Tất cả mọi người đều phải giữ gìn vệ sinh và được ăn uống đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Người sống chung với HIV có hệ miễn dịch bị suy giảm nên dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, do đó, cần chú ý hơn trong việc giữ vệ sinh và đảm bảo dinh dưỡng.
Dinh dưỡng
Dinh dưỡng tốt giúp cơ thể khỏe mạnh, góp phần phòng chống bệnh tật. Những thức ăn tốt cho người bình thường lúc khỏe cũng sẽ tốt cho người bệnh. Người sống chung với HIV cần thường xuyên ăn uống điều độ và theo khả năng hấp thu của cơ thể. Uống đủ nước và các loại đồ uống phù hợp để tránh mất nước và tăng cường sức khỏe.
Cách chọn đồ ăn
Dùng những thức ăn chứa đạm, sắt và canxi: các loại đậu, đậu nành, đậu hũ, đậu phộng và các loại hạt khác, trứng, thịt, cá và sữa.
Dùng các loại thức ăn cung cấp năng lượng: khoai tây, khoai lang, khoai mì, khoai sọ, lúa, lúa mạch và các loại ngũ cốc khác, mỡ động vật, dầu thực vật và đường.
Dùng các loại thức ăn chứa nhiều vitamin: tất cả các loại trái cây và rau quả. Các loại màu xanh đậm chứa nhiều chất bổ nhất rồi tiếp theo là các loại rau trái có màu cam.
Kết hợp nhiều loại thức ăn với nhau để đảm bảo đủ chất, thay đổi thực đơn, cách chế biến thường xuyên để tạo cảm giác ngon miệng.
Tránh các loại rượu, bia, thuốc lá và chất kích thích vì chúng có thể làm ảnh hưởng tới thuốc người bệnh đang dùng.
Bảo quản, chế biến thực phẩm
Chỉ dùng các loại thức ăn mới nấu và không bám bụi; Không ăn các loại thực phẩm sống, tái hay nấu sơ sài, nhất là đồ biển, trứng và các loại thịt; Rửa rau trái bằng nước sạch; Đậy kín thực phẩm để tránh ruồi nhặng; Giữ gìn thực phẩm đúng cách tránh hư hỏng - cẩn thận với những thức ăn để bên ngoài quá 30 phút.
Chú ý về nước uống
Chỉ uống nước đã đun sôi; Không dùng các loại nước lấy từ ao hồ, sông suối mà không tẩy sạch trước để nấu ăn hoặc đun uống; Trữ nước trong bình chứa sạch và dùng gáo có tay cầm để lấy nước; Không uống các loại nước pha chế không rõ nguồn gốc.
Tham gia sinh hoạt nhóm giúp người nhiễm HIV có nghị lực hơn. ( Ảnh nguồn: internet) |
Vệ sinh
Vệ sinh thân thể
Cần phải giữ gìn vệ sinh thân thể, hàng ngày cần đánh răng, tắm rửa, thay quần áo để tránh các bệnh ngoài da, bệnh răng miệng; Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh; Không khạc nhổ bừa bãi xuống đất, chỉ khạc nhổ vào dụng cụ khạc nhổ; Che miệng khi ho hay hắt xì hơi; Cần luyện tập thể dục thể thao, thể dục dưỡng sinh... để tăng cường sức khỏe bản thân, sống khỏe mạnh lâu dài, có thể lao động sản xuất, làm ra của cải vật chất nuôi sống bản thân và gia đình.
Vệ sinh giường chiếu
Sắp xếp lại giường chiếu sao cho đem lại sự thoải mái, dễ chịu cho người bệnh, nhất là cho những ai nằm trên giường cả ngày lẫn đêm; Thường xuyên vệ sinh, phơi nắng chăn, gối, chiếu, giũ cho giường sạch và khô ráo để tạo cảm giác dễ chịu, thoải mái và khỏe mạnh hơn; Nếu bệnh nhân bị tiêu chảy, lót một miếng nhựa mỏng dưới tấm ga trải giường hay chiếu giúp cho việc thay giặt được dễ dàng hơn.
Vệ sinh môi trường xung quanh
Làm cho môi trường xung quanh nhà càng sạch sẽ, thoáng mát cho bệnh nhân càng tốt. Đặc biệt, khi người bệnh không thể di chuyển được thì việc được ở một nơi sạch sẽ, thoáng khí vô cùng quan trọng (giường ngủ, chỗ ngồi...); Giường ngủ và khu vực xung quanh người bệnh nằm phải được giữ khô ráo, sạch sẽ. Sự thoáng khí rất quan trọng cho sức khỏe, đem lại sự thoải mái dễ chịu cho người bệnh và đặc biệt cần thiết khi trong nhà có người mắc bệnh lao. Đối với một số người sống chung với HIV, nhất là những người hay bị ói mửa, tránh để họ nằm gần những nơi thường xuyên bốc mùi như nhà bếp hay nhà vệ sinh; Dùng các loại hố xí hợp vệ sinh để tránh ruồi nhặng và giữ gìn vệ sinh môi trường, tránh không bị ô nhiễm...
Tránh sốt rét, sốt xuất huyết
Sốt rét là loại bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng sốt rét gây ra, chúng ký sinh trong cơ thể muỗi và khi muỗi đốt truyền bệnh cho con người, do đó, để người sống chung với HIV tránh sốt rét cần phải: Mắc màn khi ngủ; Xịt thuốc diệt muỗi xung quanh nhà để diệt muỗi; Không để nước tù đọng trong các vũng, chậu, chum vại hỏng, mảnh bát vỡ, lốp xe... để muỗi không còn nơi sinh sản.
Đối với vật nuôi và động vật
Vật nuôi và động vật có thể mang bệnh truyền nhiễm gây bệnh cho con người sống chung với HIV, vì vậy, phải lưu ý khi sau tiếp xúc, vuốt ve hay xử lý chất thải của chúng, cần rửa tay sạch ngay.
Tinh thần
Người sống chung với HIV nên tham gia các hoạt động xã hội như các nhóm bạn giúp bạn, các nhóm tự chăm sóc, các đội tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS... Việc tham gia này giúp họ chia sẻ sự cảm thông kinh nghiệm đối đầu với các khó khăn, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống cũng như việc làm. Sự tham gia của người sống chung với HIV vào các hoạt động xã hội cũng là một tác động lớn làm giảm kỳ thị của cộng đồng với người sống chung với HIV.
BS. Nguyễn Bích Ngọc
(Theo tài liệu về dự phòng của HPI)