Hôm nay (4/8) là tròn 32 ngày gia đình chị Lan Hương (39 tuổi, ngụ Phường 14, Quận 10, TP.HCM) cùng nhau vượt qua COVID-19. Sau hơn nửa tháng đi cách ly và điều trị, gia đình chị đã chính thức đoàn tụ, cả nhà được quay về tổ ấm thân thương.
Vượt qua nguy kịch
Gia đình chị Lan Hương có 7 người. Hai vợ chồng chị sống cùng mẹ chồng, ba người con và một người giúp việc.
Ngày 4/7, chị Hương thấy người sốt cao, ho liên tục, toàn thân nhức mỏi. Sống trong đại dịch, chị mơ hồ nghĩ đến khả năng mình đã mắc COVID-19 bởi trước đó, toàn bộ gia đình em chồng chị gồm 8 người đều có kết quả dương tính. Trong lúc mê man, khó thở, nghĩ mình khó lòng vượt qua, Chị Hương nhờ chồng gọi điện gấp cho ba mẹ chị ở Vĩnh Long. Qua điện thoại, chị nói: "Con nghĩ con đã mắc COVID-19, sức khỏe con hiện không tốt, ba mẹ thắp nhang cầu nguyện thêm giúp con".
20h ngày 7/7, chị Lan Hương được chuyển từ Bệnh viện Quận 10 sang Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch trong tình trạng sốt cao và khó thở. Kết quả xét nghiệm RT-PCR của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cho thấy chị Hương dương tính với SARS-CoV-2. Trong cơn mê man, chị vẫn nhớ tiếng cô y tá nhẹ nhàng nói: "Cố lên chị, đến bệnh viện rồi, chị sẽ vượt qua".
Thật kỳ diệu, gần 10 ngày sốt mê man, ho liên tục nhưng chỉ một đêm ở bệnh viện, chị nói mình như được tái sinh. Những ngày điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, chị nhận ra y bác sĩ nơi đây làm việc vô cùng vất vả, phờ phạc do thiếu ngủ nhưng không vì vất vả mà họ cáu gắt với bệnh nhân. Họ ân cần hỏi thăm người già, quan tâm và chu đáo với bệnh nhân trẻ. Chị nhớ như in hình ảnh cô y tá nhỏ nhẹ hỏi một bệnh nhân đã lớn tuổi: "Từ tối đến giờ bà đã ăn gì chưa?", Bà bảo:" Mệt quá con ơi, bà chưa ăn gì".
Cô ý tá nhẹ nhàng nói: "Đây là thuốc đêm, bây giờ bà cố gắng ăn ít cháo, sau đó hãy uống thuốc nhé". Nói rồi cô chạy ra ngoài nhờ một y tá khác đổ một tô cháo gói cho bệnh nhân ấm người. Chưa kể, trong viện có nhiều người đóng tã bị hăm, có cụ đau mắt nhưng quên không đem theo thuốc nhỏ, bác sĩ Bằng -Trưởng khoa A5 đã tận tâm mua tặng họ những tuýp thuốc hăm, thuốc nhỏ mắt. Tấm lòng của bác sĩ trưởng khoa cộng với sự tận tâm đã khiến các bệnh nhân vô cùng xúc động. Tất cả những hành động nhân văn của y bác sĩ đó chị Lan Hương đã tận mắt chứng kiến và kể lại sau khi xuất viện.
Sau 3 ngày điều trị COVID-19 ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, sức khỏe chị Hương dần hồi phục, ăn uống và thể dục tốt. Sau 5 ngày chị có thể giúp đỡ mọi người, nhất là những bệnh nhân cao tuổi, mắc COVID-19 nặng.
Vừa vượt qua của tử, chị Hương biết tin các thành viên còn lại của gia đình bị dương tính và phải đi cách ly. Trong đó có thông tin từ khu cách ly là cậu con trai út 5 tuổi bị sốt nặng. Thương con nhỏ, cả đêm chị mất ngủ vì biết con sốt mà không thể ở cạnh, không thể tự tay chăm con, nhớ con vì xa cách lâu ngày… đã có lúc chị thật sự bấn loạn. Đêm không ngủ chị đi xem oxy cho người già, ngày chờ đợi kết quả của con chị lao vào chăm sóc các cụ. Dù lo lắng, căng thẳng nhưng chị vẫn bình tĩnh liên hệ để sắp xếp mọi thứ tốt nhất cho con. Kết quả xét nghiệm RT-PCR của con âm tính, chị như được tái sinh lần 2.
Trong quá trình điều trị, cả nhà chị Hương tạo một group gia đình, hằng ngày nhắn tin, gọi điện động viên, cổ vũ tinh thần, cùng nhau thể dục, không ngừng nâng cao đề kháng để gia đình sớm vượt qua sóng gió này.
Tình nguyện ở lại viện để chăm cụ bà mắc COVID-19 nặng
Trong bệnh viện điều trị COVID-19, mỗi sáng chị Hương dậy sớm nấu nước ấm cho các cụ già, tập thể dục, uống thuốc đều đặn, nghe lời dặn của bác sĩ thường xuyên tập hít thở giúp phổi nhanh phục hồi.
Vượt qua nỗi sợ về căn bệnh hiện tại, chị chia sẻ và lan tỏa các thông tin tích cực, giúp mọi người hiểu hơn về dịch bệnh, biết cách nâng cao đề kháng, vượt qua và vững tin trong mọi việc. Bên cạnh đó, chị kêu gọi người thân ủng hộ kem chống hăm, tã bỉm, miếng lót, khăn giấy ướt cho các bệnh nhân cao tuổi của bệnh viện.
Thấy mình khỏe dần trong khi bệnh viện dần quá tải, các y tá, điều dưỡng mệt mỏi vì mất ngủ, chị Hương tự nguyện dốc sức chăm người già nơi bệnh viện. Bệnh nhân nào không có người nuôi, không có người đút cháo, cho uống thuốc, thay tã, chị đều đến giúp họ.
"Phòng tôi điều trị có nhiều bệnh nhân cao tuổi. Tôi nhìn họ là liên tưởng đến cha mẹ già của mình. Tôi thấy họ khó khăn, yếu thế, tôi nghĩ họ như ông bà, ba mẹ mình vậy, rất muốn giúp đỡ họ phần nào. Nhưng những gì tôi làm không có gì to tát cả. So với những y bác sĩ, điều dưỡng ở đây, công sức của tôi quá nhỏ bé", chị Hương cho biết.
"Bà ráng ăn hết chén cháo này cho khỏe, trưa nay con thấy bà ăn giỏi quá, bà bệnh mà cố gắng ăn vậy là nhanh khỏe lắm, ráng uống thuốc đúng giờ sẽ nhanh về nhà thôi". Những ngày chăm sóc cho cụ bà, chị Hương hỏi thăm biết bà tên Chuộc, 84 tuổi, nhà ở quận 5, có 8 người con, khi vào viện rơi mất điện thoại nên không nhớ số của người thân. Chị hỏi thăm "Bà nhớ con cái của bà không? điện thoại hư rồi, đã bao ngày bà chưa gặp họ?". Cụ bà với khuôn mặt phúc hậu, hiền lành, tay run, giọng nhỏ nhẹ nói "Nhớ con, nhớ cháu lắm". Chị nhanh liên hệ với bệnh viện lấy số, giúp bà gọi về gia đình cụ Chuộc. Các con cụ được gặp mẹ trong niềm xúc động khôn nguôi.
Sau 5 lần xét nghiệm âm tính, ngày 22/7 chị Lan Hương được xuất viện. Thế nhưng chị xin bác sĩ trưởng khoa được ở lại để chung tay cùng các y bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân già. Ngày đó cũng là ngày cụ Chuộc trở nặng, chị càng tha thiết được ở lại. Tuy nhiên do quy định phòng chống dịch, bệnh viện không đáp ứng được nguyện vọng của chị Hương.
Buổi sáng ngày về, biết bà Chuộc trở nặng mà chị không thể ở lại tiếp tục chăm sóc, chị Hương quyết định dừng hết các công việc tư vấn, chia sẻ về COVID-19 hay công tác thiện nguyện, dành nhiều thời gian cạnh bà. Chị nhanh chóng liên hệ với tất cả con cháu để bà được gặp qua Zalo. Theo mong muốn của gia đình, chị Hương nhanh chóng thay tã, mặc cho bà bộ đồ mới, kịp đút cho bà tô cháo và giúp bà uống nước.
Chị kể: "Tôi cố gắng bình tĩnh để trấn an các anh chị, khi gặp đừng xúc động quá để bà mệt. Vậy mà những lời xin lỗi, lời khẩn cầu tha thiết lần cuối của cháu nội, cháu ngoại, các con bà đã làm tôi rơi nước mắt. Chỉ khi thấy bà mỉm cười, tôi mới nhẹ lòng đôi chút".
14h chiều ngày 22/7 chị Hương xuất viện. Vừa về đến nhà, chị được y tá bệnh viện thông báo cụ Chuộc đã qua đời lúc 16h30. Lòng chị nặng trĩu. Niềm vui được đoàn tụ cùng gia đình của chị không trọn vẹn. "Bà, con tuy không phải con cháu của bà nhưng con có phước phần được thay anh chị chăm sóc bà chặng cuối. Anh chị, em tuy không phải người thân của bà nhưng em rất hạnh phúc khi được lo cho bà", chị nhắn gửi bà và người thân của cụ Chuộc trên Facebook.
Việc làm của chị Lan Hương không những được gia đình cụ Chuộc, các bệnh nhân biết ơn mà còn khiến các y bác sĩ điều trị COVID-19 ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch trân trọng. Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, TS. BS Nguyễn Đức Bằng - Trưởng khoa A5, khu điều trị COVID-19, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cho biết:
"Bệnh nhân Lan Hương nhập viện trong tình trạng mắc COVID-19 khá nặng, thở khó, phổi bị tổn thương. Nhưng chị ấy luôn có tinh thần lạc quan và giàu lòng nhân ái. Chị nhiệt tình giúp đỡ các bệnh nhân cùng phòng, tận tình đút cháo, thay tã, cho uống thuốc và trò chuyện cùng các cụ. Ngoài ra, chị ấy còn là phiên dịch viên cho hai bệnh nhân người Nhật. Sau 5 lần xét nghiệm âm tính, chị Hương được ra viện đoàn tụ gia đình nhưng khi biết cụ Chuộc già, sức khỏe yếu, chị tình nguyện xin ở lại vài ngày để chăm sóc cụ. Đây là điều rất hiếm. Chị ấy có nói với tôi: "Nhìn những bệnh nhân này em lại nghĩ đến bố mẹ già ở nhà nên muốn chăm sóc họ".
Hiện tại, chị Hương và gia đình đang có những ngày đoàn tụ, quây quần vui vẻ bên nhau. Về nhà, chị tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, gia nhập hội phụ nữ, kêu gọi hỗ trợ ủng hộ các bệnh viện tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19. Đồng thời, chị cũng nỗ lực viết, chia sẻ các kinh nghiệm và trải nghiệm của bản thân như: Việc chuẩn bị tâm lý cho người già và trẻ em khi biết mình mắc COVID-19; việc cần làm khi trong gia đình có người thân mắc COVID-19 trở nặng trong khi không thể đến bệnh viện...và nhiều chủ đề tích cực khác.
"Khi mắc COVID-19, mọi người cố gắng giữ vững tinh thần. Đồng thời trang bị cho mình những kiến thức căn bản về bệnh để biết cách nâng cao đề kháng. Không phải mắc COVID-19 là sẽ chết bởi đại đa số là sẽ vượt qua. Mong mọi người dù hoàn cảnh nào cũng vững tin và nỗ lực hết mình, đừng nản lòng, chê trách và thất vọng. Hãy suy nghĩ và hành động tích cực", chị Lan Hương chia sẻ và gửi lời ước mong Sài Gòn nói riêng và cả nước nói chung sẽ sớm vượt qua đại dịch.