Hà Nội

Người sinh viên y khoa trong chiến dịch Điện Biên Phủ

27-04-2024 09:53 | Thời sự
google news

SKĐS - Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân Dân Tạ Long, Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Khoa học Tiêu hóa Đông Nam Á, trước đây vốn là một cán bộ quân y đã tham dự nhiều chiến dịch lớn suốt từ bắc vào nam.

Tạ Long sinh năm 1932 ở Hà Nội. Đang học Trường đại học Y ở Chiêm Hóa, anh được điều về Đại đoàn 308, tham gia các chiến dịch Nghĩa Lộ năm 1952, Tây Bắc, Thượng Lào năm 1953 rồi đến chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Tạ Long cho biết, tại chiến dịch Điện Biên Phủ, anh được phân công làm Trưởng ban Trung khinh thương đội điều trị 8 của Đại đoàn 308. Ngoài anh, trong ban có năm y tá, một quản trị, ba chiến sĩ nấu ăn và hai nữ dân công làm công vụ.

Đội điều trị 8 làm việc trong một khe núi. Tại đây đã có sẵn một số lán của đơn vị trước để lại. Anh em trong đội chỉ cần căng dù là bố trí được các phòng mổ, phòng tiêm, phòng băng. Lúc đầu thương binh ở hỏa tuyến về rải rác chỉ có vài chục, nên chưa bận lắm. Thời gian này, anh em tranh thủ làm thêm lán. Về sau, thương bệnh binh của tất cả các đơn vị khu vực Tây Điện Biên đều dồn về, có lúc tới trên 150 trong đó có nhiều thương bệnh binh nặng. Nhiều vết thương phải xử trí lại, bó bột, thay băng hàng ngày.

Công việc thật quá tải, buổi sáng Tạ Long thường qua thăm những thương bệnh binh nặng rồi vào phòng mổ, mổ những ca cấp cứu. Đến trưa, ăn vội vàng rồi lại tranh thủ đi khám bệnh, ghi bệnh án điều trị, cân nhắc để cho những thương, bệnh binh nhẹ về đơn vị sớm vì anh nghĩ đã lên tới đây thì mỗi chiến binh về chiến đấu được sẽ rất quan trọng cho trận đánh lớn sắp diễn ra.

Các anh y tá Trại, Suý, Kiên, Lan... rất thạo việc, nhanh nhẹn, không hề kêu ca mệt mỏi, làm việc liên tục suốt ngày, đêm lại thay nhau trực. Hai dân công được phân công làm hộ lý là cô Mỳ, cô Canh. Lúc đầu các cô rất sợ máu me, băng bó, nhưng chỉ vài ngày sau đã thấy lúc nào cũng có mặt ở lán thương binh nặng. Phương tiện thuốc men, kháng sinh dần cạn, chưa có tiếp tế sang, nên giao ban sáng nào Tạ Long cũng nhắc anh em tiết kiệm giữ gìn phương tiện làm việc.

Anh em toàn đơn vị đều quý mến Tạ Long, bởi không những anh làm việc tận tình mà còn độ lượng, rất thương yêu đồng đội.

Anh y tá Lan kể chuyện một buổi sáng, y tá trực đến báo cáo anh Tạ Long lúc đi cặp nhiệt độ thì đã thấy mất nhiệt kế. Trong tâm trí mọi người nghĩ anh Tạ Long sẽ khiển trách, nhưng anh chỉ điềm tĩnh phân tích:

- Cả trạm có mỗi một cái, làm sao theo dõi bệnh binh sốt nhiễm trùng, sốt rét ác tính bây giờ? Hay anh dậy sớm ra suối đánh răng, cặp để ở túi ngực nên đánh rơi xuống suối. Bây giờ chỉ có cách đi tìm dọc suối, vạch từng đám cỏ hai bên bờ xem có thấy không?

Anh Tạ Long ra suối lội một đoạn dài, rất may đã phát hiện thấy nó vướng cạnh một đám cây bên bờ suối. Thật không còn gì mừng hơn!

Giữa chiến dịch, trên điều thêm cho đội điều trị một số dân công. Tổ quản trị và nấu ăn của đội có thêm những người tận tụy, tháo vát nấu nướng giỏi như anh Hoàng Cầm, chị Nguyễn Thị Tân. Các đồng chí đã đi hàng ngày đường liên hệ được với các bản xa tiếp tế cho bộ đội. Đồng bào ở đây nghèo khổ nhưng đã nhường những gì tốt nhất cho bộ đội, chỉ mong sao cho bộ đội mau thắng lớn.

Cái trạm quân y bé nhỏ này được Mặt trận quan tâm từng ngày. Một hôm anh Vũ Xuân Chiêm, đại diện Tổng cục Cung cấp tiền phương gửi cho anh Tạ Long bức thư yêu cầu bảo đảm chế độ và chăm sóc tốt cho thương bệnh binh và dân công hỏa tuyến.

Anh Tạ Long cho biết sau này anh em Cục Quân y tiền phương kể với anh câu chuyện trong nhiều buổi giao ban, Đại tướng Võ nguyên Giáp thường hỏi về tình hình của cái "đội Tạ Long" này, vì chỉ có mình nó ở một phía của Mặt trận.

Thương bệnh binh ngày một tăng. Tạ Long được phân công tổ chức và chỉ huy chuyển bớt thương binh của đội về Đội điều trị 5 do anh Trần Mạnh Chu làm Đội trưởng.

Đường chuyển thương vượt đường núi dòng đã ba ngày, có hơn hai đại đội dân công chuyển 20 cáng thương binh nặng. Nhiều thương, bệnh binh đã phải chống gậy đi bộ.

Do đường rừng mới chưa lộ, anh em có thể chuyển thương binh ban ngày. Ngày đầu tiên rất vất vả, tới chập tối kiểm lại thì thấy cáng nằm rải rác khắp mấy quả đồi, người khiêng cáng yếu khỏe khác nhau, nghỉ lại bất kỳ ở đâu. Tổ cấp dưỡng đến trước nấu ăn rồi chia nhau đi phân phối cho từng cáng. Y tá thì đi tiêm, sửa lại băng bó, mọi người chạy đi chạy lại đến nửa đêm mới tạm ổn. Các anh chị em dân công, nhất là các chị dân công có tình thương đặc biệt đối với thương, bệnh binh, chăm lo phân phối lương thực, đường sữa theo tiêu chuẩn cho mỗi cáng. Từng tốp cáng đều có nhân viên mang theo phương tiện cấp cứu. Thương, bệnh binh được chăm lo như con em trong gia đình.

Sau đêm vận chuyển thứ hai, anh Bùi Đại đến tìm Tạ Long. Tạ Long được chú liên lạc đưa đến gặp anh Vũ Văn Cẩn, Cục trưởng Cục Quân y.

Người sinh viên y khoa trong chiến dịch Điện Biên Phủ- Ảnh 1.

Các chiến sĩ quân y của ta luôn luôn bám sát trận địa, cứu chữa kịp thời những trường hợp bị thương. (Ảnh: TTXVN).

Sau khi đã giao nhận thương bệnh binh về Đội điều trị 5, ngày 26 tháng 1 năm 1954, Đội điều trị 8 nhận nhiệm vụ hành quân sang Lào, phục vụ một đợt đánh nghi binh.

Ngày 28 tháng 2 năm 1954, Tạ Long cùng Đội điều trị 8 nhận lệnh trở về Điện Biên, thời gian đầu triển khai một trạm quân y thu dung toàn bộ thương, bệnh binh từ Lào về.

Một đêm, Tạ Long đi với Đại đội trưởng Tô Văn cùng một số cán bộ đơn vị bám chốt đến thăm một chốt tiền tiêu. Đại tá Tạ Long nhớ lại: "Lần đầu tiên tôi thực sự được nhìn quang cảnh của một phần lòng chảo có các công sự, ụ pháo, các ổ đại liên địch... Phía xa bao quanh cánh đồng bằng phẳng rộng lớn là những dãy núi tím sẫm. Mặt trận có vẻ yên tĩnh. Thỉnh thoảng có những đợt đại liên lóe sáng nổ vu vơ về phía ta. Tôi được dẫn xuống một giao thông hào, đi một quãng dài mới nghe thấy tiếng đào đất của bộ đội ta. Con đường này đang tiến dần về phía tập đoàn cứ điểm địch. Đại đội trưởng Tô Văn cho biết nhiều con đường khác đang được đào. Những con đường này như những mũi dao đang vươn dài chĩa vào Sở chỉ huy tướng Đờ Cát ở trung tâm Mường Thanh. Đứng ở dưới lòng đất, tôi cảm thấy an toàn, trừ phi có một trái pháo nào rơi trúng mình. Địch không biết hay có biết sự chuẩn bị của ta? Dù có biết chắc chúng không ngờ quân và dân ta đang bao vây trùng điệp quanh lòng chảo này.

Chúng tôi triển khai trạm ở một khu rừng rất đẹp, bằng phẳng sát mặt trận. Số thương, bệnh binh dần tăng lên có lúc tới trên 200, phần lớn là bệnh binh, nhiều người sốt rét nặng. Một lần anh Nguyễn Huy Phan, sinh viên Đại học Y khóa 1946 đi qua, tôi mời anh tham gia chẩn đoán xử trí cho những trường hợp nặng. Có một thương binh mắt bị thương nhiễm trùng nặng. Tôi vẫn phân vân có nên chỉ định khoét mắt không, để lại thì sẽ ảnh hưởng nốt mắt kia. Vả lại dù có xem tài liệu, song thực tế tôi cũng chưa xem thực hiện những ca như thế này bao giờ. Anh Phan đã quyết định cùng tôi xử trí ca này, và tôi cũng học được thêm một kỹ thuật. Giải quyết xong phần lớn số thương, bệnh binh ở đây thì thuốc men bông băng đã cạn, đặc biệt nước cất không còn đủ để pha penicillin, không còn dịch truyền cho những thương binh nặng. Không có liên lạc với Đội điều trị 8, vì không biết đội đang ở đâu. Bí quá tôi chợt nghĩ phải pha chế nước cất hai lần bằng bi đông nước uống, dây dẫn bằng các đoạn dây truyền huyết thanh ngâm trong máng nước suối làm ngưng tụ. Tôi bàn với anh Trịnh Đình Tường là sinh viên được đang ở chỗ tôi và được anh tán thành, tích cực triển khai.

Ngày đầu tiên cất được 500ml nước, tôi mừng quá, cho thử pha với penicillin tiêm bắp thịt, không có tác dụng phụ. Mấy ngày sau kỳ cạch cũng pha được vài lít dự trữ. Ngại nhất là không thử được chí nhiệt tố trong nước cất nên chưa dám cho truyền tĩnh mạch. Một hôm tôi ngồi trong hầm của một thương binh nhiễm trùng toàn thân rất nặng, sốt cao, tình trạng suy kiệt, hai mắt lờ đờ, không ăn uống được. Cả hai bắp vai, hai mông đều sưng tấy mủ. Tôi quyết định dùng penicillin pha vào dịch nước cất tự chế của mình, truyền rỏ giọt tĩnh mạch rất chậm. Tôi liên tục ngồi bên cạnh anh nói chuyện vui, hỏi thăm mới biết anh là người cùng quê, nhưng mục đích chính là để kịp thời xem xét phản ứng. Dần anh tỉnh lại, qua được cơn nguy kịch và có thể chịu đựng được gây mê để mổ rạch rộng tháo mủ.

Trạm lại di chuyển; không rõ tình trạng anh về sau ra sao. Vài năm sau hòa bình ở miền bắc, một hôm có người nhà ở quê về đem cho một bó sắn tơi rất ngon nói là anh gửi cho, tôi rất vui mừng thấy anh vẫn còn sống, đã trở về làng.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đội điều trị 8 nhận nhiệm vụ thành lập bệnh viện dã chiến để thu nhận cứu chữa tù, hàng binh địch bị thương đưa từ các hầm hào lên.

Do giỏi tiếng Pháp, Tạ Long đã giải thích chính sách của Chính phủ ta, không ngược đãi, nhanh chóng đưa họ lên mặt đất, dĩ nhiên người nặng nhất sẽ ưu tiên, cho ăn ở, cứu chữa chăm sóc tốt. Tạ Long cùng một nữ tù binh y tế Pháp, cô Giơ-nơ-vi-e-vờ Đờ Ga-la đi xuống các hầm, phân loại cho những tù binh bị thương nặng được chuyển lên trước.

Một buổi sáng, tại một cơ sở quân y gần Mường Phăng, một số nhân viên y tế tù binh Pháp được gọi lên, trong đó có Gờ-rô-uynh Gan-dơ, Lơ Đa-ma-ni... và Giơ-nơ-vi-e-vờ Đờ Ga-la để nghe công bố lệnh ân xá của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Giơ-nơ-vi-e-vờ Đờ Ga-la người phụ nữ tù binh duy nhất ở Điện Biên Phủ. Chị vô cùng xúc động vui sướng. Những tù binh Pháp có mặt cũng rất xúc động. Một bác sĩ Pháp nói với Tạ Long có mặt buổi ấy:

- Tôi thật sự cảm phục tấm lòng nhân ái cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tạ Long đã bắt tay chúc Đờ Ga-la lên đường may mắn, mau về với gia đình.

Gần một nghìn tù binh Pháp bị thương đã được giải quyết trong vòng một tháng.

Sau này, Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Tạ Long đã nói với các bạn: "Vượt qua những gian khổ, giành thắng lợi lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã giúp tôi vượt mọi khó khăn, đạt nhiều thành công trong chiến đấu, công tác sau này".

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, giải phóng Thủ đô, hòa bình lập lại, Tạ Long tốt nghiệp Trường đại học Y khoa Hà Nội, nhận công tác tại Sư đoàn 305, Quân y Viện 9 rồi là Trợ lý Nội khoa của Cục Quân y. Trong kháng chiến chống Mỹ, năm 1968 ông nhận quyết định làm Phó đoàn chuyên viên của Tổng cục Hậu cần vào chiến trường miền nam. Ông đã làm Chủ nhiệm khoa Nội Bệnh viện 559, Bệnh viện 46 Kon Tum. Sau Chiến dịch Hồ Chí Minh, trở về bắc, ông được Cục Quân y giao nhiệm vụ nghiên cứu bệnh tiêu hóa trong quân đội.

Ông tổ chức phỏng theo mô hình các đơn vị nghiên cứu của INSERM (Viện Quốc gia về Y tế và Nghiên cứu Y học Pháp) kết hợp với một khoa điều trị trong điều kiện và hoàn cảnh của ta lúc đó. Từ đây ông đã chuyên sâu về các bệnh tiêu hóa. Vừa chữa bệnh vừa nghiên cứu, tập hợp được nhiều chuyên khoa cùng tham gia nên nhiều công trình nghiên cứu của ông và cộng sự đã đem lại hiệu quả thiết thực. Đầu thập kỷ 80 thế kỷ XX, ông cùng Tiến sĩ Dược Nguyễn Xuân Thanh nghiên cứu thành công viên thuốc Almaca, một thuốc chữa bệnh loét dạ dày, tá tràng điều chế từ các nguyên liệu trong nước. Thuốc đã được chứng minh trên thực nghiệm và trên người bệnh: rẻ tiền, phù hợp với người bệnh nghèo mà có hiệu quả cao, được tặng Huy chương Vàng và tới nay vẫn được dùng phổ biến trong quân đội và nhân dân. Từ khi vi khuẩn Helicobacter Pylori được công bố là nguyên nhân chính của bệnh loét dạ dày, tá tràng, việc chữa bệnh này đã có những thay đổi cơ bản. Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, trong khi ở trong nước và ở cả nhiều nước vẫn còn những nghiên cứu thử nghiệm thì Đại tá Tạ Long đã cùng nhiều nghiên cứu sinh miệt mài, kiên trì, lặng lẽ điều trị theo phương pháp của mình, theo dõi bám sát bệnh nhân nhiều năm và chứng minh trong nhiều công trình. Thực tế từ năm 1995 tới nay đã diễn ra đúng như vậy, khoảng 90% số người loét có thể điều trị nội khoa khỏi, không cần phẫu thuật.

Nhiều công trình về bệnh loét, ung thư dạ dày của ông đã được đăng tải trên báo chí trong và ngoài nước hoặc báo cáo tại nhiều hội nghị quốc tế. Ông được nhiều bệnh nhân quý mến không chỉ vì chuyên môn giỏi mà còn vì tấm lòng tận tình vì người bệnh đúng như lời dặn của Bác Hồ: "Thầy thuốc giỏi phải như người mẹ hiền".

Trong lĩnh vực đào tạo, hơn một chục nghiên cứu sinh do ông trực tiếp hướng dẫn đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, luận văn Thạc sĩ. Nhiều người còn được ông tạo điều kiện, giới thiệu đi dự các hội nghị quốc tế, bổ túc sâu tại các cơ sở khoa học nổi tiếng ở nước ngoài mà ông quen biết. Bộ Giáo dục Đào tạo, các Trường Đại học Y Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Quân y đã tín nhiệm mời ông tham gia hàng trăm Hội đồng cấp Nhà nước chấm luận án Tiến sĩ, Thạc sĩ.

Người sinh viên y khoa trong chiến dịch Điện Biên Phủ- Ảnh 2.

Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Long (bên trái). (Ảnh: Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật)

Là một người giỏi ngoại ngữ, ngay từ những năm 60 thế kỷ XX ông đã viết, dịch nhiều cuốn sách chuyên môn từ nhiều thứ tiếng Pháp, Anh, Nga mà đến nay vẫn còn rất giá trị. Hoạt động trong Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam, từ nhiều năm nay, cho đến năm 2012, ông đã cùng đồng nghiệp hàng năm tổ chức các hội nghị khoa học toàn quốc, tổ chức thành công liên tiếp chín Hội nghị Tiêu hóa quốc tế khu vực Đông Nam Á, dùng ngôn ngữ chính là tiếng Anh, Pháp, được bạn bè các nước và trong nước tín nhiệm tham gia ngày một đông đảo.

Ông cho biết: "Tổ chức hội nghị quốc tế vất vả, phức tạp bội phần so với hội nghị trong nước, phải ra thông báo chính thức trước hàng năm, không chỉ tự lo về tài chính, mà nội dung luôn phải đổi mới, lôi cuốn được nhiều báo cáo viên nước ngoài và trong nước tham gia. Chúng tôi mất rất nhiều công sức biên tập, sửa chữa hiệu đính vì bài viết bằng tiếng nước ngoài, in ấn không để sai sót. Điều đáng mừng là chúng tôi đã đạt được mục tiêu: trao đổi cập nhật được kiến thức, kinh nghiệm mới, động viên phong trào nghiên cứu, phát triển khoa học kỹ thuật, học tập ngoại ngữ để hội nhập với bạn bè quốc tế, làm cho họ ngày càng hiểu biết và hợp tác với Việt Nam. Chúng tôi tự hào vì dần đã có nhiều bác sĩ trẻ của ta chững chạc bước lên diễn đàn báo cáo và thảo luận lưu loát bằng tiếng Anh, tiếng Pháp".

Trước mắt ông vẫn bộn bề công việc phải làm và tối tối ở nhà ông vẫn lặng lẽ ngồi trước bàn máy tính...

Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam 27 tháng 2 năm 2013, người ta thấy Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Long có tên trong danh sách một số cán bộ ngành Y toàn quốc được giới thiệu trên một tập sách của Bộ Y tế.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Tuấn Dũng, Chủ tịch Hội Giải phẫu bệnh Việt Nam đã phát biểu: "Giáo sư Tạ Long là người rất tận tụy với bệnh nhân và công việc. Chúng tôi luôn luôn bị cuốn hút bởi những ý tưởng mới, đầy sáng tạo của thầy. May mắn là một trong các học trò của ông được ông tận tình hướng dẫn và giúp đỡ, tôi rất tự hào về người thầy tài năng và mẫu mực của mình".

Trích: "Điện Biên Phủ - Ký ức 60 năm", Nxb Quân đội nhân dân.


Theo Nhân Dân
Ý kiến của bạn