Xem những hài nhi xấu số như con
Một ngày đầu tháng 10, lách qua nhiều con đường đầy bụi và gập ghềnh ổ gà, chúng tôi cũng tìm được đến nhà của chị Phan Thị Kim Lợi ở Hòn Thơm (Vĩnh Ngọc, Nha Trang, Khánh Hòa).
Sau căn nhà nhỏ là quả đồi rộng mênh mông đã được phủ gần kín bởi những ngôi mộ lớn, nhỏ. Giữa tiếng tụng kinh cầu an được được phát ra từ những chiếc loa, đôi tay chị Lợi vẫn thoăn thoắt lau chùi, chăm chút cho từng ngôi mộ. Thỉnh thoảng, chị Lợi lại kéo vạt áo lên lau vội những dòng nước mắt cứ tự nhiên trào ra.
Chị Lợi tâm tình: "Giờ đang là cao điểm mùa mưa rồi, ngày nào tôi cũng phải lên nhang khói, sợ các "con" lạnh, buồn, tủi thân".
Ngược thời gian, khoảng năm 2002- 2003, ông ngoại của chị Lợi tình cờ phát hiện một số hài nhi vì lý do nào đó bị vứt bỏ nên ông đã nhận về xây mộ, an táng trong chính quả đồi của gia đình mình.
Khi còn sống, hàng ngày, ông ngoại của chị Lợi dẫn chị ra thắp hương cho các sinh linh bé bỏng và căn dặn "dù chưa được cất tiếng khóc chào đời nhưng những hài nhi này đã có tim thai, người ta trút bỏ đi thì mình nhận về an táng vậy".
Khi ông ngoại của chị Lợi mất đi vào năm 2004, với sự hỗ trợ, đồng cảm của người thân, chị Lợi chính thức bắt tay vào xây dựng nghĩa trang hài nhi và đặt tên là "Trang viên hoa hồng".
Kể từ đó, ngày nắng cũng như ngày mưa, chị Lợi cào cỏ, đào đất thành những hố nhỏ, sau đó kiếm gạch xây sẵn thành những chiếc huyệt.
Hễ biết bệnh viện, phòng khám nào hay bất kể ai thông báo có hài nhi bị vứt bỏ là chị Lợi lại lao đến mang về, tắm rửa sạch sẽ và bọc trong những tấm vải sạch để an táng.
Không chỉ thai nhi, mà cả những trẻ sơ sinh bị tật nguyền không may bị mất khi vừa chào đời, chị Lợi cũng nhận hết về chôn cất. Trên hầu hết bịa mộ hài nhi, chị Lợi đều ghi (mẹ Bê lập mộ - Bê là tên gọi thường ngày ở nhà của Phạm Thị Kim Lợi).
Người thấu hiểu, cảm phục việc làm của Lợi gọi chị là "người sưởi ấm cho hài nhi xấu số". Cũng có người nhìn qua và nói chị là "lo chuyện bao đồng". Người thờ ơ gọi chị là "chuốc khổ vào thân"… Tất cả những điều ấy đều trôi qua chị như một làn khói mỏng manh.
Chị Kim Lợi bộc bạch rằng: "Quả đồi này rộng khoảng 2 héc ta. Trước đây trồng bạch đàn, cho giá trị kinh tế cao. Nhưng theo di nguyện của ông ngoại, gia đình tôi kiên quyết chỉ dùng để an táng hài nhi xấu số. 19 năm gắn bó với việc này, có nhiều câu chuyên đẫm nước mắt, thấy thương các "con" đến thắt lòng". Từ mấy hài nhi, trẻ sơ sinh xấu số ban đầu, đến nay số lượng ngôi mộ đã chạm mốc 14.000.
Có lúc ôm hài nhi vào lòng trước khi an táng mà...nhức nhối con tim
Trong quãng thời gian 19 năm đi nhận hài nhi, trẻ sơ sinh tật nguyền bị mất về an táng, dẫu đã cố kìm lòng nhưng cũng có lúc chị Lợi bật khóc nức nở.
Như cách đây không lâu, giữa đêm vắng, điện thoại Phạm Thị Kim Lợi liên tục đổ chuông, bấm nút nghe, đầu dây bên kia vang lên câu hỏi "có hài nhi bị bỏ, nhận về an táng không?". Lập tức chị Lợi trả lời "tôi đến ngay".
"Lúc đó khoảng 23 giờ khuya, tôi lao lên Khoa sản của một bệnh viện, người ta trao cho tôi một túi chứa ba hài nhi của một người phụ nữ mang tam thai nhưng không muốn giữ lại. Hài nhi quá lớn, còn nóng hôi hổi, tôi ôm chặt vào lòng mà cứ thấy tim mình nhói lên. Cảm giác như tim của những hài nhi kia vẫn còn thoi thóp vậy. Về nhà an táng cho các "con" xong, lòng tôi vẫn cứ cồn cào một nỗi xót xa"- chị Lợi thổ lộ.
Trong "Trang viên hoa hồng", tất cả 14.000 mộ hài nhi đều được chị chăm chút như nhau, mộ to thì để an táng những bé đã lớn.
Biết được việc làm của chị Kim Lợi, ngày càng nhiều người gọi đến chị hoặc trực tiếp mang hài nhi đến cho chị. Có đêm mưa gió, nghe tiếng gọi cửa, chạy ra thì thấy một túi thai nhi trước nhà, người mang đến chạy hút vào bóng đêm.
Trong tiếng chuông gió ngân lên, chị Kim Lợi kể tiếp: "Tôi đều thương tất cả các "con" như nhau hết. Sợ các "con" buồn nên tôi lắp nhiều chuông gió. Trong nghĩa trang còn có công viên nữa. Còn điểm thờ Phật cầu an là do các nhà sư ở một số chùa dựng giúp và thỉnh tượng về. Ở đây bên cạnh mộ của các "con" chưa được thấy ánh sáng mặt trời thì còn nhiều mộ của các "con" đã được sinh ra, nặng 4-5 kg rồi nhưng bị tật nguyền hoặc sự cố mà mất. Có người thì xa xứ đến đây làm ăn, vì quá khó khăn, khi con nhỏ tử vong cũng mang đến gửi gắm…".
Có những hài nhi nhận được từ… Shipper
Dẫn tôi đến những ngôi mộ được ngăn làm 3 ô, gắn 3 tấm bia, chị Kim Lợi rưng rưng nước mắt: "Mộ này là chỗ an táng 3 hài nhi bỏ trong một túi đen. Nghĩ rằng, các "con" đã bị "trút" chung vào một túi khi chưa kịp cất tiếng khóc nên tôi an táng sát vào nhau để nếu có thế giới bên kia, các "con" sẽ bầu bạn cùng nhau".
Tự nguyện gắn với những nhọc nhằn nhưng Phạm Thị Kim Lợi vẫn luôn tự nhủ mình còn may mắn. May là được người chồng và gia đình nhiệt tình ủng hộ, phụ giúp, đồng hành. May là tất bật tối ngày nhưng vẫn giữ được sức khỏe để lo cho các hài nhi.
Thế nên, có bao nhiêu hài nhi xấu số đến với chị Lợi bằng cách này hay cách khác, chị đều nhận hết và xem đó như một duyên phận.
Chỉ về một số ngôi mộ có ghi quê quán, chị Lợi tâm tình: "Đó là những hài nhi tôi nhận được qua Shipper hoặc từ nơi khác gửi đến. Trong những túi hài nhi ấy thường để kèm lá thư, trong thư chỉ ghi: Phương Linh, ở Móng Cái. Có thư thì ghi: hài nhi từ Vũng Tàu…Thế nên an táng xong, tôi ghi các thông tin này lên bia mộ".
Không chỉ thường xuyên chăm chút hương khói, lau dọn và cầu an cho 14.000 mộ hài nhi mà trong những ngày lễ như: Tết Trung thu; ngày rằm, Quốc tế thiếu nhi…chị Lợi đều mua những phần quà, món đồ chơi…đặt lên mộ các "con" của mình với ước mong những sinh linh này sẽ tìm được sự bình an, ấm cúng ở một thế giới khác.
"Đây cũng là niềm hạnh phúc mà tôi đã lựa chọn và sẽ còn tiếp bước cho đến khi không còn sức khỏe nữa", Chị Kim Lợi cho biết.
Chị Kim Lợi và nơi an táng 14.000 hài nhi xấu số.