Như Báo Sức khỏe & Đời sống đã đưa tin, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vừa cứu sống bệnh nhân 34 tuổi do ngộ độc lá ngón.
Ngày 4/4, nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, suy hô hấp, tụt huyết áp, sụp mi mắt, yếu tứ chi, vã mồ hôi, chân tay lạnh.
Ngay sau khi nhập viện, người bệnh nhanh chóng được đặt nội khí quản thở máy, truyền dịch nâng huyết áp, gây nôn, bơm rửa dạ dày, dùng thuốc nhuận tràng, dinh dưỡng qua đường truyền tĩnh mạch. Trong chất nôn và dịch rửa dạ dày, có lẫn lá ngón bệnh nhân ăn trước đó. Sau 6 ngày điều trị và chăm sóc tích cực, hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.
Trước đó, Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) cũng ghi nhận 2 trường hợp trẻ tử vong do ăn phải lá ngón phía sau nhà. Còn tại tỉnh Sơn La cũng mới phát hiện 2 học sinh lớp 8 ăn nhầm lá ngon ở đối phía sau trường trong giờ ra chơi.
Sau khi ăn, các em có biểu hiện bất thường gồm đau đầu, chóng mặt, được đưa đến Bệnh viện đa khoa cấp cứu theo phác đồ ngộ độc, truyền dịch, hồi sức. Tuy nhiên, do chất độc trong lá ngón được cơ thể hấp thụ nhanh, một em đã không qua khỏi.
TS. Ngô Đức Phương, Viện trưởng Viện thuốc nam cho biết, lá ngón giống một số cây trong nhóm chè vằng hoặc cây bướm bạc nên vẫn thường bị hái nhầm về uống. Trong đó, phổ biến nhất là nhầm cây lá ngón với cây chè vằng.
Ngoài ra, còn 1 cây khác cũng dễ nhầm được gọi với tên "Rau ngón" mà một số người dân ở vùng Tây Bắc vẫn hái về làm rau ăn, là một cây thuộc họ Thiên lý (Asclepiadaceae).
Vì thế để phân biệt giữa cây lá ngón và cây chè vằng, TS Ngô Đức Phương hướng dẫn người dân chú ý đến hoa và quả của hai loại này. Theo đó, hoa của cây lá ngón có màu vàng tươi, không có mùi thơm ngào ngạt; trong khi hoa của chè vằng có màu trắng, mùi thơm ngào ngạt.
"Quả của cây lá ngón là dạng quả nang (khi khô màu nâu, nứt thành 2 mảnh), hình thon dài, dẹt, chứa nhiều hạt nhỏ; quả của Chè vằng là quả mọng, hình trái xoan, chín màu tím đen, thường chứa 1 hạt cứng", TS Ngô Đức Phương thông tin.
Trong khi đó, cây Rau ngón mà người dân vùng Tây Bắc (Lai Châu) làm rau ăn là 1 loài thuộc họ Thiên lý, có đặc điểm dễ phân biệt với lá ngón bởi lá có kích thước lớn, khoảng 8-10cm (hoặc hơn), gốc lá hình tim, dây và lá có nhựa mủ trắng, hoa là 1 chùm hình tán (các hoa là 1 chùm với các hoa mọc từ 1 chỗ và có cuống hoa dài bằng nhau), hoa màu lục hoặc vàng chanh.
TS Ngô Đức Phương khuyến cáo, khi phát hiện người bị ngộ độc lá ngón, phải nhanh chóng loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể bằng các biện pháp gây nôn, sau đó chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí rửa dạ dày, uống than hoạt tính, truyền dịch, điều trị giải độc, tránh những biến chứng nặng nề, nguy cơ tử vong.
Để phòng ngừa ngộ độc lá ngón, chuyên gia này cho rằng biện pháp hữu hiệu nhất là nên chặt bỏ tất cả những cây lá ngón được tìm thấy.