Trong suốt 3 ngày tìm kiếm 2 cháu Nguyễn Minh Q. và Nguyễn Mai A. (cùng sinh năm 2019, cùng quê Hà Nội), anh Th (chú ruột của bé Q.) luôn túc trực ở Hội An. Người đàn ông mắt đỏ hoe, ngày đêm đứng ở cửa biển ngóng chờ tin tức, nguyện cầu một phép màu.
Chiều ngày 28/2, bé Minh Q. được tìm thấy khi đang bị mắc kẹt trong bãi đá gần khu vực kè phía nam bãi biển Cửa Đại. Lực lượng chức năng đã tiếp cận đưa cháu bé lên và di chuyển về nhà tang lễ.
Trong không khí tang thương, rất đông người dân Hội An đã tới đưa tiễn bé trai về với gia đình, quê hương. Đáng chú ý, một khoảnh khắc đặc biệt trong buổi lễ được chia sẻ lên các diễn đàn khiến người xem đau lòng.
Bức ảnh chụp lại giây phút anh Th nghẹn ngào nước mắt, chắp tay cảm tạ trước toàn thể bà con Hội An. Người đàn ông dáng vẻ mệt mỏi, đi đôi dép sờn quai, gương mặt khắc khổ không nén nổi sự đau lòng.
Thậm chí trong suốt quãng đường khi ngồi trên xe tang, anh vẫn liên tục chắp tay như muốn thay lời cảm ơn người dân, chính quyền Hội An tình nghĩa, hỗ trợ gia đình làm tang lễ chu đáo cho cháu bé.
Nói thêm về quá trình tìm kiếm bé trai, đại tá Nguyễn Quang Nam, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, "ngoài tìm kiếm trên biển, bộ đội biên phòng cũng đi dọc bãi biển, lật từng khe đá để tìm kiếm. Các chiến sĩ còn phải bê đá ra để chui vào từng hốc, nếu đá to không bê nổi thì thuê cần cẩu". Đến chiều 28/2, khi nước rút, bộ đội biên phòng đi sát bờ biển, chui vào các ngóc ngách thì mới phát hiện cháu M.Q, 3 tuổi, nạn nhân cuối cùng của vụ chìm ca nô ở biển Cửa Đại.
Đại tá Nguyễn Quang Nam cũng đã thông tin về quá trình cứu hộ, cứu nạn vụ lật ca nô. Ông cho biết bình thường, lực lượng cứu hộ cứu nạn của bộ đội biên phòng phải mất 15-20 phút mới có thể tiếp cận hiện trường.
"Nhưng may mắn lúc đó chúng tôi vừa mới ứng cứu kéo tàu của ngư dân bị chết máy vào bờ. Khi tàu cứu hộ còn đang nổ máy, anh em còn đang trên thuyền thì nhận được tin nên đã có mặt rất nhanh, chỉ mất 7-10 phút. Khi có mặt thì lực lượng biên phòng tổ chức cứu nạn ngay, bên cạnh đó còn huy động các tàu du lịch và ngư dân cùng tham gia".
Bộ đội biên phòng đã cứu được những người thoát được ra ngoài. Còn những người bị mắc kẹt thì lực lượng này cũng lặn xuống, chui vào ca nô và kéo từng người ra. Có lúc, sóng đánh khiến chiếc ca nô nâng lên rồi ụp xuống người một chiến sĩ của đồn biên phòng 260. Rất may mắn, các chiến sĩ còn lại đã ứng cứu nên không xảy ra thêm thiệt hại về người.
Sau khi xác định còn 4 nạn nhân mất tích, bộ đội biên phòng đã tổ chức 60 người tham gia tìm kiếm, trong đó 35 người trên biển và 25 người trên bờ.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng cho biết thêm: "Vụ chìm ca nô ở Hội An là sự cố vô cùng tang thương, vô cùng đau đớn, không gì bù đắp được. Nó không chỉ là nỗi đau của gia đình nạn nhân mà là nỗi đau của tất cả chúng ta. Cá nhân tôi khi biết tin đã rất đau lòng và khóc rất nhiều".
Cũng theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, trong vụ tai nạn thương tâm này, các lực lượng, đặc biệt là lực lượng địa phương đã làm tất cả các biện pháp để khắc phục, tìm kiếm. Dù tiếp cận nhanh nhưng sự việc vẫn đi ra ngoài ý muốn, số người thiệt mạng quá lớn, đa số mắc lại trong ca bin của tàu dẫn đến tử vong. Sau đó, chúng tôi tiếp tục tìm kiếm, hỗ trợ gia đình những người bị nạn.
"Đó là truyền thống, đạo lý của người Quảng Nam. Nhưng khi có sự cố xảy ra thì tình nghĩa đồng bào được phát huy cao hơn. Các gia đình nạn nhân được chính quyền lo lắng chu đáo, nhân dân đùm bọc chở che. Chúng tôi đã làm tất cả bằng trách nhiệm, tấm lòng của mình", chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Các bãi tắm ở Khánh Hòa dần trở lại trạng thái bình thường mới