Người S’tiêng mang hồn lúa về trên nhà cao, tắm mát cho lúa

11-03-2024 11:40 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Hằng năm, khi mùa vụ đã xong, để tri ân những vị thần đã phù hộ cho buôn sóc một vụ mùa bội thu, nhà nhà no đủ, người người an vui thì người S’tiêng thường tổ chức lễ hội mừng cơm mới để tại ơn các vị thần.

Người S’tiêng làm lễ mừng cơm mới thể hiện lòng tôn kính thần lúa.

Là cư dân nông nghiệp, từ ngàn xưa, người S'tiêng luôn quan niệm "vạn vật hữu linh", họ coi vạn vật, trong đó có cây lúa là những vị thần có linh hồn. Do đó, việc để thần lúa ngoài rẫy, ngoài ruộng, phơi nắng, phơi sương, chịu cảnh bùn lầy, chim muôn phá hoại suốt cả mùa dài là việc làm bất đắc dĩ, người S'tiêng luôn cảm thấy như có lỗi với thần lúa.

Người S’tiêng mang hồn lúa về trên nhà cao, tắm mát cho lúa- Ảnh 1.

Hằng năm, khi mùa vụ đã xong, để tri ân những vị thần đã phù hộ cho buôn sóc một vụ mùa bội thu, nhà nhà no đủ, người người an vui thì người S’tiêng thường tổ chức lễ hội mừng cơm mới để tại ơn các thần.

Người S’tiêng mang hồn lúa về trên nhà cao, tắm mát cho lúa- Ảnh 2.

Để tạ ơn, trước tiên, người S’tiêng làm lễ rước hồn lúa, mang hồn lúa về trên nhà cao, tắm mát cho lúa, tắm sạch cho lúa.

Người S’tiêng mang hồn lúa về trên nhà cao, tắm mát cho lúa- Ảnh 3.

Người S’tiêng làm lễ cúng cơm mới với đầy đủ lễ vật được chuẩn bị tươm tất mời thần lúa cùng các thần về thụ hưởng và chứng giám cho tấm lòng thành kính của cộng đồng dân sóc, qua đó cầu xin các thần tiếp tục che chở cho dân sóc có sức khỏe, vụ mùa năm tới làm ít được nhiều, làm nhiều càng được nhiều hơn; lúa chất đầy kho, heo gà đầy chuồng, bầu bí đầy rẫy...

Người S’tiêng mang hồn lúa về trên nhà cao, tắm mát cho lúa- Ảnh 4.

Trong hệ thống các nghi lễ và lễ hội của người S’tiêng, lễ mừng cơm mới là một lễ hội lớn, được coi là Tết cổ truyền của người S’tiêng, thể hiện lòng tôn kính thần lúa đã đem lại cuộc sống ấm no cho đồng bào.

Người S’tiêng mang hồn lúa về trên nhà cao, tắm mát cho lúa- Ảnh 5.

Già làng Điểu Nôi, dân tộc S’tiêng (đến từ xã An Khương, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) cho biết: "Lễ mừng cơm mới thường được tổ chức vào thời điểm cả buôn, sóc đã thu hoạch xong, lúa đã chất về kho, trâu gà đã đầy các chuồng, mùa nông nhàn đã điểm. Tùy theo điều kiện của dân làng trong buôn, sóc, lễ vật phải được tính toán và chuẩn bị chu đáo theo sự phân công của chủ tế và già làng, đảm bảo lễ hội được diễn ra suôn sẻ, thần linh vui lòng không trách phạt".

Người S’tiêng mang hồn lúa về trên nhà cao, tắm mát cho lúa- Ảnh 6.

Theo già làng Điểu Nôi, trong lễ mừng cơm mới, phần nghi lễ được đồng bào tổ chức tại hai nơi: Lễ cúng rước hồn lúa diễn ra tại kho lúa và lễ mừng cơm mới diễn ra tại sân chính Lễ hội. Giờ lành đã điểm bằng ba hồi trống giục giã, rộn vang báo hiệu cho thần linh và dân làng biết buôn, sóc đang chuẩn bị tiến hành làm lễ mừng cơm mới, anh em buôn, sóc khác có thể về chung vui. Sau khi tiếng trống dứt, mọi người trong Ban tế lễ chỉnh trang, chuẩn bị lễ vật hướng về phía kho lúa. Đội cồng chiêng đi trước; đội tế bê mâm lễ vật theo sau, chủ lễ và già làng đi cùng; bà con dân sóc được lựa chọn đi sau hết.

Người S’tiêng mang hồn lúa về trên nhà cao, tắm mát cho lúa- Ảnh 7.

Vào ngày diễn ra lễ mừng cơm mới, Ban tế lễ dưới sự chủ trì của chủ tế và già làng đã thức dậy từ sớm để tiến hành làm lễ dựng nêu; các thành viên được phân công tất bật sửa soạn, chuẩn bị cho ngày hội vui của buôn sóc. Già trẻ, nam thanh, nữ tú quây quần về khu tổ chức Lễ hội; tiếng trống giục rộn rã, tiếng cồng, tiếng chiêng, nhạc hội vang lên báo hiệu lễ hội sắp bắt đầu….

Người S’tiêng mang hồn lúa về trên nhà cao, tắm mát cho lúa- Ảnh 8.

Trong dịp này những ai có hiềm khích, hiểu lầm nhau thì cũng xóa bỏ hết, mọi người tay bắt mặt mừng, cùng nhau đoàn kết một lòng, sẻ chia dòng nước mát; phát chung bờ rẫy, bờ ruộng; săn chung con két, con nai; no đói cùng nhau, làm nên một cộng đồng buôn, sóc người S’tiêng ngày càng giàu mạnh.

Người S’tiêng mang hồn lúa về trên nhà cao, tắm mát cho lúa- Ảnh 9.

Lễ mừng cơm mới của dân tộc S’tiêng mang đậm tính nhân văn. Ngoài việc cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt thì Lễ hội còn là dịp để bà con, dân sóc có dịp gặp nhau, cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm làm ăn, kinh nghiệm nuôi dạy con cái, truyền thụ những kinh nghiệm ứng xử với môi trường tự nhiên, ứng xử trong quan hệ gia đình và cộng đồng.

Người S’tiêng mang hồn lúa về trên nhà cao, tắm mát cho lúa- Ảnh 10.

Thông qua lễ hội này, đồng bào S’tiêng tỉnh Bình Phước muốn truyền tải những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và cầu mong cho cộng đồng các dân tộc tỉnh Bình Phước nói riêng, đại gia đình các dân tộc Việt Nam chúng ta sẽ luôn no đủ, mạnh giàu cùng nhau bảo tồn những nét đẹp văn hóa cổ truyền độc đáo của cộng đồng mình trên nền văn hóa các dân tộc Việt Nam thống nhất.

Tuấn Anh
Ý kiến của bạn