BS.CKII Trần Đình Thanh cho biết, năm 2022, nữ bệnh nhân 65 tuổi (ngụ TPHCM) xuất hiện triệu chứng cồn cào trong dạ dày, đau thượng vị nên đã đi khám tại nhiều bệnh viện.
Quá trình thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị loét dạ dày, vết loét rộng 12mm. Sau quá trình điều trị bằng thuốc, bệnh nhân đã không tái khám theo chỉ định của bác sĩ. Khoảng một năm sau, bệnh nhân tiếp tục xuất hiện các triệu chứng tương tự nên tiếp tục đi khám.
Kết quả nội soi cho thấy bệnh nhân bị loét dạ dày cấp tính. Sau 1 tháng điều trị bệnh, các triệu chứng vẫn không thuyên giảm nên bệnh nhân đã tiếp tục thăm khám và nội soi dạ dày lần 3.
"Kết quả nội soi ghi nhận, trong dạ dày của bệnh nhân nhiều nang lao nhỏ với các chất hoại tử dạng bã đậu. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc lao dạ dày hiếm gặp", bác sĩ Thanh cho hay.
Theo bác sĩ Thanh, lao dạ dày là bệnh rất hiếm gặp. Do dạ dày có axit dịch vị nên khả năng vi trùng lao tồn tại ở khu vực này là rất khó. Tuy nhiên, một số trường hợp có hạch bạch huyết lân cận bị nhiễm lao dẫn đến xâm nhiễm và gây ra lao dạ dày.
Thông thường, lao dạ dày thường gặp ở những người đã mắc bệnh lao ở các vị trí khác trên cơ thể, đặc biệt là ở phổi hoặc ruột. Tuy nhiên, ca bệnh này chưa từng mắc bệnh lao và cơ thể cũng không có dấu hiệu mắc bệnh lao.
Người bệnh điều trị theo phác đồ của chương trình chống lao quốc gia, sau 6 tháng điều trị tình trạng bệnh nhân đã cải thiện, tiên lượng tốt, BS.CKII Trần Đình Thanh nói.
Bác sĩ khuyến cáo, bệnh lao dạ dày là bệnh rất nguy hiểm, hiếm gặp và dễ nhầm lẫn với những bệnh khác nên người dân cần đặc biệt chú ý. Ngay khi xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, đau vùng thượng vị, buồn nôn, nôn, chán ăn, giảm cân, đầy bụng, khó tiêu, mệt mỏi kéo dài… cần tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Bệnh lao dạ dày nếu không được điều trị kịp thời có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày, hẹp môn vị, áp xe và dò đường tiêu hoá…