Hà Nội

Người sáng tạo kỹ thuật mang tên mình...

02-09-2014 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Em vào BV Nội tiết TW không phải nằm ghép đã thích rồi, nhưng có lẽ em và gia đình vui mừng hơn cả là bệnh Basedow của em được chính bàn tay vàng của bác sĩ Lương mổ...

“Em vào BV Nội tiết TW không phải nằm ghép đã thích rồi, nhưng có lẽ em và gia đình vui mừng hơn cả là bệnh Basedow của em được chính bàn tay vàng của bác sĩ Lương mổ...” - đó là chia sẻ của bệnh nhân T.N.H. (Ứng Hòa - Hà Nội) với GS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế khi Bộ trưởng đến thăm và kiểm tra công tác khám chữa bệnh của BV Nội tiết TW cơ sở mới. Niềm vui khi được chính BS. Lương phẫu thuật không phải của riêng bệnh nhân H. mà là của cả 6 bệnh nhân đang nằm trong Phòng Hậu phẫu – BV Nội tiết TW khi chia sẻ với người đứng đầu ngành y tế về sự hài lòng với cán bộ y tế.

Đó là lần đầu tiên tôi được chứng kiến niềm vui, sự hài lòng của chính người bệnh dành cho BS. Lương, thế nhưng, khi quay trở lại BV Nội tiết TW để tìm gặp BS. Lương, trong lúc chờ anh mổ, tôi đã bất ngờ hơn khi thấy người phụ nữ đứng cạnh mình reo lên phấn khởi, niềm vui hiển hiện trên khuôn mặt chị khi xem lịch mổ của Khoa Ngoại thông báo chị sẽ được BS. Lương trực tiếp phẫu thuật...

TS.BS. Trần Ngọc Lương. Ảnh: T.M

TS.BS. Trần Ngọc Lương. Ảnh: T.M

Đem những chứng kiến của mình về sự hài lòng của người bệnh dành cho anh - PGS.TS.BS Trần Ngọc Lương - Phó Giám đốc BV Nội tiết TW kể với anh, tôi chỉ thấy anh cười. Nụ cười hiền từ và gần gũi của người thầy thuốc mà tên của anh cũng chính là tên của kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp “Dr Lương” không chỉ góp phần làm rạng danh cho ngành phẫu thuật ngoại khoa Việt Nam mà còn “xuất khẩu” sang nhiều nước trên thế giới...

Tìm ra con đường mới trong phẫu thuật tuyến giáp

Sinh ra và lớn lên tại Xuân Trường - Nam Định, tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội với tấm bằng bác sĩ nội trú ngoại, năm 1987, bác sĩ trẻ Trần Ngọc Lương về công tác tại BV Bạch Mai với chuyên môn phẫu thuật ổ bụng.

Trong thời gian công tác tại BV Bạch Mai, BS. Lương được cử sang Pháp học mổ nội soi ổ bụng của GS. Venkemell - Đại học Lille. Nhưng cạnh khoa phẫu thuật tiêu hóa là khoa phẫu thuật nội tiết. Ban đầu chỉ là tò mò nhưng sau vài lần được mục sở thị GS. Charle Proye (Chủ tịch Hội Phẫu thuật nội tiết thế giới lúc đó) phẫu thuật, BS. Lương nhận ra phương pháp mổ của giáo sư ưu việt hơn ở Việt Nam, đặc biệt là kỹ thuật bóc tách tuyến giáp, tuyến cận giáp và dây thần kinh quặt ngược. Thấy vậy, BS. Lương đã xin thầy Vankemmel cho được sang học thêm về mổ các bệnh nội tiết. Thấy một bác sĩ  là người Việt ham học hỏi, GS. Proye  đã đồng ý hướng dẫn. Chính cơ hội này đã tạo nên bước ngoặt trong cuộc đời làm nghề thầy thuốc của bác sĩ phẫu thuật ngoại Trần Ngọc Lương...

Về nước và trở lại BV Bạch Mai làm việc, BS. Lương đã đưa kỹ thuật bóc tách bướu cổ mới vào áp dụng và đã có bước tiến về thời gian thực hiện ca mổ bướu cổ so với thông thường. Năm 2001, BS. Trần Ngọc Lương được mời sang BV Nội tiết TW mở và điều hành Khoa Ngoại. Thuở ban đầu đó, BS. Lương được lãnh đạo BV dành kinh phí với vẻn vẹn 500 triệu đồng để xây dựng Khoa Ngoại, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ mổ... BS. Lương nhớ lại, ngày ấy, để tiết kiệm kinh phí cho Khoa Ngoại, anh đã đánh liều về lại BV Bạch Mai xin một số dụng cụ phẫu thuật cũ vẫn có thể sử dụng được đã cất lưu giữ để đem về tái sử dụng. Đầu năm 2002, Khoa Ngoại - BV Nội tiết TW đi vào hoạt động với 10 cán bộ. Lúc này, BS. Trần Ngọc Lương bắt đầu mổ tuyến giáp bằng những kỹ thuật truyền thống cùng với sự mày mò sáng tạo đã cho ra đời kỹ thuật riêng về mổ mở (mổ mở không khâu) cải tiến rất nhiều so với kỹ thuật mổ mở truyền thống mà anh đã được học ở Pháp. Có một chút bước tiến nhưng BS. Lương vẫn mơ ước có thể nội soi phẫu thuật tuyến giáp, trong đó có bướu cổ, để xóa tan vết sẹo xấu xí ở cổ cho bệnh nhân. Thời gian đầu những năm 2000, thế giới chưa có ai làm nội soi tuyến giáp nên dù đã phác ra những viên gạch đầu tiên để bắt đầu kỹ thuật nội soi tuyến giáp, mỗi ca mổ mở đều trăn trở nghĩ làm sao để khi thực hiện mổ nội soi được dễ dàng nhất, nhưng BS. Lương vẫn e ngại.

Đến năm 2003, khi đọc trên mạng thấy thông tin ở Italia và một vài nơi khác bắt đầu manh nha thực hiện phẫu thuật nội soi tuyến giáp, BS. Trần Ngọc Lương đã bắt tay vào chọn bệnh nhân, ban đầu chỉ dám chọn bệnh nhân có đường kính bướu cổ 2 - 3cm và thực hiện ca mổ đầu tiên bằng nội soi. Kết quả thật tuyệt vời, thay vì vết sẹo dài 8 - 12cm ở chân cổ, phẫu thuật bằng nội soi chỉ còn hai vết sẹo nhỏ 1cm ở nách và ngực, thời gian nằm viện giảm xuống chỉ còn 2 - 3 ngày thay vì 7 ngày như thông thường. Vì không còn vết sẹo ở cổ, bệnh nhân rất hài lòng.

TS.BS. Trần Ngọc Lương phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Trần Minh

TS.BS. Trần Ngọc Lương phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Trần Minh

Trước khi có kỹ thuật nội soi phẫu thuật bệnh lý tuyến giáp, các cô, các chị có vết sẹo ở chân cổ là dấu hiệu mới đi mổ bướu cổ về. Phụ nữ ai cũng thích đẹp, vết sẹo chân cổ ở vị trí dễ lộ, chị em phải tìm đủ cách để che vết sẹo, thậm chí quanh năm phải mặc áo kín cổ. Theo thống kê, số người mắc bướu cổ chiếm từ 7 - 10% dân số, trong đó nữ giới mắc bệnh cao gấp 4 - 7 lần nam giới. Mỗi lần phẫu thuật tuyến giáp, các bệnh nhân nữ lại khổ sở với các vết sẹo dài ở cổ. Với trăn trở tại sao lại không áp dụng kỹ thuật mổ nội soi trong việc điều trị các bệnh tuyến giáp, BS. Trần Ngọc Lương vận dụng những kiến thức y học đã được tiếp thu từ hai người thầy của mình, bắt đầu tìm ra con đường mới trong phẫu thuật tuyến giáp.

Ðem kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp đi “xuất khẩu”

Chỉ bằng những dụng cụ đơn giản, không cần đến những thiết bị mổ nội soi phức tạp, thời gian nhanh chóng lại hiệu quả về thẩm mỹ giúp các bệnh nhân mắc bệnh tuyến giáp vượt qua những mối lo và di chứng sau khi phẫu thuật. Trong khi ở Hàn Quốc, phẫu thuật tuyến giáp bằng robot mất gần 2 giờ đồng hồ thì kỹ thuật của Dr Lương chỉ mất 20 - 30 phút nhưng vẫn đảm bảo được an toàn, sau đó chỉ cần 2 - 3 ngày là bệnh nhân có thể xuất viện được. Ưu điểm của mổ nội soi là không để lại sẹo trên cổ. Mặt khác, khi mổ nội soi, đường rạch da nhỏ, chỉ khoảng 0,5 - 1cm (lồng từ nách và lồng ngực lên cổ) nên bệnh nhân không cảm thấy khó chịu khi nuốt, thở, thời gian phục hồi ngắn hơn nhiều so với mổ mở cổ điển... Ngoài bướu cổ, đến nay, tất cả các bệnh lý tuyến giáp, trong đó có cả bệnh nhân ung thư tuyến giáp có di căn hạch đã được phẫu thuật bằng nội soi. Nhờ có ống kính phóng đại và khả năng đưa camera vào sâu hơn, việc vét hạch di căn ở bệnh nhân ung thư tuyến giáp cũng triệt để hơn.

Theo PGS.TS. Lương, tuyến giáp nằm ở cổ không có khoang sẵn như khoang ngực, khoang bụng, vì thế, để lấy được các khối u, bác sĩ phải tạo ra được “khoang làm việc” ở vùng cổ. Tuy nhiên, do tuyến giáp có liên quan mật thiết đến dây thần kinh nói và tuyến cận giáp (tuyến điều hòa canxi trong cơ thể) nên việc mổ cắt tuyến giáp bằng nội soi không đơn giản. Để khắc phục, anh sáng tạo kỹ thuật dùng khí CO2 để tạo khoang làm việc sau khi bóc tách các thành phần dưới da; đồng thời bộc lộ tuyến giáp theo cách riêng của chính mình đã làm cho việc xử lý thương tổn bên trong cũng an toàn và thuận lợi hơn.

PGS.TS. Trần Ngọc Lương cũng cho biết, ung thư tuyến giáp (thể nhú) nếu được mổ sớm và dùng iốt phóng xạ hỗ trợ thì tỷ lệ sống thêm 15 - 20 năm hoặc khỏi hẳn lên đến hơn 80%.

Hiện tại, ngoài công việc quản lý bệnh viện, làm chuyên môn điều trị cho các bệnh nhân ở BV Nội tiết TW, PGS.TS. Trần Ngọc Lương còn thường xuyên tham gia giảng dạy tại các khóa học chuyển giao kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp của mình ở khắp các nước Thái Lan, Malaysia, Úc, Singapore, Ấn Độ, Indonesia... Có những lần được các bệnh viện ở khắp nơi trên đất nước Malaysia mời giảng dạy, anh đã phải di chuyển bằng máy bay tới 6 lần trong 3 ngày liên tục. Vừa giảng dạy vừa tiến hành mổ mẫu cho học viên xem, kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp của Dr Lương được các giáo sư đánh giá rất cao về tính hiệu quả và ưu việt của nó.

Thời gian đầu tiên khi vốn tiếng Anh còn chưa được trau chuốt, mỗi lần đứng trước một hội thảo hay một khóa học quốc tế, anh phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng để có thể nói một cách lưu loát, dễ hiểu nhất. Đến bây giờ, khi việc giảng dạy quốc tế đã trở thành một phần công việc thì anh lại cố gắng giao lưu, học hỏi thật nhiều để tiếp xúc được với nền y học tiên tiến của các nước. “Năm 2007, tôi đi báo cáo về kỹ thuật nội soi bệnh lý tuyến giáp ở Ấn Độ và được chú ý, vì so với kỹ thuật tương tự đang thực hiện trên thế giới, kỹ thuật bóc tách khối u của tôi khác hẳn, bằng cách đi theo đường ngang, tách cơ theo lớp giải phẫu, giúp kiểm soát mạch máu dễ hơn, chống chảy máu. Kỹ thuật này cũng giúp giảm ảnh hưởng đến hai vị trí dễ biến chứng là dây thần kinh quặt ngược - dễ ảnh hưởng đến khả năng nói sau mổ và tuyến cận giáp - dễ tê tay chân sau mổ”, BS. Lương cho biết.

Khẳng định được tất cả những mặt ưu việt nhất của kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp là hơn mười năm làm việc không biết mệt mỏi của PGS.TS. Trần Ngọc Lương với những quan sát, nhận xét diễn biến bệnh tật và mối lo âu của người bệnh. Sáng tạo của anh trong phẫu thuật nội soi tuyến giáp đã giải quyết hết tất cả những vấn đề khó khăn xung quanh việc phẫu thuật tuyến giáp: an toàn, hiệu quả, nhanh gọn và thẩm mỹ. Điều đáng nói hơn là kỹ thuật của anh đã được khẳng định với các nước châu Á có nền y học phát triển như Singapore, Thái lan, Malaysia, Indonesia...

Chính vì thế, kỹ thuật phẫu thuật nội soi tuyến giáp của BS. Trần Ngọc Lương đã trở thành 1 trong 15 thành tựu y khoa độc đáo nhất 10 năm qua được ngành y tế tôn vinh vào dịp ngày lễ truyền thống của nghề y - ngày 27/2 cách đây không lâu.

TS.BS. Trần Ngọc Lương khám cho bệnh nhân tại Malaysia.

TS.BS. Trần Ngọc Lương khám cho bệnh nhân tại Malaysia.

Bác sĩ ngoại “xếp hàng” học kỹ thuật Dr Lương

Thông thường, bệnh nhân mắc bệnh về tuyến giáp thường có tâm lý sính ngoại khi nghĩ rằng việc điều trị hay phẫu thuật ở Singapore tốt hơn ở Việt Nam nhưng. BS. Trần Ngọc Lương cho biết: Để cắt một thùy tuyến giáp ở BV Elisabeth của Singapore mất từ 6 - 10 ngàn USD, nhanh nhất trong vòng 2 tiếng, trong khi đó, phẫu thuật tại BV Nội tiết TW mất khoảng 300 USD trong thời gian ngắn mà vẫn an toàn, hiệu quả và thẩm mỹ, 3 ngày sau, bệnh nhân có thể ra viện. Có lẽ vì thế mà trong khi nhiều bác sĩ trẻ ở Việt Nam luôn mong muốn xuất ngoại để nâng cao tay nghề thì nhiều giáo sư, bác sĩ ở các nước như Úc, Singapore, Malaysia, Ấn Độ, Indonesia... lại khăn gói sang Việt Nam để mong học được kỹ thuật mổ tuyến giáp mang tên Dr.Lương. Tính từ tháng 7/2009 đến nay, đã có hơn 220 thầy thuốc, cán bộ y tế của nhiều nước trên thế giới đến Việt Nam “tầm sư học đạo” kỹ thuật mổ tuyến giáp của Dr Lương.

Ở trong nước, đến nay, các BV Chợ Rẫy, Hoàn Mỹ Cửu Long Cần Thơ, Đa khoa Cần Thơ, Việt Tiệp Hải Phòng, Đa khoa Nghệ An... cũng đã học và triển khai phẫu thuật nội soi bệnh lý tuyến giáp cho bệnh nhân địa phương.

Vừa trở về từ hội nghị phẫu thuật đầu mặt cổ thế giới lần thứ 5 được tổ chức tại Mỹ, PGS.TS. Trần Ngọc Lương cho biết, báo cáo của anh về kết quả phẫu thuật nội soi tuyến giáp tại BV Nội tiết TW nói riêng và của Việt Nam nói chung đã  được bạn bè thế giới đánh giá cao. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu BS. Lương có mặt tại các hội nghị mang tầm quốc tế về phẫu thuật mà ông đã tham gia báo cáo, là chủ tọa tại nhiều hội nghị về phẫu thuật Nội tiết châu Á - Thái Bình Dương, phẫu thuật nội soi châu Á - Thái Bình Dương rồi Hội nghị Phẫu thuật ngoại khoa thế giới...

Lật giở cho chúng tôi xem những bức ảnh bệnh nhân đầu tiên được phẫu thuật bằng “kỹ thuật Dr Lương”, PGS.TS. Trần Ngọc Lương tâm sự, thật may mắn là 10 ca đầu tiên đều thành công tốt đẹp. Nhìn người bệnh khỏe mạnh trở lại, tâm trạng phấn khởi vì ở cổ không có sẹo, anh và các đồng nghiệp của mình như được tiếp thêm sức mạnh, tiếp tục nghiên cứu áp dụng các kỹ thuật mới tiên tiến hơn để mở rộng chỉ định mổ. Từ năm 2003 đến nay, đã có khoảng 3.500 ca bệnh về tuyến giáp được phẫu thuật thành công bởi kỹ thuật của người bác sĩ sáng tạo ra nó - kỹ thuật mổ nội soi Dr Lương.

Trong câu chuyện của chúng tôi, BS. Trần Ngọc Lương kể rằng, trên hành trình đi đến sự thành công của kỹ thuật phẫu thuật nội soi tuyến giáp, anh đã trải qua nhiều giai đoạn phải trăn trở, suy nghĩ và nản đến mức muốn buông tay, muốn từ bỏ, nhưng rồi nghĩ đến người bệnh, đặc biệt là chị em phụ nữ mắc bệnh về tuyến giáp, anh lại miệt mài với công việc, lại hăng say tìm đọc tài liệu để bồi đắp thêm kiến thức cho mình, để vượt qua những điều tiếng, những thị phi của đời thường... và để thực hiện được ước mơ mổ được tốt nhất cho những trường hợp khó, những bệnh nhân ung thư tuyến giáp đến muộn nhằm cải thiện chất lượng sống cho họ...

Nguyễn Hoàng

 


Ý kiến của bạn