PGS.TS.Nguyễn Đức Hải - Viện trưởng Viện điều trị cán bộ cao cấp quân đội, Bệnh viện TWQĐ 108, sẽ đưa ra lời khuyên đối với người tăng huyết áp khi tiêm vaccine COVID-19 trong bài viết dưới đây.
Người tăng huyết áp có bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19?
Theo PGS.TS.Nguyễn Đức Hải, tăng huyết áp là một bệnh lý nền khá nguy hiểm, nhưng không làm suy giảm khả năng miễn dịch, nên ở nhóm bệnh nhân này không có nguy cơ cao hơn mắc COVID-19.
Tuy nhiên, nếu bệnh nhân THA bị mắc COVID-19 thì nguy cơ diễn biến nặng và tử vong sẽ cao hơn so với người không THA.
Do người có bệnh lý nền nói chung và bệnh THA nói riêng, khi mắc thêm COVID-19, nghĩa là mắc ít nhất 2 bệnh lý nghiêm trọng cùng 1 lúc. Vì thế tiến triển bệnh sẽ nhanh hơn, dễ có biến chứng nặng hơn so với người khỏe mạnh.
Hơn nữa, không có bệnh THA nói chung, mà có bệnh nhân THA rất cụ thể. Mỗi bệnh nhân cụ thể lại tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố:
- Tuổi: Tuổi càng cao thì có thể bệnh ảnh hưởng càng nặng nề hơn.
- Thời gian mắc bệnh THA: Thời gian càng lâu, thì bệnh có khả năng càng nặng hơn do diễn biến tự nhiên của bệnh.
- Hiệu quả điều trị THA (việc kiểm soát huyết áp có tốt hay không): Hiệu quả điều trị này phụ thuộc vào việc kiểm soát huyết áp tốt.
Bởi có bệnh nhân dù mới bị THA nhưng lại diễn biến nặng rất nhanh do không kiểm soát tốt huyết áp. Ngược lại có bệnh nhân dù bị THA từ lâu nhưng kiểm soát tốt HA nên vẫn khỏe mạnh.
- Bệnh lý đồng mắc (THA kèm đái tháo đường, suy thận, rối loạn lipide máu, bệnh phổi phế quản….): Nếu càng nhiều bệnh lý đồng mắc thì nếu mắc COVID-19 thì càng nặng…
Do đó, nhìn chung các bệnh nhân THA nếu không may mắc COVID-19 sẽ có tiên lượng xấu hơn, nguy cơ diễn biến nặng sẽ nhiều hơn.
Khi mắc COVID-19, người tăng huyết áp có diễn biến xấu, đâu là nguyên nhân?
PGS.TS.Nguyễn Đức Hải cho hay: Cơ chế gây tổn thương của virus SARS-CoV-2 là do cấu trúc bề mặt của virus có chứa nhiều protein gai.
Các protein gai này sẽ gắn kết với thụ thể của tế bào vật chủ thông qua men chuyển ACE2. ACE2 là một enzym gắn trên bề mặt tế bào vật chủ và là điểm xâm nhập của SARS-CoV-2.
ACE2 phân bố rộng rãi khắp cơ thể, được biểu hiện nhiều trên các tế bào biểu mô mũi, tế bào biểu mô phế nang phổi và tế bào ruột ở ruột non. ACE2 cũng được biểu hiện trong nội mô của các giường mạch ở các cơ quan trên toàn cơ thể và trong các tế bào cơ trơn động mạch ở nhiều cơ quan được nghiên cứu…
Sự phân bố rộng rãi của các thụ thể ACE2 khắp cơ thể có thể giải thích tác dụng đa cơ quan trong COVID-19.
Chính vì sự xuất hiện của các thụ thể ACE2 rộng rãi trên các tế bào nội mô, nên "món" yêu thích của virus chính là hệ thống mạch máu.
Điều này giải thích lý do xuất hiện các biến chứng tắc mạch ở bệnh nhân mắc COVID-19. Đặc biệt hơn nó dễ xuất hiện ở các bệnh nhân bị THA, vì THA cũng chính là bệnh lý liên quan đến hệ thống mạch máu.
Những điều cần lưu ý khi tiêm vaccine COVID-19
Việc tiêm vaccine COVID-19 đã cho thấy hiệu quả rất tốt không chỉ trong công tác phòng bệnh mà còn rất tốt nếu không may bị nhiễm bệnh.
Tại Mỹ và châu Âu, khi dịch bệnh chỉ bùng phát mạnh, tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng chỉ xuất hiện tại những vùng mà tỷ lệ tiêm vaccine thấp hoặc rất thấp.
Cũng theo PGS.TS.Nguyễn Đức Hải, chính vì khả năng diễn biến nặng trên bệnh nhân có bệnh lý THA, cần ưu tiên tiêm vaccine COVID càng sớm càng tốt.
Trước khi tiêm, bệnh nhân THA cần điều trị đảm bảo kiểm soát được huyết áp một cách thường xuyên liên tục.
Ngoài ra, người bệnh THA cần khai báo y tế đầy đủ về tình trạng bệnh của mình. Kiểm tra kỹ huyết áp trước khi quyết định tiêm. Tiêm phòng tại bệnh viện, trung tâm y tế có đầy đủ phương tiện cấp cứu.
Với những bệnh nhân thấy chỉ số huyết áp của mình vẫn cao (lớn hơn 140/90 mmHg) thì cần đi khám lại để bác sĩ điều trị huyết áp cho đạt mục tiêu.
Chỉ khi thấy chỉ số huyết áp đo thường xuyên trong giới hạn bình thường (dưới 140/90 mmHg) thì mới nên quyết định đi tiêm vaccine.
Thuốc tăng huyết áp có ảnh hưởng đến vaccine phòng COVID-19?
Các nhóm thuốc điều trị THA hiện nay, không có nhóm thuốc nào có tương tác với vaccine COVID-19, nên bệnh nhân hoàn toàn có thể yên tâm duy trì các thuốc hạ huyết áp.
Riêng với bệnh nhân sử dụng thuốc lợi tiểu cần lưu ý: Thuốc lợi tiểu nếu dùng liều mạnh có thể gây mất nước, làm máu đặc và tăng nguy cơ đông máu tắc mạch.
Do vậy cần khám, tư vấn bác sĩ cụ thể trước tiêm. Tại tất cả các cơ sở tiêm chủng đều có bác sĩ khám sàng lọc bệnh nhân, phát hiện bệnh nhân có chống chỉ định và theo dõi đặc biệt trước và sau khi tiêm.
Tuy nhiên có thể chỉ là thoảng qua, hơn nữa, tất cả các trường hợp sau tiêm đều được nghỉ ngơi theo dõi, có bác sĩ và điều dưỡng được đào tạo đầy đủ kỹ năng xử lý các tình huống; có phương tiện cấp cứu đầy đủ nên người bệnh cũng không cần phải lo lắng nhiều, quan trọng là kiểm soát tốt huyết áp trước khi tiêm.
Với bệnh nhân phải điều trị bằng các thuốc ức chế miễn dịch, corticoid… thì không có chỉ định tiêm. Do đó bệnh nhân cần khai báo đầy đủ các loại thuốc đang uống để bác sĩ khám sàng lọc có hướng dẫn cụ thể.
Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:
Thầy thuốc trắng đêm giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19