Cô gái nghèo đam mê khoa học
Marie Curie (7/11/1876- 4/7/1934) tên thật là Maria Sklodowska, sinh tại Ba Lan. Bà là con út trong gia đình 5 anh chị em, cha mẹ là những giáo viên nghèo. Ngay từ nhỏ, Marie đã bộc lộ tư chất thông minh hơn người, luôn tìm tòi, vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong thế giới khoa học nhiều bí ẩn, lý thú. Ở Ba Lan thời đó, các trường đại học không nhận phụ nữ, Marie đành theo học tại "trường đại học lưu động" do các trí thức yêu nước bí mật thành lập.
Marie phải làm gia sư cho nhà điền chủ giàu có trong vùng để có tiền trang trải việc học. Sau 5 năm kiên trì làm gia sư, nhờ sự giúp đỡ của chị gái cả, khi 24 tuổi Marie mới được sang học Đại học danh tiếng Sorbone ở Paris. Tại đây, Marie đã dành tất cả thời gian và tâm sức cho học tập và nghiên cứu khoa học.
Với những nỗ lực phi thường, chỉ một thời gian ngắn sau Marie nhanh chóng trở thành một trong những sinh viên xuất sắc nhất của trường. Bà đã được cấp bằng Thạc sĩ Vật lý khi còn là sinh viên năm thứ 3, bằng Thạc sĩ số học khi học năm thứ 4. Ngoài ra, Marie còn nói, viết thành thạo tiếng Pháp, Anh, Đức, Nga.
Cuộc sống của Marie khi học đại học chỉ trông chờ vào số tiền đã dành dụm được trong 5 năm làm gia sư. Điều kiện sinh hoạt kham khổ khiến Marie bị thiếu máu và thường hay bị ngất. Vùi đầu vào nghiên cứu, học tập, Marie dường như chưa từng nghĩ tới chuyện yêu đương, hôn nhân.
Song chính trên con đường gập ghềnh và chông gai chinh phục đỉnh cao khoa học, vào năm 1894 Marie Klodowska đã gặp và kết hôn với một nhà khoa học danh tiếng của Pháp là Pierre Curie.
Người cộng sự khoa học hoàn hảo
Pierre Curie (1856 – 1906), một nhà khoa học nổi tiếng với những phát minh về hiện tượng điện áp, chiếc cân và định luật từ tính mang tên Curie. Nhà Vật lý Pierre cũng là một người có tâm hồn nghệ sĩ, viết văn, làm thơ, yêu âm nhạc... và cùng niềm đam mê khoa học với Marie.
Hai năm sau khi kết hôn, Marie sinh con gái đầu lòng và chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ. Bà chọn đề tài nghiên cứu là hiện tượng phóng xạ của nguyên tố Urani.
Hai vợ chồng Marie và Pierre phải chạy vạy nhiều nơi mới mượn được một gian hầm ẩm thấp làm phòng thí nghiệm và bắt đầu nghiên cứu với hàng ngàn phép tính toán và đo đạc.
Phải đến gần 10 năm sau, vợ chồng Curie phát hiện một nguyên tố phóng xạ có cường độ phóng xạ mạnh gấp 400 lần so với Urani nguyên chất. Nguyên tố đó được đặt tên là Poloni theo tên của quê hương Ba Lan của bà. Ít lâu sau, họ tiếp tục phát hiện ra nguyên tố có cường độ phóng xạ cực mạnh là Radi. Quá trình tinh luyện Radi từ quặng Pêchbơlăng rất vất vả, tốn kém nên vợ chồng nhà bác học đã quyết tâm tìm cách sáng chế.
Sau 4 năm ròng rã với hàng ngàn thí nghiệm, 2 vợ chồng Curie đã luyện thành công chất Radi. Với thành công này, năm 1903, Viện Khoa học Hoàng gia London trao tặng 2 ông bà Huy chương Devy và một tháng sau Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển trao tặng 2 người giải thưởng Nobel Vật lý. Trường đại học Paris phong tặng bà Marie Curie danh hiệu Tiến sĩ khoa học Vật lý xuất sắc.
Tuy nhiên, năm 1906, một tai họa đã đột ngột giáng xuống cuộc đời của Marie Curie. Trên đường tới Viện Hàn lâm khoa học, người chồng Pierre bị tai nạn giao thông và qua đời. Marie Curie không chỉ mất đi một người chồng hết mực yêu thương, mà còn mất đi một chiến hữu, cộng sự đồng cam cộng khổ, một chỗ dựa vững chắc trên con đường vươn tới đỉnh cao khoa học.
Một năm sau, Marie Curie được nhận chức giáo sư và thay thế chồng giảng dạy tại trường đại học và trở thành nữ giáo sư đầu tiên ở Trường đại học Paris. Với nghị lực phi thường, vừa một mình nuôi 2 con nhỏ, vừa đảm đương công việc dạy học và nghiên cứu khoa học, năm 1911, Marie Curie lại một lần nữa nhận giải Nobel Hóa học. Chính phủ Pháp quyết định tặng bà Huân chương Bắc đẩu bội tinh.
“Mẹ đẻ” của công nghệ X-quang
Trong quá trình nghiên cứu khoa học, Marie Curie cùng với chồng mình đã phát hiện ra 2 nguyên tố quan trọng trong bảng tuần hoàn hóa học: Polonium và Radium. Công trình nghiên cứu này đã mở đường cho cho sự ra đời của tia X-quang, dẫn đến nhiều tiến bộ trong y học.
Ngày nay, những tiến bộ đạt được trong công nghệ X-quang cho phép chẩn đoán bệnh, đồng thời biện pháp xạ trị còn được sử dụng trong điều trị ung thư.
Năm 1914, nghiên cứu Radium Institute của Marie Curie được hoàn thành đúng vào lúc Thế chiến I bùng nổ và cũng là lúc các đồng nghiệp nam trong phòng thí nghiệm của bà phải ra trận.
Marie Curie đã tạo được 1 gram radium để sử dụng cho nghiên cứu, không đủ để thử nghiệm trong chiến tranh. Marie Curie muốn làm điều gì đó đóng góp cho cuộc chiến. Bà sẵn sàng hiến tấm huy chương Nobel để lấy vàng quyên góp nhưng Chính phủ Pháp và ngân hàng không đồng ý. Vì vậy, Marie Curie đã tặng toàn bộ số tiền giải Nobel để mua trái phiếu chiến tranh. Bà quyết định làm một điều gì đó thiết thực hơn, đó là sử dụng X-quang vào chăm sóc y tế cho những người bị thương trong chiến tranh. Theo Marie Curie, X-quang sẽ là một công nghệ mới hữu ích, có thể cứu được nhiều binh sĩ. Với ý tưởng nhân văn nói trên, Marie Curie đã được Hội Chữ thập đỏ Quốc tế (IRC) bổ nhiệm làm Giám đốc dịch vụ X-quang của IRC.
Để hoàn thành sứ mệnh cao cả nói trên, Marie Curie đã tự nghiên cứu giải phẫu học, tự học cách lái và sửa chữa xe. Chưa hết, bà còn tự học cách sử dụng máy X-quang và đào tạo các chuyên gia y tế về cách việc sử dụng thiết bị này. Bà còn đích thân phát động chiến dịch gây quỹ, tính đến tháng 10/1914, bà xây dựng thành công một đơn vị X-quang di động đặt trong xe tải Renault đặt tên là "Petites Curies" đi kèm với máy phát điện, giường bệnh.
Đáng buồn, một lần nữa, Marie Curie lại phải bán ý tưởng cho một cơ sở y tế, giống như bà từng làm, bán nghiên cứu khoa học của mình, chỉ giữ lại một thứ riêng cho mình là danh xưng “nhà nghiên cứu khoa học” đúng theo nghĩa đen. Công nghệ X-quang được đưa tới Marne, nơi đang diễn ra chiến tranh ác liệt để thử nghiệm và kiểm định đánh giá trị của thiết bị trong môi trường thực tế. Nhờ thiết bị nói trên, các bác sĩ quân y có thể phát hiện được những viên đạn và mảnh đạn còn găm lại trong cơ thể thương binh. Thông qua các phim chụp X- quang, công việc của bác sĩ phẫu thuật trở nên dễ dàng hơn, chính xác hơn, nhờ vậy đã cứu sống được nhiều người.
Ngoài đoàn xe “Petites Curies” di động, Marie Curie còn muốn xây dựng thêm 200 đơn vị chụp X-quang cố định. Tuy nhiên, quân đội vẫn nghi ngờ về ý tưởng của bà, họ chỉ coi trọng công nghệ quốc phòng như xe tăng, thiết giáp, máy bay hay súng máy và ít quan tâm đến tính mạng con người.
Ngoài phương tiện chụp X-quang di động, Marie Curie còn đào tạo kỹ thuật X-quang cho hơn 150 phụ nữ, giúp họ đọc được phim, chẩn đoán hình ảnh chính xác. Hơn một triệu lính Pháp được hưởng lợi từ phòng chụp X-quang di động “Petites Curies” và khả năng tiếp cận của các máy X-quang tại hiện trường.
Năm 1918, khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, giống như những người dân Paris khác, Marie Curie đã xuống đường ăn mừng kết thúc chiến tranh và bà đã tự lái chiếc “Petites Curies” cùng cỗ máy X-quang "anh hùng" trong buổi diễu binh đầy kiêu hãnh.
Người đặt nền tảng của xạ trị trong y học hiện đại
Nghiên cứu của Curie đã giúp phát triển bức xạ thành một công cụ điều trị tế bào ung thư - nền tảng của xạ trị trong y học hiện đại ngày nay mặc dù phương pháp xạ trị đã có sự cải tiến. Vào thời điểm đó, bà đã dùng ống thủy tinh nhỏ với Radon (một loại khí phóng xạ) chèn vào các khu vực của khối u làm cho chúng co lại.
Marie Curie đã hiến thân cho khoa học dũng cảm và vô tư. Sau khi chất Radi xuất hiện, người ta phát hiện tia phóng xạ của nó có thể xuyên qua cơ thể, phá hoại các tế bào bệnh lý, do đó Radi trở thành một vũ khí hữu hiệu chống bệnh ung thư. Giới đầu tư các nước đua nhau trả giá thật cao để mua phương pháp tinh luyện Radi của bà. Có người khuyên bà cách độc quyền lũng đoạn. Nhưng bà không hám lợi. Bà cho rằng phát minh khoa học là để mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại, chứ không phải mưu lợi cho cá nhân. Vì thế bà đã công bố cho toàn thế giới biết phương pháp tinh luyện Radi.
Năm 1914, bà được cử làm Giám đốc Viện Radi ở Paris. Đây là cơ sở đầu tiên sử dụng Radi điều trị bệnh ung thư. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Marie Curie cùng con gái là Iren đã ra sức ứng dụng tia Radi để cứu người.
Năm 1921, Marie Curie trên cương vị Giám đốc Viện Radi cùng con gái là Iren sang thăm nước Mỹ. Tổng thống Mỹ đã tặng bà một gram Radi. Bà đã đề nghị ghi rõ trong chứng thư rằng đó là món quà tặng bà để tiến hành nghiên cứu khoa học chứ không phải để làm tài sản riêng.
Năm 1922, bà được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Pháp. Cùng năm này, Ủy ban Quốc tế hợp tác tri thức của Hội Quốc liên tại Geneve bầu bà làm Phó chủ tịch của tổ chức. Bà đã cống hiến cả sinh mạng cho khoa học.
Mặc dù là một nhà khoa học tài ba, các phát minh của bà đã cứu hàng triệu người nhưng cuối cùng sự cống hiến của Marie Curie vẫn không mang lại kết cục tốt đẹp cho chính cuộc đời bà. Phơi nhiễm bức xạ đã làm cho sức khỏe của bà trở nên tồi tệ. Do phơi nhiễm phóng xạ nhiều năm, đặc biệt là để các ống nghiệm ngay trong túi áo nên bà đã bị nhiễm phóng xạ nặng, mắc bệnh bạch tạng trầm trọng, qua đời năm 1934. Ngày nay, những cuốn sổ tay của bà lưu lại trong Thư viện Quốc gia ở Paris vẫn còn chứa độc tố phóng xạ, nó nặng đến nỗi những ai muốn tiếp cận với các tài liệu này phải mang trang phục phòng hộ.
Thi hài của bà được mai táng tại ngoại ô Paris, bên cạnh Pie Curie. Năm 1995, tro cốt của vợ chồng bà được đưa vào điện thờ Panthéon ở Paris. Đó là nơi an nghỉ của những vĩ nhân làm rạng danh nước Pháp và nhân loại. Đến nay, Marie là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất tại đền thờ này.
Để ghi nhớ cống hiến lớn lao của nữ bác học kiệt xuất trong việc nghiên cứu các nguyên tố mang tính phóng xạ, người ta đã gọi đơn vị cường độ tính phóng xạ là "Curie".
Dù đã qua đời, nhưng các chuyên gia đã bình chọn nhà vật lý Marie Curie là người phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất thế giới, theo danh sách công bố năm 2018 trên BBC History.
Nữ bác học lừng danh mọi thời đại này chứng minh một người thành công không cần đến phòng thí nghiệm hiện đại, phòng thu lớn hay những trang thiết bị tối tân. Tất cả những gì họ cần là sự tò mò trước những điều mới lạ, một mục đích rõ ràng, sự cống hiến không ngừng nghỉ và tốt hơn hết, có một người đồng hành cùng hướng đến những điều tốt đẹp nhất trong công việc.
Lịch sử y học thế giới có đoạn viết: Marie Curie là nữ bác học vĩ đại nhất có đóng góp rất to lớn cho ngành y khoa đương đại. Nhờ sự hy sinh to lớn ấy mà hàng tỷ người ngày nay được hưởng lợi từ phương pháp chụp X-quang và xạ trị điều trị ung thư từ những nền tảng bà đã phát minh ra. Nữ bác học đã chết vì bệnh ung thư và để đem lại sự sống cho các bệnh nhân ung thư. Ngày nay, nhiều viện nghiên cứu và cơ sở giáo dục, trung tâm y tế trên thế giới được đặt theo tên của Marie Curie để khắc ghi công lao to lớn của bà.