Người say rượu nên ngủ ở tư thế nào và cách chăm sóc ra sao?

SKĐS - Chúc nhau chén rượu đầu Xuân là phong tục của ngày Tết nhưng có nhiều trường hợp quá chén dẫn đến say rượu. Khi có người bị say rượu, người thân cần biết cách xử trí và chăm sóc dinh dưỡng đúng cách để đảm bảo an toàn và tránh ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe.

1. Dấu hiệu nhận biết người bị say rượu

Để nhận biết một người bị say rượu không quá khó. Khi say rượu, nạn nhân thường có biểu hiện:

  • Chếnh choáng.
  • Nói líu lưỡi.
  • Phối hợp vận động cơ thể kém.
  • Mất thăng bằng.
  • Buồn nôn, nôn…

Với những ảnh hưởng này, người bị say rượu sẽ không kiểm soát được lời nói, hành vi và khả năng vận động, rất dễ bị ngã, bị cảm, hạ đường huyết… Vì vậy người thân cần lưu ý chăm sóc xử trí đúng cách.

2. Chăm sóc người say rượu nên làm gì?

- Người thân nên khuyên bảo người say ngừng uống và đi nghỉ. Không để người say tự đi lại hoặc sử dụng phương tiện giao thông sẽ rất nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh.

- Đặt người say ở tư thế nằm nghiêng để phòng nếu bị nôn sẽ tránh được nguy cơ sặc chất nôn vào phổi.

- Cần lưu ý trông chừng, cứ khoảng 1-2 tiếng lại đánh thức người bị say rượu để phòng ngừa nguy cơ nạn nhân bị hôn mê mà người nhà không biết.

Khi bị say rượu nên ăn gì, uống gì? - Ảnh 3.

Nên để người say rượu nằm ở tư thế nằm nghiêng.

- Theo dõi nếu thấy nạn nhân có một trong các dấu hiệu dưới đây cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, cấp cứu kịp thời:

  • Bất tỉnh, gọi hỏi không biết.
  • Thở khò khè, ứ đọng đờm dãi ở miệng họng. Thở yếu, nhịp thở không đều, thở chậm hoặc ngừng thở.
  • Da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh.
  • Tiểu tiện, đại tiện ra quần, đái ít (lượng nước tiểu ít hơn bình thường)
  • Nôn nhiều, đau bụng, bụng chướng.
  • Tê, yếu chân tay, một bên chân tay hoặc một bên mặt, nói ngọng, nhìn mờ.
  • Có dấu hiệu co giật. Trong trường hợp này cần giữ nạn nhân nằm nghiêng để tránh ngã, va đập, không cho các vật cứng vào miệng. Nếu có có dấu hiệu thở yếu, ngừng thở cần hô hấp nhân tạo và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế cấp cứu ngay.

3. Nên cho người bị say rượu ăn gì, uống gì?

3.1.Uống nhiều nước

Khi bị say rượu nên ăn gì, uống gì? - Ảnh 4.

Uống nhiều nước để pha loãng nồng độ cồn trong cơ thể.

- Nên cho người say rượu uống nhiều nước để pha loãng nồng độ cồn trong cơ thể, giúp cho quá trình đào thải rượu được nhanh chóng và phòng ngừa mất nước do nôn.

- Ngoài nước lọc, có thể cho uống thêm các loại nước: nước gừng tươi, nước dưa hấu, nước dừa… cũng có tác dụng giải rượu và phòng ngừa mất nước.

- Cho người say uống trà phật thủ cũng rất tốt. Cách làm: Lấy khoảng 12g phật thủ tươi (hoặc 6g khô) hãm với nước sôi, uống thay trà.

- Nên cho người bị say rượu uống nước cháo loãng hoặc sữa, đường, nước mía... nhằm tránh hạ đường huyết.

3.2. Một số món ăn giải rượu, giải độc, tốt cho người bị say rượu

- Cháo đậu xanh: Nguyên liệu: Đậu xanh 70g. Cách làm: Đậu xanh vo sạch, cho vào nồi cùng với 1 lít nước. Đun sôi cho đến khi đậu xanh chín. Uống nước và ăn đậu.

- Cháo loãng: Nguyên liệu: Gạo tẻ 50g, nấu nhừ thành cháo loãng, thêm muối hoặc đường, cho người bị say rượu ăn khi còn ấm nóng.

- Phở: Một số món ăn nhiều nước, tinh bột, dễ tiêu như phở bò, gà… cũng giúp giải rượu và phòng tránh hạ đường huyết khi bị say rượu.

Khi bị say rượu nên ăn gì, uống gì? - Ảnh 5.

Cháo đậu xanh giải rượu, giải độc, tốt cho người bị say rượu.

Hạ đường huyết là nguy cơ thường gặp ở người bị say rượu. Do nhiều người khi uống rượu có thói quen không ăn trước khi uống, hoặc chỉ uống mà không ăn gì, hoặc ăn rất ít. Đến khi say lại nằm ngủ luôn nên rất dễ bị hạ đường huyết. Vì vậy, nếu người say rượu còn tỉnh táo, người nhà cần chú ý cho uống sữa, cháo loãng. Không nên để người say nằm ngủ li bì mà không ăn gì, cứ sau vài tiếng lại đánh thức và cho uống nước, sữa hoặc ăn cháo.
https://suckhoedoisong.vn/bac-si-tu-v...
5 loại đồ uống có lợi cho người bệnh viêm khớp5 loại đồ uống có lợi cho người bệnh viêm khớp

SKĐS - Đồ ăn, thức uống có thể ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến sức khỏe. Một số loại đồ uống dưới đây có thể giúp giảm viêm và cải thiện triệu chứng ở người bệnh viêm khớp.

Xem thêm video đang được quan tâm

Những điều người cao tuổi cần nắm rõ trước và trong khi đi tiêm vaccine phòng COVID-19


BS. Trọng Nghĩa
Ý kiến của bạn