Người phụ nữ dân tộc Tày quyết tâm phát triển cây dược liệu trên quê hương

07-10-2022 18:10 | Y học cổ truyền

SKĐS – Mong muốn cải thiện các đồi núi trọc ở vùng núi khó khăn với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, người phụ nữ dân tộc Tày đã quyết tâm đưa và phát triển cây dược liệu…

Phát triển dược liệu quý trên đồi núi trọc

Chị Trịnh Thị Thanh Hòa, người dân tộc Tày ở tiểu khu Mu, Thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Nơi chị sinh sống là một huyện miền núi khó khăn của tỉnh Hòa Bình với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.

Người dân nơi đây đều trồng cây nông nghiệp có giá trị không cao, cùng với đó lại có nhiều đồi núi trọc. Thấy vậy, chị Hòa đã mạnh dạn tìm hiểu loại cây trồng mới du nhập vào Việt Nam năm 2016 - 2017 có tên là sachi và mang về quê hương để trồng thử nghiệm ở trên các đồi núi trọc nhằm cải thiện đời sống người dân nơi đây.

Sachi là loại thực vật thuộc họ thầu dầu. Hạt của chúng chứa lượng dinh dưỡng cao được dùng nhiều trong các ngành như thực phẩm, dược phẩm, công nghiệp, mỹ phẩm. Theo các nghiên cứu hàm lượng Omega 3,6,9 trong sachi rất dồi dào góp phần vào việc điều hòa huyết áp, ngăn ngừa các bệnh tim mạch, viêm khớp, chống lão hóa…

Tại nước ta, sachi đã được trồng ở nhiều nơi nhưng tại Đà Bắc chưa có. Trong khi đó sản phẩm từ sachi có thị trường tiềm năng ở các thành phố lớn nên chị Hòa đã tìm giống trồng thử và nhân rộng với diện tích trên 15ha ở những đồi núi trọc của quê hương.

Vào năm 2017, những hạt sachi đầu tiên được chị thu hoạch và được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Vùng trồng dược liệu quý này được chị quyết định mở rộng.

photo-1665138292954

Chị Hòa tích cực phát triển các giống cây nguyên liệu, dược liệu. Ảnh NVCC

Chị Hòa kể, ban đầu khi trồng loại dược liệu này cũng gặp nhiều khó khăn vì bà con chưa biết đến hiệu quả như thế nào. Sau khi trồng thử nghiệm thành công 15 ha, bà con địa phương mới yên tâm sản xuất.

Vào năm 2018 cây sacchi được công nhận chính thức là giống dược liệu mới ở nước ta. Chị Hòa đã thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình, phát triển vùng nguyên liệu với diện tích trồng tăng lên tới trên 40ha. Bên cạnh đó chị cùng các cộng sự đã xây dựng thêm xưởng chế biến sachi thành các mặt hàng như trà túi lọc, hạt sấy, dầu ép lanh…nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng thị trường. Sản phẩm trà đã được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm hạt sấy đạt chứng nhận OCOP 3 sao tỉnh Hòa Bình năm 2020. Đặc biệt, những phụ phẩm sau sơ chế, chế biến đã được tận dụng để trồng nấm, ủ phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây.

Việc phát triển nguồn dược liệu này đã góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương nơi đây. Chỉ tính riêng năm 2020, cây sachi đã mang lại doanh thu 3,8 tỉ đồng, tổng lợi nhuận xấp xỉ 800 triệu đồng và tạo việc làm cho 140 lao động ở địa phương. Mô hình trồng và chế biến từ cây sachi còn được UBND tỉnh Hòa Bình công nhận Sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng cấp tỉnh.

Nỗ lực phát triển các giống cây mới

Vào năm 2021, chị Hòa đã chuyển đổi trồng thêm gai lai để làm nguyên liệu sợi tự nhiên. Đây cũng là một giống cây mới chứ từng được trồng ở địa phương. Để mở rộng vùng nguyên liệu, chị Hòa đã liên kết với các hộ dân có đất để sản xuất tại các xã trong huyện mở rộng diện tích đạt 76 ha. Cùng với đó, chị đầu tư cho các hộ dân mua máy móc chế biến sợi gai, các sản phẩm từ cây gai. Hiện sợi gai khô được bán cho Nhà máy dệt sợi An Phước ở Thanh Hóa để chế biến xuất khẩu, cung cấp cho các làng nghề truyền thống. Lá gai được cung cấp cho làng nghề bánh gai và đặc biệt là củ gai được cung ứng cho công ty dược liệu.

Sau khi vùng nguyên liệu đi vào ổn định không chỉ gia tăng lợi nhuận cho gia đình, HTX của chị Hòa làm chủ cũng đã góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều thanh niên, phụ nữ dân tộc thiểu số tại địa phương. Các hộ tham gia trồng nguồn nguyên dược liệu này đã có thu nhập bình quân từ 80 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 3 lần trồng các nông sản khác.

Phát triển cây dược liệu, cây nguyên liệu là hướng đi mới, những mô hình trồng cây dược liệu của chị Hòa đã và đang góp phần góp phần xoá đói, giảm nghèo cho người dân địa phương, tăng thu nhập chuyển dịch cơ cấu cây trồng, làm giàu trên chính quê hương mình.

Với những nỗ lực và sự đóng góp của mình, năm 2021 chị Hòa đã vinh dự là một trong những tấm gương nhà nông trẻ xuất sắc được tuyên dương trong Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn Thanh niên Việt Nam tổ chức.


Gia Minh
Ý kiến của bạn