Hà Nội

Người phụ nữ “quét sạch” bạo lực gia đình

20-04-2014 15:18 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Nhờ mô hình chống bạo lực gia đình, GS. Lê Thị Quý từng lọt vào danh sách 1.000 phụ nữ thế giới được đề cử giải Nobel Hoà bình.

GS. Lê Thị Quý từng lọt vào danh sách 1.000 phụ nữ thế giới được đề cử giải Nobel Hoà bình. Bà là thành viên của một số tổ chức quốc tế: “Con đường đi lên của châu Á” (ARENNA); Tổ chức Phát triển luật pháp của phụ nữ châu Á (APWLD); “Nhóm phụ nữ châu Á”

GS. Lê Thị Quý, người tâm huyết với việc mang lại hạnh phúc cho mọi gia đình, bằng việc nói không với bạo lực gia đình
GS. Lê Thị Quý, người tâm huyết với việc mang lại hạnh phúc cho mọi gia đình, bằng việc nói không với bạo lực gia đình

GS.TS. Lê Thị Quý là người đầu tiên nghiên cứu về bạo lực gia đình ở Việt Nam (1989) và là một trong những nhà nghiên cứu về xã hội học, gia đình học hàng đầu của Việt Nam.

Những dự án và mô hình chống bạo lực gia đình (BLGĐ) của bà đã hàn gắn hạnh phúc cho biết bao gia đình, góp phần thúc đẩy quá trình bình đẳng giới ở Việt Nam. Bà chính là GS. Lê Thị Quý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển.

Từ mô hình nhà lánh nạn cộng đồng...

GS.TS. Lê Thị Quý là người đầu tiên nghiên cứu về bạo lực gia đình ở Việt Nam (1989) và là một trong những nhà nghiên cứu về xã hội học, gia đình học hàng đầu của Việt Nam.

Năm 2005, GS. Lê Thị Quý có tên trong danh sách 1.000 phụ nữ thế giới được đề cử giải Nobel Hoà bình. Bà là thành viên của một số tổ chức quốc tế: “Con đường đi lên của châu Á” (ARENNA); Tổ chức Phát triển luật pháp của phụ nữ châu Á (APWLD); “Nhóm phụ nữ châu Á” phụ trách phần Việt Nam, Thường vụ Hiệp hội Công tác xã hội và dạy nghề Việt Nam.

Năm 2010, GS. Lê Thị Quý bảo vệ thành công đề tài cấp Nhà nước “Cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng gia đình Việt Nam đến năm 2020”.

Cho đến nay, Dự án “Nhà lánh nạn tại cộng đồng” của GS. Lê Thị Quý vẫn được coi là mô hình thành công và hiệu quả nhất trên cả nước trong việc chống nạn BLGĐ. Ngồi cùng bà xem cuốn băng tư liệu quay lại một trong những mô hình nhà lánh nạn cộng đồng tại thị trấn Thanh Nê, Kiến Xương, Thái Bình, tôi đã được bà kể cho nghe câu chuyện về cuộc vận động đầy khó khăn để có được những dự án thành công thời điểm hơn chục năm về trước.

Năm 2002, theo kết quả điều tra xã hội học do GS. Lê Thị Quý phụ trách, hai địa phương là thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình và xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình là một trong những nơi đang xảy ra tình trạng BLGĐ mạnh mẽ nhất. Ở đây đang tồn tại những hình thức BLGĐ mà chỉ nghe thôi đã khiến người ta phải đau xót: chồng đánh vợ què chân, đâm vợ thủng ruột, đuổi đánh đòi giết vợ, dọa nhét phân bò vào mồm vợ,...

Đứng trước thực trạng đau lòng đó, GS. Quý đã quyết định bắt tay vào xây dựng những dự án BLGĐ tại chính những địa phương trọng điểm này. Trước đó, từ năm 1989, bà đã được biết đến là người đầu tiên nghiên cứu về vấn đề BLGĐ và bình đẳng giới ở Việt Nam nhưng mới chỉ trên cơ sở lý thuyết. Bởi vậy, mặc dù có khá nhiều công trình nghiên cứu và nhiều cuốn sách do bà viết về BLGĐ thế nhưng thực tế ở Việt Nam cùng với truyền thống văn hóa làng xã đã không dễ dàng để bà thực hiện các dự án vì cộng đồng của mình.

GS. Quý hướng dẫn sinh viên Trường đại học Thăng Long phương pháp nghiên cứu về vấn đề gia đình Việt Nam hiện nay.
GS. Quý hướng dẫn sinh viên Trường đại học Thăng Long phương pháp nghiên cứu về vấn đề gia đình Việt Nam hiện nay.

Điều bà nhận ra rõ nhất sau rất nhiều lần tham dự các cuộc hội thảo quốc tế về BLGĐ và bình đẳng giới đó là thực tế đặc thù ở Việt Nam. Biện pháp mà các nước trên thế giới vẫn đang sử dụng phổ biến đó là xây dựng những ngôi nhà lánh nạn tập trung để hỗ trợ các nạn nhân BLGĐ. Đây là điều không thể ở Việt Nam, bởi điều kiện kinh phí đất nước không cho phép và quá khó khăn để những nạn nhân BLGĐ ở Việt Nam có thể tìm đến. Do đó, bà đã làm theo cách của riêng mình.

GS. Quý bắt đầu thực hiện dự án của mình tại xã Vũ Lạc với việc thành lập Ban quản lý (BQL) dự án là chính quyền của địa phương đó, bao gồm: công an, tư pháp, các đoàn thể như Hội Cựu chiến binh (CCB)... Trưởng BQL là Phó Chủ tịch xã, Hội phụ nữ làm Phó ban. Bởi theo bà, phải có chính quyền vào cuộc thì dự án mới có thể thành công được.

Việc thuyết phục chính quyền địa phương vào BQL cũng là một quá trình cải cách nhận thức không hề dễ dàng. Bởi văn hóa Việt Nam, đàn ông đánh vợ được coi là chuyện bình thường. Nên tâm lý chính quyền và người dân Vũ Lạc ngày đó cũng nhận thức đây là việc hết sức bình thường. Do đó chính quyền không công nhận, thậm chí còn giấu giếm việc địa phương mình có BLGĐ. Chỉ khi có kết quả điều tra xã hội học của từng nhà dân, GS. Quý cùng đoàn quay lại, lúc bấy giờ chính quyền mới công nhận. Và sau quá trình thuyết phục, tập huấn về hệ lụy của nạn BLGĐ, về lợi ích của việc đẩy lùi nó, nhận thức của địa phương mới thay đổi và quyết định tham gia vào QBL.

Sau khi thành lập xong BQL, bà bắt tay vào tổ chức chiến dịch truyền thông tại địa phương. Bắt đầu là việc thành lập các lớp tập huấn về BLGĐ. Sau đó đoàn mang băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền đi khắp các xóm làng của Vũ Lạc,...

Sau chiến dịch truyền thông, bà lập ra một địa chỉ hotline tại địa phương đó. Thế là từ trẻ con, hàng xóm trước kia không biết về BLGĐ thì giờ là những người tích cực đưa tin.

Khi có tin rồi, thì bước tiếp theo giải quyết thế nào. Bà lại nghĩ ra sáng kiến phải thành lập ngay đội can thiệp nhanh. Đội can thiệp này phải có công an và những anh thanh niên to khỏe, đến ngay hiện trường để ngăn chặn nạn nhân không tiếp tục bị bạo lực khi có thông tin báo.

Sau khi nạn nhân chạy thoát, vấn đề lại được đặt ra là họ sẽ lánh nạn ở đâu để không bị bạo lực tiếp. Đặc thù ở các làng quê Việt Nam, người vợ bị bạo hành chạy về nhà bố mẹ thì lại bị bố mẹ đưa về trả lại do sợ mất mặt với gia đình chồng. Nạn nhân chạy sang nhà anh, chị em gái lánh nạn thì cũng bị áp chế. Còn chạy sang hàng xóm, nếu hàng xóm bênh vực thì bị nghi là bồ bịch nên nạn nhân rất khó để tìm kiếm chỗ an toàn.

GS. Lê Thị Quý đã nghĩ ra trạm y tế xã vừa là nơi có thể chữa trị vết thương, vừa có thể bảo toàn tính mạng. Nhưng các trạm y tế xã lại ở nơi quá xa, nạn nhân bị bạo hành sẽ không thể chạy kịp đến đó để trú ẩn. Đang trong lúc bế tắc thì chính nhờ sáng kiến của người dân thị trấn Thanh Nê là dùng chính nhà của Hội trưởng CCB hay Hội trưởng Hội phụ nữ để làm địa chỉ tin cậy, đã giúp bà xây dựng được mô hình một cách hoàn hảo. Bởi chạy vào nhà của những người này thì các ông chồng không dám làm càn nữa. Và những địa chỉ như thế này lại rất gần gũi và thuận tiện cho nạn nhân bị chồng bạo hành.

...đến quét sạch bạo lực gia đình

Đó chính là sáng kiến được nảy sinh từ thực tế một vụ bạo lực gia đình ở thị trấn Thanh Nê ngày đó. Ông chồng này đánh vợ một cách dã man và khóa cửa lại để hàng xóm không ai biết. Khi bị phát hiện, hàng xóm đập cửa xông vào, người vợ trốn thoát được và chạy sang nhà một ông CCB gần đó. Sau đó người chồng vẫn không tha, vác rìu sang nhà ông CCB nọ để bắt vợ về. Ông CCB đã can thiệp và nói rõ với chồng nạn nhân đây là hành động vi phạm pháp luật và dọa ngày mai chính quyền sẽ đến làm việc thì ông chồng này mới chịu đi về. Lần đó nếu không có sự can thiệp kịp thời thì có thể án mạng đã xảy ra.

Kể đến đây bà đã không giấu được niềm vui khi mà ngày ấy chiến dịch của bà được chính những người dân hưởng ứng mạnh mẽ và chủ động tham gia. Có được sự đồng thuận của cộng đồng thì thành công dường như nắm chắc, vấn đề còn lại chỉ là thời gian.

Tiếp sau đó là sáng kiến công bố công khai địa chỉ tin cậy trên loa truyền thanh địa phương. Nói rõ sẽ bắt ngay kẻ nào vi phạm vì như thế là chống người thi hành công vụ. Sau một loạt những hành động quyết liệt đó, những ông chồng đánh vợ ở địa phương đã sợ nem nép. “Tại Vũ Lạc, Thanh Nê đã gần như sạch bóng bạo lực gia đình. Giờ chỉ còn chuyện vợ chồng cãi nhau lặt vặt, không còn chuyện xô xát, đánh vợ nữa”, GS. Quý vui mừng chia sẻ với chúng tôi.

Hiện nay, tại thị trấn Thanh Nê có 43 địa chỉ tin cậy, còn Vũ Lạc có 35 địa chỉ tin cậy. Ở hai địa phương này hiện nay tỷ lệ số vụ bạo lực gia đình đã giảm đến hơn 90% so với trước đó. Sau mô hình thành công này, GS. Lê Thị Quý đã cho triển khai ở một số tỉnh thành như: Phú Thọ, Nam Định, Hà Nội... Và ở địa phương nào triển khai dự án, số vụ BLGĐ cũng giảm một cách đáng kể.

Sau này trong Luật Phòng chống Bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy trong dự án của bà đã được đưa vào làm điển hình để phát triển trong các cộng đồng.

Giành hơn 20 năm nghiên cứu và hoạt động chống BLGĐ, điều làm GS. Lê Thị Quý hạnh phúc nhất đó là mỗi lần về thăm lại dự án ở các địa phương, không chỉ các chị em phụ nữ vui mừng, mà ngay cả các ông chồng đã từng là thủ phạm BLGĐ, rồi chính quyền địa phương cũng đều rất phấn khởi khi gặp lại bà. Bởi nhờ có những mô hình và những lớp tập huấn giáo dục nhận thức, hành vi mà cuộc sống gia đình của họ được êm ấm, có thể tập trung phát triển kinh tế gia đình bền vững. Vì thế mà địa phương cũng được hưởng lợi vì không phải lo lắng những vấn nạn đang tồn tại ở địa phương. Gia đình có yên ấm thì xã hội mới phồn vinh. Đó chính là phương châm và sứ mệnh của GS. Lê Thị Quý trong suốt cuộc đời hoạt động vì bình đẳng giới, đẩy lùi BLGĐ ở Việt Nam.

Ngày đó mô hình của bà gặp rất nhiều khó khăn nhưng bà vẫn quyết định làm và có một niềm tin chắc chắn rằng đây sẽ là hướng đi vô cùng hiệu quả để chống nạn BLGĐ đang rất nghiêm trọng ở Việt Nam. Có lẽ chính sự thông cảm và thấu hiểu của những người phụ nữ với nhau, cùng sự đồng cảm với nỗi đau của các nạn nhân BLGĐ đã giúp bà có niềm tin và sự kiên trì để có thể xây dựng được những mô hình thành công như ngày hôm nay. 

Bài và ảnh: Vi Thảo


Ý kiến của bạn