Bệnh nhân là bà Nguyễn Thị M. (57 tuổi, Ninh Giang, Hải Dương). Theo lời kể của gia đình trong lúc đi gặt lúa thuê, bà M. không may bị máy tuốt lúa cuốn qua dây thừng, tạo thành vòng thòng lọng thắt quanh cẳng tay phải, khiến cẳng cánh tay phải bị tổn thương rất phức tạp.
Theo TS. Nguyễn Viết Ngọc, Khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật cho biết, đây là trường hợp rất đặc biệt. Qua thăm khám được biết: bệnh nhân tư duy chậm, không lấy chồng và hiện đang sống cùng bố mẹ già trên 80 tuổi. Công việc hàng ngày là mò cua, bắt ốc, làm thuê các công việc đồng áng và cơm nước phụng dưỡng bố mẹ già.
Sau khi đánh giá kỹ tổn thương thấy rằng, hoàn toàn giữ lại được bàn tay cho người bệnh vì thần kinh giữa và thần kinh trụ bị đứt nhưng không bị đụng dập nhiều và có thể khâu nối trực tiếp, các gân bị tước và đụng dập nhưng hầu như chưa bị đứt. Vì vậy có thể trồng nối giữ, sau đó phục hồi chức năng bàn tay cho bà M.
Theo TS. Ngọc, bệnh nhân may mắn khi được đưa tới Bệnh viện cấp cứu kịp thời, nên có thể trồng nối giữ, sau đó phục hồi chức năng bàn tay cho bà M.
Hiện nay, bàn ngón tay của bà M. phục hồi tốt, bắt đầu có cử động gấp duỗi các ngón tay. Tuy nhiên, để phục hồi chức năng cần thiết, bà M. phải mất thêm 6 tháng để tập vật lý trị liệu.
Qua trường hợp này, TS. Ngọc cảnh báo, người lao động cần chú ý an toàn lao động khi làm việc với máy móc, thiết bị có dây curo, băng tải máy cuốn bởi chúng có thể khiến người lao động gặp phải tổn thương nghiêm trọng.
Theo phân tích của Bộ LĐ-TB&XH, lĩnh vực xây dựng có tỷ lệ tai nạn lao động cao nhất, chiếm 35,2% tổng số vụ tai nạn chết người và 37,9% tổng số người chết. Ngoài ra, các lĩnh vực cơ khí chế tạo, khai thác khoáng sản, sản xuất nông lâm nghiệp cũng có tỷ lệ tai nạn lao động cao. Một vấn đề cần chú ý trong an toàn vệ sinh lao động chính là môi trường làm việc dẫn tới bệnh nghề nghiệp gây chết người.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cảnh báo, hàng năm, trên thế giới có khoảng 2,3 triệu người chết liên quan đến thương tích (là TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp. Nhưng TNLĐ chỉ có khoảng 350.000 nạn nhân chết; còn lại gần 2 triệu người chết vì bệnh nghề nghiệp. Chúng ta cần kéo giảm TNLĐ chết người ở công trình xây dựng, ở nhà máy cơ khí, ở các doanh nghiệp… nhưng cũng cần chú trọng kéo giảm tình trạng những người lao động tiếp xúc với các yếu tố độc hại trong môi trường làm việc, đến bệnh nghề nghiệp, bởi nó đang chiếm đến 6/7 số người chết.