới khóa thứ 19 (1981 - 1986). Từ năm 1986, Bộ môn không đào tạo chuyên khoa ĐH. Nhưng vẫn tiếp tục đào tạo sau ĐH. Các dược sĩ tốt nghiệp hăng hái nhận nhiệm vụ tại các địa phương, lãnh đạo và tổ chức sản xuất thuốc tại nhiều xí nghiệp (XN) dược phẩm các tỉnh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, góp phần sản xuất để tự túc và cung cấp tại chỗ nhiều loại thuốc cần thiết phục vụ sức khỏe nhân dân. Sau khi đất nước thống nhất, nhiều dược sĩ tham gia xây dựng các XN Trung ương và các địa phương với quy mô sản xuất ngày càng lớn.

Người thầy say mê nghiên cứu và sáng tạo

DS. Lê Quang Toàn được Nhà nước công nhận chức danh PGS năm 1980, rồi chức danh GS năm 1991 và được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 1990. GS. Lê Quang Toàn đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba (1953), Huân chương Chiến thắng hạng Ba (1958), Huân chương Lao động hạng Ba (1954), Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (1985), Huân chương Ðộc lập hạng Ba (2012) và nhiều phần thưởng cao quý khác.

GS. Lê Quang Toàn là một nhà thực nghiệm, khi còn là sinh viên, hay khi là thầy giáo, cả khi là cán bộ quản lý ngành, ông không bao giờ rời bỏ phòng thí nghiệm, chăm lo hướng dẫn học trò, cộng sự làm nghiên cứu khoa học (NCKH). Ông đã tự thiết kế thiết bị phương tiện nghiên cứu, rồi chỉ dẫn cho công nhân thực hiện.

Trong thời kỳ đất nước thiếu thuốc phục vụ điều trị. GS. Lê Quang Toàn đã cùng Bộ môn nghiên cứu chế tạo bột tuyến giáp lợn mang tên thyrotin B để chữa bệnh bướu cổ, sản xuất viên hoàn viphotin chữa bệnh khớp. Trong đợt phục vụ 12 ngày đêm trong trận chiến "Điện Biên Phủ trên không" tháng 12/1972 chống trả hàng trăm lượt máy bay Mỹ đánh phá ác liệt Thủ đô Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của DS. Lê Quang Toàn, Bộ môn Công nghiệp Dược đã thiết kế, chế tạo bộ thiết bị pha chế dịch truyền theo nguyên tắc hoạt động chu trình kín. Với thiết bị này, tổ pha chế dịch truyền dã chiến của trường đã bám trụ tại phòng pha chế dưới tầng hầm nhà 13 Lê Thánh Tông sản xuất hàng chục nghìn chai dịch truyền chất lượng đảm bảo, phục vụ cấp cứu chiến thương toàn Hà Nội.

Với sự cộng tác của các đồng nghiệp, DS. Lê Quang Toàn nghiên cứu thành công sinh tổng hợp vitamin B12. Nhóm nghiên cứu đã kết tinh được khoảng 6g vitamin B12 đạt tiêu chuẩn dược điển quốc tế, được Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước đánh giá cao. Đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước: "Nghiên cứu sinh tổng hợp erythromycin", "Sản xuất thử kháng sinh oxytetracyclin" tại XN Hóa Dược đã thu được kháng sinh đạt tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam và một số chất hóa dược khác.

Từ 1985, GS. Lê Quang Toàn là Phó Chủ tịch thường trực của chương trình KY-02 - đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước do Liên hiệp Các XN dược Việt Nam chủ trì. Đề tài: "Nghiên cứu chế tạo 6-APA và bán tổng hợp ampixilin" do GS. Lê Quang Toàn làm chủ nhiệm đã điều chế được 6-APA và bán tổng hợp được ampicilin. Ông chủ trì nhiều đề tài cấp Nhà nước: Sản xuất thử sulfaguanidin, (1988), Nghiên cứu sản xuất thuốc trị giun mebendazol (1990), sản xuất thuốc chống động kinh phenytoin (1993), Tổng hợp pyoredol thuốc chống nha chu viêm (1994), Nghiên cứu sản xuất công nghệ diosgenin từ củ mài (1994 - 1996).

GS. Lê Quang Toàn và 3 giảng viên ĐH Dược đã nghiên cứu các dạng bào chế thuốc sốt rét arteminsinin, tham gia công trình của tập thể nhiều nhà khoa học y dược, được tặng Giải thưởng khoa học Hồ Chí Minh.

Năm 1997, GS. Lê Quang Toàn 70 tuổi đến tuổi nghỉ hưu, ông tiếp tục tham gia công tác kỹ thuật tại Công ty Mediplantex, nghiên cứu sản xuất chế phẩm mới glucosamin làm từ vỏ tôm để làm thuốc điều trị thấp khớp. Năm 2000 - 2001, ông là Chủ nhiệm đề tài nhánh cấp Nhà nước KH 02-13 do Tổng công ty Dược Việt Nam chủ trì: "Nghiên cứu bán tổ hợp kháng sinh thế hệ mới dùng cho sản xuất cephalosporin". Năm 2005 là Chủ nhiệm đề tài cấp Bộ: "Nghiên cứu sản xuất thuốc chống loãng xương" và các đề tài khác.

GS. Lê Quang Toàn có sự nghiệp đào tạo rất vẻ vang: Đào tạo 35 khóa sinh viên quân và dân y, hướng dẫn 25 luận văn DS ĐH Dược; hướng dẫn 3 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công học vị tiến sĩ, hướng dẫn đề cương cho 8 tiến sĩ bảo vệ ở ngoài nước. Giáo sư là Chủ tịch Hội đồng Quốc gia bảo vệ luận án cho 12 tiến sĩ và Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu 30 đề tài cấp Nhà nước.

Giáo sư là tác giả các cuốn sách giáo khoa và chuyên đề về Kỹ thuật công nghiệp hóa dược, Vi sinh công nghiệp và hóa sinh học, giáo sư đã công bố 80 công trình NCKH (trong đó chủ trì 55 công trình) trên các tạp chí khoa học và hội nghị khoa học.

Nhà quản lý tận tụy

Năm 1968, Bộ Y tế ra quyết định bổ nhiệm DS. Lê Quang Toàn là Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Dược Hà Nội và 10 năm sau, tháng 6/1978 ông được bổ nhiệm chức vụ quyền Hiệu trưởng. Ngày 29/8/1983, Bộ trưởng Bộ Y tế Đặng Hồi Xuân đã ký quyết định điều động PGS. Lê Quang Toàn làm Phó Tổng giám đốc Liên hiệp Các XN Dược Việt Nam phụ trách nghiên cứu khoa học và tiếp tục kiêm nhiệm Trưởng Bộ môn Công nghiệp dược ĐH Dược Hà Nội.

GS. Lê Quang Toàn có 27 năm công tác tại Trường ĐH Dược Hà Nội, trong đó 11 năm làm Phó Hiệu trưởng phụ trách hậu cần và 4 năm làm quyền Hiệu trưởng. Ông là người có tầm nhìn chiến lược trong đào tạo và NCKH. Ông là người có nhiều đóng góp cho nhà trường trong những năm tháng đất nước có những thử thách lớn, phải chống trả cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ (1965 - 1975) và những năm tháng xây dựng hòa bình của thời bao cấp, kinh tế khủng hoảng; gánh vác những nhiệm vụ rất khó khăn, kiêm nhiệm nhiều việc, việc nào cũng hoàn thành tốt.

GS. Lê Quang Toàn đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba (1953), Huân chương Chiến thắng hạng Ba (1958), Huân chương Lao động hạng Ba (1954), Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (1985).

GS. Toàn là nhà khoa học có trình độ chuyên môn vững, có trình độ quản lý giỏi, có tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, làm việc có nguyên tắc, có lý, có tình, việc nào cũng thận trọng, cẩn thận; công việc hành chính bận mấy cũng bám sát chuyên môn. Ông là người sống giản dị, chân thành, tâm huyết, say mê với khoa học. Ông có quan hệ tốt với mọi người, quý trọng mọi người, biết tôn trọng người trên người dưới, biết công lao của mỗi người, luôn khích lệ và ủng hộ, tạo điều kiện cho mọi cán bộ phát huy hết khả năng sáng tạo của mình, luôn mong cho mọi người sự tốt lành.
 
Ông có tình thương bao la với nhân viên và sinh viên, có lòng vị tha khi có ai đó mắc khuyết điểm, luôn lo lắng tìm mọi cách mở rộng lao động sản xuất cho nhân viên có thêm thu nhập chính đáng, bớt khó khăn về đời sống, đủ nuôi con cái ăn mặc, học hành.
 
GS. Lê Quang Toàn có 56 năm tuổi Đảng, có nhiều năm tham gia Đảng ủy, là đảng viên ưu tú, một cán bộ mẫn cán, một trí tuệ bác học. Ông đã dành cả cuộc đời cống hiến cho ngành dược với tinh thần làm việc tận tụy, với niềm say mê khoa học và sáng tạo, được các trí thức trong, ngoài ngành quý mến và học trò kính trọng.

Trần Giữu


Ý kiến của bạn