Hà Nội

Người tăng huyết áp cẩn trọng với thực phẩm muối, chế biến sẵn

03-02-2022 07:41 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Muối đã được sử dụng để tạo hương vị và bảo quản thực phẩm từ hàng nghìn năm nay, nhưng ăn quá nhiều có thể làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Đặc biệt trong dịp Tết, người bệnh tăng huyết áp càng cần thận trọng với thực phẩm nhiều muối.

1. Các biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp

Tăng huyết áp có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng cho tim. Áp lực quá cao có thể làm cứng động mạch, làm giảm lưu lượng máu và oxy đến tim.

Áp lực tăng cao và giảm lưu lượng máu có thể gây ra:

  • Đau ngực hay còn gọi là đau thắt ngực.
  • Đau tim, xảy ra khi nguồn cung cấp máu đến tim bị tắc nghẽn và các tế bào cơ tim chết vì thiếu oxy. Càng để lâu dòng máu bị tắc nghẽn, tổn thương tim càng lớn.
  • Suy tim, xảy ra khi tim không thể bơm đủ máu và oxy đến các cơ quan quan trọng khác của cơ thể.
  • Có thể dẫn đến nguy cơ đột tử.
  • Tăng huyết áp cũng có thể làm vỡ hoặc tắc nghẽn các động mạch cung cấp máu và oxy cho não, gây ra đột quỵ.
  • Ngoài ra, tăng huyết áp có thể gây tổn thương thận, dẫn đến suy thận.
Tăng huyết áp là "kẻ giết người thầm lặng", thường không có triệu chứng và dấu hiệu cảnh báo nên nhiều người không biết mình mắc bệnh.

2. Muối ảnh hưởng đến huyết áp như thế nào?

Muối là tên thông thường của natri clorua (hoặc NaCl). Nó bao gồm 40% natri và 60% clorua. Nói cách khác 2,5 g muối chứa 1 g natri và 1,5 g clorua. Cả natri và clorua đều cần thiết cho nhiều chức năng của cơ thể. Chúng giúp điều chỉnh huyết áp, kiểm soát cân bằng chất lỏng, duy trì các điều kiện thích hợp cho chức năng cơ và thần kinh, đồng thời cho phép hấp thụ và vận chuyển các chất dinh dưỡng qua màng tế bào.

Clorua cũng được sử dụng để sản xuất axit dạ dày (axit clohydric, HCl) giúp chúng ta tiêu hóa thức ăn. Vì muối được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm nên nguy cơ thiếu hụt là thấp.

Người tăng huyết áp cẩn trọng với thực phẩm muối, chế biến sẵn - Ảnh 1.

Giảm lượng muối ăn có thể dẫn đến giảm huyết áp.

5 g muối mỗi ngày (tương đương với 2 g natri) là đủ để đáp ứng cả yêu cầu natri và clorua của chúng ta cũng như giảm nguy cơ tăng huyết áp và bệnh tim. Điều này tương đương với khoảng 1 thìa cà phê muối mỗi ngày từ tất cả các nguồn.

Bình thường, thận thực hiện tốt công việc điều chỉnh lượng natri và nước trong máu. Tuy nhiên, đối với nhiều người trong chúng ta, ăn quá nhiều muối có thể làm rối loạn sự cân bằng này, khiến nồng độ natri trong máu tăng lên. Điều này khiến cơ thể giữ nhiều nước hơn và làm tăng cả chất lỏng bao quanh các tế bào và thể tích máu.

Khi lượng máu tăng lên, áp lực lên các mạch máu bắt đầu tăng lên và tim cần phải làm việc nhiều hơn để vận chuyển máu đi khắp cơ thể. Theo thời gian, sự căng thẳng này có thể dẫn đến xơ cứng mạch máu và làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, bệnh tim và đột quỵ. Nhiều bằng chứng nhất quán cho thấy việc giảm lượng muối vừa phải (tức là giảm 3 đến 5 g hoặc ½ đến 1 thìa cà phê mỗi ngày) có thể dẫn đến giảm huyết áp.

3. Người bệnh tăng huyết áp cần hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, nhiều muối dịp lễ Tết

Trong những dịp lễ Tết gia đình nào cũng tích trữ rất nhiều thực phẩm. Nhưng trong mâm cỗ Tết, "kẻ thù" đầu tiên của người bệnh tăng huyết áp là chất béo, tiếp đến là các món ăn mặn với nhiều muối.

Hầu hết lượng muối chúng ta tiêu thụ đến từ các loại thực phẩm tiện lợi chế biến sẵn. Các loại thực phẩm được chế biến sẵn như các loại đồ nguội, chân giò hun khói, giò, chả, lạp xưởng, bò khô, tôm khô, xúc xích, dăm bông… thường là có nhiều muối không tốt cho tim, thận, làm tăng huyết áp.

Các món dưa muối, hành muối là món ăn truyền thống ngày Tết, giúp làm giảm độ ngán khi ăn nhiều món ăn giàu chất đạm, chất béo, tuy nhiên ở người tăng huyết áp cũng nên hạn chế những món ăn này. Khi chấm món ăn cũng nên lưu ý chấm nhẹ tay tránh cho món ăn trở nên quá mặn.

Ăn giảm muối quả là một việc khó khăn, đặc biệt với chế độ ăn của người Việt Nam gồm nhiều món kho, món muối... Vì vậy, để tránh việc sử dụng đồ ăn có nhiều muối, người tăng huyết áp cần chú ý:

- Tránh thêm muối vào thực phẩm hoặc sử dụng muối ăn đã giảm natri.

- Ngay cả những thực phẩm không có vị mặn như ngũ cốc ăn sáng hoặc bánh mì cũng có thể chứa nhiều muối. Vì vậy luôn kiểm tra thông tin dinh dưỡng trên nhãn sản phẩm và chọn các loại ít muối nhất có thể.

- Chọn các loại hạt không ướp muối, hạt và các loại thực phẩm ăn nhẹ khác thay vì các loại có muối.

- Sử dụng các loại thảo mộc và gia vị thay vì muối để tạo hương vị cho thực phẩm.

- Khi đi ăn ngoài nhà hàng yêu cầu ít muối hơn nếu có thể.

4. Những điều cần lưu ý

Uống thuốc huyết áp không phải là liệu trình duy nhất để điều trị tăng huyết áp. Điều trị bằng thuốc phải luôn được kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất thường xuyên; không hút thuốc lá, điều trị các bệnh đi kèm như bệnh đái tháo đường, bệnh tim.

4.1 Chế độ đinh dưỡng

Cần cung cấp đủ năng lượng, các vitamin và khoáng chất, giảm muối, giàu kali, giàu chất xơ, giảm acid béo bão hòa và chất béo. Khuyến khích áp dụng chế độ dinh dưỡng giúp kiểm soát tăng huyết áp (như chế độ ăn DASH) là chế độ ăn khuyến khích nhiều rau xanh, quả chín, các sản phẩm sữa ít béo. Nhu cầu năng lượng mỗi ngày là : 30 - 35 Kcal/kg cân nặng, trong đó:

  • Protein: 15 - 20% tổng năng lượng.
  • Lipid: 20 - 25% tổng năng lượng.
  • Chất xơ cung cấp từ khẩu phần ăn khoảng 14g/1000kcal.
  • Natri: 1600 - 2000mg/ngày.

4.2 Thực phẩm chứa nhiều muối

  • Các loại thịt đã qua chế biến như thịt xông khói, xúc xích, giăm bông, pho mát, tôm cá khô.
  • Các món kho, rim.
  • Các loại nước chấm mặn, nước sốt, xì dầu, tương cà, sốt mayonnaise, sốt BBQ
  • Dưa chua và các loại thực phẩm ngâm chua khác
  • Các loại hạt và khoai tây chiên giòn rang muối và rang khô
  • Thịt và cá muối, hun khói.

Cuối cùng, điều quan trọng cần lưu ý là muối không phải là yếu tố lối sống duy nhất có thể ảnh hưởng đến huyết áp của chúng ta. Các yếu tố khác như ăn đủ kali, duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, không hút thuốc và hoạt động thể chất cũng rất quan trọng để giảm huyết áp.


Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Phục hồi chức năng cho người nhiễm COVID 19 thể nhẹ và không triệu chứng



BS. Nguyễn Hoàng Việt
Ý kiến của bạn